Thành Nhà Hồ, 23/12/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 6

    Hôm nay: 65

    Đã truy cập: 1160076

Dấu vết Hồ Quý Ly ở Nga Sơn - Thanh Hóa

Hồ Quý Ly quê ở Thanh Hóa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tổ tiên của Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật. Đời Hậu Hán (947 - 950), thời Ngũ Quý sang làm thái thú ở Diễn Châu. Đến đời cháu thứ 12 dời đến hương Đại Lại, Thanh Hóa, làm con nuôi tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy họ Lê. Quý Ly là cháu bốn đời của Lê Huấn.

            Sau 30 năm giúp rập nhà Trần xây dựng và bảo vệ đất nước, năm 1400 Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ, hé mở những niềm hy vọng mới. Nhưng cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược do Hồ Quý Ly tổ chức, điều khiển bị thất bại, đất nước ta rơi vào thảm họa. Và do đó những khát vọng xây dựng quốc gia hùng mạnh cũng như những dấu ấn của Hồ Quý Ly để lại trên quê hương đất nước ta hầu như bị xóa nhòa.

       Trải qua nhiều thế kỷ, theo quan điểm chính thống của các sử gia phong kiến, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Quý Ly cùng những gì gắn bó với nhà Hồ đều phải chịu chung số phận "thoán nghịch". Vì vậy trên đất Thanh Hóa, các di tích liên quan đến Hồ Quý Ly và nhà Hồ không còn mấy. Chỉ có cung Bảo Thanh, thành Tây Đô, dấu tích và thành trì vẫn còn đó, được ghi trong sử sách, nhưng đã để lại trong lòng dân cái nhìn đầy mặc cảm.

          Đối với Hồ Quý Ly, một con người giàu cá tính, có tham vọng lớn lao, đã từng sinh ra từ Thanh Hóa, nhập vào triều đình nhà Trần nắm giữ những vị trí quan trọng trong nhiều thập kỷ, từng nhiều lần tổ chức kháng chiến chống xâm lược Chiêm thành trên đất Thanh Hóa, chuyển kinh đô về đất Thanh... không thể không để lại nhiều dấu vết trên đất Thanh Hóa. Vì vậy việc tìm kiếm dấu vết Hồ Quý Ly tiềm ẩn ở Thanh Hóa tuy khó khăn, nhưng lại cần thiết để góp phần soi sáng thêm về Hồ Quý Ly, về nhà Hồ mà sử liệu còn khan hiếm. Nhằm mục đích trên, tháng 9 năm 1990, chúng tôi lựa chọn và tiến hành khảo sát ở Nga Sơn - vùng cửa ngõ đông bắc Thanh Hóa. Tại đây có chợ Hồ Vương và liên quan địa danh Hồ Vương - Hói Đào khá quen thuộc được nhiều người biết đến là điểm hấp dẫn, cuốn hút sự chú ý đầu tiên của chúng tôi.

    1. Chợ Hồ Vương

           Chợ thuộc làng Ngọc Liên, tổng Liên Sơn, nay thuộc xã Nga Liên. Chợ mỗi tháng có 9 phiên vào các ngày  3 - 7 - 10 - 13 - 17 - 20 - 23 - 27 - 30. Thời gian lập chợ không rõ, chỉ biết rằng chợ tồn tại đến trước năm 1951. Trước Cách mạng tháng 8 đến năm 1951, chợ nhiều lần chuyển dịch, cuối cùng sang địa phận làng Liên Quy và Lạc Nghiệp cũng thuộc tổng Liên Sơn. Trong kháng chiến chống Pháp, giặc đánh chiếm Nga Liên, chợ Hồ Vương bị giải tán vào năm 1951, nhập vào chợ Hói Đào, chuyển về một địa điểm cách nhà Thờ Nga Liên khoảng 100m. Từ đó đến nay, chợ Hói Đào vẫn còn tồn tại ở Nga Liên, còn chợ Hồ Vương chỉ còn lại trong trí nhớ của những người lớn tuổi.

         Vậy là Ngọc Liên, nơi có chợ Hồ Vương ra đời vào thời gian nào?. Theo các cụ già trong làng kể lại: Vùng đất Nga Liên bây giờ, xưa kia là vùng đất do biển bồi đắp. Cư dân chủ yếu là người Nam Định, Ninh Bình, do ba dòng họ Nguyễn, Tống, Trần vào sinh cơ lập nghiệp. Lúc đầu chỉ có 20 hộ. Mãi tới năm Tự Đức thứ bảy (1854) làng mới được chính thức thành lập. Từ mốc đó, ta có thể suy luận chợ Hồ Vương ra đời trước hoặc sau việc làng được công nhận vài năm. Điều cần quan tâm ở đây không phải là chợ mà là tên gọi Hồ Vương của chợ. Qua điều tra hồi cố, chúng tôi được biết địa danh Hồ Vương nằm ở vùng thuộc hai làng Liên Quy và Lạc Nghiệp, hiện nay ở vùng giáp ranh hai xã Nga Liên và Nga Thành. Tên gọi Hồ Vương gắn với sự kiện thuyền của Hồ Quý Ly bị mắc cạn trên đường chạy giặc. Nhan dân thường kể rằng: trong một lần chạy giặc ra biển, chiến thuyền của Hồ Quý Ly bị mắc cạn ở bãi bùn. Dân họ Thịnh thuộc tổng Đô Bái (nay thuộc Nga Hải) thấy những chiếc thuyền không ra biển được, liền tập trung lại đào bùn cát, tạo thành một con ngòi cho nước chảy vào. Nhờ vậy thuyền nổi lên được và kéo ra biển. Sau trở về, Hồ Quý Ly miễn sưu thuế cho dân họ Thịnh (sau đổi thành họ Mai) để ghi nhớ công lao cứu thuyền mắc cạn.

           Sau này khi nhà Nguyễn phong sắc cho "Sự tích Hồ Vương" thì hai tổng Đô Bái và Liên Sơn tranh giành công lao. Nhưng chỉ có dòng họ Thịnh (Mai) ở tổng Đô Bái có gia phả ghi lại sự kiện ông tổ họ Thịnh có công trong việc này. Cuối cùng họ Thịnh ở Đô Bái cũ, thuộc xã Nga Hải ngày nay được lưu giữ sắc phong "Sự tích Hồ Vương".

   2. Đường Hồ Vương

           Tên gọi Hồ Vương không chỉ gắn với chợ, mà còn gắn với một con đường: đường Hồ Vương. Mọi người đều biết các xã ven biển Nga Sơn ngày nay ra đời trong quá trình lấn biển đầy gian khổ. Do bồi lấp phù sa của các dòng sông Hồng, sông Đáy, sông Chính Đại, bờ biển Nga Sơn lùi dần. Với sức lao động cần cù, gian khổ của con người từ đời này qua đời khác, làng xóm dần dần hình thành theo hướng tiến về phía đông. Do đó cũng tại đây các tụ điểm dân cư xuất hiện theo chiều dài dọc bờ biển là đặc điểm nổi bật so với các vùng dân cư ở sâu trong nội địa Thanh Hóa.

           Hệ thống đường giao thông nối các làng cũ với làng mới lập, thường chạy theo chiều ngang vươn ra tới biển. Con đường liên xã hiện nay bắt đầu từ bến Tín sông Hoạt, thuộc xã Nga Thiện, thẳng ra biển qua các xã Nga Giáp, Nga Hải, Nga Thành, Nga Liên (nơi có chợ Hồ Vương) dài gần 6km mang tên đường Hồ Vương.

        Cũng tại xã Nga Liên là điểm cuối của đường Hồ Vương, được nối tiếp với đường Hói Đào. Qua điều tra hồi cố, chúng tôi được biết con đường này mới đắp về sau theo mạch đường rút quân của Hồ Quý Ly, có liên quan đến đồi Hồ thuộc xã Nga Thiện, do đó được truyền gọi là đường Hồ Vương.

    3. Đồi Hồ

           Trong quá trình khảo sát vùng Nga Điền, nơi có Tạc Khẩu, ngã ba Chính Đại, nơi truyền tụng có mộ Áp Lãng Chân Nhân mới bị đào trộm. Đó cũng là nơi mà Hồ Qusy Ly đã từng tổ chức nhiều trận đánh quân xâm lược Chiêm Thành ở khu vực này. Vết tích về hoạt động của Hồ Quý Ly ở đây hoàn toàn mai một, dù chỉ là truyền thuyết. Chúng tôi may mắn được các cụ chỉ cho một địa điểm tương truyền là nơi đóng quân của Hồ Quý Ly: Đồi Hồ. Tên Đồi Hồ khá quen thuộc với người dân quanh vùng, nhưng không mấy ai biết đến gốc tích của quả đồi có hình dáng đặc biệt qua bàn tay lao động cải tạo của con người nằm cạnh âu Mỹ Quan Trang (bên dòng sông Hoạt ngày nay).

          Đồi Hồ thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, cao khoảng 30m, nằm ỏ cuối dãy núi có hang Từ Thức, kề bên tả ngạn sông Hoạt, sông tiếp với sông Chính Đại, từng xen giữa một bên là núi Non Bạn, một bên là núi Từ Thức ở đoạn từ Thần Phù đến Đồi Hồ. Với độ cao khoảng 20m, diện tích hiện nay khoảng trên dưới 0,35ha. Theo truyền thuyết, vua nhà Hồ đã cho quân lính san phẳng ngọn đồi biến thành nơi đóng quân. Có một đêm, Hồ Quý Ly rút quân vào phía nam, theo hướng từ Bến Tín ra biển. Để đảm bảo đúng hướng, Hồ Quý Ly đã cho quân dẫn đường đốt hương, cắm từ Bến Tín, cách chân đồi Hồ khoảng 400m ra biển. Ban đêm, quân lính lần theo đốm sáng của hàng hương mà đi. Hướng rút quân này tương ứng với con đường Hồ Vương ngày nay mà chúng tôi đã khảo tả ở trên.

           Từ vết tích đồi Hồ ở đây, kết hợp với thành Quảng Công của Hồ Quý Ly được sử sách ghi chép7 ở huyện Tam Điệp ngày nay, chúng ta có thể nghĩ đến một hệ thống đồn - thành chống giặc của nhà Hồ đã xây dựng ở vùng cửa ngõ chiến lược phía đông bắc Thanh Hóa.

           Qua gần 6 thế kỷ, bao triều đại đã từng thay nhau trị vì đất nước nhưng lại có cùng cách nhìn nhận đánh giá và đã làm phai mờ những gì liên quan đến sự nghiệp của Hồ Quý Ly và nhà Hồ. "Đồi Hồ", "Sự tích Hồ Vương", "Đường Hồ Vương", "Chợ Hồ Vương" từ bao đời nay vẫn được nhân dân vùng Nga Sơn ghi nhớ vì nó gắn với hoạt động của vương triều Hồ trên đất Thanh Hóa. Phải chăng những sự kiện lịch sử chân thật khách quan mặc dù không được sử sách chính thống ghi chép nhưng nhân dân có cách ghi chép của họ: "bia miệng" để tồn tại và sống mãi trong lòng người

           "Đồi Hồ", "Sự tích Hồ Vương", "Đường Hồ Vương" liên quan đến Hồ Quý Ly vào thời điểm nào? Vào giai đoạn Hồ Quý Ly tổ chức chống xâm lược Chiêm Thành hay vào lúc chúng lui quân trong kháng chiến chống giặc Minh xâm lược?. Hy vọng sẽ tìm được lời giải đáp khi chúng ta đặt vấn đề trong tổng thể hoạt động chống giặc Chiêm, giặc Minh của Hồ Quý Ly tổ chức trên đất Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15.

    Nguồn: Hà Mạnh Khoa, Dấu vết về Hồ Quý Ly ở Nga Sơn - Thanh Hóa, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6, năm 1990, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, trang 34 - 36.

   Chú thích:
    1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, trang 195, 196.

    

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm