Thành Nhà Hồ, 13/11/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 422

    Đã truy cập: 1130324

Từ Thành Nhà Hồ đi dọc sông Mã đắm say miền văn hóa tâm linh

Về bên thành Tây Đô (Vĩnh Lộc) - nơi ghi đậm dấu ấn vương triều nhà Hồ, nghe đá thì thầm kể chuyện xây thành, du khách như được trải lòng mình cùng cảnh sắc quê hương êm ả, thanh bình, thăm lại nét xưa làng cổ, dạo bước suốt dọc dài di tích tâm linh ven đôi bờ sông Mã, thấu hiểu hơn lịch sử, quá khứ vàng son của cha ông...

Nét đẹp chùa Linh Giang bên dòng Mã giang.

       Từ Thành Nhà Hồ, nhóm 4 người chúng tôi vui vẻ, háo hức di chuyển lên chiếc xe điện do nữ nhân viên của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ điều khiển, bắt đầu chuyến tham quan các điểm di tích tâm linh dọc sông Mã. Chiếc xe nhỏ nhưng thiết kế tiện lợi, thoáng mát, ưu thế lớn nhất là giúp du khách được trải nghiệm, hòa mình cùng cảnh sắc thiên nhiên, không khí trong lành nơi đây. Chiếc xe điện đi qua những con đường nhỏ quanh co, ôm ấp xóm làng, hai bên cánh đồng lúa xanh mơn mởn nô đùa cùng nắng, gió như đang hát khúc đồng dao gọi mời. Chị nữ nhân viên vừa lái xe vừa thân tình chia sẻ: “Ngày xưa, cứ hễ nói đến chuyện học lái xe ô tô là em nhát lắm. Nhưng từ khi trung tâm có định hướng đa dạng hóa, nâng cấp dịch vụ du lịch, đưa xe điện vào hoạt động phục vụ khách tham quan là em và một số người khác của trung tâm mạnh dạn hơn hẳn. Phần nghĩ là học để đáp ứng công việc, phần nhiều vì được ban giám đốc động viên, khích lệ, còn có cả cơ chế khuyến khích...”.

       - Cơ chế gì vậy chị? Chúng tôi tò mò hỏi.

       - Những ai đăng ký đi học lái xe ô tô và tham gia dịch vụ xe điện cho khách du lịch sẽ được hỗ trợ 50% tiền học phí. Các em thì chẳng ngại khó, ngại khổ, chỉ mong có thêm cơ hội trải nghiệm, cống hiến, đột phá và từ đó quảng bá, lan tỏa giá trị, thu hút đông đảo du khách đến với Thành Nhà Hồ nhiều hơn. Từ ngày đưa xe điện vào hoạt động, chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các em phục vụ nhu cầu đi lại cho khoảng 100 khách/ngày, ngày đông nhất là 200 khách. Tiếc là số xe điện còn ít nên khách phải chờ đợi hơi lâu và nhiều khách chưa được trải nghiệm dịch vụ này.

       Trên xe, ai nấy đều biểu dương tán thưởng trước nỗ lực, sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình của Ban giám đốc và cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ. Chúng tôi chia sẻ với Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Long cũng có mặt trong chuyến tham quan trải nghiệm rằng: Cảnh sắc thiên nhiên, nhịp sống nơi đây thơ mộng, yên bình quá, cảm giác như một cơn gió từ đồng xanh nhởn nhơ thổi lại cũng dễ ru lòng người vào an nhiên, tĩnh lặng. Cái hoài niệm, yên bình lấn lướt cả ham muốn đột phá, mới mẻ. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đáp lại: “Lâu nay, du khách khi đến với Thành Nhà Hồ chủ yếu tham quan khu vực thành phía nam, nhà trưng bày hiện vật và mở rộng ra vị trí các làng cổ, một số di tích phụ cận. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế ở nơi này còn rất nhiều điều hấp dẫn, độc đáo, nhất là hệ thống di tích tâm linh nằm dọc sông Mã (vùng đệm). Trong khi đó, du lịch tâm linh ngày càng trở thành xu hướng phổ biến, rất được ưa chuộng, sức hút càng tăng cao vào các dịp lễ, tết, đầu xuân năm mới...”.

       Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng thêm trải nghiệm thú vị cho khách khi đến với vùng đất Tây Đô; trên cơ sở tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Môn, Tây Giai và các di tích phụ cận như: đền thờ nàng Bình Khương, đình Đông Môn, nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng..., Ban giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tuyến tham quan các di tích tâm linh dọc sông Mã (vùng đệm di sản). Tuyến tham quan bắt đầu xuất phát từ Thành Nhà Hồ, đi qua các điểm di tích, địa điểm tiêu biểu: đền thờ nàng Bình Khương, nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng sau đó dọc theo sông Mã ghé thăm các ngôi chùa Linh Giang, chùa Nhân Lộ, đền Tam Tổng (đền thờ Trần Khát Chân, xã Vĩnh Tiến).

       Cách Thành Nhà Hồ 1,5 km về phía Tây, tuyến tham quan đưa du khách đến với ngôi chùa thiêng có tên gọi Linh Giang. Ngôi chùa lưng tựa vào núi, mặt hướng về phía con sông Mã êm đềm nước chảy, nằm ngay gần với dãy núi An Tôn - một trong những công trường khai thác đá xây Thành Nhà Hồ. Linh Giang có nghĩa là “sông linh” hay “sự linh thiêng của một dòng sông”. Do đó, ngôi chùa không chỉ mang vẻ đẹp của non nước mà còn là chốn tâm linh, thanh tịnh mang ý niệm về sự che chở, bảo hộ của thần, phật cho cuộc sống người dân nơi đây.

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ trên vùng đất Tây Đô (Vĩnh Lộc).

       Hiện nay chưa có một tài liệu cụ thể xác định niên đại xây dựng chùa, tất cả chỉ được lưu truyền trong dân gian. Về quy mô, kiến trúc, trước đây chùa Linh Giang được xây dựng trên một diện tích đất khá rộng, bề thế gồm 4 dãy nhà; chùa có gác chuông lớn, liền với gác chuông là tháp... Nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Theo thời gian, biến động lịch sử, chùa Linh Giang trải qua trùng tu, tôn tạo, tuy quy mô, kiến trúc xưa không còn nhưng chùa vẫn lưu giữ được nhiều nét cổ, hiện vật cổ... Với những giá trị lịch sử, kiến trúc riêng biệt, chùa Linh Giang đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2000.

       Xuôi dòng Mã giang, du khách đến với chùa Nhân Lộ (còn gọi là chùa Phúc Long) - điểm đến hấp dẫn trong quần thể di tích vệ tinh của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Nằm hướng mặt về phía dòng sông Mã, xa xa là dãy núi Tam Thai, nơi gắn liền với những huyền tích gắn với thời kỳ Hùng Vương và vua triều Lý đi đánh giặc Chiêm Thành được thần Đồng Cổ ứng linh, báo mộng. Theo tài liệu khảo tả: Kiến trúc chùa Phúc Long bao gồm nhà Phật điện và nhà Mẫu. Nhà Phật điện thiết kế theo kiểu nhà chồng diêm hai tầng mái. Phật điện có ba cửa ra vào, trên cổ diêm gian giữa đắp 3 chữ “Phúc Long tự”, cổ diêm bên trái đắp 4 chữ “Thần thông diệu dụng”, cổ diêm bên phải đắp hàng chữ “Trí tuệ viên minh”, nối với nhà chính điện là hậu cung được xây cuốn vòm theo kiểu kiến trúc hình chữ Đinh. Nhà Mẫu được dựng đấu đốc với nhà Phật điện, kiến trúc cũng theo kiểu chữ Đinh. Sông nước chảy trôi, khói hương thành kính, du khách đến với chùa Nhân Lộ như tìm về chốn bình yên trong tâm thức.

       Tuyến tham quan các điểm di tích tâm linh dọc sông Mã của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đang trong quá trình hoàn thiện. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục cải tạo khuôn viên, xây dựng các điểm check-in, tu sửa đường vành đai quanh Thành Nhà Hồ, đầu tư bổ sung một số xe điện nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó, trung tâm sẽ đưa ra mức giá vé hợp lý để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách trải nghiệm tuyến tham quan này. Cùng với đó, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đa dạng, nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng chuyển đổi số, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực... để thu hút đông đảo du khách, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

    Nguồn: https://baothanhhoa.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm