Hát chèo ở làng Xuân Áng
Nằm trong vùng Di sản Thành Nhà Hồ, Xuân Áng (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) là làng cổ được hình thành từ hơn sáu trăm năm trước.
Đời sống văn hóa tâm linh rất phong phú, làng có chùa cổ (được công nhận là di tích lịch sử), có đền, đình, đến nay còn lưu giữ được các sắc phong của các triều vua ban cho Thành hoàng làng. Vùng đất Tây Đô khi xưa, sầm uất về phố phường, nổi tiếng về sản vật, xung quanh kinh thành còn phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật như hát bội ở làng Bèo, hát chèo ở Xuân Áng, hát ca trù ở Xuân Giai. Từ xưa làng Xuân Áng đã có gánh hát với đầy đủ diễn viên, nhạc công và phương tiện.
Hát chèo ở làng Xuân ÁngCLB Chèo Xuân Áng biểu diễn tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ. Ảnh: N.H.M
Phát huy truyền thống nghệ thuật của quê hương, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với phong trào tiếng hát át tiếng bom, làng Xuân Áng đã thành lập đội văn nghệ hát chèo, trực thuộc HTX nông nghiệp của xã. Hát chèo là loại hình nghệ thuật dân tộc có sức hấp dẫn, đội văn nghệ chèo Xuân Áng đã dàn dựng biểu diễn những hoạt cảnh chèo về quê hương, đất nước, tiền tuyến gọi, phục vụ đắc lực cho đời sống tinh thần của Nhân dân trong vùng. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, được sự đầu tư giúp đỡ của đoàn chèo tỉnh Thanh Hóa, đội chèo làng Xuân Áng đã dựng, biểu diễn nhiều vở chèo như: Cô gái sông Lam, Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám, Chị Dậu, Súy Vân, Hương Thiên Lý, các bài hát chèo, chào mừng các sự kiện lớn của địa phương... được Nhân dân đến xem đông đúc, cổ vũ khen ngợi.
Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, kỹ thuật nghe nhìn phát triển, nghệ thuật biểu diễn sân khấu rệu rã, thay vào đó nhiều loại hình nghệ thuật mới ra đời. Một số diễn viên già yếu xin nghỉ, lớp trẻ đi làm ăn xa, đội văn nghệ chèo Xuân Áng hoạt động khó khăn, có nguy cơ tự giải tán. Đứng trước tình cảnh đó, một số anh chị em diễn viên nòng cốt của đội văn nghệ không đành lòng. Nhằm lưu giữ và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống chèo trên vùng đất Tây Đô, được sự quan tâm của các cấp, năm 2001, Câu lạc bộ (CLB) Chèo Xuân Áng được thành lập, do bà Hà Thị Điền làm chủ nhiệm. Hội viên CLB là những người nông dân, mặc dù độ tuổi khác nhau, nhưng họ gắn bó với nhau bằng nhiệt huyết và tình yêu đối với nghệ thuật chèo. Từ khi thành lập đến nay, CLB chèo Xuân Áng luôn duy trì được số hội viên, ngày càng phát triển. Ngoài việc tham gia biểu diễn phục vụ nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân trong xã, CLB còn tham gia nhiều hội thi, hội diễn, do các cấp tổ chức, đạt nhiều thành tích đáng kể. CLB thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch, tại các điểm di tích danh thắng trong huyện như: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, danh thắng quốc gia Kim Sơn, lễ hội phủ Trịnh, lễ hội Trần Khát Chân... Với niềm đam mê sâu sắc, bà Hà Thị Điền luôn là người tiếp lửa truyền thống cho hội viên và học viên. Là người sáng tác kịch bản, đạo diễn, đồng thời là diễn viên, bà Hà Thị Điền đã đào tạo được rất nhiều hội viên hiện đang sinh hoạt tại CLB, sáng tác các kịch bản có nội dung sát với tình hình thực tế của địa phương, chủ đề về xã hội, môi trường, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, xây dựng nông thôn mới... Bà còn trực tiếp tham gia biểu diễn các vai: dì ghẻ trong vở Tấm Cám, Thị Mầu trong Quan Âm Thị Kính, bà Nghị Quế trong vở Chị Dậu, cô Nguyệt trong vở Hương Thiên Lý...; viết và chỉ đạo dựng thành công nhiều tiểu phẩm được đánh giá chất lượng. Trải qua thời gian, CLB Chèo Xuân Áng từng bước đã trưởng thành. Năm 2016, 2018, tại các hội diễn, liên hoan văn hóa các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa, CLB Chèo Xuân Áng đại diện cho huyện Vĩnh Lộc tham gia đều đạt giải A. CLB đã được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Với nhiều nỗ lực, tích cực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, bà Hà Thị Điền đang được đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.
Ông Vũ Đình Nguyện, nguyên là diễn viên đội chèo cho biết: "Điều thành công nhất để bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo ở Xuân Áng chính là sự đan xen, tiếp nối giữa các thế hệ. Chính sự say mê, mong muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống của quê hương là yếu tố then chốt giúp các thành viên trong CLB không bỏ cuộc trước những khó khăn. Sau mỗi buổi biểu diễn, với mục đích giúp nhau cùng tiến bộ, các thành viên CLB thường ngồi lại trao đổi, chuyện trò vừa để động viên, khích lệ, vừa để góp ý, giúp nhau phát triển. Ngoài ra, từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền mà CLB hoạt động có hiệu quả hơn”.
Thời điểm này, người nông dân làng Xuân Áng đã xong việc giải phóng đất, gieo mạ, cấy lúa xuân. Sau những bận rộn ban ngày, đêm đến tiếng trống chèo vẫn rộn rã vang lên. CLB vẫn hàng ngày tập luyện tiết mục mới, để biểu diễn phục vụ du khách, đặc biệt là du khách đến thăm Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn