HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN TẠI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI THÀNH NHÀ HỒ

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) - một công trình kiến trúc độc đáo bằng đá còn tồn tại nguyên vẹn ở Đông Nam Á. Nơi đây không chỉ là điểm đến của du khách mà còn là địa chỉ đỏ trong giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ. Những năm gần đây, các hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh tại Thành Nhà Hồ ngày càng được tổ chức bài bản, sáng tạo và mang lại hiệu quả giáo dục sâu sắc.

Tại đây, các em học sinh, sinh viên được trực tiếp tham quan, tìm hiểu về kiến trúc đá độc đáo của thành cổ hơn 600 năm tuổi. Đồng thời các em được lắng nghe giới thiệu về triều đại Hồ, quá trình xây dựng và giá trị văn hóa, lịch sử của di sản. Từ đó, lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ di sản và tình yêu quê hương đất nước trong mỗi học sinh, sinh viên được khơi dậy một cách tự nhiên.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ còn phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn Tỉnh Thanh Hóa để xây dựng nhiều chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh, thông qua những hoạt động trải nghiệm sinh động, thú vị, như: “Em làm nhà khảo cổ học”, “Em làm thuyết minh viên”, cuộc thi “Di sản Thành Nhà Hồ và tôi”, “Rung chuông vàng”... Với việc tạo ra những chương trình chơi mà học, học mà chơi, học sinh được chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm. Từ đó, góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm; rèn luyện các phẩm chất kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ. Đồng thời, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận và hiểu thêm di sản, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho các em. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh học mà chơi - chơi mà học, mà còn khơi gợi niềm yêu thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử trong các em.

Đặc biệt, các buổi ngoại khóa tại Thành Nhà Hồ còn là dịp để học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, quan sát và ghi chép thực địa. Đây chính là mô hình giáo dục toàn diện, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa nhà trường và di sản.

Những hoạt động bổ ích ấy không chỉ góp phần làm phong phú đời sống học đường mà còn là bước đi thiết thực trong việc lan tỏa giá trị di sản đến cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ – những người sẽ tiếp bước gìn giữ và phát huy di sản quý báu của dân tộc.

Tin bài: Cẩm Tú
Ảnh: Trung tâm BTDS Thành Nhà Hồ