Có một “bếp xưa” trong di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Chẳng phải xa xôi gì, cách đây chỉ vài thập kỷ thôi, chính chúng tôi - thế hệ 8x cũng là thế hệ có tuổi thơ rất khó khăn, thiếu thốn. Và những củ khoai, củ sắn; những chiếc cày, chiếc bừa, cối xay lúa, chày giã gạo đã cùng chúng tôi lớn lên. Tết này chẳng phải đi đâu xa, chúng ta có thể dễ dàng tìm về và hoài niệm tuổi thơ khi thưởng lãm không gian văn hoá xưa được trưng bày, trang trí công phu tại khuôn viên Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá).
Không gian "bếp xưa" giúp du khách hoài niệm về tuổi thơ
Không sôi động, náo nhiệt như các khu vui chơi giải trí, những ngày đầu năm mới này, khi đến Thành Nhà Hồ khách tham quan sẽ được hòa mình vào không gian xưa, được trải nghiệm, cảm nhận và hồi tưởng về miền ký ức thân thương, ấm áp trong không gian “bếp xưa” của gia đình ở nông thôn Việt Nam với nhiều vật dụng của “đời sống thời bao cấp”. Ai đã có tuổi thơ cách đây vài thập kỷ sẽ không khỏi bồi hồi, xúc động khi ngắm nhìn những hình ảnh, hiện vật ấy; bởi nó đã gắn bó với cả một thời kỳ khó khăn, gian khổ nhưng tình cảm ấm áp, gợi nhớ về những ngày tháng chúng ta thường nói vui với nhau “nghèo mà vui”.
Bên cạnh không gian “bếp xưa” của gia đình ở nông thôn Việt Nam với nhiều vật dụng sẽ là “không gian nông cụ” cũng được tái hiện ở khuôn viên di sản Thành Nhà Hồ. Du khách sẽ được trải nghiệm với những dụng cụ làm nông nghiệp của người nông dân Việt Nam xưa như chiếc cày, bừa, cối xay lúa, lưới đánh cá... và tham gia các hoạt động giã gạo, xay bột...
Du khách thích thú khi được trải nghiệm nhiều hoạt động với những nông cụ ngày xưa
Ngắm nhìn cái “bếp xưa” ở đây chắc sống mũi nhiều người lại thấy cay cay như có mùi khói rơm rạ ngày nào còn phảng phất. Nó gợi nhớ về cái bếp một thời không chỉ là nơi nấu ăn, mà còn là nơi chứa đựng bao kỉ niệm, từng là nơi chia sẻ yêu thương của cả gia đình. Mặc dù “bếp xưa” bày biện đủ thứ lỉnh kỉnh như nồi niêu xoong chảo, cũng là nơi tận dụng để chứa nông cụ lao động; rồi cả củi, rơm rạ, lá khô dùng để đun nấu. Thậm chí những nùn rơm, đống rạ khô ấy còn là nơi cho gà đẻ, ấp trứng.
Bếp xưa đơn sơ là thế, có chút “luộm thuộm” là thế nhưng ngày ngày vẫn vài bận đỏ lửa. Ngày nay, cái bếp với đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp; đồ dùng thậm chí rất sang trọng, cao cấp nhưng có khi vài ngày mới đun nấu một lần, bởi con người với cuộc sống bận rộn đôi lúc lựa chọn những bữa ăn nhanh, nhà hàng, cơm ship…
Không chỉ có “bếp xưa” mà cả “Tết xưa” cũng được tái hiện trong không gian di sản Thành Nhà Hồ. Những hiện vật mang đặc trưng của Tết xưa với mâm ngũ quả, hoa đào, cây quất, mứt tết...được bài trí, sắp xếp một cách khéo léo, kỹ lưỡng với mục đích giúp giới trẻ hướng về nguồn cội, hướng về giá trị truyền thống tốt đẹp.
“Tết xưa” cũng được tái hiện trong không gian di sản Thành Nhà Hồ
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết: Những hình ảnh ý nghĩa được tái hiện trong không gian Tết xưa nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh truyền thống của người dân Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đến với du khách. Từ đó quảng bá thêm về hình ảnh di sản Thành Nhà Hồ với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách tham quan di sản trong thời gian tới. Dự kiến, không gian Tết xưa độc đáo này sẽ được đưa vào phục vụ du khách bắt đầu từ ngày 29/12/2022 đến ngày 19/2/2023. Cùng với đó, nhân dịp Xuân Quý Mão, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ sẽ miễn phí vé tham quan từ ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày mùng 1 tháng Giêng năm Quý Mão 2023.
Việc trang trí, bày biện đã hoàn tất để phục vụ du khách đến thưởng lãm
“Bếp xưa, Tết xưa” được tái hiện ở di sản Thành Nhà Hồ không chỉ giúp những người lớn tuổi hoài niệm về những ngày tháng không thể nào quên; mà còn có ý nghĩa giúp thế hệ trẻ được trải nghiệm; từ đó phần nào có thể mường tượng về cuộc sống của ông bà, cha mẹ họ ngày xưa đã trải qua sự khó khăn, giản dị mà ấm cúng nhường nào.
Nguồn: ngaymoionline.com.vn