BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN VĨNH LỘC TIẾP CẬN TỪ VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CỦA CỘNG ĐỒNG
Vĩnh Lộc là một huyện thuộc đồng bằng tỉnh Thanh Hóa với sự đa dạng về biểu đạt các loại hình văn hóa. Các di sản văn hóa trải dài trên địa phận hành chính nhiều xã và thị trấn thuộc huyện.
Bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc tiếp cận từ vai trò và vị trí của cộng đồng là một trong những mô hình quản lý hiệu quả nhất với thực tiễn của huyện Vĩnh Lộc trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Trong thời gian tới, việc áp dụng lý thuyết, nguyên tắc thực hành và những giải pháp Bảo tồn di sán văn hóa và phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc tiếp cận từ vai trò và vị trí của cộng đồng, qua đó nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đây cũng chính là yếu tố quan trọng để thực hiện chiến lược quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch một cách toàn diện và hiệu quả nhất.
1. Cộng đồng trong quá trình tồn tại và phát triển của mình chính là những chủ thể sáng tạo văn hóa. Di sản văn hóa tồn tại trong đời sống cộng đồng được cộng đồng lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của chính di sản văn hóa đó. Di sản văn hóa (bao gồm cả vật thể và phi vật thể) có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng, nhiều di sản tồn tại cùng đời sống cộng đồng, tồn tại với cuộc sống người dân nơi mà môi trường di sản tồn tại. Vai trò của cộng đồng có mối liên hệ chặt chẽ với di sản, việc này thể hiện ở chỗ di sản hiện diện và tồn tại ngay trong đời sống cộng đồng, thông qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng của người dân, những di sản này chỉ có thể tồn tại thông qua các hoạt động sinh hoạt thường xuyên của người dân và cộng đồng. Nếu cộng đồng quay lưng lại với di sản, di sản sẽ không có điều kiện để tồn tại và phát triển nữa. Như vậy, rõ ràng cộng đồng không chỉ là cội nguồn di sản mà còn có vai trò to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Khách tham quan trải nghiệm cùng người dân địa phương
2. Các văn kiện của UNESCO trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản rất chú trọng đến vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong hướng dẫn thực hiện công ước Di sản thế giới 1972 của Ủy ban UNESCO quốc gia của Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội quy định rõ ràng việc sử dụng bền vững các di sản thế giới gắn với quản lý từ cộng đồng: “Các di sản thế giới có thể hỗ trợ cho hàng loạt hình thức sử dụng bền vững về sinh thái và văn hóa được đề xuất và đang tiếp diễn, nhờ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các cộng đồng liên quan. Quốc gia thành viên và các đối tác phải đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững này hoặc bất kỳ thay đổi nào sẽ không tác động tiêu cực tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Với một số di sản, việc sử dụng của con người là không thích hợp. Các văn bản pháp quy, chính sách và chiến lược ảnh hưởng đến các di sản thế giới cần đảm bảo việc bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu, hỗ trợ việc bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa trên quy mô lớn hơn, thúc đẩy và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng và các bên liên quan tới di sản trong vai trò là điều kiện cần thiết để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và thuyết minh di sản một cách bền vững”. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua tại kỳ họp thứ 32 tháng 10 năm 2003 quy định “được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”. Như vậy, quy định tại các công ước rất đề cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cộng đồng là thành tố chính quyết định tương lai, định hướng cho sự phát triển, dịch chuyển và thay đổi của di sản trong điều kiện môi trường biến đổi, hay nói cách khác cộng đồng chính là chủ thể thực hiện công tác quản lý di sản một cách bền vững nhất.
3. Vai trò cụ thể của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được thể hiện cụ thể trong từng lĩnh vực của hoạt động này. Đối với hoạt động bảo tồn di sản văn hóa cộng đồng sẽ bảo vệ và duy trì các di sản như chính một phần cấu thành nên cuộc sống văn hóa tinh thần của bản thân cộng đồng. Điều này hoàn toàn đúng với các di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc nảy sinh từ chính cuộc sống và các hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng.
Câu lạc bộ dân ca nghệ thuật địa phương biểu diễn phục vụ du khách
Các di sản này khác với các di sản văn hóa vật thể khác ở chỗ chỉ bị mất đi khi sinh hoạt văn hóa, tinh thần mang cái cốt lõi của di sản ấy trong cộng đồng đó không còn tồn tại nữa, hay chính bản thân người dân của cộng đồng ấy không muốn nó tồn tại bởi ý thức chủ quan của mình. Di sản và các yếu tố cấu thành của di sản là nguồn cung cấp phục vụ cho cuộc sống của bản thân cộng đồng. Khi người dân và cộng đồng có cuộc sống vật chất phụ thuộc vào sự tồn tại của di sản sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến di sản, đặc biệt là những di sản văn hóa. Việc tổ chức khai thác để phục vụ cuộc sống thường nhật sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì các giá trị của di sản. Đây là một trong những vấn đề mà các nhà quản lý, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Ở đây nhận thức của cộng đồng và sự đồng thuận của cộng đồng sẽ là điểm mấu chốt để tổ chức bảo tồn, như vậy người dân sẽ đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn các giá trị của di sản. Thông thường các di sản có phạm vi rất rộng lớn, trải dài và đan xen trong đời sống cộng đồng. Việc tổ chức quản lý và bảo tồn của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nhiều nguồn lực như kinh phí, nhân lực. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi người dân nhận thức được vai trò của di sản đối với cộng đồng, đối với quốc gia, dân tộc để từ đó cộng đồng trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn di sản.
Đối với việc khai thác, phát huy các giá trị của di sản phục vụ cho phát triển du lịch, cộng đồng là người trực tiếp tạo ra các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể và như vậy hoạt động sinh hoạt cộng đồng mang tính tinh thần đó được khai thác để phát triển thành các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của đông đảo nhân dân và khách du lịch. Trong trường hợp này, cộng đồng tham gia trực tiếp trong việc tạo ra giá trị sản phẩm đó. Đối với di sản văn hóa vật thể, cộng đồng lại là chủ thể sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ có giá trị kèm theo để làm đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ tại các điểm di sản được đưa vào khai thác, phát huy giá trị. Cộng đồng tạo ra môi trường và cảnh quan sống động tạo sự hấp dẫn cho chính các di sản đó. Sống cùng di sản trong một khoảng thời gian dài, trải qua nhiều thế hệ, người dân trong cộng đồng là người thấu hiểu nhất những giá trị của di sản trong môi trường sống của họ, những hiểu biết về di sản của họ mang tính dân gian, tính thực tiễn rất cao, đôi khi có những chi tiết mà trong sử sách không có. Trong trường hợp này cộng đồng chính là những pho sử sống, những hướng dẫn viên mang giá trị di sản quảng bá đến mọi miền trong nước cũng như trên thế giới.
Như vậy rõ ràng trong các chủ thể liên quan, cộng đồng là các chủ thể gắn kết chặt chẽ đối với di sản văn hóa. Vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch là rất to lớn. Việc nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ cho phát triển du lịch cần được nhìn nhận một cách thấu đáo và có những ứng xử phù hợp để cộng đồng tự nguyện tham gia trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch một cách bền vững nhất.
4. Đối với Việt Nam, trong những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ cho phát triển du lịch dưới góc độ tiếp cận từ quản lý của cộng đồng đã được đưa ra và được đánh giá là một trong những cách thức quản lý mang lại hiệu quả cao và bền vững nhất. Tuy nhiên việc áp dụng cách thức quản lý này trong quản lý di sản phục vụ cho phát triển du lịch hiện đang đứng trước những thách thức đòi hỏi phải có những nguyên tắc áp dụng để giải quyết những mâu thuẫn trong việc thực hiện đồng bộ quản lý nhà nước về di sản văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch và quản lý di sản tiếp cận từ quản lý của cộng đồng. Xét cho cùng, giải quyết mâu thuẫn đó chính là đảm bảo một cách hài hòa nhất lợi ích của cộng đồng và lợi ích của Nhà nước, giải quyết những mâu thuẫn trong quá trình bảo tồn và phát triển.
Thực tiễn công tác quản lý di sản văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch cũng đã chỉ rõ những khó khăn bởi di sản mang tính đa nghĩa, phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh, điều kiện môi trường và loại hình di sản do vậy khó có thể áp dụng hoặc sử dụng một giải pháp đủ để bao quát hoặc phù hợp với tất cả sự đa dạng văn hóa tồn tại trong môi trường luôn biến động. Vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi lúc này là những nguyên tắc áp dụng trong công tác quản lý di sản để đảm bảo sự hài hòa và phát triển mang tính bền vững của di sản. Do vậy, những nguyên tắc phù hợp với thực tiễn quản lý di sản phục vụ cho phát triển du lịch hiện nay đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là quản lý, phát huy giá trị di sản dưới góc độ tiếp cận từ cộng đồng cần tuân theo những nguyên tắc cụ thể như sau:
- Di sản là một lựa chọn cho phát triển;
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải được gắn kết trong các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của địa phương, vùng miền và đất nước;
- Nhà nước có vai trò định hướng; cộng đồng là chủ nhân, người trực tiếp giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; cộng đồng nên được xem xét ưu tiên trong việc phân chia các lợi ịch đem lại từ di sản;
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một quá trình, không chỉ là một hoạt động, vì vậy, cần phải được thực hiện đồng bộ giữa các khâu, hoạt động của quá trình đó, đồng thời cần có lộ trình thời gian (cả ngắn hạn và dài hạn) để thực hiện các mục tiêu quản lý.
5. Vĩnh Lộc là một huyện thuộc đồng bằng tỉnh Thanh Hóa với đặc điểm địa hình là một vùng bán sơn địa có tính chất chuyển tiếp giữa miền núi cao ở phía Tây và đồng bằng rộng lớn ở phía Đông Nam của tỉnh Thanh Hóa. Đây là một địa phương có nền văn hóa rất độc đáo với 250 di sản văn hóa vật thể đã được kiểm kê thuộc các loại hình kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, cách mạng, khảo cổ, các di tích - danh thắng có giá trị lịch sử văn hóa cao và nhiều di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo phân bố ở khắp các vùng miền trong huyện. Di sản văn hóa nổi bật của huyện Vĩnh Lộc là khu di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011, với hai khu vực đề cử, khu vực lõi và khu vực đệm. Khu vực lõi có diện tích 155,5 ha, cấu thành bởi ba bộ phận chính La Thành, Hoàng Thành và Đàn tế Nam Giao Tây Đô. Khu vực đệm có diện tích rộng lớn 5234,0ha, bao gồm hệ thống cảnh quan, núi non phong thủy, hang động, chùa tháp, đền đài, miếu mạo, không gian văn hóa các làng cổ, các di tích, danh thắng và hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú trải dài trên không gian văn hóa 08 xã và 01 thị trấn thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Khu di sản Thành Nhà Hồ nằm ở khu vực ít chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, trong khu vực lõi di sản còn 292 hộ dân sinh sống, toàn bộ cảnh quan và di tích trong khu vực đệm nằm xen lẫn trong dân cư, cộng đồng cư dân sinh sống trong vùng văn hóa của di sản vẫn còn tính cố kết cộng đồng làng xã rất cao.
Những đặc điểm nêu trên đã đặt cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi địa phương và đơn vị quản lý khu di sản Thành Nhà Hồ phải phát huy được sức mạnh của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản phục vụ cho phát triển du lịch trong mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài.
Xác định vai trò quan trọng của cộng đồng trong công tác quản lý khu di sản, trong những năm vừa qua, UBND huyện Vĩnh Lộc và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã thực hành nhiều biện pháp qua đó bước đầu đã nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. Trên cơ sở đó về cơ bản đã thay đổi bước đầu về nhận thức của cộng đồng theo hướng tích cực về giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn huyện cũng như trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch.
6. Trong thời gian tới, bảo tồn, phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch tiếp cận từ cộng đồng chính là một trong những chiến lược trước mắt cũng như lâu dài. Thực hiện được nội dung này cũng chính là thực hiện quản lý di sản và phát triển du lịch trong mối quan hệ hài hòa bền vững với những nhân tố tác động trong nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Do vậy, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý di sản và phát triển du lịch trên cơ sở phát huy vai trò của quản lý cộng động cần thực hiện những giải pháp như sau:
Đối với công tác bảo tồn di sản, cộng đồng phải được xem xét là một trong những nhân tố hàng đầu và tích cực trong công tác này. Với những hoạt động của nhà nước như khai quật, khảo cổ học tại các địa điểm thuộc các di sản, cộng đồng phải được biết, được tham gia bàn bạc trong việc xây dựng kế hoạch, thời gian, địa điểm, mục đích của các cuộc khai quật khảo cổ học, qua đó tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng trong thực hiện công tác này. Đối với công tác bảo vệ, bảo tồn di sản, cộng đồng phải là đối tượng đầu tiên và trực tiếp của công tác tuyên truyền và là người thực hiện nhiệm vụ này trên cơ sở định hướng của Nhà nước. Các quy định quy chế bảo tồn di sản văn hóa phải được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng, được cộng đồng hiểu và chấp nhận, từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản tiến tới cộng đồng trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn di sản. Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể phải khuyến khích, đầu tư để cộng đồng trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn, lưu giữ những giá trị di sản văn hóa đó. Trong thời gian trước mắt những câu lạc bộ nghệ thuật các vùng di sản hay những đoàn nghệ thuật cổ của các thôn, xã, các làng cổ thuộc các địa phương có di sản văn hóa cần được nhà nước quan tâm, tạo điều kiện về nhân lực, vật lực để duy trì và phát triển.
Các di sản văn hóa tồn tại trong lịch sử trước đây chủ yếu do cộng đồng tự quản mà còn tương đối nguyên vẹn. Những hiện vật của các di sản hiện còn tồn tại một khối lượng rất lớn trong cộng đồng, do vậy trong thời gian tới cần phát huy tinh thần tự giác, ý thức cộng đồng trong việc giao nộp hiện vật, qua đó khẳng định tính chân thực và giá trị các di sản văn hóa. Nhà nước cần ban hành chính sách và có cơ chế khuyến khích hài hòa hợp lý trong vấn đề này.
Đối với lĩnh vực tu bổ, phục hồi các di sản, di tích trên địa bàn huyện, cộng đồng phải được xem xét như là những nhân tố đầu tiên được tham khảo ý kiến để qua đó cộng đồng đóng góp trí tuệ, ý tưởng của mình trong những công trình được phục dựng. Xét cho cùng, việc tu bổ, phục hồi di sản cũng là phục vụ cho cộng đồng, bên cạnh đó cộng đồng chính là những pho sử sống, trong cộng đồng còn tồn tại những sử liệu mà chưa hẳn nhà nước hay chính sử đã có được, do vậy việc xin ý kiến, bàn bạc cùng cộng đồng trong thực hiện công tác này tại các di sản văn hóa phải được coi là khâu quan trọng đầu tiên của quá trình bảo tồn di sản.
Đối với công tác phát huy giá trị khu di sản phục vụ cho phát triển du lịch, cộng đồng phải được xem xét là nhân tố đầu tiên được hưởng lợi từ việc khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Lợi ích đem lại từ quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa chính là động lực lâu dài và bền vững nhất tác động trở lại một cáh hài hòa nhất quá trình bảo tồn di sản. Do vậy với bất kỳ một lĩnh vực nào của công tác phát huy giá trị di sản văn hóa, công đồng phải là đối tượng trung tâm để thực hiện các khâu của quá trình này. Trên cơ sở cộng đồng tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hình ảnh địa phương được quảng bá rộng rãi, trên cơ sở phát triển du lịch và các loại hình dịch vụ kèm theo, do vậy lợi ích người dân luôn phải được đặt lên hàng đầu, đây chính là yếu tố then chốt gắn kết cộng đồng với di sản, di sản sống được và có phần hồn đó chính là cộng đồng, cộng đồng chính là cội nguồn của di sản.
Cộng đồng được tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ cho phát triển du lịch. Đối với đơn vị được giao quản lý các di sản văn hóa trên địa bàn huyện, cộng đồng phải được coi là một thành phần tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, qua đó thể hiện ý kiến của chính họ, những lợi ích thật sự mà họ được hưởng. Bên cạnh đó, nhờ quá trình đánh giá hiệu quả này, cộng đồng có thể hoàn thiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di một cách tốt hơn từ những kiến thức về di sản mà họ có được.
Ngày nay, quản lý, bảo tồn di sản đã được coi là một khoa học, quá trình quản lý không chỉ là quá trình tác động của Nhà nước lên đối tượng quản lý để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, quá trình đó còn có sự tham gia một cách tích cực và trực tiếp của cộng đồng, đây là một kênh quan trọng của chương trình quản lý.
Việc phát huy vai trò của cộng đồng trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch chính là đã xây dựng một mô hình quản lý bền vững, hài hòa nhất, góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn. Đối với huyện Vĩnh Lộc, với những đặc thù và lợi thế của địa phương có sự đa dạng về biểu đạt các loại hình văn hóa, việc quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch tiếp cận từ cộng đồng là khoa học nhất. Phát huy được mô hình quản lý, bảo tồn này sẽ quản lý, bảo tồn và phát huy một cách toàn diện và lâu dài nhất đối với các di sản văn hóa thuộc địa phương này./.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký Toàn thư, Nxb. KHXH, Hà Nội 1973.
2. Bùi Hoài Sơn, (2016) Bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Phú Thọ: nhìn từ cộng đồng (kỷ yếu hội thảo khoa học bảo tồn – phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Phú Thọ trong bối cảnh hiện nay).
3. Lê Anh Tuấn, (2012) Nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và khai thác các giá trị của di sản thế giới ở Việt Nam để phát triển du lịch (Kỷ yếu hội thảo giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ)
4. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ - Thành Nhà Hồ - Di sản thế giới, tập 1: Giá trị nổi bật toàn cầu, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội năm 2011.
5. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ - Thành Nhà Hồ Thanh Hóa (Hồ Citadel), NXB Khoa học Xã hội Hà Nội năm 2011.
6. Trung tâm Di sản thế giới, (2013) Hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới (bản dịch của Cục Di sản văn hóa và Ủy ban UNESCO quốc gia Việt Nam), Paris.
7. UNESCO (2003), Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Bản dịch của Cục Di sản văn hóa), Paris.
Tác giả: TS. Nguyễn Bá Linh
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ