Cần lắm những chương trình “Em làm nhà khảo cổ học”
“Em làm nhà khảo cổ học” là chương trình giáo dục di sản lý thú, sân chơi thú vị dành cho các em học sinh Tiểu học và THPT với những trải nghiệm thực tế tại khu di sản thế giới Thành nhà Hồ. Đây được xem là mô hình hay, thiết thực mà hệ thống giáo dục đang còn thiếu thời gian qua.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) vừa phối hợp với Trường THCS Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) tổ chức chương trình giáo dục di sản: “ Em là nhà khảo cổ học” với chủ đề: “Thành nhà Hồ - Di sản cho mai sau”, tại khuôn viên cổng Nam di sản Thành nhà Hồ.
Di sản thế giới Thành nhà Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách
Các nhà tổ chức hy vọng với những trải nghiệm thực tế, thú vị, thiết thực sẽ khơi gợi cho các em học sinh nhiều điều bổ ích. Qua đó những bài học về lịch sử, tự nhiên sẽ bớt đi sự nhàm chán, đơn điệu.
Các em sẽ được tham quan, tìm hiểu Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ; học sinh trải nghiệm thực hành một số kỹ năng khai quật khảo cổ tại di tích như: cách thức mở hố khai quật, làm sạch mặt bằng di tích, làm quen với các dụng cụ khai quật như cuốc, xẻng, thước, chổi lông, máy ảnh, sổ nhật ký…, chỉnh lý đánh số và phân loại hiện vật.
Học sinh hào hứng khi được làm nhà khảo cổ
Các trò chơi thú vị được thiết kế phù hợp giúp các em hiểu được phần nào công việc tìm tòi và bảo quản những giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc. Đây là cách “vừa chơi, vừa học” hào hứng và phù hợp với lứa tuổi để các em đến với di sản và thêm yêu di sản quê hương.
Không gian nên thơ tại Thành nhà Hồ
Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh cho hay: Thông qua chương trình nhằm tích cực góp phần xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, và mô hình “Trường học gắn với Di sản văn hóa”. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo trong tuổi trẻ học đường.
Những hoạt động gắn liền với thực tế vừa học vừa chơi góp phần định hướng lối sống đẹp, ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, quê hương, đất nước. Từ đó, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục di sản văn hóa, lan tỏa mạnh mẽ và tạo sức sống bền vững cho di sản trong cộng đồng.
Được biết, năm 2011, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là niềm vinh dự lớn không chỉ của tỉnh Thanh Hóa mà còn là niềm tự hào của lãnh đạo và nhân dân huyện Vĩnh Lộc nói riêng. Trải qua hơn 10 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành nhà Hồ đang ngày càng chuyển mình với những thay đổi về diện mạo và phương thức quảng bá, ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Đây là một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi tới khám phá xứ Thanh.
Nguồn: https://congly.vn