TÂY ĐÔ – MIỀN LỄ HỘI
Tây Đô - cố đô của nhà Hồ, bên cạnh những giá trị tiêu biểu về mặt vật chất, những công trình kiến trúc cổ, những đình, đền miếu mạo, nơi đây còn chứa đựng nhiều giá trị tinh thần độc đáo, là sản phẩm kết tinh lâu dài cho những bàn tay, khối óc của con người nơi đây. Những lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng.
Dưới đây là những lễ hội truyền thống nổi tiếng vào dịp xuân về trên vùng đất Cố Đô mà ai ai cũng khó lòng bỏ qua.
Lễ hội mở cổng trời
Hàng năm cứ đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch, lễ hội chùa Du Anh – Động Hồ Công lại được tổ chức. Đây là lễ hội đầu tiên trong những lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa tâm linh được tổ chức trên quê hương Vĩnh Lộc.
Động Hồ Công được sách Đại Nam nhất thống chí đánh giá là một trong 36 động đẹp nhất nước Nam vốn là kiệt tác của tạo hóa, khi xưa có nhiều bậc vua chúa ngự thăm và ngẫu hứng đề thơ trên vách đá. Vào ngày lễ hội du khách, người dân khắp mọi nơi về thăm vãn cảnh và lễ chùa cầu lộc đầu năm.
Lễ hội Phủ Trịnh
Phủ Trịnh không chỉ có vai trò là hành dinh của nhà Trịnh mà còn là nơi thờ tự các đời chúa rất long trọng. Hàng năm vào ngày giỗ thái vương Trịnh Kiểm vào 18/2 âm lịch, Lễ hội Phủ Trịnh lại được tổ chức tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Vào ngày này con cháu họ Trịnh từ mọi miền đất nước đều tập trung về đây để dâng hương tưởng nhớ và tri ân đến tổ tiên dòng họ - những người đã cùng nhà Lê xây dựng và bảo vệ đất nước với một tấm lòng thành kính, tiêu biểu cho truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Lễ hội Rước nước chùa Báo Ân
Chùa cổ Báo Ân, thuộc làng Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng) - nơi phát tích của 12 đời Chúa Trịnh với 249 năm trên chính trường lịch sử dân tộc. Chùa Báo Ân gắn liền với lễ hội “Rước nước” – là lễ hội tiêu biểu nhất trong các lễ hội của làng Bồng Thượng được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 27 đến hết ngày 30 tháng 2 (âm lịch) hàng năm. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ trang trọng và trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của làng quê yên bình.
Độc đáo và để lại ấn tượng sâu lắng trong lòng người dân là vào trước ngày lễ chính trên dòng sông Mã anh hùng diễn ra hội “hoa đăng” cầu siêu cho linh hồn người mất được siêu thoát từ 22 giờ đến 24 giờ đêm. Giữa đêm xuân gió mát những chiếc đèn hoa sen được thả bạt ngàn trên sông, lung linh sáng lập lờ xuôi về một hướng thật là đẹp – Một cái đẹp thanh cao tao nhã và thơ mộng. Sau hội “hoa đăng” vào sáng ngày 28 mới diễn ra lễ chính – lễ hội “Rước nước” tại chùa Báo Ân.
Lễ hội làng Đông Môn
Lễ hội làng Đông Môn diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm tại làng cổ Đông Môn nằm ngay cạnh thành cổ Thành Nhà Hồ. Cũng như các lễ hội khác lễ hội Đông Môn có nhiều nghi thức lễ hội trang trọng và hoạt động phong phú. Đặc biệt, phần hội có sự tham gia giao lưu văn nghệ của các Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật: CLB Chèo (thôn Xuân Áng), CLB nghệ thuật vùng Di sản Thành Nhà Hồ, đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa, CLB múa sư tử Vĩnh Long.
Lễ hội Kỳ Phúc
Lễ hội Kỳ Phúc của làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến được tổ chức vào ngày mùng 06 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của một làng cổ nằm bên cạnh kinh đô của vương triều Hồ.
Đến tham gia lễ hội người dân và du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng 2 cây thị cổ được công nhận là cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 600 năm bên cạnh thành cổ Tây Đô.
Với nhiều nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn, lễ hội đầu xuân đang mở ra cơ hội để phát triển du lịch tâm linh tại khu Di sản văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ./.
Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ