CỤM THẮNG TÍCH ĐỀN THỜ TRẦN KHÁT CHÂN, CHÙA GIÁNG, ĐÀN NAM GIAO - TÂY ĐÔ, GIÁ TRỊ VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Thiên nhiên ưu ái đã ban tặng cho Vĩnh Lộc nhiều danh lam thắng cảnh, hang động đẹp, nhiều di tích nổi tiếng có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa đó là tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ du lịch.
1. Đàn Nam Giao - Tây Đô
Sau khi lên ngôi thay thế nhà Trần (1400) nhà Hồ tiếp tục thực hiện các cải cách, xây dựng củng cố quân đội, cơ sở hạ tầng, hệ thống phòng thủ để đối phó giặc ngoại xâm. Năm 1402, Hồ Hán Thương cho xây dựng đàn Nam Giao (thuộc địa phận xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc ngày nay). Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Nhâm Ngọ 1402, tháng 8 Hán Thương sai đắp Đàn Nam Giao trên núi Đốn Sơn làm lễ tế giao đại xá thiên hạ”. Đây là công trình tôn giáo quan trọng của Nhà nước quân chủ phong kiến Việt Nam nói riêng, phương Đông nói chung. Được sử dụng để tế Trời, tế Thượng Đế, tế Thần Đất và tế tất cả các vị thần khác nhằm mục đích cầu cho quốc thái dân an, quốc gia trường tồn đồng thời khẳng định tính chính thống của vương triều, quốc gia và dân tộc.
Tổng thể di tích đàn Nam Giao Tây Đô qua nghiên cứu khai quật từ năm 2004 đến nay với diện tích 18.000m2 cho thấy đàn được chia thành 2 phần: Nội đàn và Ngoại đàn được phân cách bởi tường đá hình chữ nhật có lượn tròn ở góc Đông Bắc và Tây Bắc. Ngoại đàn có dấu tích của 2 công trình phụ trợ có khả năng là Thần Khố, Thần Trù và sân nền tập kết đoàn rước lễ của Hoàng Đế. Nội đàn gồm 4 tầng nền được bố trí cao dần từ chân lên lưng chừng núi Đún. Ở mỗi tầng nền đều phát hiện các dấu tích kiến trúc phù hợp với chức năng của mỗi tầng nền. Chính giữa là trục thần đạo 5 làn xếp đá, đi từ tầng nền Ngoại đàn lên tầng nền thứ nhất qua 3 cổng lớn. Làn chính giữa là đường đi của Thượng đế và các thần linh, các làn bên là của Hoàng đế và đoàn tùy tùng rước lễ. Theo thứ tự từ ngoài vào thì tầng nền đầu tiên là nơi Hoàng Đế bước qua một cái cổng 3 gian tiến vào Trai Cung ở phía Tây và sử dụng nước giếng Ngự Duyên (phía Đông) để thực hiện các nghi thức Trai giới trước khi hành lễ; Tầng nền tiếp theo có bố trí 2 khu vực kiến trúc có diện tích khá lớn được nhận định là nơi chuẩn bị đồ lễ, chuẩn bị đội ngũ hành lễ và nghi trượng trước khi tiến lên sân hành lễ; Tầng nền tiếp theo nữa là nơi sắp xếp đồ lễ, bài vị tế lễ thần linh ở 2 bên, chính giữa là đội hình chính thức phục vụ hành lễ; Tầng nền trên cùng là nơi có nền đàn hình tròn tượng trưng cho Trời, nơi đặt lễ chính và là nơi Hoàng đế thực hiện các nghi lễ tế Trời. Phía sau tầng nền này có cổng mở đi lên đỉnh núi Đún.
1.1. Giá trị di sản đàn Nam Giao
Đàn Nam Giao Tây Đô là bộ phận kiến trúc quan trọng tạo thành chỉnh thể quy hoạch kinh đô quân chủ Đại Việt cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV. Theo mô hình quy hoạch kinh đô của các nước phương Đông (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), trong các di tích nghi lễ thì đàn Nam Giao là quan trọng nhất. Do vậy, ở hầu hết các kinh đô chịu ảnh hưởng Nho giáo đều chỉ có một đàn tế Giao. Ở Việt Nam về đại thể cũng có nét tương đồng như thế. Nhưng dấu tích kiến trúc này thường bị hủy hoại, nên hiện nay khó đánh giá tổng quát mặt bằng tổng thể của kinh đô.
Theo sử sách ghi chép và các nghiên cứu, ở nước ta đàn tế Giao được xây dựng vào thời nhà Lý và nhà Lê ở Thăng Long và hiện nay đã bị phá hủy hoàn toàn, đàn tế Nam Giao ở thành Hoàng Đế thời Tây Sơn (Bình Định) và đàn Nam Giao thời Nguyễn có niên đại muộn hơn. Như vậy, chỉ có dấu tích kiến trúc mặt bằng đàn Nam Giao Tây Đô là được bảo tồn nguyên vẹn nhất. Do đó, đàn Nam Giao Tây Đô góp phần cho chúng ta so sánh và thấy được phần nào diện mạo của các kinh đô lớn trong lịch sử dân tộc như kinh đô Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.
Đàn Nam Giao Tây Đô là minh chứng cho sự giao thoa các giá trị nhân văn của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, kết hợp tinh hoa của văn hóa bên ngoài với truyền thống bản địa, tạo nên những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV.
Bên cạnh những nét tương đồng, quy hoạch đàn tế Nam Giao Tây Đô thể hiện nhiều nét đặc sắc riêng. Đó là việc sử dụng vật liệu kiến trúc đá, tận dụng tối đa đá núi tại chỗ trong xây dựng, bố cục kiến trúc cùng dựa vào điểm nền cao nhất là Viên đàn. Sức hấp dẫn của đàn Nam Giao thời nhà Hồ vừa ở tính chất cổ kính, vừa ở quy mô hoành tráng, cấu trúc rõ ràng, được dựng ở vùng núi (trong khi các đàn Nam Giao của các quốc gia khác được dựng ở vùng đồng bằng).
Điều đặc biệt của đàn Nam Giao của vương triều Hồ là vẫn giữ được tính nguyên bản của nền móng kiến trúc. Tất cả cho thấy di tích đàn Nam Giao Tây Đô là một hình tượng kiến trúc đặc sắc trong kho tàng lịch sử kiến trúc cổ truyền Việt Nam, góp nên nguồn tư liệu rất có giá trị làm rõ tiêu chí (ii) của di sản thế giới Thành Nhà Hồ: Biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở thời kỳ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV...thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông Á và Đông Nam Á, tận dụng triệt để môi trường thiên nhiên xung quanh và đưa thêm vào các công trình và cảnh quan đô thị những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á. Đó cũng chính là giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới Thành Nhà Hồ.
1.2. Ý nghĩa lịch sử
Đàn Nam Giao Tây Đô là công trình tâm linh quan trọng được vương triều Hồ cho xây dựng ở nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, nơi “muôn loài sinh trưởng” để cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, vương triều trường tồn - thịnh trị, đất nước tự cường.
Cùng với các di tích khác, đàn Nam Giao đã hợp thành một quần thể kiến trúc đặc trưng của triều Hồ. Di sản đã góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế xã hội của triều Hồ.
Với tổng diện tích trên 43.000m2, với các đặc điểm riêng có, đàn tế Nam Giao đã góp phần tăng thêm giá trị đặc sắc của Thành Nhà Hồ và góp phần đưa tổng thể di tích Thành Nhà Hồ trở thành Di sản Thế giới.
Hiện nay, trong Quy hoạch Tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ gắn với phát triển du lịch, di tích đàn Nam Giao Tây Đô tiếp tục được nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng một số công trình, hạng mục phục vụ công tác phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Trong tương lai không xa, đàn Nam Giao Tây Đô sẽ là khu tâm linh thu hút khách du lịch của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
2. Chùa Giáng (Tường Vân Tự)
Vĩnh Lộc không chỉ được biết đến là một vùng đất giàu thắng tích mà còn là điểm đến của du lịch tâm linh bởi nơi đây còn hiện hữu nhiều đền chùa nổi tiếng có lịch sử lâu đời như: Chùa Báo Ân, chùa Giáng, chùa Nhân Lộ, chùa Linh Giang, chùa Linh Ứng, chùa Hoa Long, Phủ Trịnh, Nghè Vẹt...
Chùa Giáng hay còn có tên gọi khác là Tường Vân tự thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, cách Thành Nhà Hồ 2,5km về phía Nam, cách đàn Nam Giao 500m về phía Bắc. Đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIV. Chùa nằm dưới chân núi Đún, quay mặt về hướng Nam, xung quanh có địa thế thuận lợi về sông núi, thoáng gió, tụ khí tạo nên một diện mạo kiến trúc cảnh quan cổ kính, trang nghiêm, trầm mặc.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại, gắn bó với vùng đất từng là kinh đô của vương triều Hồ, chùa Giáng cùng trải qua biết bao thăng trầm lịch sử. Tuy nhiên, với kiến trúc cảnh quan thiên nhiên và không gian chùa độc đáo, tất cả đã tạo nên một thế giới tâm linh thành kính, tin tưởng của con người vào chốn cửa Phật. Với những giá trị về lịch sử, văn hoá và du lịch Tường Vân Tự đã được Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích lịch sử Quốc gia vào tháng 3/2009.
Chùa Tường Vân với nét đẹp cổ truyền của văn hoá Việt tô điểm cho một vùng đất địa linh nhân kiệt và cũng là điểm tâm linh thu hút hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm.
3. Đền thờ Trần Khát Chân (đền Đún Sơn)
Trong giai đoạn cuối của triều Trần, Hào khí Đông A, ba lần đánh bại quân Nguyên Mông vang lừng đã suy yếu, đất nước rối loạn, nhân dân cực khổ muôn phần. Phía Bắc, giặc Minh nhòm ngó; phía Nam, giặc Chiêm Thành quấy nhiễu đem quân nhiều lần tiến đánh Đại Việt. Lúc bấy giờ, Trần Khát Chân nổi lên là một vị tướng tài ba, trí dũng hơn người, được cử đi đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu dân tộc khỏi họa xâm lăng, bảo vệ bình yên cho đất nước.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam sử lược, đều ghi: “Trần Khát Chân người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh, ba đời làm thượng tướng quân”. Ông là dòng dõi của danh tướng Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc”. Theo sách Danh nhân Thanh Hóa của Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa - NXB Thanh Hóa năm 2005, Trần Khát Chân sinh năm Bính Tuất (1366), mẹ là Nguyễn Thị Điểm quê ở huyện Đông Sơn Thanh Hóa.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước có loạn lạc, Trần Khát Chân chăm lo rèn văn luyện võ, hăng hái ra nhập quân đội và sớm nổi tiếng là người giỏi võ, lắm cơ mưu. Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga đem quân đánh Đại Việt, Hồ Quý Ly được Vua Trần Nghệ Tông cử đi dẹp giặc nhưng bị đại bại.
Trước thất bại của quân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hồ Quý Ly, Tháng 12 năm 1389, Trần Khát Chân đã tâu với Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông xin được lĩnh mệnh dẹp giặc cứu nước. Ngày 23 tháng giêng năm 1390, Đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều, giết được vua Chế Bồng Nga. Khi nghe báo tin thắng trận Trần Nghệ Tông mừng lắm phong cho ông là Thượng tướng quân.
Năm 1397, Hồ Quý Ly sai Thượng tướng quân Trần Khát Chân dẫn quân bảo vệ, hỗ trợ việc xây thành An Tôn. Ông cho đóng quân ở chân Đốn Sơn (núi Đún). Lúc này, trong Triều, quyền hành của Hồ Quý Ly quá lớn, lấn át vua và thượng hoàng khiến các tướng bất mãn nên đã bày mưu ám sát Hồ Quý Ly. Đại Việt sử ký toàn thư chép “ Bọn Khát Chân có ý giết Quý Ly, Quý Ly ngồi trên lầu nhà của Khát Chân để dự lễ Minh Thệ, y như lệ thiên tử ngự đến miếu đền, chùa. Cháu Phạm Khả Vĩnh là phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên, Khát Chân chừng mắt ngăn lại….”. Sự việc không thành, Trần Khát Chân cùng các tướng tâm phúc bị bắt và bị hành quyết với tổng số là 370 người tại núi Đún vào ngày 24 tháng 4 âm lịch năm 1399. Tương truyền rằng Khát Chân khi sắp bị hành hình lên núi Đún gào thét 3 tiếng, chết qua 3 ngày sắc mặt vẫn tươi như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Ngưỡng mộ tài đức của ông nhân dân đã an táng và lập đền thờ tại chân Đốn Sơn.
Đền thờ Trần Khát Chân cách Thành Nhà Hồ khoảng 3km về phía Nam, cách Chùa Giáng 200m về phía Đông. Đền được xây dựng từ cuối thế kỷ XV bao gồm Nghinh môn, Tiền đường, Trung đường và Hậu cung, ngoài ra còn các công trình phụ khác như lầu Ngư dội, nhà sắm lễ…
Nghinh môn được xây dựng với hệ thống 4 cột lồng đèn, 2 cột chính và 2 cột phụ ngăn cách bởi bức tường đắp hình 2 ông hổ. Qua cổng là sân đền lát gạch bát tràng rộng khoảng 150m2 khuôn viên cây xanh rợp bóng mát; ở đây có các cây đại thụ như cây trôi, cây trám đen (cây bùi), cây vải, cây trâm vối (cam sành), cây báng (cây sộp), cây thanh khất, hiện nay các cây này đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản. Bước lên 7 bậc đá phía trên có bức Đại tự bằng chữ Hán ghi “Thiên cổ như sơn” đó là nhà tiền đường gồm 3 gian 2 dĩ tường hồi bít đốc, kiến trúc gỗ kiểu chồng giường kẻ chuyền, đáng chú ý nhất là 2 kẻ trước trạm nổi đầu rồng có bờm miệng mím; hai vì kèo được nối với nhau bằng hệ thống xà dọc, xà đại, xà hạ, xà thượng tạo thành bộ khung vững chắc chống đỡ toàn bộ lực đè nặng của phần mái, bờ nóc có đắp lưỡng long chầu nguyệt. Phía trong gian giữa nhà tiền đường là ban thờ Hội đồng các quan triều Trần.
Trung đường tiếp nối với tiền đường bởi hai dải vũ được kiến trúc 3 gian 2 dĩ, xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XV. Phần mái được lợp bằng ngói, trên bờ nóc đắp 2 chim phượng ở giữa là một nậm rượu. Với kỹ thuật tinh xảo kiến trúc điêu luyện “chồng giường, kẻ truyền” chạm khắc hình rồng, hổ phù, cá chép và các loại hoa lá của thiên nhiên. Phía ngoài của gian giữa có bức cửa võng chạm lưỡng long chầu nguyệt và cành tùng cách điệu.
Hậu cung là nơi thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân, xây dựng theo kiểu cuốn vòm; trước cửa hậu cung là hệ thống 4 cột bằng đá xanh, xà ngang đá làm nhiệm vụ chống đỡ hậu cung tạo thành cửa đi vào bên trong hậu cung là mộ của ngài, tượng Trần Khát Chân được đặt ngồi trong long khám mặc áo, đội mũ cánh chuồn, nhân dân thường gọi nơi đây là “Thượng sàng hạ mộ”.
Trong đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như kiệu long đình, kiệu bát cống, ngựa bạch, kiếm, bộ bát biểu, hệ thống các bức đại tự, câu đối, hoành phi, đồ thờ…đặc biệt còn lại rất nhiều sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ca ngợi công đức của ông đóng góp cho lịch sử dân tộc như đôi câu đối ca ngợi Trần Khát Chân được treo tại đền thờ:
“Gian hùng phách hổ hoa lâu kiếm
Chính khí linh truyền thạch lộ cung”.
Tạm dịch: Lầu hoa gươm biếc, gian hùng bay phách lạc
Đường đá cung reo, chính khí còn truyền mãi tiếng thơm.
Đền thờ Trần Khát Chân là một di tích lịch sử, văn hóa, một công trình kiến trúc cổ, một điểm hẹn của du khách thập phương. Nhớ về cội nguồn, tự hào thay một con người bất khuất trung nghĩa vì dân, vì nước.
Lễ hội đền thờ Trần Khát Chân được diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-4 âm lịch hàng năm, đó cũng là ngày hội làng. Phàm là con em quê hương Vĩnh Lộc dù là làm ăn gần xa trong tỉnh, ngoài tỉnh đều nhớ đến ngày này để về góp mặt. Thế mới biết không chỉ ngày xưa mà ngày nay cũng vậy: đền thờ - lễ hội không chỉ là nơi thờ cúng tôn nghiêm mà còn là nơi gặp gỡ của các thế hệ để cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, nhắc nhở nhau đạo lý uống nước nhớ nguồn, đạo đức lễ nghĩa, tình làng nghĩa xóm, nhân ái thủy chung. Phần “lễ” là các nghi thức gồm có đại tế và tiểu tế do các vị cao niên có uy tín và đức độ trong làng đứng ra đảm nhiệm, lại cử một chủ tế đứng ra lo việc chung và đọc bản công trạng ca ngợi công đức của Thánh. Sau vài tuần dâng rượu, đoàn đại biểu huyện, xã dâng hương thì đám rước bắt đầu. Kiệu ngai Thánh do các chàng trai tráng kiện rước đi đầu, tán vàng lọng tía, cờ quạt gươm giáo, bát bửu, các vật phẩm cúng tế cũng được dâng theo. Đám rước từ Quốc lộ 217 nhập với Quốc lộ 45 dẫn đến đền Tam Tổng trong một không khí hết sức rộn ràng mà trang nghiêm, náo nhiệt mà thành kính. Ấn tượng nhất là nghi thức chạy kiệu hay còn gọi là quay kiệu: Kiệu Thánh quay tròn, tám chàng trai khiêng kiệu cũng chạy cuốn theo vòng tròn ấy, gương mặt rám đỏ vì nắng như bừng lên, say sưa cái chất men của lễ hội. Không biết là vì ngẫu hứng hay như các cụ ngày xưa vẫn quan niệm là Thánh đã ứng và sang năm mới mùa màng lại bội thu, con cháu trong làng ngoài xã sẽ thành đạt, kẻ đi làm ăn xa quê sẽ may mắn? Ngoài phần nghi lễ, trong hội còn có các trò diễn dân gian như hát múa, bơi cạn, cầu mưa... là các tư thế và các động tác chèo thuyền trên sông nước được cách điệu cao, trang phục nữ quan trắng hoặc vàng. Xong múa, bơi cạn, đội múa tiếp tục trò chơi xếp chữ VÂN (mây) vào buổi sáng và chữ VŨ (mưa) vào buổi chiều. Theo tục lệ xưa, năm nào hạn hán thì Tam Tổng làm lễ cầu mưa, rước bài vị Thánh bờ sông Mã để tế lễ, có hát múa bơi cạn, bơi chải. Một phần hội ở đây còn được diễn ra dưới gốc cây đại thụ, nơi có sẵn các bàn cờ để các cụ vừa chơi vừa ngâm nga lẩy Kiều, xung quanh có rất nhiều người xem, trẻ nhỏ cũng có các trò chơi: ném vòng vào chai, ném bóng vào chậu, kéo co... các trò chơi này mỗi năm lại thay đổi và bổ sung để phong phú hơn. Lễ hội thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch mỗi năm.
Tóm lại: Cụm thắng tích đền thờ Trần Khát Chân, chùa Giáng, đàn Nam Giao - Tây Đô khu vực núi Đốn Sơn trên tuyến Quốc lộ 217 với những giá trị về ý nghĩa lịch sử, kiến trúc, tâm linh... đã và đang phát huy tác dụng trong công tác du lịch huyện Vĩnh Lộc. Trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ gắn với phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc, đây là cụm thắng tích trọng điểm được nghiên cứu, đầu tư xứng với tầm vóc, giá trị vốn có của nó./.
Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ