HỘI TƯƠNG TẾ LÀNG TÂY GIAI
Nét đẹp truyền thống yêu thương, đùm bọc “Lá lành đùm lá rách”, hay những khi “tối lửa, tắt đèn’’ trong xóm giềng dòng tộc đã có hơn 1 trăm năm nay tại làng cổ trên đất Tây đô - Họ tranh (hay còn gọi là Họ tương tế). Nét đẹp truyền thống đó vẫn được duy trì gìn giữ đến tận bây giờ.
Nằm ở ngay cổng phía tây Thành nhà Hồ của huyện Vĩnh Lộc, làng Tây Giai được hình thành vào giai đoạn cuối triều Trần, đầu triều Hồ. Với tên ban đầu là phố Tây Nhai thuộc động An Tôn, huyện Vĩnh Ninh, trấn Thanh Đô. Vùng đất này gắn liền với sự kiện: “Đinh Sửu (1397), mùa Xuân, tháng Giêng, Hồ Quý Ly sai Thượng thư bộ Lại kiêm Thái Sử Lệnh Đỗ Tĩnh, về An Tôn đo đạc, Đắp thành, đào hào lập Miếu nền xã, có ý muốn dời đô đến đấy.” (Theo Đại Việt Sử kí toàn thư). Khi xây dựng xong, tháng 11 cùng năm, Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông từ Thăng Long về Tây Đô.
Lúc bấy giờ, phố Tây Nhai được quy hoạch mở mang, thu hút được nhiều thương gia từ các tỉnh ngoài đến định cư, buôn bán. Thời nhà Hồ sự buôn bán tấp nập với hình ảnh chợ Tây nổi tiếng. Phố Tây Nhai cùng với phố Hoa Nhai và Phương Nhai ở phía nam, là hình ảnh tạo nên dáng vẻ của kinh đô nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Khi nhà Hồ mất, Tây Đô và phố Tây Nhai chịu sự chi phối của ách thống trị nhà Minh. Nhiều thương gia buôn bán tự bỏ đi. Phố Tây Nhai dần dần cũng thay đổi tính chất chuyển thành làng. Đến khi Lê Lợi đánh tan giặc Minh, đất nước được giải phóng khỏi ách đô hộ. Dân ly tán từ các nơi đến khai hoang mở đất, lập thêm nhiều làng trong vùng. Làng Tây Giai cũng trở nên đông đúc. Dân bỏ nghề buôn bán chuyển sang làm ruộng.
Từ những nét đặc trưng như vậy. Làng Tây Giai đã chứng kiến bao thăng trầm đổi thay của lịch sử. Khi Tây Giai mất vị trí là phường phố sầm uất, hình ảnh làng quê truyền thống lại hình thành và duy trì đến ngày nay.
Làng Tây Giai là nơi lắng đọng nhiều giá trị lịch sử văn hóa, đó là vùng đệm trong quần thể di sản thành nhà Hồ. Đình làng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhiều ngôi nhà cổ truyền thống rất có giá trị về mặt kiến trúc, trong đó ngôi nhà của ông Phạm Ngọc Tùng được tổ chức UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương công nhận là một trong sáu ngôi nhà cổ đẹp của Việt Nam, hiện nay đang là điểm đến của khách du lịch. Phong tục sinh hoạt của làng Tây Giai từ xưa tới nay, cơ bản giống như tập tục sinh hoạt của các làng trong vùng. Ngày nay những nét tốt đẹp đang được kế thừa và phát huy. Những mê tín dị đoan, những hủ tục lạc hậu đang bị loại bỏ và bị đẩy lùi. Một nét đẹp truyền thống văn hóa của làng Tây giai từ xa xưa, được gìn giữ và phát huy đến ngày nay là nhân dân trong làng tích cực vào hội tương tế, người trong làng gọi nôm na là “ họ tranh”.
Đã trở thành lệ làng, cứ đến ngày 21 tháng chạp hàng năm, cả làng Tây Giai lại vui vẻ bận rộn, từ sáng sớm, mổ lợn bày cỗ lá chuối liên hoan trong ngày “ cuốn sổ” hội tương tế, tổng kết một năm hoạt động của họ. Theo các cụ cao niên trong làng, họ (hội) này có tự bao giờ thỉ không thấy sử sách ghi chép, chỉ biết rằng khi con trai đủ 18 tuổi là xin vào nhập họ. Từ trước cách mạng tháng 8/ 1945, trong làng đã có 2 họ tương tế, gọi phân biệt là họ lớn và họ nhỏ, mặc dù số lượng hội viên cũng gần tương đương nhau, chỉ khác nhau là một họ dùng hiệu lệnh cồng, một họ dùng hiệu lệnh bằng tù và. Hoạt động chính của họ từ xưa và duy trì đến ngày nay là hội viên trong họ có trách nhiệm tổ chức đưa tiễn những người trong gia đình hội viên khi đã mãn cảnh cõi trần, về nơi an nghỉ, tại nghĩa trang quê nhà. Tương tế giúp nhau góp tranh lợp nhà, khi nhà dột nát, sau này là giúp vận chuyển vật liệu theo chương trình ngói hóa nông thôn, hàng tháng đóng góp gạo theo quy định của họ lần lượt phát cho các hội viên trong họ. Tuy chỉ là hội tự phát tự quản, từ xưa cho tới ngày nay không hề phụ thuộc chính quyền đoàn thể nào, nhưng hai họ tương tế của làng Tây Giai hoạt động rất có quy củ và nguyên tắc, mọi quy định của họ được cụ thể hóa đến từng chi tiết, được mọi hội viên đời này qua đời khác nhất mực thi hành. Hàng năm trong họ cử ra một ông Câu, ông Câu là người điều hành hoạt động của họ trong một năm, từ 21 tháng chạp năm nay đến 21 tháng chạp năm sau, ông Câu được cử lần lượt trong họ lấy người cao tuổi nhất, tính theo tháng năm sinh, nếu trong họ có nhiều người bằng tuổi nhau, thì những người sinh tháng trước được làm ông Câu trước. Xin được tả khảo hoạt động của họ tương tế làng Tây Giai xưa và nay: Khi nhà hội viên trong họ có tang sự, hội viên đến báo cáo với chính quyền và họ tương tế, thông báo ngày giờ làm lễ đưa tang, sắp đến giờ tống chung, ông Câu đi khắp cả làng nổi hiệu lệnh bằng ba hồi tù và (đối với họ nhỏ) hoặc ba hồi cồng ( đổi với họ lớn), nhận được hiệu lệnh, các hội viên phải có mặt đông đủ ngay tại nhà tang chủ, bất kể vào giờ nào, những hội viên ngoài tuổi gánh vác thì có thể vợ con đi thay, những hội viên đi làm ăn xa phải báo cáo với ông Câu, phải chịu nộp phạt vì vắng những cuộc đưa tang, mỗi lần hiện nay là 50.000 đồng. Trước sự hiện diện của nhân dân đến dự tang lễ, ông Câu dõng dạc điểm danh từng hội viên, hội viên nào thiếu bị đánh dấu vào sổ, bị phạt tiền theo quy ước của họ. Theo danh sách có sẵn, ông Câu sắp đặt các thanh niên trong độ tuổi gánh vác vào đội “ trai cữu”, đội này có trách nhiệm ra đình khiêng đòn Rồng về nhà tang chủ. Khi làm lễ truy điệu xong, đội trai cữu chuyển quan tài của người quá cố lên đòn Rồng, khiêng cữu ra nghĩa địa làng gọi là chồng đòn, lại bố trí 4 người khiêng bàn vong, 2 người khiêng và đánh trống làng, một người đánh cắc hiệu lệnh đi theo nhịp, một đội nữ cầm cờ đi trước, chỉ mang cờ làng, không mang trướng đối của tang chủ, để tránh phân biệt giàu nghèo hay đông con cháu. Những hội viên còn lại cùng với dân làng theo đám tang đưa tiễn người mất về nơi an nghỉ. Lên đến nghĩa địa hội có trách nhiệm chôn cất tạo mồ yên mả đẹp, những người được cắt cử lại đưa đòn Rồng, cờ, trống về nơi quy định, rước bàn vong về nhà tang chủ, phần của hội như vậy đã xong, không tổ chức phúng viếng ăn uống gây phiền cho gia chủ. Từ năm 1994 trở lại đây, làng thay đòn Rồng bằng xe tang thì những người được cắt cử đi lấy và đẩy linh xa, thay cho chồng đòn khi trước, các việc khác vẫn như vậy.
Đặc điểm của làng quê Việt Nam nói chung, làng Tây Giai nói riêng, từ xa xưa nhà ở chỉ lợp bằng tranh, trừ một số gia đình khá giả trong làng có nhà ngói. Hội tương tế làng Tây Giai còn có quy định góp tranh cho các hội viên lợp nhà, nên mới có tên là Họ Tranh. Khi nhà bị hỏng mái, gia đình hội viên báo với ông Câu, ông Câu lập kế hoạch thông báo với họ, mỗi gia đình trong họ sẽ góp 20 cái tranh bằng cỏ tranh cắt trên đồi, đúng ngày quy định của họ, ông Câu nổi hiệu lệnh, các gia đình sẽ đem tranh đến nhà được lợp mái, hội có dụng cụ kiểm tra kích thước chiều dài và độ dày, nếu sai quy cách sẽ bị phạt bằng gạo. Họ sẽ giúp gia chủ lợp nhà, chỉ uống nước chè xanh, xong thì về. Từ năm 1965 trở lại đây, khi phong trào ngói hóa phát triển, thì họ lại giúp nhau mỗi hội viên góp cho 2 gánh cát lấy ở sông Mã và 2 gánh đá cho gia đình hội viên đăng kí làm nhà ngói. Khi các gia đình trong họ đã có nhà ngói thì chỉ còn lệ góp gạo giúp nhau, việc tang hiếu vẫn duy trì như cũ.
Việc góp gạo ủng hộ cho các gia đình hội viên được duy trì từ xưa đến nay. Hàng tháng trong năm sẽ có 3 nhà hội viên được gạo, vào những trưa các ngày mùng 1, 11 và ngày 21, khi nghe tiếng cồng của họ lớn thì các gia đình sẽ đem gạo đến nhà hội viên đến lượt được nhận gạo của họ, mỗi hội viên góp một ống bương ngày xưa khoảng 0,5 kg, như hiện nay mỗi họ có khoảng 200 hội viên, thì ngót nghét có cả tạ gạo, đối với đời sống khi xưa thực sự là một niềm vui khi đến lượt nhận gạo, nhà được gạo sẽ góp lại cho họ 1kg để dành liên hoan cuối năm. Trừ ngày mùng một tết không góp gạo, một năm có 35 nhà được gạo, nếu có năm nhuận là 38 nhà, khoảng 4 năm hội viên lại đến lượt nhận gạo. Trưa ngày 11 tháng chạp hàng năm, trong buổi góp gạo này, ông Câu sẽ tổ chức họp sơ kết, báo cáo kết quả hoạt động của họ trong một năm, trù bị cho buổi liên hoan tổng kết cuối năm, nguồn kinh phí, gạo thì các gia đình nhận được trong năm sẽ góp bằng 35kg, tiền thì thu từ khoản phạt những hội viên không tham gia những buổi đưa tang trong năm, thiếu bao nhiêu bổ cho hội viên góp thêm, họ mua lợn và các loại rau quả khác làm cỗ tại nhà ông Câu, cỗ ghép 6 người một mâm. Ông Câu mới chính thức nhận việc từ chiều ngày 21 tháng chạp. Mỗi hội viên chỉ làm ông Câu một lần trong đời không hề có thù lao gì, nhưng cũng để lại danh tiếng trong họ, ý kiến của ông Câu được họ nhất mực thi hành, vì vậy ông Câu phải công tư phân minh, trong cắt cử công việc đưa tang, thu tiền phạt phải đúng đủ, họ nhỏ còn phải học thổi tù và để hiệu lệnh trong họ khi có việc.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, duy trì và phát triển hoạt động của hai hội tương tế ở làng Tây Giai thật là hiếm thấy và đáng trân trọng. Trên tinh thần quyết định 1316 ngày 12/8/ 2015 của Thủ tướng chính phủ, về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích thành nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Làng Tây Giai được bảo tồn kiến trúc nhà ở trong làng theo hình thức nhà ở truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Trung bộ, lấy đình Tây Giai và nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng làm hạt nhân. Cán bộ và nhân dân trong thôn, cùng với những con em làm ăn thành đạt đang nỗ lực chỉnh trang lại không gian kiến trúc cảnh quan làng truyền thống. Hội tương tế làng Tây Giai cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục này./.
Nguyễn Huy Miên