Những giả thiết trong việc xây Thành nhà Hồ
Trong kỹ thuật xây Thành nhà Hồ (thành Tây Đô) các nhà nghiên cứu trong quá trình khảo sát, khai quật, nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều vấn đề về kỹ thuật xây dựng, từ việc chọn đá, tạo nhẵn bề mặt, đến việc vận chuyển và đưa những khối đá nặng hàng vài tấn để xây cổng thành và bờ thành.
Tuy nhiên, những vấn đề về việc xây dựng thành dường như vẫn chưa được giải mã hết. Qua khảo sát nhiều tường thành, chúng tôi nhận thấy có nhiều những chi tiết cần được bàn thêm. Đó là ở nhiều khu vực xuất hiện những phiến đá nhỏ (xem hình) dùng để “vá” chỗ trống được tạo ra của hai, ba viên đá bị trống tạo ra lỗ hổng ở vị trí tiếp giáp nhau.
Khảo sát bốn phía tường thành của thành Nhà Hồ chúng tôi tự hỏi, trong rất nhiều những phiến đá lớn nặng hàng tấn xếp trồng lên nhau, thì ở khoảng giữa của 4 tấm đá liền nhau lại có một tấm đá nhỏ. Theo như cảm nhận ban đầu, những tấm đá nhỏ này như những chiếc nêm để “chêm” vào sau khi đã đưa được các khối đá lớn xếp lại với nhau, giống như thợ xây dựng dùng đá dăm chèn vào những điểm tiếp giáp nhau chỗ bị trống. Tuy nhiên, để lý giải bằng căn cứ khoa học thì nên giải thế nào? Tại sao lại có những phiến đá này? Tác dụng của nó là gì?…là điều chúng tôi băn khoăn nhất.
Có vài giả thiết mà chúng tôi đã nghĩ tới, một là những viên đá này là dùng để vá những chỗ những viên đá không được vuông vắn, bị sứt bể trong quá trình vận chuyển hay là đã bị sứt vỡ trong quá trình xây tường thành. Do đó, những người thợ đã dùng những viên đá nhỏ hơn để vá lại. Thứ hai có thể nguyên gốc những viên đá này đã không hoàn toàn bằng phẳng, nên những người thợ đã dựa theo những chỗ không bằng phẳng đó để tạo ra những “mọng”, bởi lẽ nếu như để đẽo gọt nhẵn cả bốn cạnh thì nhiều sẽ mất thời gian và công sức. Giả thiết này cũng chưa được thuyết phục vì nếu với số thợ xẻ đá được huy động nhiều mà sử sách đã ghi chép thì có thể tạo ra những phiến đá khác để thay thế cũng không phải là quá khó. Hơn nữa trong xây dựng thành, mặt bên ngoài rất quan trọng càng nhẵn càng tốt để khiến cho quân giặc không có chỗ để bám mà leo lên thành. Giả sử những chỗ vá này được quân giặc lợi dụng khai thác để phá thành thì sẽ rất dễ dàng. Xem xét thực tế các bốn phía của thành thì những chỗ vá này khá nhiều. Như vậy xét về kỹ thuật quân sự là có chỗ chưa thấu đáo.
Giả thiết thứ ba là có thể đây là những chỗ để trống trong lúc xây thành nhằm mục đích sử dụng công cụ như đòn bẩy, giàn giáo cho thợ đứng trong khi xây dựng. Sau khi hoàn thành đưa các khối đá yên vị xong thì dùng đá để vá vào những chỗ trống ấy cho mĩ thuật.
Giả thiết thứ tư là, trong kỹ thuật xây dựng người thợ không được để cho trùng các mạch của các cạnh. Vậy có phải để tăng độ chắc thì người thợ đã dùng những phiến đá nhỏ đó để nêm vào những chỗ trống này, như thể tạo ra những chiếc khóa để khóa những phiến đá gần nhau, làm tăng tính kết dính.
Hiện tại cho đến nay cũng chưa có một công trình khoa học, bài báo khoa học nghiên cứu vấn đề này. Có thể đây là một chi tiết nhỏ trong một tổng thể các kỹ thuật xây thành thời bấy giờ. Do đó, nó cũng chưa được quan tâm nghiên cứu.
Dù sao những giả thiết trên cũng chỉ mang tính gợi mở vấn đề cần nghiên cứu. Còn để có những kiến giải khoa học xác đáng thì cần có những nghiên cứu chi tiết hơn. Hy vọng rằng những thắc mắc này sớm được các nhà khoa học nghiên cứu giải đáp.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/