Cây rau má trong di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ
Rau má là loài cây không xa lạ với người dân Thanh Hóa, nhưng được quy hoạch trồng để phát triển kinh tế, đặc biệt là trồng trong khu vực di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, thì là điều đặc biệt ít ai biết.
3 năm trước, UBND huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cùng với Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, UBND xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc) đã triển khai xây dựng mô hình trồng rau má trong Thành, với mục đích tránh lãng phí đất đai, tăng thêm thu nhập cho người dân vùng phụ cận, đồng thời để gìn giữ, bảo vệ những giá trị văn hóa của Thành nhà Hồ.
Quy trình sản xuất và chế biến rau má hoàn toàn thủ công và không sử dụng chất bảo quản. Ảnh Minh Hải
Khi triển khai dự án, người dân đồng tình ủng hộ và có 16 hộ tham gia trồng với diện tích hơn 1 ha. Qua 3 năm thực hiện, rau má đang dần trở thành điểm nhấn của Thành nhà Hồ và “trà rau má Tây Đô” đã trở thành món quà không thể thiếu cho mỗi du khách khi ghé thăm di sản văn hóa thế giới này.
Rau má phát triển rất tốt trong Thành nhà Hồ, vừa giúp người dân phát triển kinh tế,
vừa giữ gìn những giá trị văn hóa của di tích này. Ảnh Minh Hải
Bà Nguyễn Thị Mến (53 tuổi, ngụ tại thôn Đông Môn 4, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc), 1 một trong 16 hộ tham gia trồng rau má tại Thành, cho biết gia đình bà bao đời nay trồng lúa nước trong khuôn viên Thành, vừa không lãng phí đất đai, vừa có thu nhập. Nhưng trồng lúa hiện nay không có lời, chỉ lấy công làm lãi. Thấy chính quyền địa phương vận động bà con trồng cây rau má, gia đình liền tham gia.
"Sau 3 năm tham gia và thu hoạch, nếu tính 1 sào thu hoạch mỗi năm 4 vụ thì cây rau má cho thu nhập từ 12 -14 triệu đồng/năm”, bà Mến cho biết.
Trà rau má Tây Đô đang là món quá ý nghĩa cho du khách mỗi khi đến Thành nhà Hồ. Ảnh Minh Hải
Một hộ khác cùng tham gia trồng rau má trong Thành nhà Hồ là bà Vũ Thị Thêu (60 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Long) cũng cho biết chưa từng nghĩ phát triển cây rau má thành mô hình kinh tế.
"Trước đây chỉ đi đồng (ruộng - PV), thấy rau má mọc ven các bờ ruộng thì hái về ăn chứ không nghĩ có ngày cây rau má trở thành thu nhập chính của các gia đình chúng tôi. Tuy thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn như cách trồng, chăm sóc và thị trường tiêu thụ, nhưng theo tôi, nếu toàn tâm toàn ý phát triển cây rau má thì sẽ cho thu nhập cao", bà Thêu chia sẻ.
Để khuyến khích người dân trồng rau má, chính quyền xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc đã hỗ trợ người dân quy trình sản xuất, thu hoạch và triển khai thu mua cho người dân. Rau má từ khi trồng đến thu hoạch kéo dài khoảng 3 tháng, sau khi thu hoạch, phần gốc còn lại tiếp tục phát triển tiếp, người dân không phải trồng lại.
Cuộc sống hài hòa giữa di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ với người dân vùng phụ cận. Ảnh Minh Hải
Bà Vũ Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết huyện đưa ra nhiều mô hình, nghiên cứu loại cây trồng sao cho vừa giúp người dân phát triển kinh tế, vừa không làm ảnh hưởng đến các giá trị của Thành nhà Hồ. Cây rau má được lựa chọn vì dễ trồng, không phải đào xới đất sâu…
Theo bà Hương, sau khi hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, chính quyền địa phương sẽ thu mua toàn bộ rau má tươi hoạch khô của người dân. Hiện tại rau má ở đây đã được xây dựng thành thương hiệu trà rau má lấy tên là Tây Đô (tên gọi khác của Thành nhà Hồ). Huyện đã tuyên truyền, vận động 16 hộ tham gia trồng cây rau má trên diện tích quy hoạch khoảng hơn 1 ha.
"Đây là mô hình mới lạ ở Thanh Hóa, đặc biệt là trong di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Do vậy, cùng với phát triển kinh tế, chúng tôi luôn tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân để bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa của Thành", bà Hương nói.
Trồng rau má cho thu nhập tốt tại Thành nhà Hồ. Ảnh Minh Hải
Cũng theo bà Hương, hiện chính quyền địa phương đang khuyến khích, định hướng cho người dân mở rộng diện tích để vừa phát triển kinh tế từ cây rau má, vừa tạo cảnh quan, khai thác du lịch trong Thành nhà Hồ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/