Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ thực tiễn hoạt động quản lý Di sản thế giới Thành Nhà Hồ
Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - ảnh: Nguyên Trường
Ngay sau khi di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO ghi danh, để bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng và thực hiện những nhiệm vụ mang tính chất chiến lược trong công tác quản lý và bảo tồn khu di sản này. Trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ xây dựng và thực hiện, công tác quản lý, bảo tồn khu di sản, tỉnh Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả, để lại nhiều dấu ấn quan trọng của hoạt động này, thể hiện nỗ lực cũng như quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc tham gia và thực hiện Công ước Bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 cũng như thực hiện Luật Di sản văn hóa của quốc gia thành viên. Theo đó, kết quả công tác quản lý di sản thế giới Thành Nhà Hồ được thể hiện ở 5 nhiệm vụ mang tính chất chiến lược như sau:
Xây dựng và ban hành các văn bản phục vụ công tác quản lý khu di sản
Để thực hiện tốt công tác quản lý khu di sản, ngoài các quy định của Công ước Bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972, Luật Di sản văn hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành những văn bản dưới luật mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã áp dụng vào thực tiễn quản lý di sản một cách hiệu quả.
Trước và sau khi khu di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản này. Để phục vụ tốt công tác quản lý tại khu di sản, bên cạnh hành lang pháp lý quan trọng là Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2001; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18-6-2009 cũng như Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 của UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành những quy chế, quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn khu di sản làm căn cứ cụ thể trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản này.
Ngày 2-8-2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2298/QĐ-UBND, về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Quy chế này đã tạo hành lang pháp lý, làm căn cứ quan trọng trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ giai đoạn từ 2007 đến 2017, việc quản lý các khu vực di sản, đặc biệt là khu vực lõi di sản Thành Nhà Hồ giai đoạn này về cơ bản đều áp dụng các quy định tại quy chế này. Quy chế bao gồm 6 chương, 16 điều. Quy chế này ra đời trên cơ sở nhiệm vụ đặt ra giai đoạn 2007 để phục vụ công tác quản lý khu di sản và xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới. Về cơ bản, quy chế này dựa trên quy định của Luật Di sản văn hóa trong điều kiện cụ thể là di tích Thành Nhà Hồ. Trong khoảng thời gian từ khi ra đời đến khi hết hiệu lực vào tháng 8-2017, quy chế này đã tạo cơ sở pháp lý căn bản nhất trong quản lý khu vực lõi di sản Thành Nhà Hồ, đặc biệt trong xử lý các vi phạm xây dựng của dân cư khu vực lõi di sản Thành Nhà Hồ, các cấp quản lý đều căn cứ cụ thể vào khoản 2, điều 4, chương 2 quy chế này để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Sau khi khu di sản Thành Nhà Hồ được ghi danh là di sản văn hóa thế giới, để phù hợp với tình hình và điều kiện mới của di sản do khu vực đề cử được mở rộng về phạm vi khu vực lõi cũng như khu vực đệm di sản, ngày 18-8-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3034/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Quy chế này ra đời thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 2298/QĐ-UBND, ngày 2-8-2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Quy chế này bao gồm 3 chương, 19 điều về cơ bản quy chế này được xây dựng trên nền tảng cơ bản của quy chế trước đó nhưng có 3 điểm khác biệt cơ bản, phù hợp với điều kiện, tình hình mới là di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa thế giới và các khu vực đề cử được mở rộng. Theo đó những điểm mới của quy chế này là việc khoanh vùng bảo vệ khu vực lõi và khu vực đệm phù hợp với các khu vực đề cử được công nhận; quy định cụ thể việc khai thác và phát huy giá trị khu di sản; quy định cụ thể trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di sản đến từng cấp, ngành liên quan. Về cơ bản quy chế này ra đời đã đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý khu di sản Thành Nhà Hồ trong điều kiện di sản được công nhận di sản văn hóa thế giới với nhiều thay đổi của các khu vực đề cử.
Để phục vụ cho việc quản lý khu vực đệm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1784/QĐ-UBND, ngày 7-6-2011 về việc ban hành quy định quản lý quy hoạch, cải tạo và xây dựng công trình thuộc khu vực thị trấn Vĩnh Lộc và vùng phụ cận có liên quan đến khu di tích Thành Nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Quy chế này quy định việc quản lý quy hoạch, cải tạo và xây dựng công trình thuộc khu vực đệm khu di sản Thành Nhà Hồ. Quy chế bao gồm 3 chương với 9 điều khoản thi hành. Trong đó, chương 2 của quy chế quy định cụ thể ranh giới quản lý quy hoạch cải tạo và xây dựng công trình theo các vùng của kế hoạch quản lý Thành Nhà Hồ (vùng bảo vệ các làng truyền thống, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan núi, vùng khống chế phát triển đô thị), đồng thời, quy định cụ thể đối với việc cải tạo và xây dựng công trình tại các khu vực này. Theo đó, tất cả các công trình xây dựng tại các khu vực nêu trên đều phải có giấy phép và được sự thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền liên quan; việc khống chế chiều cao các công trình xây dựng cũng được quy định cụ thể theo từng khu vực tại quy chế này.
Đối với loại hình lễ hội trong khu di sản, các cấp quản lý thực hiện theo Quyết định số 5328/QĐ-UBND, ngày 22-12-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về quy định quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quy định ban hành kèm theo Quyết định này về cơ bản áp dụng các quy định tại Thông tư 15/2015/TTBVHTTDL, ngày 22-12-2015 của Bộ VHTTDL về quy định tổ chức lễ hội.
Như vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý khu di sản Thành Nhà Hồ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các quy chế, quy định phù hợp với điều kiện quản lý cụ thể tại khu di sản Thành Nhà Hồ. Các quy định về cơ bản phù hợp với Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 của UNESCO, Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Trong thời gian qua, việc thực hiện các quy định tại các quy chế nêu trên được quán triệt đến tất cả các cấp, ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa. Điều này đã góp phần quan trọng trong những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ trong thời gian qua.
Xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản
Việc xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản Thành Nhà Hồ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho mục tiêu, kế hoạch quản lý khu di sản này. Ngay sau khi khu di sản được UNESCO ghi danh di sản thế giới, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm thực hiện lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản trong thời gian tiếp theo. Công tác xây dựng quy hoạch tổng thể được căn cứ vào Nghị định 70/2012/NĐ-CP, ngày 18-9-2012 của Chính phủ quy định về việc thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; nghị định số 44/2015/NĐ-CP, ngày 6-5-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng. Ngày 12-8-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Đây là một quyết định quan trọng tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ trong thời gian tới.
Theo đó, phạm vi và quy mô lập quy hoạch được xác định trên diện tích 5.078,5 ha, gồm vùng lõi và vùng đệm. Vùng lõi rộng 155,5 ha gồm 3 hợp phần của Khu di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là: Thành Nội, La Thành và đàn tế Nam Giao, vùng đệm rộng 4.923 ha bao gồm: di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các công trình tôn giáo tín ngưỡng (gồm khu vực bảo vệ I và II) rộng 54,87 ha (trong đó Ly Cung chiếm diện tích 4,03ha); khu vực cảnh quan đồi núi, sông hồ có mối quan hệ với di sản thế giới Thành Nhà Hồ; khu vực phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch; thị trấn Vĩnh Lộc; làng xã và đồng ruộng, tổng diện tích 4.868,13 ha.
Quy hoạch tổng thể được duyệt tập trung vào 4 nội dung cơ bản sau:
“Thứ nhất: Quy hoạch không gian bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Nội dung này tập trung vào các nhiệm vụ: Phân vùng chức năng, quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan và giải pháp phát triển du lịch.
Thứ hai: Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Nội dung quy hoạch này tập trung vào các nội dung: Về giao thông; về chuẩn bị kỹ thuật; về cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường; về cấp điện và thông tin liên lạc.
Thứ ba: Quy hoạch các nhóm dự án và phân kỳ đầu tư. Nội dung quy hoạch này tập trung vào 3 nội dung cơ bản đó là: 7 nhóm dự án thành phần, phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn 2015-2020, 2021-2025 và 2025-2030; xác định nguồn vốn đầu tư.
Thứ tư: Giải pháp thực hiện quy hoạch. Nội dung quy hoạch này tập trung vào 3 nhóm giải pháp, đó là: giải pháp về quản lý; giải pháp về đầu tư và giải pháp về phát triển nguồn nhân lực bảo vệ và quản lý di tích”.
Ngay sau khi Quy hoạch tổng thể khu di sản Thành Nhà Hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 9124/UBND-VX, ngày 8-9-2015 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng có văn bản số 2317/SVHTTDL-DSVH, ngày 28-9-2015 về việc tham vấn ý kiến về kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch.
Đến nay, Quy hoạch hiện đang được gấp rút triển khai thực hiện theo đúng tinh thần phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 11-10-2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết số 158/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi, một số hạng mục công trình thuộc khu vực thành nội di sản thế giới Thành Nhà Hồ (nhóm dự án số 3, giai đoạn 1) với tồng mức đầu tư trên 745 tỷ, giai đoạn 2022-2025. Điều này thể hiện sự quan tâm đầu tư về nguồn lực và cơ chế chính sách của tỉnh Thanh Hóa trong triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể, cũng đồng thời là góp phần thực hiện các cam kết với UNESCO trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ mà UBND tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý và cam kết với UNESCO về chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản
Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản Thành Nhà Hồ là một thành phần không thể thiếu trong thực hiện công tác quản lý nhà nước tại Khu di sản Thành Nhà Hồ.
Kế hoạch quản lý Thành Nhà Hồ gửi UNESCO do UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt trên cơ sở tư vấn của các chuyên gia hàng đầu ở trong nước và quốc tế, là một kế hoạch quản lý tương đối toàn diện và là cơ sở cho công tác quản lý Khu di sản Thành Nhà Hồ trong những năm đầu sau khi Khu di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, đồng thời định hướng tầm nhìn dài hạn trong thời gian tiếp theo. Theo đó, nội dung kế hoạch quản lý bao gồm 10 chương kèm theo phụ lục, danh mục bản đồ, bản vẽ kỹ thuật và các chỉ số cơ bản. Nội dung các chương của kế hoạch quản lý tập trung vào những vấn đề trọng tâm đó là: cung cấp những thông tin chung về Thành Nhà Hồ; tình trạng bảo tồn và các nhân tố tác động đến tài sản; tình trạng bảo vệ và quản lý hiện nay; phạm vi, tình trạng, mục tiêu của kế hoạch quản lý; tài liệu nghiên cứu; các ranh giới khoanh vùng và khống chế phát triển; bảo tồn và nâng cao giá trị tài sản; tiếp cận và du lịch; nhận thức của cộng đồng và vấn đề phát triển kinh tế; thực hiện kế hoạch.
Mục tiêu, tầm nhìn và nội dung được trình bày trong kế hoạch quản lý Khu di sản Thành Nhà Hồ đã tạo cơ sở pháp lý và khoa học cơ bản cho công tác quản lý Khu di sản này trong những năm đầu sau khi di sản được công nhận.
Sau khi có những khuyến nghị từ cơ quan tư vấn về di tích (ICOMOS) của UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 3584/UBND-VX, ngày 13/6/2011 về cam kết thực hiện chiến lược bảo tồn và quản lý di sản Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa. Nội dung cam kết tập trung thực hiện 10 nội dung cơ bản theo các khuyến nghị của ICOMOS, như: “Thực hiện nghiên cứu và đưa toàn bộ con đường Hoàng Gia vào vùng đề cử; thực hiện công tác nghiên cứu tổng thể, bổ sung tư liệu để đưa các làng truyền thống Đông Môn, Xuân Giai và Tây Giai vào khu vực đề cử; đưa đền thờ Trần Khát Chân vào vùng đề cử; lập kế hoạch điều tra tổng thể nhằm đưa ra ranh giới khoanh vùng bảo vệ mới cho các hang động và thắng cảnh liên quan đến tổng thể cảnh quan, thiên nhiên di sản Thành Nhà Hồ; tiếp tục kiểm kê, bổ sung tư liệu một cách có hệ thống toàn bộ các di tích có liên quan đến Khu di sản Thành Nhà Hồ; xây dựng và thực hiện tốt chương trình khảo cổ học chiến lược đối với Khu di sản...”.
Cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa với UNESCO tại văn bản số 3584/UBND-VX, ngày 13-6-2011 thể hiện trách nhiệm của UBND tỉnh Thanh Hóa với UNESCO, của Việt Nam với quốc tế trong chiến lược quản lý, bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho hôm nay và mai sau. Ngay sau khi gửi cam kết đến UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện các cam kết đó, đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành 07/10 cam kết, bao gồm: Cam kết số 4, 5, 6, 7, 8, 9 và cam kết số 10, theo đó UBND tỉnh Thanh Hóa đã Thực hiện việc làm rõ thành phần Kế hoạch Quản lý, đặc biệt là cho Vùng 2, nghiên cứu và khoanh vùng đề cử mở rộng, sửa đổi bổ sung Quy chế khống chế chiều cao xây dựng cho các vùng tài sản đề cử, đặc biệt là vùng tài sản đề cử mở rộng và cho vùng đệm, đồng thời bổ sung và hoàn thiện chiến lược phòng ngừa và quản lý thảm họa; cải thiện và tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý rác thải tại Khu di sản; khuyến khích sự tham gia của nhân dân địa phương vào việc bảo vệ và quản lý tài sản dưới nhiều hình thức đa dạng hơn; lập kế hoạch điều tra tổng thể nhằm đưa ra ranh giới khoanh vùng bảo vệ mới cho các hang động và thắng cảnh liên quan đến tổng thể cảnh quan, thiên nhiên di sản Thành Nhà Hồ; tiếp tục kiểm kê để bổ sung tư liệu một cách có hệ thống toàn bộ các di tích liên quan đến di sản Thành Nhà Hồ; Xem xét, bổ sung Kế hoạch Quản lý cho phù hợp với những kết quả bổ sung mới; Xây dựng và thực hiện chương trình khảo cổ học chiến lược tại Di sản. Còn lại 3 cam kết liên quan đến việc mở rộng vùng đề cử thuộc cam kết số 1,2,3 là những cam kết đòi hỏi chiến lược dài hơi theo đúng tinh thần hướng dẫn của công ước bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 về mở rộng vùng đề cử di sản, do vậy, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục thực hiện theo lộ trình một cách cẩn thận, chu đáo và củng cố hồ sơ một cách đầy đủ, khoa học theo đúng yêu cầu của UNESCO về đề cử di sản cũng như mở rộng khu vực đề cử đối với di sản đã được công nhận.
Có thể nói rằng, những cam kết mà UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện theo khuyến nghị của UNESCO về công tác quản lý, bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đều là những cam kết mang tính chất chiến lược, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Do vậy, việc thực hiện các điều khoản đã cam kết không phải một sớm một chiều có thể làm ngay được mà đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cấp ngành từ trung ương đến địa phương cũng như có được sự đồng thuận cao của xã hội. Bên cạnh những quy định vô cùng chặt chẽ của UNESCO cũng như những quy định, chế tài cụ thể của công ước quốc tế, việc thực hiện và hoàn thành cam kết đòi hỏi tính thời điểm rất cao cũng như nguồn lực rất lớn để đảm bảo an sinh, xã hội. Và đây cũng chính là khó khăn, thách thức đang đặt ra và đòi hỏi nỗ lực, sự quyết tâm rất cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã và đang quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
Xây dựng và thực hiện chương trình khảo cổ học chiến lược tại Khu di sản
Để thực hiện cam kết về chiến lược bảo tồn Khu di sản Thành Nhà Hồ gửi UNESCO, ngày 29-11-2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4220/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án nghiên cứu, khai quật, khảo cổ hoc tổng thể khu di tích Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu của khai quật, khảo cổ học tổng thể khu di sản là từng bước tìm hiểu các dấu tích văn hóa vật chất của Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ bị vùi dưới lòng đất nhằm phát huy, nâng cao giá trị của khu di sản, góp phần cung cấp tư liệu lịch sử cho khoa học, giáo dục và tăng cường tiềm năng thu hút du lịch. Theo đó, tổng diện tích khai quật là 56.000m2, trong đó diện tích khai quật, khảo cổ học khu vực Thành Nội là 25.000m2, hào thành 12.000m2, bốn cổng thành 5000m2, đường Hoàng Gia 14.000m2. Tổng mức đầu tư để thực hiện khai quật là trên 90 tỷ, thực hiện trong hai giai đoạn 2013-2020 và 2020-2025.
Việc phê duyệt khai quật khảo cổ học tổng thể Khu di sản Thành Nhà Hồ thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện việc khai quật khảo cổ học tổng thể Khu di sản theo quyết định phê duyệt về cơ bản đã được triển khai. Hiện, công tác khai quật đã được thực hiện và hoàn thành ở tất cả các hạng mục: Khu vực Hào Thành phía Nam và phía Bắc Khu di sản Thành Nhà Hồ, khu vực Hào Thành phía Đông, phía Tây và phần lớn diện tích các khu vực khai quật khảo cổ học trong thành nội theo nội dung quyết định phê duyệt khai quật, khảo cổ học tổng thể đến nay đều đã được triển khai thực hiện. Quá trình khai quật, khảo cổ, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú ý đến 6 bước của quy trình khai quật: Chuẩn bị mặt bằng, phương tiện vật tư khai quật; khai quật bằng phương pháp thủ công; hoàn trả mặt bằng khai quật; chỉnh lý kết quả khai quật và lập hồ sơ hiện vật; hội thảo khoa học; hệ thống kết quả khai quật và xây dựng báo cáo khoa học để phân kỳ đầu tư đảm bảo lộ trình theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Đối với Khu di sản Thành Nhà Hồ, trong thời gian tới, để có cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì các kết quả khai quật, khảo cổ học là căn cứ qua trọng để triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo. Do vậy, với các kiến trúc trong khu vực di sản, đặc biệt là các kiến trúc trong khu Thành Nội Thành Nhà Hồ được chú trọng quan tâm khai quật. Việc khai quật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn khai quật với các dự án bảo tồn, phục dựng kiến trúc để phục vụ khai thác, phát huy giá trị Khu di sản. Để thực hiện được mục tiêu, giải pháp nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư cho khai quật, khảo cổ học tổng thể Khu di sản, trong đó chú ý làm sáng rõ các kiến trúc khai quật.
Các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, khai quật, khảo cổ học được thực hiện tại Khu di sản Thành Nhà Hồ đã đem lại những kết quả khả quan. Qua kết quả của những cuộc khai quật, khảo cổ học đã tạo cơ sở khoa học để đặt ra những vấn đề cần bảo tồn, phục vụ phát huy giá trị khu di sản một cách hài hòa và hợp lý. Trong các năm từ 2019-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động khảo cổ tại Khu di sản, theo đó các khu vực trong khu vực nội thành Thành Nhà Hồ: Khu vực chính điện, hậu cung, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu, trục đường Hoàng Gia đã được xuất lộ với kiến trúc quy mô lớn, hoành tráng, tạo cơ sở khoa học, pháp lý quan trọng cho công tác bảo tồn Khu di sản này trong thời gian tới.
Xây dựng và thực hiện chương trình, đề án Khai thác, phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Đề án Khai thác, phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1967/QĐ-UBND, ngày 8-6-2016 là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện công tác khai thác, phát huy giá trị tại Khu di sản Thành Nhà Hồ. Theo đó, mục tiêu của đề án là đưa Khu di sản Thành Nhà Hồ trở thành điểm tham quan trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước, đưa tổng lượng khách du lịch từ 78.500 lượt khách năm 2016 lên 800.000 lượt khách/năm vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng từ 18,7% giai đoạn 2016-2020 lên 13,6% giai đoạn 2026-2030; đưa tổng mức thu từ hoạt động du lịch từ 745 triệu/ năm 2016 lên 2.000 tỷ vào năm 2030. Các mục tiêu về cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đạt 900 phòng vào năm 2030, lao động trong lĩnh vực du lịch tại Khu di sản đạt 200 người vào năm 2030. Theo đó, nhiệm vụ đề án tập trung vào các lĩnh vực cụ thể đó là: “Quản lý, bảo vệ cảnh quan, môi trường Khu di sản; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật; xây dựng sản phẩm du lịch truyền thống; xây dựng các tuyến tham quan du lịch. Để thực hiện nhiệm vụ, đề án tập trung vào 6 nhóm giải pháp, đó là: giải pháp về quy hoạch đầu tư, giải pháp về quản lý Nhà nước, giải pháp về tuyên truyền quảng bá, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về vồn, giải pháp về hợp tác phát triển. Tổng mức kinh phí đầu tư cho đề án là 916.200.000.000 đồng, trong đó nguồn xã hội hóa là trên 600 tỷ đồng”. Thời gian thực hiện từ 2016-2030, phân kỳ thực hiện làm 3 giai đoạn: 2016-2020, 2021-2025 và 2025-2030.
Sau khi phê duyệt đề án, trong các năm từ 2016 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã bố trí nguồn lực rất lớn để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, Sở VHTTDL, UBND huyện Vĩnh Lộc và các cấp ngành liên quan chủ động thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án. Đến nay, loại hình du lịch cộng đồng đã bắt đầu hình thành tại Khu di sản Thành Nhà Hồ, các tuyến tham quan du lịch được mở rộng phong phú hơn, công tác tập huấn về kỹ năng du lịch, giao tiếp ứng xử trong du lịch, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ phục vụ du lịch đã được triển khai tại Khu di sản Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú, sản phẩm du lịch tại Khu di sản triển khai còn chậm so với mục tiêu của Đề án được duyệt. Đây cũng chính là thách thức, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của các cấp, ngành của tỉnh Thanh Hóa trong tiến trình thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản Thành Nhà Hồ.
Thực tiễn công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị du lịch Khu di sản Thành Nhà Hồ thời gian qua, có thể rút ra những kinh nghiệm thực tiễn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động quản lý di sản văn hóa thời gian tới:
Thứ nhất: nâng cao vai trò và vị trí của cộng đồng trong quản lý, khai thác và phát huy giá trị du lịch di sản
Cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị du lịch di sản. Mọi hoạt động của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải đặt cộng đồng trong mối quan hệ hài hòa với di sản, cộng đồng phải được coi là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ việc khai thác và phát huy giá trị di sản. Để huy động được nguồn lực của cộng đồng tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Nhà nước phải giữ vai trò định hướng cho cộng đồng thông qua việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình, qua đó, cộng đồng sẽ đóng góp sự hiểu biết của mình vào công cuộc bảo tồn và trực tiếp đóng góp công sức và tham gia vào quá trình quản lý, khai thác và phát triển du lịch tại di sản. Quá trình tương tác này sẽ tạo cơ hội để cộng đồng trực tiếp tham gia việc khai thác, phát huy giá trị các di sản để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch.
Khu di sản Thành Nhà Hồ có những đặc điểm riêng biệt những cũng có nét tương đồng với một số di sản khác trong khu vực cũng như trên thế giới đó là: có dân cư sinh sống trong các khu vực đề cử của di sản, trong lịch sử đã từng là kinh đô của đất nước, các di tích trong khu vực di sản tồn tại đan xen cùng cộng đồng, di tích tồn tại trong sự hài hòa với cảnh quan tự nhiên… Trong công tác quản lý, khai thác và phát triển du lịch tại di sản cộng đồng đóng vai trò quan trọng và phải được coi là một thành tố quan trọng tham gia trực tiếp, tích cực vào hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản. Quá trình quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và cộng đồng, lợi ích và sự tham gia tích cực của cộng đồng phải được coi là mục tiêu quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Thứ hai: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phải gắn với bảo tồn môi trường và không gian cảnh quan di sản một cách bền vững
Các di sản văn hóa không tồn tại độc lập mà có mối liên hệ mật thiết với môi trường, không gian, cảnh quan xung quanh di sản, cảnh quan đó chính là môi trường sống và tồn tại của di sản. Quá trình quản lý, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa phải đặc biệt chú trọng yếu tố này. Những thành công trong công tác bảo tồn cảnh quan tự nhiên phù hợp với thực tế tồn tại của di sản văn hóa tại di sản Thành Nhà Hồ là minh chứng quan trọng về vai trò của cảnh quan văn hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cũng như các khu di sản thế giới khác ở Việt Nam, cảnh quan môi trường là một thành tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp và giá trị của Khu di sản Thành Nhà Hồ, do vậy ngoài việc bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa thuộc khu di sản thì việc bảo tồn cảnh quan môi trường phải được coi là chiến lược quan trọng góp phần đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững của khu di sản hiện tại và trong tương lai.
Thứ ba: Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Để phục vụ công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản, bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Nhà nước cần ban hành các quy định và hướng dẫn cụ thể về cách thức, trình tự, thủ tục, nguyên tắc thực hiện làm cơ sở cho việc thực hiện quá trình quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản. Qua đó, đảm bảo sự phát triển bền vững của các di sản, góp phần đảm bảo giá trị bền vững của các di sản. Mỗi di sản đều có quá trình tồn tại, phát triển cũng như môi trường và điều kiện tồn tại riêng của mình, do vậy trong quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản ngoài những quy định chung do quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế quy định thì các cấp quản lý di sản cần ban hành những quy định cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn làm căn cứ để phục vụ công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản.
Khu di sản Thành Nhà Hồ có những đặc thù riêng biệt không giống với bất kỳ một di sản nào. Do vậy, để thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản, UBND tỉnh Thanh Hóa bên cạnh những quy định chung của quốc gia và quốc tế cũng đã ban hành những quy định cụ thể phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn tại Khu di sản làm căn cứ cho công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản. Đề án khai thác, phát triển du lịch tại Khu di sản Thành Nhà Hồ được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt và triển khai thực hiện trong những năm qua là một minh chứng quan trọng cho hoạt động nêu trên.
Thứ tư: bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa các mối quan hệ
Quá trình quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản, di tích cần đảm bảo sự hài hòa của các mối quan hệ giữa di sản và cộng đồng, giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống với hiện đại cũng như giữa kinh tế, chính trị với văn hóa. Muốn thực hiện được mục tiêu này, Nhà nước cần phải có một chiến lược quản lý phù hợp, linh hoạt dựa trên điều kiện thực tế tại các khu di sản, di tích và một nguyên tắc bất biến trong quản lý các khu di sản thế giới đó là: mọi vấn đề của công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản đều phải giữ gìn tính nguyên gốc và giá trị của di sản. Quá trình quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ bước đầu đã thu được những thành công nhất định trên cơ sở giải quyết hài hòa các mối quan hệ nêu trên. Cũng như một số di sản, di tích khác trong toàn tỉnh, việc quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ cần phải đặt trong mối quan hệ với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cần đặt trong mối liên kết vùng để tạo cơ sở cho quá trình quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.
Thứ năm: Đẩy mạnh sự quan tâm đầu tư trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý, khai thác và phát triển du lịch tại các khu di sản, di tích, Nhà nước phải nâng cao vai trò trong thực hiện huy động các nguồn nội lực và ngoại lực trong công tác quản lý, khai thác và phát triển du lịch. Giai đoạn trước mắt sự quan tâm tập trung đầu tư của Nhà nước cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trùng tu, tôn tạo các di tích tạo nên những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch. Đây chính là động lực quan trọng để phát huy giá trị khu di sản trong thời gian tiếp theo.
Cũng như những di sản văn hóa thế giới khác ở Việt Nam và trên thế giới, sau khi được UNESCO ghi danh đã trở thành một địa điểm có nhiều tiềm năng để khai thác phục vụ phát triển du lịch. Giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu và lưu trú thời gian dài hơn là nhiệm vụ chung của các cơ quan ban ngành, đơn vị quản lý. Đây cũng chính là mục tiêu mà tỉnh Thanh Hóa đang hướng tới trong hoạt động quản lý Khu di sản độc đáo này nhằm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ xứng tầm của một di sản thế giới.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Văn Bài, Luận bàn về danh hiệu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1 (42), 2013, tr.26-30.
2. Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Di sản thế giới ở Việt Nam, Hà Nội, 2008.
3. Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Quảng Nam, Ủy ban UNESCO quốc gia Việt Nam, Tài liệu Hội thảo khoa học 10 năm thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - những bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai, 2013.
4. Bộ VHTTDL, Tài liệu Hội thảo khoa học Quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, 2014.
5. Trịnh Ngọc Chung, Quản lý di sản thế giới ở Việt Nam (Qua trường hợp Cố đô Huế và Đô thị cổ Hội An), Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 2016.
6. Nguyễn Quốc Hùng, Về một số giá trị nổi bật của Thành Nhà Hồ, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3 (24), 2008, tr.46-53.
7. Tống Quốc Hưng, Một vài kinh nghiệm về quản lý, bảo tồn và phát huy di sản Thành Nhà Hồ nhìn từ di sản Hội An, bài trình bày tại Hội thảo Giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tổ chức vào tháng 6-2012.
8. Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, Thành Nhà Hồ - Di sản thế giới, tập 1: Giá trị nổi bật toàn cầu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.
9. UNESCO, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972.
10. UNESCO, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (bản dịch của Cục Di sản Văn hóa), Paris, 2003.
11. UNESCO, Hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới, Văn phòng UNESCO Hà Nội dịch và xuất bản, tháng 7-2012.
TS. NGUYỄN BÁ LINH
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
_______________
Tham luận tại Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)
Nguồn: http://vanhoanghethuat.vn/