Thành Nhà Hồ, 26/12/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 612

    Đã truy cập: 1164175

Tìm về La Thành - Tây Đô

Thành Tây Đô hay còn gọi là thành nhà Hồ được xây dựng vào năm Đinh Sửu (1397) theo các tài liệu sử sách ghi lại thì ngôi thành được xây dựng bằng đá hoành tráng và đặc sắc này được hoàn thành trong khoảng thời gian 3 tháng - để rồi chính nơi đây đã trở thành kinh đô của nước Đại Ngu những năm đầu thế kỷ 15 (1400 – 1407).

     

Dấu tích La thành phía Đông Nam

        Những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của toà thành đã được thời gian và con người khẳng định. Tuy nhiên, có một công trình kiến trúc thuộc di sản Thành Nhà Hồ mà lâu nay được ít người biết hoặc quan tâm đến, đó là La thành – vòng kiến trúc ngoài cùng của khu di tích Thành Nhà Hồ.

   Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại sự kiện nhà Hồ cho xây dựng La thành như sau: tháng 9 năm Kỷ Mão (1399) Hồ Quý Ly “sai Trần Ninh đốc suất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía tây thành, phía nam từ Đốn Sơn, phía bắc từ An Tôn đến cửa Bảo Đàm, phía tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến sông Lỗi Giang, vây bọc làm La thành”.

  Với địa thế tự nhiên thuận lợi, nhà Hồ đã biết lợi dụng dòng sông Bưởi chảy ở phía Đông, sông Mã ở phía (Tây Thành Nhà Hồ) để làm tuyến phòng ngự tiền duyên cho thành nhà Hồ. Nếu kẻ thù tấn công vào Hoàng thành bắt buộc phải vượt qua tuyến phòng ngự tự nhiên hiểm yếu đầu tiên là sông Bưởi và sông Mã.

     La thành là vòng thành ngoài cùng của Thành Nhà Hồ, nằm ở phía hữu ngạn sông Bưởi (ở phía Đông) và sông Mã (ở phía Tây) có chu vi khoảng hơn 4km, được nhà Hồ cho đắp đất kết hợp với việc trồng tre gai. Đây là vòng thành nhân tạo phía ngoài có nhiệm vụ bảo vệ cho Hoàng thành vốn đã rất vững chãi và bề thế.

    Khi xây dựng vòng La thành, nhà Hồ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng địa thế của khu vực, từ đó sử dụng các sườn núi, sườn đồi (đồi Bèo, núi Voi, đồi Thợi - thuộc xã Vĩnh Long) để đắp và nối thành luỹ đất rất kiên cố chạy song song với tuyến phòng ngự tiền duyên (hữu ngạn sông Bưởi và sông Mã) làm tuyến phòng ngự kiên cố thứ hai. La thành ngoài nhiệm vụ phòng

 thủ còn có chức năng ngăn những dòng nước lũ từ sông Bưởi và sông Mã vào mùa mưa cho khu vực phía trong. Đây là nét sáng tạo độc đáo trong kiến trúc xây dựng thành luỹ trong lịch sử phong kiến của dân tộc Việt Nam.

      Qua quá trình khảo sát thực tế, chúng tôi thấy mặc dù thời gian đã trôi qua hơn sáu thế kỷ nhưng kiến trúc của La thành hiện nay còn được nhận biết tương đối dễ dàng tại hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Phúc.

        La thành hiện nay còn lại là con đê đất, có những đoạn rộng tới 40m (khoảng cách giữa hai chân La Thành). Do sự tác động của tự nhiên nên La thành đã bị bào mòn về độ cao so với trước đây. Tuy nhiên, với sự tồn tại hiện nay giúp ta có thể khẳng định công trình này được xây dựng rất kiên cố, vững chắc.

         Cây tre là hình ảnh thân quen gắn bó với cuộc sống của người dân nông thôn nước ta từ bao đời, nhà Hồ cho trồng tre gai dọc theo thành đất để củng cố thêm tuyến phòng ngự tạo nên “một vòng thành bằng luỹ tre quả thật độc đáo rất Việt Nam” như lời nhà nghiên cứu Đỗ Văn Ninh đã viết trong tác phẩm Thành cổ Việt Nam. Tre gai được sử dụng để tạo nên luỹ phòng ngự là đặc điểm nổi bật thường thấy phổ biến của kiến trúc thành luỹ trong lịch sử phong kiến nước ta.

          Tại làng Bèo hay làng Yên Mỗ xã Vĩnh Long ngày nay vẫn còn đó những luỹ tre gai dày đặc chạy dọc theo triền núi Bèo và đồi Thợi. Theo các bậc cao niên ở đây kể rằng: Trước đây chạy dọc  theo khu vực Đại La (La thành) có rất nhiều tre gai, nhưng từ khi làng xóm đông đúc, để thuận tiện cho cuộc sống và sản xuất, cây tre cũng dần mất đi.

          Xung quanh khu vực La thành ngày nay vẫn còn tồn tại những ngôi làng cổ có từ thời Trần - Hồ như: Làng Bái Xuân, làng Cổ Điệp (ngày nay thuộc xã Vĩnh Phúc), làng Bèo (xã Vĩnh Long) hay làng Cẩm Hoàng (xã Vĩnh Quang)…

          Theo truyền thuyết và gia phả dòng họ cho biết thì làng Bái Xuân được thành lập từ khi xây dựng thành nhà Hồ. Đây là ngôi làng đã trồng hoa phục vụ kinh đô Tây Đô, nên từ đó được gọi là Bái Xuân Hoa.

          Sự tồn tại của La thành ngày nay như gợi nhớ những ấp ủ, kỳ vọng của nhà Hồ để xây dựng nên một triều đại hùng mạnh - đất nước cường thịnh, đủ sức mạnh để chống lại sự uy hiếp của giặc Minh nơi biên cương.

           Mặc dù những mong muốn trong sự nghiệp xây dựng vương triều của nhà Hồ giữa chừng dang dở, nhưng cùng với sự tồn tại của khu vực Hoàng thành (thành nhà Hồ), La thành luôn là một minh chứng điển hình khẳng định nghị lực và sức lao động tài tình, phi thường của ông cha ta trong lịch sử, như nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier đã từng viết “công trình thành nhà Hồ là một trong những tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc An Nam” hay “người An Nam là người khổng lồ đào đất”. Điều đó được thể hiện bằng sự khẳng định khu di tích thành nhà Hồ là một trong những công trình thành luỹ quân sự hoành tráng, tiêu biểu nhất về kiến trúc đá lớn ở khu vực Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ 15.

          Hy vọng với tầm quan trọng đó, trong tương lai gần, cùng với những công trình khác của thành nhà Hồ, như đàn tế Nam Giao, đường Hoè Nhai,...La thành cũng được sự đầu tư, tu bổ và phục hồi để góp phần giúp chúng ta phần nào bảo tồn và trân trọng giá trị di sản quý giá trên vùng đất Xứ Thanh.

    Trải qua hơn 600 năm với bao sự tác động của tự nhiên, chiến tranh và con người nhưng La thành – thành nhà Hồ vẫn còn tồn tại. Đó cũng là khoảng thời gian đủ để khẳng định cho sự vững vàng, trường tồn của ngôi công trình một thời đã cấu thành nên kinh đô của đất nước, đồng thời cũng khẳng định giá trị mỹ thuật kiến trúc thành luỹ độc đáo, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.

Tin: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm