Di sản Thành nhà Hồ, Lam Kinh của xứ Thanh thu hút khách du lịch dịp lễ 2.9
Trong 3 ngày của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, Di sản thế giới Thành nhà Hồ, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh của xứ Thanh đã thu hút hàng ngàn lượt du khách đến dâng hương, tham quan, trải nghiệm và khám phá.
Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại khu Di sản thế giới Thành nhà Hồ khá đông trong 3 ngày kỳ nghỉ lễ
Trong 3 ngày của kỳ nghỉ lễ 2.9, thời tiết tại Thanh Hóa khá mát mẻ, khô ráo và nắng nhẹ, rất thuận lợi cho các hoạt động dâng hương, tham quan, khám phá các công trình kiến trúc tại Di sản thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) và Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).
Tranh thủ thời tiết nắng dịu đẹp, gia đình chị Lê Thị Hà đến từ Hà Nội đã chọn Di sản thế giới Thanh nhà Hồ để khám phá và chụp những bức hình đẹp. Chị Hà cho biết: Gia đình tôi di chuyển từ Hà Nội tới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc từ sáng sớm, lâu nay tôi chỉ biết Thanh nhà Hồ qua truyền thông nhưng hôm nay được mắt thấy tay sờ những phiến đá lớn chắc chắn, uy nghiêm, tôi thật sự ngỡ ngàng và khâm phục bởi sức sáng tạo và bàn tay tài hoa của những người thợ hồi đó trong quy trình khai thác, chế tác, vận chuyển, nâng và xếp các khối đá nặng từ mặt đất lên tới độ cao hàng chục mét để tạo nên một tòa thành đá độc nhất vô nhị của Việt Nam và thế giới.
Du khách tham quan phòng trưng bày hiện vật Thành nhà Hồ
Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết, trong 3 ngày của kỳ nghỉ lễ 2.9, Thành nhà Hồ đón được gần 6000 lượt khách, đây là con số kỷ lục đối với Thành nhà Hồ kể từ sau đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Cũng theo ông Linh, với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng trải nghiệm nhằm thu hút khách đến tham quan, thời gian qua Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã khai thác thêm tuyến tham quan di sản và làng cổ Đông Môn (xã Vĩnh Long, Vĩnh Lộc), bao gồm các điểm: Phòng trưng bày bổ sung Di sản Thế giới Thành nhà Hồ - đền thờ, bia ký nàng Bình Khương - hào thành phía Đông - đình Đông Môn - cổng Đông và tường thành phía Đông - thành nội - cổng Tây và tường thành phía Tây - nhà cổ Tây Giai - cổng Nam và tường thành phía Nam Thành Nhà Hồ. Mỗi điểm đến, du khách sẽ được trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn.
Theo ông Linh, để giới thiệu di sản văn hóa đến đông đảo du khách, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã in tập gấp quảng bá, giới thiệu tuyến du lịch Thành Nhà Hồ; triển khai hoàn thiện hệ thống thuyết minh. Tăng cường đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và hệ thống xe điện để đáp ứng nhu cầu du khách đến tham quan 3D giới thiệu di sản.
Cùng với Thành nhà Hồ, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh là điểm du lịch hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa được nhiều du khách lựa chọn. Trong kỳ nghỉ lễ 2.9, anh Nguyễn Anh Tuấn, đến từ Lào Cai cùng gia đình lựa chọn Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh của xứ Thanh làm điểm đến “Tôi biết di sản Lam Kinh từ rất lâu nhưng bây giờ mới có dịp tới thăm. Đây là một quần thể kiến trúc rất đẹp bởi có sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên ngay giữa chốn linh thiêng, tạo cho du khách cảm giác thư thái, yên bình”.
Trong 3 ngày của kỳ nghỉ lễ 2.9, khu di tíchLam Kinh đón gần 7000 lượt khách
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng ban quản lý Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cho biết, trong 3 ngày của kỳ nghỉ lễ 2.9, khu di tích đón gần 7000 lượt khách. Theo ông Sỹ, để đón du khách trong kỳ nghỉ lễ lớn này, đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, cũng như nâng cao các hình thức quảng bá về di tích đến với nhiều đối tượng du khách. Đồng thời, ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã vận hành hiệu quả phần mềm thuyết minh tự động khu di tích, mở cửa đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh - Một công trình có giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật bằng gỗ độc nhất vô nhị của xứ Thanh và đưa vào sử dụng phòng trưng bày bổ sung các di vật, hiện vật liên quan đến thời Lê sơ.
Phòng trưng bày tại Khu di tích Lam Kinh thu hút rất đông các em học sinh đến từ các trường học trên cả nước đến tham quan trong kỳ nghỉ lễ 2.9
Phòng trưng bày bổ sung các di vật, hiện vật liên quan đến thời Lê sơ, có diện tích 200m2, giới thiệu gần 300 hiện vật gốc, được phát hiện trong 7 đợt khai quật khảo cổ học tại di tích( từ 1996-2004) tại khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, gồm vật liệu kiến trúc xây dựng điện miếu Lam Kinh (thế kỷ XV đến thế kỷ XVII) và nhiều đồ sứ quý hiếm ngự dụng trong cung đình xưa.
Được biết, đến nay có khoảng 21 hạng mục công trình của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (gồm Chính điện Lam Kinh và các lăng mộ, nhà bia, các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai và một số hạng mục như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc, cảnh quan thiên nhiên...) đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, góp phần giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Việt Nam, tạo nên điểm tham quan đặc biệt của du khách trong và ngoài nước.
Nguồn: http://baovanhoa.vn