Thành Nhà Hồ, 23/12/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 5

    Hôm nay: 54

    Đã truy cập: 1160065

Ấn tượng với không gian trưng bày hiện vật ngoài trời tại Thành Nhà Hồ

Chiều 6/4, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tổ chức buổi khai mạc không gian Trưng bày hiện vật ngoài trời.

       

Thời gian tới huyện Vĩnh Lộc cùng với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ xây dựng các chương trình, kế hoạch giáo dục di sản cho các em học sinh

       Toàn bộ hiện vật là những chân tảng được khai quật tại Di sản Thành Nhà Hồ trong thời gian qua. Trưng bày minh chứng rằng Thành Nhà Hồ là kinh đô cổ đã được xây dựng hoàn chỉnh vốn đầy đủ cung điện, đền đài, miếu mạo ở bên trong và được sử dụng liên tục trong suốt tiến trình lịch sử chứ không phải là một ngôi thành trống.
Cuộc khai quật, khảo cổ học trong khu vực nội thành Thành Nhà Hồ đã có được nhiều kết quả quan trọng, góp phần minh chứng giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Những hiện vật thu được từ cuộc khai quật, khảo cổ học đã tự mình nói lên câu chuyện văn hoá của nhiều triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Tây Đô.

       Để tiếp nối và phát huy những giá trị bất biến từ những hiện vật khai quật được, đồng thời đem những giá trị đó đến gần hơn với cộng đồng và công chúng, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng không gian trưng bày hiện vật ngoài trời với 2 phần chính.

       Phần 1: Trưng bày hệ thống các hiện vật bằng đá trong đó chủ yếu là đá chân tảng có họa tiết là Hình tượng đài sen - Cánh sen - một trong các biểu tượng của nhà Phật. Hình tượng hoa sen của nhà Phật được xuất hiện rất nhiều trong các công trình xây dựng từ thời nhà Lý, thể hiện tính nối tiếp của truyền thống và lịch sử dân tộc. Đôi chỗ có hình uốn lượn, hình tượng rồng, là biểu tượng của vua, đại diện cho sức mạnh vương triều.

       Một số hiện vật khác là vật liệu trang trí các hành lang của cung điện. Việc sử dụng các vật liệu bằng đá rất phù hợp và đồng bộ với vật liệu xây dựng Thành Nhà Hồ đó là đá lớn. Thể hiện sức mạnh của nhà nước phong kiến với rất nhiều tham vọng về cách tân, đổi mới. Đồng thời thể hiện trí tuệ, kỹ thuật xây dựng vượt trội trong khu vực Đông Nam Á.

       Phần 2: Trưng bày các panô ảnh tấm lớn giới thiệu các hiện vật trang trí kiến trúc đẹp nhất, tiêu biểu nhất của di sản Thành Nhà Hồ. Ngoài các dấu vết kiến trúc trong thành Nội, có nhiều hiện vật như ngói đầu ống có lá đề khắc hình lưỡng long rất sinh động và sắc nét; đầu chim phượng, hình chim uyên ương.


ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phát biểu tại buổi khai mạc

       Các hiện vật được tìm thấy tại di sản Thành Nhà Hồ cũng có hình dáng, kích thước tương đồng với các hiện vật tại Hoàng Thành Thăng Long. Phù hợp với những tư liệu lịch sử đã ghi chép: các vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí tại Thành Nhà Hồ được lấy từ Hoàng Thành Thăng Long và vận chuyển vào Thanh Hóa. Qua đó càng khẳng định rõ nét hơn về tính xác thực và toàn vẹn của di sản Thành Nhà Hồ.

       Qua hoạt động trưng bày, triển lãm lần này sẽ giúp tất cả chúng ta có một cái nhìn sâu hơn về những nét đặc sắc của di sản mà cha ông đã để lại cho quê hương Vĩnh Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, bổ sung vào bức tranh toàn cảnh của một di sản độc đáo, nổi bật đã được thế giới công nhận. Qua đó, cũng thấy được vai trò trách nhiệm của đơn vị quản lý là Trung tâm tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã và đang làm hết sức mình trong công tác quản lý bảo vệ, phát huy để di sản đến gần hơn với đông đảo du khách và nhân dân địa phương.


Thêm một điểm check in mới mẻ, ấn tượng khi tới Thành Nhà Hồ

       Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ bày tỏ: Năm 2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đây là niềm vinh dự lớn không chỉ của tỉnh Thanh Hoá nói chung mà còn là niềm tự hào của lãnh đạo và nhân dân huyện Vĩnh Lộc nói riêng. Trải qua hơn 10 năm được công nhận là di sản văn hoá thế giới, Thành Nhà Hồ đang ngày càng chuyển mình với những thay đổi về diện mạo và phương thức quảng bá, ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

       “Tôi nhận thấy những đề án, dự án khai quật khảo cổ học chiến lược theo từng giai đoạn đã góp phần minh chứng giá trị toàn ven, tính xác thực của di sản Thành Nhà Hồ và những hiện vật thu được từ cuộc khai quật khảo cổ học đã khẳng định thêm những giá trị nổi bật, độc đáo mà không phải di sản nào cũng có được. Đây chính là cơ sở, là tiền đề để trong thời gian tới huyện Vĩnh Lộc cùng với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ xây dựng các chương trình, kế hoạch giáo dục di sản cho các em học sinh trên địa bàn huyện có cái nhìn đầy đủ và toàn vẹn hơn về giá trị của di sản của cha ông để lại trên quê hương Vĩnh Lộc.”, ông Linh nhấn mạnh.

       Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ này thành công nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ và ủng hộ của các cơ quan chuyên môn, của chính quyền địa phương và các tập thể, cá nhân. Tất cả đã góp phần xây dựng một không gian trưng bày mới mẻ và ấn tượng, hứa hẹn sẽ là một điểm dừng chân thú vị của du khách.

Nguồn: https://ngaymoionline.com.vn

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm