Hồ Quý Ly, ông là ai?
Cứ như sự theo dõi của chúng tôi, xưa nay đã có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này.
1. Nguyễn Trãi (1380 - 1442), đỗ Thái học sinh triều Hồ, người từng cùng thân phụ - Nguyễn Phi Khanh - làm quan nhà Hồ đánh giá: Hồ Quý Ly, đó là “người anh hùng mà nỗi hận còn để đến ngàn năm” (xem Ức trai thi tập - Quan hải).
2. Hồ Nguyên Trừng (?), con trưởng Hồ Quý Ly, tả tướng quốc nhà Hồ cho rằng Hồ Quý Ly (và nhà Hồ) đã làm mất lòng dân (Qua lời tâu: “thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo không mà thôi!” - Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học Xã hội - 1971, trang 243).
3. Lê Lợi (1385 - 1433), tức Lê Thái Tổ (1428 - 1433), người lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh sau khi cuộc kháng chiến Trần - Hồ trước đó thất bại; Người sáng lập vương triều Lê ngay sau triều Hồ: "Họ Hồ chính sự phiền hà lòng dân oán hận" (Bình Ngô Đại Cáo). Họ Hồ thoán đoạt, người cả nước coi tựa thù, dân chúng chống lại, thân thích phân ly (xem Thư gửi Vương Thông) (1).
4. Các sử gia phong kiến; những người theo quan điểm Nho giáo chính thống sau thời Trần - Hồ: Hồ Quý Ly là kẻ loạn thần tặc tử, tội ác nhiều quá lắm (Đ.V.S.K.T.T, sđd).
5. H.Le Breton, một quan cai trị thực dân, học giả thực dân từng đứng đầu Thanh Hoá hồi thế kỷ sau này: Hồ Quý Ly, “một con người lúc đầu có công nhưng rút cục chỉ đem lại tai hoạ cho đất nước mình chỉ vì lòng tham mà thôi” (Những kẻ chiếm đoạt ngôi vua - Tài liệu lưu trữ tại thư viện tổng hợp Thanh Hoá).
6. Những người theo quan điểm mác xít.
Hoàng đế Hồ Quý Ly - tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai
- Hồ Quý Ly là một người táo bạo và có nhiều tham vọng. Trong những năm giữ quyền bính của triều Trần và nhất là từ khi lên nắm chính quyền đã thực hiện một số cải cách nhằm cứu vãn nguy cơ sụp đổ của nhà nước phong kiến và củng cố địa vị của dòng họ thống trị mới (Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Khoa học Xã hội 1971, trang 230).
Hồ Quý Ly tuy có tổ chức cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, nhưng căn bản vì lên ngôi một cách bất chính, lại thi hành nhiều chính sách vụ lợi cho dòng họ mình trước hết, làm mất lòng dân, không đoàn kết được toàn dân nên cuối cùng thất bại... Về học thuật, Hồ Quý Ly có nhiều cái nhìn độc đáo so với đương thời (Thơ văn Lý Trần, tập III, Nxb khoa học Xã hội - 1978, trang 233).
Trong hoàn cảnh suy sụp của xã hội phong kiến Việt Nam cuối Trần - Hồ, Hồ Quý Ly là người có những cải cách tương đối táo bạo... Những cải cách đó đều bị tầng lớp quý tộc Trần phản đối hoặc thực hiện chểnh mảng, thành thử ít có hiệu quả và lại trở thành gánh nặng cho dân. Tuy vậy cải cách ít nhiều cũng phản ánh được đòi hỏi khách quan cấp bách về một sự đổi thay của lịch sử xã hội bấy giờ. Về văn hoá và tư tưởng họ Hồ cũng là người có đầu óc mạnh dạn phê phán Nho giáo Trung Hoa, nhưng không có ý nghĩa thực tế bao nhiêu vì vẫn không thoát ly Nho giáo. Thông minh, sắc sảo, tự hào với đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, rốt cuộc đó cũng chỉ là những ý nghĩ không tưởng mà thôi (Từ điển văn học, tập I, Nxb Khoa học xã hội ,1983, trang 315 - 316).
Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn, kiên quyết và táo bạo... Kiên quyết chủ trương chống Minh bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Đã kết hợp trong chính sách đối nội và đối ngoại tinh thần cải cách kiên quyết và tinh thần dân tộc cao nhưng lại bộc lộ một hạn chế cơ bản là không chú ý đến những lợi ích bức thiết của các tầng lớp nhân dân bị trị - không đáp ứng được yêu cầu dân chủ (Phan Huy Lê - Lê Lợi và Thanh Hoá trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb Thanh Hoá - 1988, trang 28 - 29).
7. Hồ Quý Ly tự xét lại mình:
Lắm sự đổi thay, tưởng chết mà được sống,
Quê hương mờ mịt gợi dậy biết bao tình.
Ải Nam Quan xa xôi mái đầu bạc là phải
Nơi quán Bắc lâu ngày, tỉnh mộng thấy kinh sợ.
Cứu nước tài hèn thẹn với Lý Bật;
Dời đô, kế vụng, khóc chuyện Bàn Canh.
Bình vàng bị mẻ, biết hàn gắn làm sao;
Nên biết ngọc còn đợi giá, chứ không phải xem rẻ đâu!
(Cảm hoài, Thơ văn Lý Trần, Sđd, tr 250.)
Những câu trả lời Hồ Quý Ly là ai? Dẫn ra như thế trải dài trong 550 năm, là sự trả lời ở nhiều vị thứ, của nhiều hệ tư tưởng khác nhau, xa nhau. Song ngoài sự dị biệt, sự tăng cấp của quá trình nhận thức sâu hơn, mới hơn, chúng ta thấy, là sự chia của những quan niệm, đánh giá, định vị chân dung họ Hồ ít nhiều đều có điểm gần nhau. Tuy nhiên có thể nói rằng, đó mới chỉ là những trả lời từng mặt một cách tổng quát. Chỉ là những phác hoạ lớn. Nói như thế để nói rằng, ở bài viết này, cùng chịu sự chi phối của cái giới hạn nghiên cứu, giới hạn lịch sử khắc nghiệt về Hồ Quý Ly, của Hồ Quý Ly. Chúng tôi cũng sẽ tham gia trả lời Hồ Quý Ly là ai? Theo một thi pháp nghiên cứu như thế. Có điều chúng tôi xem các câu trả lời trên là những nét phác hoạ chân dung Hồ Quý Ly để mình góp ý, đề nghị bỏ nét này, sửa nét kia, bổ sung nét nọ, mà thôi. Sau đây là một số ý kiến của chúng tôi.
Thứ nhất, bỏ hẳn nét chân dung Hồ Quý Ly là một kẻ “loạn thần tặc tử” “tội ác nhiều quá lắm, kẻ thoán đoạt ngôi vua”, lên ngôi một cách bất chính, thi hành nhiều chính sách vụ lợi cho dòng họ mình. Cũng bỏ những đánh giá “họ Hồ trước sau vẫn không thoát ly Nho giáo nên dù về văn hoá - tư tưởng có đầu óc mạnh dạn phê phán Nho giáo Trung Hoa cũng không có ý nghĩa thực tế bao nhiêu”. Bởi cái lẽ đơn giản là chúng ta đánh giá, dựng chân dung Hồ Quý Ly không thể theo quan điểm phong kiến chính thống, cho nhà Hồ là ngụy triều, cho Hồ Quý Ly là ngụy tặc. Phải đặt Hồ Quý Ly và triều Hồ trong tiến trình phát triển xã hội. Đặt trong hệ trục này phải khẳng định Hồ Quý Ly, triều Hồ là tích cực. Mặt khác cũng không thể đòi hỏi Hồ Quý Ly thoát ly, vượt trên Nho giáo. Đòi hỏi như thế e sẽ phi lịch sử. Một điểm nữa, với tư cách cá nhân - tôi, Hồ Quý Ly có những gian ác (vụ Thuận Tông, vụ Trần Khát Chân...), nhưng với tư cách một lịch sử, không thể không phân biệt. Sự gian ác cá nhân - cá thể phải được nêu lên, phê phán nhưng ở mức độ của nó chứ không lấy nó làm nét chính yếu của nhân cách lịch sử Hồ Quý Ly.
Thứ hai, khẳng định Hồ Quý Ly là một người có tư tưởng cải cách - đổi mới tiên tiến nhưng lại là một nhà thực tiễn nóng vội, hấp tấp, nhiều khi mù quáng.
Một nhà cấp tiến không tưởng. Nhưng đó là một người có tinh thần độc lập dân tộc cao. Hồ Quý Ly không có một chiến lược, sách lược cải cách đổi mới nhưng đã có những tư tưởng và chính sách cải cách nhiều mặt cơ bản của chế độ chính trị - xã hội bấy giờ nhằm thay đổi chế độ phong kiến quý tộc đang còn tồn tại. Nếu đối chiếu ta thấy đường hướng của Hồ Quý Ly rất gần với mô hình nhà Lê mà Lê Thái Tổ - Lê Thánh Tông thực hiện. Không những thế, về phương diện tư tưởng - văn hoá, Hồ Quý Ly còn “cách mạng” hơn. Họ Hồ không bảo thủ, chống Nho giáo như triều Trần, cũng không áp dụng máy - mô phỏng móc như Lê Thánh Tông. Hồ Quý Ly chủ trương một hệ tư tưởng - văn hoá “Nho giáo Việt Nam” bằng cách lật đổ thần tượng Nho giáo Trung Hoa, những ông Khổng, ông Chu, ông Trình... bằng cách làm rõ bản sắc dân tộc, xây dựng hệ thống văn tự nước nhà. Tuy nhiên, phân tích những chính sách cải cách của ông sẽ thấy họ Hồ không biết cải cách Kinh tế, cải cách tư tưởng - văn hoá tiến tiến nhưng lại “quá khích”. Thành thử chính những cải cách này làm trở ngại, có tác dụng phản lại ông. Hạn nô, Hồ Qúy Ly đánh vào quý tộc Trần, vào kinh tế điền trang thái ấp, song ông lại chuyển nô tỳ, nông nô sang dạng “nô” mới, “nô” của nhà nước, lực lượng này rốt cục chẳng thay đổi gì có lợi cho họ, nếu không nói, có thể họ còn sống tồi tệ hơn. Hạn điền, Hồ Quý Ly đã đánh vào địa chủ thứ dân, một tầng lớp, thành phần kinh tế mới nảy nở, đang phát triển. Đó là chưa nói đến cải cách kinh tế này của Hồ Quý Ly mang tính nửa vời, chưa đụng tới dinh luỹ lớn của giới quý tộc. Chủ trương “Nho giáo Việt Nam”, Hồ Quý Ly cũng đã tự mình quay lưng lại tầng lớp Nho sĩ, đã bắt đầu thành lực lượng, đã bắt đầu tìm được vị trí cao trong chính quyền. Như vậy nhà Hồ lấy lực lượng của mình ở đâu? Dùng ai làm tả hữu phò tá, giúp đỡ, phục vụ? Hồ Quý Ly và các con chỉ là những nhà lãnh đạo quốc gia đơn độc. Là những nhà thực tiễn tồi. “Không có dân” cũng không có “quân”.
Thứ ba, đề nghị xem lại ý kiến cho rằng Hồ Quý Ly bị dân oán hận, làm mất lòng dân bằng cách xem lại khái niệm “dân” trong bối cảnh lịch sử - xã hội lúc bấy giờ. Cuối thế kỷ XIV điền trang quý tộc Trần mở rộng, ruộng đất công xã bị thu hẹp. Vậy “dân” ở đây phần lớn là nông nô, nô tỳ - những người phụ thuộc vào giới quý tộc nhà Trần. Họ bị giới này điều khiển áp đặt. Thế thì “dân oán hận” “mất lòng dân” chỉ là một cách nói. Nói như thế nên hiểu là tầng lớp quý tộc Trần oán hận cho chính xác với bối cảnh, trạng thế lịch sử và để giải nỗi oan “làm mất lòng dân” cho Hồ Quý Ly.
Thứ tư, cụ thể cá nhân Hồ Quý Ly là người thế nào? Trước hết là ngoại thích của nhà Trần, Hồ Quý Ly được vào chính quyền, đầu tiên năm 1371, ông còn ở một vị trí khá khiêm tốn: Khu mật đại sứ. Năm 1375, làm tham mưu quân sự. Rồi nhờ sự yêu quý, nâng đỡ của Trần Nghệ Tông mà nắm giữ quyền bính. Năm 1387, làm đến Đồng bình chương sự, được ban một thanh gươm, một lá cờ đề chữ “văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”. Tuy quyền hành đã “nghiêng ngửa triều chính” nhưng lực lượng vẫn chưa có gì. Thế mạnh nhất của ông là được Thượng hoàng Nghệ Tông tin dùng. Như vậy, đến đây Quý Ly vẫn chưa phải là người có tham vọng chính trị lớn. Họ Hồ cũng không phải là người dởm lược, lắm mưu. Năm 1388, nghe biết vua và thái uý mưu giết, Quý Ly hết sức run sợ, nghĩ “nếu không có phương sách gì thì ta nên tự tử, không để tay người khác giết”. Hồ Quý ly không phải là người có tài quân sự. Những lần cầm quân đánh Chiêm Thành nếu không nhờ bộ tướng giỏi chủ động đánh. Hồ quý Ly đã không thắng. Những lần tự cầm quân giao chiến, đều thua đến nỗi đành phải giao quân lại cho Trần Khát Chân. Chân đánh thì thắng. Nhưng nhờ Trần Nghệ Tông, Hồ Quý Ly nắm được triều đình. Như vậy, họ Hồ nhờ vận may mà thành đạt. Thành đạt nhưng cha con Hồ Quý Ly không trở thành những nhà quý tộc mới. Không có điền trang, thái ấp, không xây dựng lực lượng quân sự riêng. Họ chỉ là những quan lại quan liêu cao cấp, sức lực thực chất không có bao nhiêu. Cho nên có thể nói sau khi làm đảo chính cung đình, Hồ Quý Ly thực sự chưa làm được gì hơn, không thể làm gì hơn để xây dựng, phát triển triều đại mới với tư tưởng, một số chính sách cải cách đã phát động trước đây. Thấy rõ tình thế của mình, trong nước và nhất là ngoài nước - nạn ngoại xâm đã nhỡn tiền, Hồ Quý Ly có dốc sức chuẩn bị, nhưng không kịp, cũng không nổi. Lại thêm sai lầm chiến lược của ông trong cuộc kháng chiến chống Minh - bị động kéo dãn phòng tuyến chiến đấu theo lối đánh động quân của giặc. Không có quân không được ủng hộ - họ Hồ đã bó tay chịu bại.
Tóm lại, ngoài một số phân tích đính chính trên, kết luận về Hồ Quý Ly, bước đầu có thể như sau: Đó là một con người nhạy cảm lịch sử, nhận rõ sự cần thiết phải đổi thay, đổi mới cơ chế xã hội bấy giờ; có ý chí và lòng tự tôn dân tộc nên đã xác định được tư tưởng phát triển lịch sử của dân tộc tích cực, đúng hướng: phải tìm một con đường đi riêng cho dân tộc. Song trên hết, Hồ Quý Ly chỉ là người gặp cơ may một thuở nhưng “tài, lực, thời đều bất tòng tâm”. Vì thế đến hôm nay nhìn lại Hồ Quý Ly chúng ta thấy cái mà ông làm ra trong lịch sử không bằng những bài học ông đã để lại cho lịch sử./.
Chú thích:
(1) Chúng tôi cho đây là ý kiến của Lê Lợi. Nguyễn Trãi chỉ là người chấp bút.
(2) Chúng tôi xem đây đúng là thơ của Hồ Quý Ly.
Nguồn: Lưu Đức Hạnh, Hồ Quý Ly, ông là ai? tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5, năm 1992, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, trang 51 - 53.