Thành Nhà Hồ, 22/12/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 10

    Hôm nay: 1449

    Đã truy cập: 1159866

Hồ Quý Ly - nhà cải cách giáo dục tiến bộ

Quá trình cải cách giáo dục của Hồ Quý Ly kéo dài 15 năm từ năm 1392 đến năm 1406 cả thời kỳ tham chính và thời gian chấp chính.

        Khi có vị trí cao trong triều đình nhà Trần thì Hồ Quý Ly mới đưa ra cải cách, được bắt đuầ từ giáo dục với chủ trương làm sách Minh Đạo vào tháng 12 Nhâm Thân (năm 1932). Trong sách ông nêu những ý kiến riêng về Nho giáo, hạ thấp vai trò của Khổng Tử, đề cao Chu Công làm tiên thánh, phê phán nho gia là những người “học thì rộng nhưng tài thì kém, không quan thiết đến sự tình, chỉ chuyên nghề lấy cắp văn chương của người xưa”. Qua đó ta thấy Hồ Quý Ly muốn có một nền giáo dục gắn bó hơn với cuộc sống và sáng tạo. Việc Hồ Quý Ly muốn tấn công vào hệ tư tưởng Tống Nho mà phần đông quý tộc và quan lại nhà Trần còn tôn trọng, lấy làm “khuôn vàng thước ngọc” trong cuộc sống. Về Hồ Quý Ly thì việc làm sách Minh Đạo (con đường sáng) chác chắn là nhằm đặt nền móng tư tưởng cho những cải cách của mình; đồng thời Hồ quý Ly cũng muốn tạo thành một tầng lớp người “tiến bộ” tán thành ủng hộ những cải cách nhiều mặt của ông sau này.

          Tháng 4 năm Ất Hợi (1395) Hồ Quý Ly tiến lên một bước dài trên con đường cải cách giáo dục: Quý Ly đã tự mình dịch Thiên Vô dật trong sách Thượng Thư ra chữ Nôm để dạy cho Thuận Tông. Năm 1396, Hồ Quý Ly lại dịch sách Kinh Thi Làm sách cho hậu phi và các cung nhân học. Việc dịch Thiên Vô Dật dạy bảo cho người có vị trí cao nhất trong xã hội - mà ở cuối thế kỷ XIV với đầy những sự hoang phí, sa đoạ, lười biếng thì quả là một việc làm thiết thực và sâu sắc, rất đúng với bán chất hoạt bát và ham hành động của Hồ Quý Ly.

          Trên đường đi tới cuộc cải cách giáo dục, năm 1396, cùng với việc dịch kinh Thi bằng hình thức làm sách phi nghĩa, Hồ Quý Ly định phép thi cử, bỏ lối ám tả cổ văn, quy định cụ thể nội dung và hình thức cho mỗi kỳ thi. Như cử nhân thì phải thi qua 4 kỳ. Kỳ thứ nhất thi một bài kinh nghĩa có các đoạn phá đề, tiếp ngữ, tiền giảng, nguyên đề, đại giảng, kết luận có từ 500 chữ trở lên... Kỳ thi thứ tư, thì thí sinh phải có một bài văn sách phải có từ 1000 chữ trở lên. Năm thi cũng được quy định cụ thể là năm trước thi hương, năm sau thi hội. Ai đỗ thì vua bắt thi tiếp một bài văn sách để định thứ hạng: ưu, bình, thu,... đến năm 1403 Hồ Quý Ly lại quy định thí sinh phải thêm một kỳ thi viết và làm tính. Chỉ hai việc bỏ hẳn lối viết ám tả cổ văn và đưa tính (toán) vào nội dung thi cũng đã làm cho người học (sinh đồ) phải suy nghĩ, phát triển tư duy khoa học tốt hơn, giảm đi hình thức học vẹt, sao chép sách vở cổ xưa một cách máy móc, tạo điều kiện cho tầng lớp nho sĩ mới có khả năng trong học tập, thi cử và gắn bó hơn với cuộc sống thực tế, với quê hương và đất nước. Có lẽ, chính vì những cải cách về giáo dục với nội dung yêu nước, thực tế sáng tạo cùng với quy định cụ thể, chặt chẽ trong thi cử nên phần đông những trí thức được đào tạo trong thời kỳ Hồ Quý Ly cầm quyền là những người có tài, có chí dám “cứu khốn, phò nguy”, giúp dân cứu nước. Trong kỳ thi Thái học sinh năm 1400, lấy 20 người đỗ, trong đó có Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Mộng Tuân... đều là những người tài cao, học rộng. Đối với cải cách giáo dục, Hồ Quý Ly đã có một cách nhìn đúng đắn và sâu sắc về vai trò người phụ trách giáo dục. Hồ Quý Ly tỏ ra hiểu được vấn đề đào tạo con người là khó khăn, công phu. Chỉ có người tài mới đào tạo ra được người tài. Cho nên những người thi đỗ thái học sinh khoá đầu dưới triều Hồ đều được Hồ Quý Ly bổ dụng phần đông vào việc trông coi giáo dục. Hồ quý Ly cũng biết trọng dụng cất nhắc những nho sĩ thi đỗ dưới triều Trần, mà chưa được lưu ý sử dụng như Nguyễn Phi Khanh cũng đẫ được nhà Hồ đưa lên đến chức Hàn Lâm học sĩ. 

          Càng đáng trân trọng và đánh giá cao đối với Hồ Quý Ly trong cải cách giáo dục Khi ông đề ra chính sách khuyến học, Năm 1397, Hồ Quý Ly cho mở trường ở các châu lộ, phủ ở Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Đông, gồm hầu hết miền đồng bằng và duyên hải đất Bắc bộ ngày nay. Ở các châu, phủ đều có quan giáo thụ trông coi, đôn đốc việc học. Để tạo điều kiện cho giáo dục phát triển được, Hồ Quý Ly đã cung cấp ruộng cho các châu, phủ theo 3 mức độ cụ thể: phủ, châu lớn 15 mẫu, phủ, châu vừa 12 mẫu, phủ châu nhỏ 10 mẫu. Hồ Quý Ly còn hạ chiếu cho “quan ở lộ phải đôn đốc học quan dạy dỗ học trò... Vào cuối năm phải kém chọ người học giỏi cống vào triều để nhà vua sát hạch lại rồi bổ dụng”(1). Chỉ cần nhìn vào kết quả của kỳ thi tuyển chọn nhân tài tổ chức vào năm 1405 đã lấy đỗ đến 170 người để bổ dụng vào bộ máy quan chức nhà Hồ cũng đã thấy tác động khuyến học, nâng cao dân trí của Hồ Quý Ly là rộng rãi và cụ thể. Tất cả những chủ trương và việc làm của hồ Quý Ly đối với việc giáo dục, đào tạo con nước ta cuối thế người kỷ XIV đầu thế kỷ XV được trình bày ở trên đủ cở sở cần thiết để khẳng định Hồ Quý Ly là một nhà cải cách giáo dục tiến bộ; nhằm đào tạo con người sáng tạo, gắn bó với cuộc sống và là con người hành động, phải nghĩ, phải làm; nghĩ và làm là vì sự đi lên của đất nước và độc lập dân tộc. Tuy không thành hệ thống lý luận của một văn bản về cải cách giáo dục, mà chỉ bằng những chiếu chỉ và việc làm của Hồ Quý Ly đưa ra để nhà nước và nhân dân thực hiện trong thời gian gần 15 năm trên lĩnh vực giáo dục với bao nội dung và hình thức giáo dục mới do yêu cầu của tình hình đất nước đặt ra, đã thực sự góp phần đào tạo nên một lớp người có văn hoá đông đảo hơn, mẫn cán hơn lớp người ở buổi cuối thời Trần.

          Từ thực tế ấy, rõ ràng là cải cách giáo dục so với các mặt về cải cách chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, có thể nói cải cách giáo dục của Hồ Quý Ly là tiến bộ nhất và được nhân dân dễ dàng chấp thuận.

          Tiếc rằng cải cách giáo dục của Hồ Quý Ly chỉ được thực thi trong một thời gian ngắn ngủi - trong thời gian mà Hồ Quý Ly có quyền lực nhất từ sau năm 1387 đến 1407, thời gian Hồ Quý Ly được phong Đồng binh chương sự đến khi Hồ Quý Ly thất bại trong cuộc kháng chiến giữ nước.

          Đối với chúng ta hiện tại, sống cách Hồ Quý Ly gần 6 thế kỷ, nhưng chúng ta vẫn thấy cải cách của Hồ Quý Ly có giá trị thời sự nóng bỏng. Đó là vấn đề giáo dục phải góp phần đào tạo con người yêu nước, ham hành động, sáng tạo, và gần gũi cuộc sống thực tế. Song cải cách giáo dục của Hồ Quý Ly có thể thực hiện chưa được nhiều, vì nhà Hồ chóng sụp đổ. Hồ Quý Ly có thể bị mất lòng dân về những mặt khác, nhưng về cải cách giáo dục, và chắc là mặt có nhiều thành công nhất của Hồ Quý Ly trong cuộc đời hoạt động chính trị đầy mưu lược, táo bạo lắm mâu thuẫn của ông. Tên ông được ghi vào Bách khoa từ điển nước ngoài như là một nhà cải cách lớn của Việt Nam. Và gần đây G.M.Maxlov đã dánh giá Hồ Quý Ly là: “... một nhà cải cách, một nhà yêu nước, một chiến sĩ chống quân bành trướng phong kiến Trung Quốc - Hồ Quý Ly đã biểu hiện là một con người như vậy trước chúng ta. Ông xứng đáng có một vị trí đặc biệt trong lịch sử của nhân dân Việt Nam”(2). Chính việc cải cách giáo dục của ông đã góp phần quan trọng vào “vị trí đặc biệt” mà ông có được.

 Chú thích:

(1) Trương Hữu Quỳnh và Nguyễn Đức Nghinh; “Lịch sử Việt Nam” Tập 1, Nxb Giáo dục - Hà Nội - 1980 tr. 337.

(2) “Chế độ phong kiến Việt Nam thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV” của Maxlov - Mockba - 1989, tr.163.

   Nguồn: Phạm Cúc, Hồ Quý Ly - Nhà cải cách giáo dục tiến bộ, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 - 1992, Viện khoa học xã hội Việt Nam Viện sử học. Trang 36, 37.  

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm