BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT ĐƯỜNG HOÀNG GIA -THÀNH NHÀ HỒ NĂM 2022
Ngày 23-7 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã diễn ra hội nghị đầu bờ báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích đường Hoàng Gia Thành Nhà Hồ năm 2022.
Dự hội nghị có các nhà nghiên cứu khoa học đại diện: Viện Khảo cổ học Việt Nam; Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; Hội sử học VN; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam; Hội Sử học Hà Nội; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội; Về phía cơ quan quản lý địa phương có đại diện: UBND tỉnh Thanh Hóa; Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; UBND huyện Vĩnh Lộc; UBND xã Vĩnh Long, UBND Vĩnh Tiến.
Con đường Hoàng Gia (hay Ngự đạo) là con đường Hoàng đế đi nằm ở chính giữa Kinh đô theo trục Bắc – Nam trong quy hoạch tổng thể của các Kinh đô cổ Phương Đông.
Năm 2008, đã phát hiện dấu tich con đường phía ngoài cửa Nam được chia thành 3 làn: làn chính giữa cổng Nam rộng 4,8m và 2 làn đường phụ 2 bên rộng 3,1m.
Thực hiện Quyết định khai quật số 2924/QĐ-BVHTTDL ngày 12/11/2021 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch từ 25/11/2021 đến 30/07/2022, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành khai quật khảo cổ đường Hoàng Gia với tổng diện tích 14.000m2, nhằm làm rõ hiện trạng và dấu tích các cung điện được dự đoán sẽ nằm dọc theo đường Hoàng Gia.
Cuộc khai quật lần này đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng Gia trong nội thành được kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam Thành Nhà Hồ, hướng bắc-nam, nối thẳng về phía nam đến di tích Nam Giao nối về phía bắc con đường hướng vào Trung tâm Nội thành.
Trong nội thành, con đường này có lẽ chỉ có một làn đường rộng khoảng gần 5m như đã thấy xuất lộ ở gần cửa Nam. Điều quan trọng hơn và là mục tiêu lớn nhất trong công cuộc khai quật nghiên cứu Thành Nhà Hồ là nghiên cứu con đường Hoàng Gia nhằm tìm hiểu cấu trúc tổng thể của kinh đô. Về mặt này, cuộc khai quật đã có nhiều phát hiện mới đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử. Cho đến năm 2022, các cuộc khai quật trong khu vực nội thành đã liên tiếp làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô: Dấu tích con đường Hoàng Gia, cụm kiến trúc Nền Vua, cụm kiến trúc Con Rồng, dấu tích được tương truyền là Đông Thái miếu và Tây Thái miếu.
Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện các ngành liên quan đánh giá cao kết quả khai quật bước đầu di tích đường Hoàng Gia. Với kết quả khai quật năm 2022, các nhà khoa học, khảo cổ học cho rằng đây là nguồn tư liệu mới, có giá trị lịch sử, văn hóa rất cao, góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện; tạo cơ sở phục vụ các dự án nghiên cứu, khôi phục kiến trúc Thành Nhà Hồ trong những năm tới. Việc khai quật khảo cổ được tiến hành bài bản, nghiêm túc, khoa học và kết quả thu được tiếp tục khẳng định giá trị to lớn và nổi bật của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cũng thống nhất đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ VHTTDL tiếp tục quan tâm, giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ xây dựng các kế hoạch nghiên cứu bảo tồn trong các năm tiếp theo trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Trước mắt cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích khảo cổ nhằm phát huy một cách tốt nhất giá trị của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ./.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Tin & ảnh: Bích Ngọc
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ