Kỳ bí hai con rồng đá bị mất đầu tại Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, 5 giả thiết đang đặt ra
Quần thể di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, trong đó phải kể đến đôi rồng đá mất đầu, ai đã chặt đầu rồng và 5 giả thiết được đặt ra quanh câu chuyện này.
` Tượng rồng đá thềm bậc lớn nhất Việt Nam
Câu chuyện xây dựng Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có quá nhiều bí ẩn như: Làm cách nào mà người xưa có thể xây thành nhanh đến thế, chỉ trong vòng 3 tháng với những tảng đá lớn hàng chục tấn, chất liệu kết dính các khối đá, việc vận chuyển…
Đặc biệt, chuyện về đôi rồng đá mất đầu, đến nay cũng không ai lý giải được vì sao đôi tượng rồng lại mất đầu và đầu rồng giờ đang ở đâu?. Chỉ biết, hiện giờ đôi rồng đá mất đầu vẫn đang được nằm song song bên đường đi trong nội thành từ cổng Nam sang cổng Bắc.
Trao đổi với Dân Việt, ông Trịnh Hữu Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ cho biết: Hiện nay, các công trình kiến trúc trong nội thành không còn nữa nhưng vẫn còn đôi rồng đá, đây là bằng chứng duy nhất còn lại của các cung điện nguy nga thuở trước".
Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Vũ Thượng
Theo ông Hữu Anh, đây là tượng rồng đá thềm bậc lớn nhất Việt Nam, đôi rồng dài 3,8m. Thân rồng được tạo dáng mập mạp, chắc khoẻ và tròn lẳn. Toàn thân phủ kín vảy kép.
Đặc biệt, trên sống lưng có đường vây nổi gò lên rắn khoẻ và chắc nịch. Mang rồng mượt mà toát ra nhiều vẻ linh hoạt. Phía sau mang là chiếc bờm dài.
Tượng rồng đá thềm bậc ở Thành nhà Hồ lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Vũ Thượng
Hình tượng con rồng trên thành bậc ấy đầu không còn nhưng qua những cấu tạo từng phần cơ thể và hoa văn trang trí, đường nét nghệ thuật mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật Trần-Hồ. Đây còn là biểu trưng cho sức mạnh và uy quyền của vương triều phong kiến.
Đôi rồng đá nằm song song bên đường đi trong nội thành từ cổng Nam sang cổng Bắc.. Ảnh: Vũ Thượng
Đôi rồng đá trên đã được người Pháp phát hiện vào năm 1938 khi họ làm một con đường nội địa trong thành, chứ không phải được người dân phát hiện như đồn đại.
5 giả thiết vì sao đôi rồng đá mất đầu
Ông Trịnh Hữu Anh-Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ trao đổi: "Vì sao đôi rồng đá mất đầu, ai đã chặt đầu rồng đến nay vẫn chưa có một lý giải nào có cơ sở. Tuy nhiên, qua các câu chuyện của người dân, nhà sử học…thì đôi rồng đá ở Thành nhà Hồ mất đầu được đặt ra 5 giải thiết".
Rồng đá có hoa văn trang trí, đường nét nghệ thuật mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật Trần-Hồ. Ảnh: Vũ Thượng
Cụ thể, thứ nhất theo một số cao niên trong làng Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), có một câu chuyện được truyền miệng từ xa xưa là do đầu rồng quay vào làng nên trong làng thường xuyên xảy ra cháy nhà. Cho rằng rồng phun lửa gây họa nên người dân trong vùng đã chặt đầu rồng đi.
Thứ hai có người cho rằng, trong đầu rồng có ngọc ngà châu báu nên lợi dụng một đêm mưa gió, một nhóm người đã chặt đầu rồng mang đi nơi khác để lấy châu báu. Câu chuyện truyền miệng, đôi rồng có chứa ngọc ngà là không có căn cứ vì rồng được đục bằng đá nguyên khối.
Cận cảnh con rồng đá mất đầu. Ảnh: Vũ Thượng
Thứ ba, cũng có ý kiến, thời đó nhiều người bất đồng với chính sách hà khắc của nhà Hồ nên tức và chặt đầu rồng.
Thứ tư, dưới thời thực dân Pháp đô hộ, người Pháp bắt nhân dân trong vùng hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa từ cổng thành đến đôi rồng đá. Quá bức xúc về việc này nên dân làng đã chặt đầu rồng.
Thứ năm, theo nhiều nhà sử học, rồng đá mất đầu do quân Minh gây ra, vì trong lúc bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây nhiều ngày trong thành, do thiếu nước uống, lương thực...quân Minh đã tức giận đập phá nhiều đồ đạc trong thành, trong đó có đôi rồng đá.
Thành nhà Hồ được xây dựng trong vòng 3 tháng là hoàn thành. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Trịnh Hữu Anh nói: "Đôi rồng đá mất đầu tất cả các ý kiến trên cũng chỉ là phỏng đoán và truyền miệng, chứ chưa có một văn bản hay sử sách nào ghi chép vì sao đôi rồng đá bị mất đầu cả. Kể cả trong quá trình khai quật Thành nhà Hồ cũng chưa tìm thấy đầu rồng đâu, và câu chuyện đôi rồng đá ở Thành nhà Hồ mất đầu đến nay vẫn đang là một bí ẩn".
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) trên địa bàn xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, nhiều vị trí hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách gần như còn nguyên vẹn. Ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Văn hóa -Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nguồn: https://danviet.vn/