Thành Nhà Hồ, 23/12/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 3

    Hôm nay: 120

    Đã truy cập: 1160131

Nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn Lễ tế Nam Giao Tây Đô

Việc nghiên cứu, phục dựng không gian nghi lễ ở kinh đô Tây Đô và các chuỗi sự kiện liên quan sẽ góp phần đẩy mạnh hơn việc nghiên cứu lịch sử đàn tế Nam Giao ở Việt Nam, qua đó góp phần đẩy mạnh việc nghiên cứu không gian nghi lễ của các vương triều quân chủ phong kiến Việt Nam.

       Tây Đô Đàn Nam giao Tây Đô - Kiến trúc, ý nghĩa lịch sử

       Theo sử sách, từ thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), triều Lý cho đắp đàn Viên Khâu ở phía Nam thành Thăng Long và cứ 3 năm lại tổ chức tế Giao một lần. Từ đó về sau, dường như triều đại nào cũng tổ chức việc tế Giao và đắp đàn tế. Hiện nay, chúng ta được biết đến Đàn tế Nam Giao thời Lý và thời Lê ở kinh đô Thăng Long, Nam Giao thời nhà Hồ ở Tây Đô, đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở Bình Định, Nam Giao thời Nguyễn ở Huế...

       Đàn Nam Giao Tây Đô cách Thành nội (Thành Nhà Hồ) khoảng 3km về phía Đông Nam thuộc địa phận hành chính xã Vĩnh Thành và Tiểu khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc). Đàn tế này gắn liền với sự ra đời của vương triều Hồ trong lịch sử nhà nước phong kiến nước ta (1400 - 1407).

       Cuối thế kỷ 14, vương triều Trần lâm vào cuộc khủng hoảng: Mô hình nhà nước quân chủ quý tộc Phật giáo không còn phù hợp, sản xuất đình đốn, khởi nghĩa nông dân nổi dậy khắp nơi, đất nước đứng trước mối họa xâm lăng của nhà Minh (Trung Quốc). Để cứu nguy đất nước, Hồ Quý Ly là đại thần triều Trần đã tiến hành cải cách đổi mới. Đồng thời, với trọng trách là Phụ chính Thái sư nhiếp chính, năm 1397, ông cho xây dựng kinh đô mới ở vùng đất An Tôn (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay), đến năm 1398 cho rời đô từ Thăng Long về đây, đổi tên gọi là Tây Đô. Tại đây, vương triều Trần tồn tại trên danh nghĩa hai năm (1398 - 1400), ngày 28 tháng 02 năm 1400, Hồ Quý Ly lập nên triều đại Hồ, đổi tên nước là Đại Ngu, niên hiệu của vua được lấy là Thánh Nguyên.

       Để hoàn thiện kinh đô mới, bên cạnh việc xây dựng cung điện trong Hoàng thành, đắp La thành...vương triều Hồ đã cho đắp đàn Nam Giao. Chính sử còn ghi chép rất rõ và thống nhất về việc này:

       Đại Việt sử ký Toàn thư chép: “Nhâm Ngọ (1402), tháng 8, Hán Thương sai đắp đàn Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao... Lệ cũ của đời trước có đặt ra ba bậc lễ nghi, cứ 3 năm một lần làm đại lễ... 2 năm thì làm Trung lễ... hàng năm làm Tiểu lễ...”.

       Đại Việt Sử ký Tiền biên chép: “Nhâm Ngọ, Hán Thương Thiệu Thành năm thứ 2 (1402), tháng 8, Hán Thương xây dựng đàn tế Giao ở Đốn Sơn, làm lễ tế Giao, đại xá. Ngày ấy, Hán Thương ngồi kiệu chạm mây rồng, đi từ Cửa Nam ra, các cung tần bách quan mệnh phụ, thứ tự theo hầu. Thời Trần chưa từng làm lễ tế Giao, Hán Thương bắt đầu làm”.

       Sách Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo thế kỷ XIX viết về đàn Nam Giao Tây Đô như sau: “Ở phía đông núi [núi Đốn Sơn] có đàn tế Nam Giao, có giếng Ngự Dục (Duyên), xếp đá làm thành, bệ cấp uy nghiêm, đền là di tích của Hồ Hán Thương”.

       Như vậy, đàn tế Nam Giao được vị vua thứ hai của vương triều Hồ là Hồ Hán Thương cho xây dựng vào tháng 8 năm 1402 trên núi Đốn Sơn. Lễ tế Giao đầu tiên được tổ chức cùng năm. Đến năm 1407, vương triều Hồ thất bại trước cuộc chiến tranh xâm lược của quân Minh (Trung Quốc), đàn Nam Giao không còn được sử dụng (sử sách không ghi chép về việc sử dụng đàn Nam Giao Thành Nhà Hồ ở các triều đại về sau).

       Đến thế kỷ XIX, sự tồn tại của đàn Nam Giao Tây Đô được nhắc đến trong sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như sau: “Giao đàn cũ nhà Hồ ở phía Nam trên đỉnh núi Đốn Sơn thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, do Hồ Quý Ly xây, dưới đàn có giếng tắm, do Hồ Hán Thương xây đá làm thành, di tích vẫn còn”.

  Giếng Vua ở khu vực Đàn tế Nam Giao.

       Khu di tích đàn Nam Giao được phát hiện, đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh Thanh Hóa từ năm 1980. Năm 1990, cụm di tích lịch sử văn hóa: Đền thờ Trần Khát Chân, Chùa Giáng (Tường Vân), Chùa Giò (Nhân Lộ) và đàn tế Nam Giao thuộc xã Vĩnh Thành đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Trong kế hoạch tổng thể đề cử Thành Nhà Hồ vào danh sách di sản thế giới, di tích đàn Nam Giao Tây Đô được tiến hành nghiên cứu tổng thể.

       Các cuộc khai quật khảo cổ học từ năm 2004 đến 2011 đã làm xuất lộ một đàn tế có nền móng còn tương đối nguyên vẹn nhất trong số các đàn Nam Giao được biết đến ở Việt Nam.

       Trên cơ sở kết quả của 4 lần khai quật, theo đề nghị của Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, năm 2011 - 2012 di tích đàn Nam Giao được chỉnh trang, bảo tồn cấp thiết và đã làm rõ hơn dấu tích các tầng nền đàn và mặt bằng đàn tế với nhiều loại hình di tích khác nhau được xây dựng, bố trí cân đối, khoa học. Với diện tích 4,3ha, đàn tế có kiến trúc khá độc đáo: Lưng dựa núi, mặt nhìn về hướng Nam.

       Tính từ chân Đốn Sơn, đàn tế được xây dựng trên 5 cấp nền giật cấp cao dần lên, nền 1 là nền cao nhất với độ cao 21,7m; nền 5 là nền thấp nhất có độ cao 12m so với mực nước biển. Năm nền đàn được cấu trúc theo hình dạng chữ nhật, quay hướng Nam.

       Đàn Nam Giao Tây Đô có nhiều loại hình kiến trúc khác nhau, như: Viên đàn, đường Thần đạo, các tường đàn, sân đàn, giếng Vua, các nền kiến trúc, đường đi, cống thoát nước, các cửa ra vào... Đây là bộ phận kiến trúc quan trọng tạo thành chỉnh thể quy hoạch kinh đô quân chủ Đại Việt cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV.

       Theo sử sách ghi chép và các nghiên cứu thì ở nước ta đàn tế Giao được xây dựng vào thời nhà Lý (thế kỷ XI) ở Thăng Long và hiện nay đã bị phá hủy hoàn toàn, đàn tế Nam Giao ở thành Hoàng Đế thời Tây Sơn (Bình Định) và đàn Nam Giao thời Nguyễn có niên đại muộn hơn. Như vậy, chỉ có dấu tích kiến trúc mặt bằng đàn Nam Giao Tây Đô là được bảo tồn nguyên vẹn nhất. Do đó, việc nghiên cứu đàn Nam Giao Tây Đô góp phần cho chúng ta so sánh và thấy được phần nào diện mạo của các kinh đô lớn trong lịch sử dân tộc.

       Đàn Nam Giao Tây Đô là minh chứng cho sự giao thoa các giá trị nhân văn của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á; kết hợp tinh hoa của văn hóa bên ngoài với truyền thống bản địa, tạo nên những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Đàn có trục linh đạo quay theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Nền đàn trung tâm dịch hẳn về phía Tây Bắc, vị trí xây dựng và cách thức quy hoạch các công trình theo lối cao dần lên và dựa vào núi. Nó thể hiện quan niệm về ngọn “núi thiêng” nơi thần linh ngự trị. Quan niện này phổ biến trong các cộng đồng cư dân Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó đàn Nam Giao Tây Đô thực sự độc đáo, hiếm có trong lịch sử các đàn tế phương Đông.

       Đàn Nam Giao Tây Đô là công trình tâm linh quan trọng được vương triều Hồ cho xây dựng ở nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, nơi “muôn loài sinh trưởng” để cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, vương triều trường tồn - thịnh trị, đất nước tự cường.

       Với tổng diện tích trên 43.000m2, cùng những nét đặc trưng, đàn tế Nam Giao đã góp phần tăng thêm giá trị đặc sắc của Thành Nhà Hồ và góp phần đưa tổng thể di tích Thành Nhà Hồ trở thành Di sản Thế giới.

Đầu chim Phượng phát hiện tại Đàn Nam Giao.

       Cần nghiên cứu, phục dựng nghi lễ tế Giao, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Thành Nhà Hồ

       Theo các tài liệu, thư tịch cổ ghi lại, nước ta ngay từ thuở đầu độc lập, nhà nước phong kiến đã sớm chuẩn bị và thực hiện nghi lễ tế Giao. Các triều đại như Lý, Hồ, Lê đến Lê Trung Hưng, rồi các chúa Nguyễn, triều Tây Sơn đều tổ chức tế Giao. Sang thời Nguyễn, tế Giao được xem là lễ tế có quy mô và quan trọng nhất của triều đình.

       Thời gian đầu, triều Nguyễn tổ chức tế Giao vào mùa xuân hằng năm. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình định lại ba năm tế Giao một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Nghi lễ này được duy trì cho đến năm 1945, thời điểm sụp đổ của phong kiến Việt Nam.

       Trong các nghi lễ của các kinh đô ở phương Đông cổ truyền nói chung, và kinh đô của các triều đại phong kiến Việt Nam nói riêng: Nghi lễ tế Nam Giao là quan trọng nhất vì đó là nghi lễ tế Trời, tế Thượng Đế (thần chủ cao cấp nhất) theo quan niệm của Nho Giáo: “Nếu như niềm tin vào quyền năng cao cả của Trời là cao quý nhất, thuần khiết nhất của toàn bộ tín ngưỡng người Việt, thì việc tế Nam Giao thể hiện một cách trang trọng tín ngưỡng ấy, cũng là hành vi cao cả nhất” (L.M Lesopold CADIEFRE, Bài “Đàn Nam giao” trong tập “Đàn tế Nam Giao và Kinh thành Huế” do nhà nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ giới thiệu năm 2004).

       Thực tế, theo sử sách ghi chép, Vương triều Hồ đã tiến hành nghi thức tế Giao tại đây, điển hình là vào năm 1402 ngay sau khi xây dựng xong đàn tế. Việc tế Trời nhằm khẳng định tính chính thống của vương triều Hồ trong việc quản nước đồng thời khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc mạnh mẽ của vương triều Hồ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, nhằm cầu cho đất nước thịnh trị, vương triều trường tồn.

       Trong các kinh đô cổ ở nước ta, hiện nay chỉ duy nhất ở kinh đô Huế là đã nghiên cứu, phục dựng được lễ tế Nam Giao (Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phục dựng năm 2004). Từ khi được nghiên cứu và phục dựng cho đến nay, tế Nam Giao ở Huế đã góp phần giới thiệu đến với công chúng trong nước và quốc tế những giá trị văn hóa cung đình đặc sắc của triều Nguyễn, thu hút khách du lịch đến tham quan tìm hiểu kinh đô Huế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

       Thành Nhà Hồ đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới năm 2011. Căn cứ Quy hoạch tổng thể và chi tiết của Di sản Thành Nhà Hồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Kết luận số 82/KL/TU ngày 30/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa giai đoạn 2017 - 2025; thực hiện phát triển du lịch Thành Nhà Hồ (giai đoạn 2015 - 2025) được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành, Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ được xác định là một trong những khu di tích được ưu tiên từng bước đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị.

       Tuy nhiên, để sớm hoàn thành những mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, khai quật, bảo tồn, những giá trị văn hóa “vật thể” của Thành Nhà Hồ, thì việc cần quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng những giá trị “di sản phi vật” thể liên quan đến kinh đô Tây Đô đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến nghị là việc làm quan trọng, cần thiết. Trong đó, việc nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn Lễ tế Nam Giao cần được quan tâm, ưu tiên. Để có tính khả thi cao, cần phải tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, xây dựng đề án, học tập và trao đổi kinh nghiệm... (năm 2004 Lễ tế Nam Giao tại kinh đô Huế mới được nghiên cứu, phục dựng và hiện nay được thực hiện rất thành công).

       Việc nghiên cứu, phục dựng không gian nghi lễ ở kinh đô Tây Đô và các chuỗi sự kiện liên quan sẽ góp phần đẩy mạnh hơn việc nghiên cứu lịch sử đàn tế Nam Giao ở Việt Nam, qua đó góp phần đẩy mạnh việc nghiên cứu không gian nghi lễ của các vương triều quân chủ phong kiến Việt Nam. Đặc biệt, việc làm trên còn góp phần nâng tầm di sản, thu hút khách du lịch đến với Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ. Đồng thời, góp phần giúp Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, với một trong những Chương trình trọng tâm “Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; coi trọng, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể...” và một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là “Phát triển nhanh và đa dạng các ngành, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch”.

       Nguồn: http://svhttdl.thanhhoa.gov.vn/

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm