Thành Nhà Hồ, 12/09/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 3

    Hôm nay: 365

    Đã truy cập: 1102828

Hồ Quý Ly và canh tân đất nước

Đến thời Dụ Tông, Triều Trần lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Hào khí Đông A không còn nữa. Mâu thuẫn nội tại của chế độ điền trang, thái ấp phát triển.

        Quý tộc Trần ngày càng thoái hoá biến chất với cuộc sống xa hoa. Nông nô và nô tỳ bị áp bức và bóc lột tàn khốc nổi dậy chống đối, thiên tai xảy ra liên tiếp, sản xuất đình đốn, dân tình đói khổ. Phía Nam Chiêm Thành liền năm lấn cướp. Triều đình đổ nát, vua hôn ám, hoạn quan lộng hành, người hiền xa lánh. Cơ đồ nhà Trần có nguy cơ sụp đổ, mặc dù không ít nhà nho cự phách ra tay “kinh bang tế thế”, họ đành bất lực trước đà suy thoái không tránh khỏi ấy.

       Sau sự kiện Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông, mặc dù đã giành lại được ngôi vua, đứng trước cơ nghiệp vương triều suy đốn, phải lựa một đường lối trị nước yên dân thích hợp. Được đào luyện bằng con đường Tống học, Nghệ hoàng rất có thiện cảm với các nhà Nho giáo điều, không đủ để vãn hồi cơ nghiệp nhà Trần.

       Thời thế đã khác, phải có một đường lối khác, một con người khác hẳn kiểu Tống Nho, mới có cơ may xoay ngược tình thế. Nghệ hoàng nhận thấy ở Hồ Quý Ly một Tô Hiến Thành mới, có khả năng phục hưng sự nghiệp họ Trần. Nội dung câu “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức” thêu trên lá cờ Nghệ hoàng ban cho Quý Ly đã nói lên điều đó.

       Hồ Quý Ly từ quan hệ ngoại thích với họ Trần mà đạt được binh quyền, nhưng điều chủ yếu mà Quý Ly được Nghệ hoàng tín nhiệm, ngoài quan hệ ngoại thích, còn lực hấp dẫn của những tư tưởng chính trị và phong cách hành động của mình. Đối với Trần Nghệ Tông, một nhà nho hiền lành đôn hậu nhưng nhu nhược thụ động, phải đứng ra gánh vác trọng trách phục hưng triều Trần, thì một Quý Ly sắc xảo, quyền biến, quyết đoán và năng động là một đối trọng cần tranh thủ để cùng chia sẻ trách nhiệm. Sự thất vọng của Nghệ hoàng đối với lớp sĩ phu bảo thủ giáo điều bất lực, càng làm cho ông gần Quý Ly, thúc đẩy ông giao trọng trách cho Quý Ly. Ấy là chúng ta chưa tính đến cuộc vận động nội đình vì mẹ Nghệ hoàng và Duệ Tông đều là cô của Quý Ly, công chúa Huy Ninh là vợ của Quý Ly.

          Vậy Nghệ hoàng sủng ái Quý Ly ở những điểm nào? - Ở quan điểm, đường lối trị nước, ở phong cách hành đạo. Đường lối ấy phong cách ấy thể hiện trên lời nói, các trước tác và hành động của Quý Ly.

       Cho rằng Quý Ly ít học, chỉ giỏi về võ là sai, qua mấy chục năm làm tôi nhà Trần và sau đó lên làm vua, qua lời nói, qua trước thuật và qua các chủ trương và tân pháp, ta phải thừa nhận Quý Ly đọc nhiều, hiểu rộng, nắm chắc Kinh chuyện, Bách gia chư tử, Tam giáo cửu lưu. Chỉ có cái vốn học thức uyên bác, Quý Ly mới có thể mạnh dạn viết sách Minh Đạo, sắp xếp lại các thứ bậc thánh hiền, nghi ngờ sách Luận ngữ, Làm sách Thi Nghĩa bằng quốc âm, dịch Thiên vô dật. Tất cả đều với nội dung kịch liệt phê phán Tống Nho. Rõ ràng Quý Ly là một học giả cự phách, không những ông thuyết phục được Nghệ hoàng, mà đội ngũ đông đảo những học giả tân tiến, thức thời khoáng đạt như Hoàng Hối Khanh, Đỗ Tử Trừng, Nguyễn Phi Khanh, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Trãi v.v... cũng tín phục Quý Ly, tập hợp đoàn kết chung quanh Quý Ly để cùng tham gia công cuộc cải cách.

          Vậy đường lối trị nước, phong cách hành đạo của Quý Ly như thế nào?

       Trước hết Quý Ly phê phán và gạt bỏ đường lối đức trị đơn thuần của phái Trình Chu bảo thủ câu nê, chỉ hô hào nhân cách và đức hoá, khư khư bám giữ những giáo điều và điển chương lỗi thời của Tống Nho. Thời đại Nguyên Phong, Long Hưng đã qua rồi. Lên nắm quyền bính thời kỳ suy thoái rối loạn, Quý Ly thiên hẳn về đường lối pháp trị, coi hình pháp là gốc, dùng những thủ đoạn chuyên chế bắt mọi người phải phục tùng mệnh lệnh không ngần ngại dùng những biện pháp tàn bạo để đàn áp phe chống đối, dùng hình phạt hà khắc thi hành các tân pháp về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hoá. Đường lối pháp trị chuyên chế ấy phù hợp với khẩu hiệu của Trần Nghệ Tông đang lo lắng về sự suy nhược của vương quyền, nên được Nghệ hoàng tán thưởng, đứng ra hiệu lệnh để thi hành, sau này được Hán Thương mạnh tay thực hiện; chỉ có Hồ Nguyên Trừng là thấy trước sự thất bại không tránh khỏi, nhưng vì không được Quý Ly tin cậy nên không giám can ngăn. Quan điểm chính trị và đường lối trị nước của Hồ Quý Ly xuyên suốt toàn bộ tình trạng của ông. Những tân pháp mà ông đề xuất và đem thực thi khi ông còn làm tôi Trần Nghệ Tông và sau này khi làm vua và Thái thượng hoàng, trước sau đều là nhất quán. Những cải cách của Hồ Quý Ly không phải được thực hiện cùng một lúc, mà rải rác nhiều năm, từ khi ông được Nghệ hoàng cất nhắc lên vị trí Khu mật viên đại sứ, rồi dần dần đến tước vị cao nhất Đại vương Quốc tổ Chương hoàng và sau đó làm vua. Đương nhiên là khi ông đã nắm được toàn quyền điều hành đất nước thì những cải cách ấy mới được thực thi một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Những cải cách bao gồm những mặt của đời sống xã hội, kinh tế chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hoá.

         Hãy gác lại một bên, không bàn đến động cơ, đạo đức cá nhân của Hồ Quý Ly, xét trên tiến trình lịch sử phát triển của xã hội Đại Việt cuối thế kỷ 14, thì những tân pháp của Hồ Quý Ly một phần nào đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của thời đại. Lúc bấy giờ, sự phát triển khách quan của xã hội không thể dừng lại mãi ở chế độ đại điền trang thái ấp và phong kiến phân quyền. Hạ tầng cơ sở đòi hỏi phải giao quyền chiếm hữu ruộng đất cho tư nhân, giải phóng sức sản xuất đang bị kìm hãm trong chế độ nông nô và nô tỳ để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển; phải cải cách tiền tệ tài chính đẻ bảo đảm yêu cầu chi dùng quốc gia và giao lưu sản phẩm. Thượng tầng kiến trúc đòi hỏi phải có một chính quyền trung ương tập trung mạnh mẽ, một bộ máy cai trị hữu hiệu, một nền quốc phòng mạnh, một nền văn hoá giáo dục mang tính dân tộc không dập khuôn theo người Tàu. Những biện pháp cải cách của Hồ quý Ly, mặc dù còn những hạn chế, nhưng rõ ràng là xuất phát từ thực tiễn của xã hội và có ý thức tiến bộ và nếu được thực thi một cách khôn ngoan, chắc chắn là sẽ phát huy được tác dụng phú quốc cường binh. Chính sau này Lê Lợi và những người kế tục Lê Thái Tổ đã phục hưng được đất nước trên cơ sở chính sách ít nhiều rút kinh nghiệm từ thời Hồ.

Nhưng tại sao những cải cách của Hồ Quý Ly hợp quy luật, mà lại đưa họ Hồ đến những thất bại thảm hại và cha con Hồ Quý Ly bị lịch sử lên án gay gắt?

          Những cải cách của Hồ Quý Ly thất bại trước hết là do đường lối chính trị, quan điểm tư tưởng của họ Hồ sa vào cái thuyết pháp trị cực đoan đi đến chỗ tàn bạo theo kiểu Lý Tư. Đành rằng đến cuối đời Trần, đường lối đức trị không còn thích hợp nữa, khi mà xã hội cực loạn, nhưng thiên hẳn về hình pháp là quá khích. Hồ Quý Ly đã dùng hình pháp để thực hành cải cách, thực hiện dời đô và xây dựng Tây đô bằng cưỡng bức, bất chấp mọi lời can gián của triều thần. Sau năm đời vua Trần đã thực hiện nhân chính và đức hoá, nhất đoán gạt bỏ những tinh hoa di sản tổ tiên họ Trần là thiếu khôn ngoan.  

       Thứ hai là những cải cách ấy, tuy nhằm mục đích phú quốc cường binh, nhưng chưa thực sự xuất phát từ quyền lợi thiết thân của mọi tầng lớp nhân dân lao động và các tầng lớp trung gian giữa đại quý tộc và nô tỳ, như chưa thấu suốt quan điểm “dân như nước, có thể trở thuyền và có thể lật thuyền”, những cải cách của họ Hồ không được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và hưởng ứng.

          Thứ ba là động cơ cải cách của Hồ Quý Ly chưa thoát ra khỏi ý thức hệ phong kiến, khi làm tôi thì là vì họ Trần, khi đã làm vua thì là vì dòng họ Hồ, tuy ý đồ là phú quốc cường binh, nhưng thực chất là vì quyền lợi của một dòng họ.

         Thứ tư là Hồ Quý Ly nắm được quyền hành lãnh đạo quốc gia không phải bằng uy tín và đức độ mà là bằng quyền mưu, len lỏi nắm được bính quyền, xây dựng lực lượng phe cánh làm chỗ dựa, thẳng tay đàn áp những người chống đối một cách tàn bạo. Đó là những việc làm thất nhân tâm.

        Thứ năm là những biện pháp cải cách chưa thật triệt để, nửa vời, vừa gây chống đối của các phe bảo thủ, vừa gây ra thất vọng đối với đông đảo nhân dân. Thêm vào đó thời gian chưa đủ để thực thi cải cách đến nơi đến chốn. Khi còn là cường thần của họ Trần, Quý Ly chưa thật sự chủ động mạnh tay; khi đã lên làm vua, Quý Ly lại phải đối phó với phái đối lập, với hai kẻ thù cả phương Nam và phương Bắc.

          Triều Hồ ngắn ngủi thiếu cơ sở chính trị vững chắc, trước sức tấn công của đội quân Minh hùng mạnh, đương nhiên là bại vọng. Hồ Quý Ly đã không đủ sức cứu nước chịu bị bắt sống cả cha lẩn con, cam tâm làm tù nhân cho giặc Ngô. Điều đó nhân dân Đại Việt cho là một điều quốc sĩ muôn đời khó quên. Trước đây Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, bằng cách này cách khác, lấy ngôi của các họ Đinh, họ Lê, họ Lý mà không bị nhân dân lên án, vì họ có công chống giặc ngoại xâm mưu cầu lợi ích cho dân cho nước, làm cho nước nhà cường thịnh. Đối với nhân dân Việt Nam, “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

          Bài học rút ra từ công việc nghiên cứu cải cách Hồ Quý Ly là đường lối trị nước phải kịp thời canh tân cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn cuộc sống xã hội, phải biết kết hợp hài hoà giữa đức trị và pháp trị, phải thực hành nhân chính để chinh phục lòng người đồng thời phải dùng hình pháp để ước thúc những điều ham muốn bất chính./.
 
    Nguồn: Văn Sơn, Nguyễn Duy Sĩ, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5, năm 1992, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, trang 43.
 

 

 

Các tin liên quan
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm