Thành Nhà Hồ, 22/12/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 11

    Hôm nay: 1344

    Đã truy cập: 1159761

Lấy di sản nuôi di sản: Chuyện không dễ

Thời gian qua, câu chuyện di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An sẽ áp dụng thu phí tham quan đối với du khách dấy lên nhiều tranh luận, dù rằng nguồn kinh phí thu được sẽ được đầu tư trở lại cho các di tích nhằm hỗ trợ việc bảo tồn. Việc lấy di sản nuôi di sản cũng được xem là tất yếu nhằm giảm “gánh nặng” ngân sách Nhà nước. Dẫu vậy, việc làm thế nào để di sản nuôi di sản - di tích nuôi di tích lại không phải chuyện "một sớm, một chiều" và cần được tính toán kỹ.


Du khách đến tham quan tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

       Di sản văn hóa được hiểu là sản phẩm vật chất, tinh thần (vật thể, phi vật thể) chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử được cha ông xưa sáng tạo và dựng xây, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua hàng ngàn, vạn năm hình thành và phát triển, thế giới có nhiều di sản văn hóa khẳng định cho bản lĩnh, trí tuệ, tài hoa và phi thường của người xưa. Và trên thế giới, câu chuyện các di sản thu phí khách đến tham quan cũng là điều hết sức bình thường. Nguồn kinh phí thu được từ khách tham quan không chỉ giúp cho công tác quản lý di sản được tốt hơn mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản…

       Xứ Thanh, tự bao đời vẫn được ngợi ca là vùng đất “địa linh nhân kiệt” - nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị.

       Chúng ta có một Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ sừng sững trước thời gian, cho đến nay vẫn khiến hậu thế kinh ngạc bởi trình độ - kỹ thuật xây dựng hiếm có; một Khu Di tích lịch sử Lam Kinh bề thế vẫn được ví như “kinh đô tâm linh” của vương triều Hậu Lê; Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu thâm nghiêm, cổ kính; hay di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Sầm Sơn kết hợp vẻ đẹp tạo hóa với bàn tay, khối óc con người; làng cổ Đông Sơn bên bờ sông Mã từng được bình chọn là 1 trong 10 làng cổ đẹp nhất Việt Nam… Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, Thanh Hóa có hơn 1.500 di tích đã được kiểm kê.

       Di sản văn hóa là niềm tự hào, tài sản vô giá. Nhưng đi cùng với đó, còn là trách nhiệm. Trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Đi qua thăng trầm lịch sử cùng thời gian, việc các di sản - di tích xuống cấp là thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, trong khi ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn thì số lượng di tích cần được đầu tư kinh phí trùng tu, bảo tồn lại quá nhiều, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Đây cũng là bài toán khiến nhiều địa phương “loay hoay” tìm hướng giải. Bởi thực tế, chưa nói đến thu phí khách tham quan, chỉ kêu gọi nguồn xã hội hóa cho công tác trùng tu, bảo tồn di tích thôi cũng gặp nhiều khó khăn.

       Dù số lượng di sản - di tích rất lớn, nhưng đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, số lượng di sản - di tích thu phí khách tham quan mới chỉ đếm trên đầu ngón tay và kinh phí thu được từ việc thu phí khách tham quan cũng được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị của di sản văn hóa.

       Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ - một trong số ít điểm đến có thu phí khách tham quan trên địa bàn tỉnh, cho biết: “Những năm gần đây, mỗi năm trừ thuế, nguồn kinh phí thu được từ thu phí khách đến tham quan Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ dao động từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Phí thu được mới chỉ đủ để chi trả cho một số công tác như hướng dẫn viên, bảo vệ, nhân viên thu phí, nhân viên môi trường, cải tạo cảnh quan, không gian trưng bày hiện vật… còn những dự án lớn vẫn cần kinh phí Nhà nước đầu tư”.

Nằm bên bờ sông Mã, làng cổ Đông Sơn được bình chọn là một trong những làng cổ đẹp nhất Việt Nam.

       Lý giải cho việc nguồn kinh phí thu được từ khách tham quan còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng - giá trị di sản, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ lý giải: “Thành Nhà Hồ mới được công nhận di sản văn hóa thế giới hơn 10 năm, cần có thời gian cho việc nghiên cứu tu bổ và cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Chưa kể, là di sản văn hóa thế giới nên việc đầu tư, tu bổ di tích phức tạp, đòi hỏi tuân thủ nghiêm theo quy định của Luật Di sản… Mỗi di sản - di tích có những đặc điểm khác nhau. Có những di sản - điểm đến cần cả vài chục năm cho việc hoàn thiện tu bổ, tôn tạo để trở thành điểm đến hấp dẫn khách tham quan”.

       Và ở góc nhìn khác, việc thu phí khách tham quan khiến cho di tích - không gian văn hóa hoạt động tốt hơn. Là một thiết chế văn hóa, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của cha ông, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là điểm đến tham quan, học tập được nhiều người lựa chọn. Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Bắt đầu từ tháng 1-2023 Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa bắt đầu triển khai thu phí khách tham quan. Việc thu phí được khách đến bảo tàng đồng thuận ủng hộ. Và theo thống kê, lượng khách đến bảo tàng trong những tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023 tăng gần 15%. Kinh phí thu được từ việc thu phí khách tham quan được đầu tư cho hệ thống trang thiết bị, máy tính, bãi xe, dọn dẹp vệ sinh môi trường và hỗ trợ hoạt động chuyên môn… để du khách đến bảo tàng tham quan có trải nghiệm tốt hơn”.

       Là người gắn bó với hoạt động văn hóa lâu năm, đặc biệt là lĩnh vực di tích, ông Trịnh Đình Dương cũng chia sẻ về quan điểm “lấy di tích nuôi di tích”: “Đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện đối với các di tích trọng điểm, giàu giá trị. Tuy nhiên, quá trình đầu tư, đặc biệt đối với các di tích lịch sử văn hóa cần thời gian dài, nguồn kinh phí lớn và Nhà nước phải đi trước trong đầu tư. Việc đầu tư không chỉ trực tiếp cho di tích mà còn cho hạ tầng giao thông kết nối di tích. Tại sao cho đến nay, Lam Kinh hay Thành Nhà Hồ mới chỉ là điểm ghé thăm chứ chưa thể giữ chân du khách ở lại? Là bởi còn thiếu những dịch vụ đi kèm như nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi giải trí… Phải làm thế nào để người dân ở những nơi có di tích có thể “sống được” nhờ di tích thì chính bản thân người dân, doanh nghiệp sẽ đầu tư các dịch vụ phụ trợ. Và khi người dân đã có thể sống khỏe nhờ di tích thì việc đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước thông qua việc đóng thuế cũng là điều dĩ nhiên. Theo tôi, di sản văn hóa nếu được đầu tư đúng ví như “niêu cơm Thạch Sanh”. Tức là có thể khai thác bền vững và mang hiệu quả thiết thực. Đầu tư cho văn hóa - bảo tồn di sản văn hóa là sự đầu tư còn mãi”.

       Rõ ràng, lấy di sản nuôi di sản - di tích nuôi di tích không phải là chuyện của riêng bất cứ địa phương nào. Đó là bài toán mà mỗi địa phương có di sản đều phải trăn trở. Bởi di sản văn hóa không chỉ là tinh hoa văn hóa cha ông, đó còn là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển quê hương, đất nước.

Nguồn: https://vhds.baothanhhoa.vn/

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm