Thành Nhà Hồ, 23/12/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 5

    Hôm nay: 124

    Đã truy cập: 1160135

Đất Tây Đô có đền Tam Tổng...

Tọa lạc trong lòng vùng đất lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng độc đáo với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ cùng hệ thống các di tích, điểm tham quan du lịch kỳ thú, những ngôi đền cổ kính, linh thiêng, thấm đẫm màu sắc huyền thoại, ngôi đền Tam Tổng (xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc) như góp thêm sắc màu, thêm điểm dừng chân ấn tượng cho du khách trên hành trình về với Tây Đô - Vĩnh Lộc.

Không quy mô, bề thế về kiến trúc, nhưng đền Tam Tổng lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu.

       Tây Đô - Vĩnh Lộc một chiều thu! Chút se lạnh của những cơn gió heo may, vài vệt nắng chiều đã phai nhạt cuối đường chân trời, cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện sông - núi, làng mạc thanh bình càng khiến cho lòng người quyến luyến, mê say. Bàn tay vô thức chạm vào thành đá để nghe chuyện lịch sử dội về từ hàng trăm năm trước. Hưng thịnh và suy vi, hào quang hay bi tráng..., tất cả đã khép lại sau bức màn thời gian. Chỉ còn chứng tích xưa vẫn thì thầm kể chuyện, lưu lại dấu ấn vương triều; những danh lam thắng cảnh đã nức tiếng “Thanh kỳ khả ái”; những ngôi làng cổ bao bọc, chở che bao thế hệ cháu con sinh thành và nỗ lực, phấn đấu từng ngày xây dựng quê hương, đất nước; những đền đài, miếu mạo kết thành dải văn hóa - tín ngưỡng linh thiêng... Về với vùng đất Tây Đô, ghé thăm ngôi đền Tam Tổng, lắng lòng nghe chuyện về danh tướng Trần Khát Chân để thấm thía hơn cái danh giá của đất và người nơi đây.

       Trần Khát Chân người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay), ba đời làm Thượng tướng quân. Ông là hậu duệ của Bảo vương Trần Bình Trọng - người lưu dấu ấn đậm nét trong lịch sử chống giặc ngoại xâm với câu nói bất hủ - “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học. 18 tuổi, Trần Khát Chân đã có tiếng là văn võ song toàn. Năm 1388 (năm Mậu Thìn), ông thi đỗ Thái học sinh, sau đó được triều đình trọng dụng phong làm tướng quân chỉ huy đội quân Long Tiệp. Cuộc đời ông gắn liền với giai đoạn lịch sử có nhiều biến động, triều Trần suy vi, những cuộc chiến tranh liên miên, khốc liệt với các lân bang, đặc biệt là Chiêm Thành đã làm cho tiềm lực quốc gia suy kiệt. Trước sự bành trướng, quấy phá của quân Chiêm Thành, ngay trong lúc kinh thành Thăng Long rơi vào thế hỗn loạn, nhiều tướng lĩnh bại trận, Trần Khát Chân, lúc bấy giờ chỉ là một đô tướng, đã khẳng khái vâng lệnh Thượng hoàng Trần Nghệ Tông chỉ huy đội quân Long Tiệp đi đánh giặc. Với sự dũng mãnh, oai phong, mưu lược của Trần Khát Chân, đội quân đã giành thắng lợi, Trần Khát Chân mang thủ cấp của Chế Bồng Nga về bến Bình Than báo tin thắng trận. Trần Khát Chân được phong là Long Tiệp Phụng Thần Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết Quan Nội hầu.

Không gian thờ tự phía trong đền Tam Tổng.

       Chính sự không yên, nhà Trần suy vi khiến quyền lực rơi vào tay Hồ Quý Ly. Ông cùng với một số quan lại trung thành của nhà Trần đã lên kế hoạch mưu sát Hồ Quý Ly nhưng mưu sự bất thành. 370 người, trong đó có ông đã bị giết hại tại Đốn Sơn. Về cái chết của Trần Khát Chân, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: Người đời truyền rằng Khát Chân khi sắp bị chém, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng. Chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như sống, ruồi nhặng không dám bậu vào. Sau đó gặp đại hạn đảo vũ thì ứng ngay... Tác giả Nguyễn Khắc Thuần trong cuốn Danh tướng Việt Nam nhận định: “Rất tiếc là ông đủ tài năng và dũng khí để giết Chế Bồng Nga nhưng lại không sao có thể bảo toàn được tấm thân trước những biến cố phức tạp của triều Trần”. Ngưỡng mộ tài đức của ông, nhiều nơi trên địa bàn Thanh Hóa đã lập đền thờ. Theo sách Thanh Hóa chư thần lục, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều nơi thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân; trong đó, riêng tại huyện Vĩnh Lộc cũng có tới 3 nơi thờ tự là: thị trấn Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Thịnh.

       Ngôi đền Tam Tổng nằm trên địa phận thôn Phương Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc), cách Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ khoảng gần 1 km. Lịch sử hình thành và phát triển của đền gắn liền với giai thoại, truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian. Tương truyền, khi Trần Khát Chân bị hành quyết, trời bỗng nhiên tối mịt. Trần Khát Chân bị chém đầu, đầu rơi xuống đất, Trần Khát Chân nhặt lắp đầu vào và lên ngựa phóng như bay theo đường (Hoa Nhai) lên cổng nam thành An Tôn (Thành Nhà Hồ). Khi Trần Khát Chân đến khu vực cồn Xấm thì gặp một bà lão ngồi bán nước chè xanh ở bên đường, Trần Khát Chân hỏi:

       - Bà có thấy ai chặt đầu rồi lắp đầu vào lên ngựa chạy được không?

       - Tôi nay đã 84 tuổi rồi chỉ thấy có ông là thánh mới rơi đầu rồi có thể lắp lại, bà lão đáp lời.

       Bà lão vừa dứt lời thì cả thân và đầu Trần Khát Chân đổ gục xuống đất. Con ngựa của Trần Khát Chân cưỡi và một con ngựa chạy theo sau đều lồng lên rồi rẽ sang trái, qua cánh đồng làng Thổ Sơn (Thổ Phụ, Vĩnh Tiến) xuống bến Quân, lao ra giữa dòng sông Mã. Nơi hai con ngựa chết nổi lên một khoảng đất mà dân làng gọi là gò ngựa. Dưới chân núi Đún (thị trấn Vĩnh Lộc), Nhân dân lập đền thờ ông. Đây là nơi thờ chính, được xây dựng theo kiến trúc “thượng sàng hạ mộ”. Ngay chỗ thân mình và đầu của Thượng tướng Trần Khát Chân rơi xuống, Nhân dân cũng lập đền thờ, tên gọi đền Tam Tổng (đền Phương Giai), xã Vĩnh Tiến.

       Theo các cụ cao niên của thôn kể lại, xưa kia, đền Tam Tổng có kiến trúc kiểu chữ công gồm: nhà tiền đường 3 gian 2 dĩ rộng rãi, 2 giải vũ và hậu cung 3 gian. Hậu cung là nơi đặt long ngai, bài vị của ngài, có hai hàng chấp kích với những đại đao, long đao, bố chùy, bát xà mâu... Đền còn có chiếc trống cù mặt to bằng cái nong được để cố định ở tiền đường. Sân đền rộng rãi, trong khuôn viên của đền có nhiều cây cối xanh mát. Đền hướng mặt ra đường, trước cổng có bia đá khắc hai chữ “hạ mã” (xuống ngựa), quan sang chức trọng phải hạ võng, xuống ngựa mới được đi qua cửa đền.

       Trải qua thời gian cùng với những biến cố lịch sử, đền Tam Tổng không còn giữ được kiến trúc ban đầu. Hiện nay, đền gồm có các hạng mục: 3 gian hậu cung, 2 giải vũ, 3 gian tiền đường và nhà khách. Năm 1992, đền Tam Tổng đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

       Hằng năm, vào ngày 23 và 24-4 âm lịch, tại 3 di tích thờ Đức thánh trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của Đức thánh Trần Khát Chân. Tại đền Tam Tổng, phần tế lễ diễn ra trang nghiêm, sau đó là các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao quần chúng sôi nổi. Ông Trần Xuân Vinh, thủ từ đền Tam Tổng, cho biết: Với những giá trị lưu giữ, cùng với thời gian, đền Tam Tổng không chỉ là sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong vùng nhằm tưởng nhớ công lao của vị danh tướng tài ba mà còn là niềm tự hào, minh chứng tiêu biểu cho nét đẹp đất và người Tây Đô - Vĩnh Lộc. Sức sống di tích cùng những câu chuyện về vị tướng tài ba góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, các giá trị lịch sử - văn hóa cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy ý chí, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước”.

       Đền Tam Tổng là điểm tham quan cuối cùng của tuyến du lịch tâm linh dọc sông Mã do Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ xây dựng và phát triển. Dừng chân nơi đền thiêng, lòng người lắng đọng cùng lịch sử, nét đẹp văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng được bảo tồn và phát huy giữa nhịp sống hiện đại.

       Nguồn: https://baothanhhoa.vn/

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm