Hồ Quý Ly - Một nhân cách anh hùng
Trên vũ đài lịch sử nước ta vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, Hồ Quý Ly xuất hiện như một nhân vật lịch sử đặc biệt, đã để lại dấu ấn khá đậm trong trong sử cũ mà đậm nhất là một Hồ Quý Ly thoán đoạt, cướp ngôi nhà Trần.
Theo quan điểm của các sử gia phong kiến, từ tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư thời Trần - Lê Sơ cho đến các tác giả Cương Mục thời Nguyễn, họ đều không thừa nhận vương triều Hồ là chính thống. Điều này cũng dễ hiểu.
Với luận văn này, chúng tôi xin chỉ giới hạn trong việc tìm hiểu nhân cách Hồ Quý Ly, qua đó hiểu sâu hơn về con người của ông. Điều đó hẳn chưa phải, chưa đủ để nhìn nhận, đánh giá về sự nghiệp và vai trò của ông đối với tiến trình lịch sử.
Để tìm hiểu nhân cách Hồ Quý Ly, chúng tôi thấy cần giải đáp ba điểm cơ bản: Hồ Quý Ly muốn gì, ông có thể làm được gì, và là người như thế nào? Đó chính là động lực thúc đẩy hành động, là bản lĩnh, năng lực cá nhân, là tính tình của ông - ba yếu tố cơ bản cấu thành nhân cách của một con người.
Về điểm thứ nhất: Hồ Quý Ly muốn gì, hay nói cách khác là động lực nào đã thôi thúc Hồ Quý Ly xuất hiện trên trường chính trị một cách khá sôi động vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV?
Tiếc rằng, chúng ta không có tài liệu về thời niên thiếu của ông - một thời kỳ khá quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của một con người. Vì vậy ngày nay chúng ta đành căn cứ vào sử liệu do các sử gia ghi chép về ông - người mà họ vốn mang nặng thành kiến về tội cướp ngôi. Chắc chắn các ghi chép đó sẽ thiếu khách quan theo hướng bôi đen, nhưng không còn cách nào khác, nếu chúng ta không dựa vào chính sử (1).
Chúng ta đều biết, từ mối quan hệ ngoại thích, Hồ Quý Ly đã bước vào quan trường ở tuổi 35, thời Trần Nghệ Tông, vào năm 1370 với chức Chi hậu tứ cục chánh trưởng - một chức quan võ coi quân cận vệ mà chỉ có vương hầu, tông thất mới được gữi chức này. Chưa được một năm, tháng 5 năm Tân Hợi (1371), ông được thăng Khu mật viên đại sứ, và đến tháng 9 được gia phong làm Trung tuyên quốc thượng hầu. Sau khi Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất (1394), năm 1395, ông giữ chức Nhập nội phụ chính thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc Đại Vương. Và đến năm 1399, ông tự xưng là Khâm đức hưng liệt Đại Vương, Quốc tổ chương hoàng; năm 1400 tự lập làm vua. Ba mươi năm, một chặng đường dài gồm nhiều bước, từ một quan võ nhỏ, qua tước hầu, tước vương, ông trở thành hoàng đế. Qua đó, chúng ta thấy được ở Hồ Quý Ly, trước hết và rõ nhất là ông muốn có quyền bính và ông đã thực sự nắm được quyền bính tối cao vào năm 1400.
Mặc dù quyền bính hay quyền lực xưa nay vẫn là đối tượng tranh chấp, giành giật, nhưng xét đến cùng đố mới chỉ là công cụ, phượng tiện mà mọi cá nhân, mọi tập đoàn muốn sử dụng nhằm đạt được một mục tiêu nào đó. Một khi không nhằm vào một mục tiêu cụ thể nào thì quyền bính sẽ trở thành vô nghĩa. Hồ Quý Ly theo những ghi chép của sử sách, ông không dừng lại ở chỗ tranh giành quyền bính vì quyền bính.
Hồ Quý Ly và cả vương triều Trần nữa, mà tiêu biểu là Trần Nghệ Tông, vào những năm cuối thế kỷ XIV, với tư cách là những người nắm vận mệnh đất nước phải đương đầu với nhiều thử thách lớn lao. Đó là tình trạng bế tắc toàn diện của xã hội; mâu thuẫn giữa địa chủ và các loại: quý tộc, quan lại, bình dân với các tầng lớp bần dân - nô tỳ trở nên sâu sắc; nguồn nhân lực, tô thuế của nhà nước thiếu hụt; Nho giáo ngày càng phát huy vai trò, chiếm chỗ đứng trong bộ máy Nhà nước, đòi hỏi phải có những sự thay đổi, đẩy đám quý tộc ít học, bảo thủ xuống hàng thứ yếu. Sự rệu rã của xã hội Đại Việt đã nghiêm trọng lại càng nghiêm trọng hơn sau vụ Dương Nhật Lễ chiếm ngôi (1369-1397). Nhưng điều quan trọng hơn là mối hiểm hoạ ngoại xâm như “thanh gươm Damoclès” đã lơ lửng treo trên đầu dân tộc ta. Minh Thành Tổ sáng lập nên nhà Minh, lên ngôi năm 1368, làm vua dến năm 1398, đã có ý thức muốn vươn xuống phía Nam: nhà Minh đã sai Sứ sang Đại Việt ban sắc ấn, tế các thần sông Lô và núi Tản vào năm 1370, đòi lương thảo, voi, ngựa, tăng nhân, muợn đường đánh Chiêm Thành vào các năm 1384, 1385, 1386,1395. Trong khi đó ở mặt Nam, quan hệ Việt - Chiêm cực ký căng thẳng. Theo ghi chép của sử sách, từ nửa cuối thế kỷ XIV, ít nhất đã 16 lần Chiêm Thành đem quân tiến đánh Thăng Long (các năm 1371-1377-1378-1383) khiến cho vua Trần phải hai lần bỏ kinh đô đi lánh nạn vào các năm 1371 và 1383.
Hồ Quý Ly có mặt ở vương triều Trần từ năm 1370. Ông được Trần Nghệ Tông (làm vua 3 năm từ 1370 đến 1372 và 22 năm làm Thượng hoàng, từ 1373 đến 1394) tin dùng, cất nhắc, “cặp kè” với nhau như hình với bóng. Họ thực sự là linh hồn chính trị ở thời Trần mạt. Vì vậy, Nghệ Tông - ông vua được vương hầu quý tộc dựng lên từ sông Đại lại (quê của Hồ Quý Ly), sau vụ Dương Nhật Lễ tiếm ngôi là người như thế nào? Lên ngôi vua năm 1370, vào lúc đã 40 tuổi đời, Nghệ Tông từng nói: “Triều trước dựng nước có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống, là vì Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt trước nhau”(2). Hai mươi năm sau, vào năm 1390, lúc này ông đã giữ chức Thượng hoàng, nhìn thủ cấp chúa Chiêm Chế Bồng Nga bị chặt, ông nói: “Ta với Chế Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ, thiên hạ yên rồi”(3). Tầm nhìn và tư cách của Nghệ Tông như vậy quả không phải loại thường. Hồ Quý Ly đã được Thượng hoàng Nghệ Tông cất nhắc lên chức vụ cao trong quân đội như: Tham mưu quân sự (1375), lãnh ấn Nguyên nhung Hải Tây đô thống chế (1380). Với Hồ Quý Ly, chúng ta thấy về tổ chức quân đội Trần ông đã có chủ trương sửa đổi: chọn tướng không cứ là tông thất, miễn người đó có học võ nghệ, thông hiểu thao lược là được sử dụng (1375); tuyển quân thì lấy người khoẻ mạnh bổ sung vào, thải bớt người già yếu (1375), chọn tăng nhân làm lính; nhiều lần sắm sửa binh quyền, khí giới, duyệt quân thuỷ bộ (1376). riêng bản thân Hồ Quý Ly, ông từng đem quân đi đánh Chiêm Thành. Lần cuối năm 1389, chống giặc Chiêm ở Thanh Hoá, mặt trận bị vỡ, Quý Ly về triều xin chiến thuyền, Thượng hoàng Nghệ Tông không cho, ông bèn xin thôi nắm quyền cầm quân, không đi đánh nữa. Sau khi lên ngôi làm vua, vào các năm 1400, 1402, Hồ Quý Ly - Hồ Hán Thương lại đem 15 vạn quân đi đánh Chiêm Thành, giải quyết yên mặt Nam, để rảnh tay đối phó với giặc Bắc.
Bên cạnh mặt quân sự, chúng ta thấy Hồ Quý Ly dưới thời Trần còn quan tâm, vun trồng văn hoá, giáo dục. Ông soạn sách Minh Đạo (1392) dịch thiên “Vô dật” trong Kinh thi ra chữ Nôm (1395), làm sách Thi Nghĩa (1396); đặt các chức giáo thụ, giám thư khố ở các châu trấn... (1397). Về kinh tế ông cho phát hành tiền giấy (1396); hạn chế danh điền (1397)...
Bàn về tác dụng của những công việc làm trên của Hồ Quý Ly không phải là mục tiêu của luận văn này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn lưu ý một điều: công bằng mà nói, chúng ta không hề thấy sử chép Nghệ Tông cũng như Hồ Quý ly mắc các “bệnh” như ăn chơi xa xỉ, dâm dật, bòn rút của dân như bọn vua quan vào các buổi mạt thời của các triều đại. Trái lại, chúng ta chỉ thấy với một ý thức dận tộc cao, họ đã cố gắng, chèo chống trước sự rệu rã của xã hội, trước hiểm hoạ ngoại xâm. Nói rõ hơn, trong 30 năm phục vụ vương triều Trần, Hồ Quý Ly đã chia xẻ mối lo, gánh vác công việc chỉ vì mục tiêu chung là cứu nước. Kết hợp từ những việc ông đã làm và lời nói của ông với triều thần sau khi đã làm vua: “Làm thế nào có được 100 vạn quân để chống giặc Bắc” (4) hoặc lời thơ của ông trong bài “Cảm hoài” sau khi cuộc kháng chiến chống Minh thất bại, bị giặc bắt cầm tù:
“Tướng quốc tài nan tàm Lý Bật
Thiên đô kê chuyết khốc Bàn Canh”
(Cứu nước tài hèn thẹn với Lý Bật,
Dời đô kế vụng, khóc chuyện Bàn Canh),
Chúng tôi nghĩ rằng với Hồ Quý Ly thì quyền lực chỉ là phương tiện nhằm đạt được mục tiêu cứu nước (tướng quốc) - một mục tiêu mà ông kiên trì theo đuổi trong 30 năm làm bề tôi nhà Trần và trong 7 năm làm vua, rồi thượng hoàng của ông. Đó là điều ông mong muốn, là động lực thôi thúc ông hành động.
- Về điểm thứ hai: Hồ Quý Ly có thể làm được những gì?
Trước hết, chúng tôi nghĩ rằng có lẽ không đến nỗi sai ngoa, lầm lẫn mà Thượng hoàng Nghệ Tông 7 năm trước khi mất (1387) cùng vua Trần Phế Đế đã lấy Quý Ly làm Bình chương sự và ban cho ông một thanh gươm và một lá cờ đề 8 chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”. Binh nghiệp cũng như văn nghiệp của ông đã được sách chép rõ. Ông hoạt động trên cả hai lĩnh vực tuy ông không phải từ khoa bảng xuất thân cũng không phải là võ quan “nhà nòi”, mặc dù ông thuộc dòng dõi quý tộc - quý tộc ngoại thích. Ở ông một con người kiêm cả văn lẫn võ đã rõ, còn có “tài” hay không, chúng ta còn phải bàn. Điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là ông đã giám làm và đã làm những việc mà lúc đó không ai làm được.
Về Võ, chỉ một việc khi giữ chức Tham mưu quân sự vào năm 1375, lập tức ông xin vua ban chiếu chọn tướng không chỉ dành riêng cho người tông thất đã là một đòn giáng vào đám quý tộc ít học, bắt đầu từ cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV. Mặc dù bản thân ông, dưới triều Trần, chưa đánh thắng được giặc Chiêm, nhưng quân đội Trần qua nhiều lần ông tham gia duyệt tuyển bổ sung đã đánh thắng giặc Chiêm một cách oanh liệt. Ông đã dẹp yên mặt Nam trước khi giặc Bắc xâm lược. Thêm vào đó, trong công cuộc chống giặc Minh, xem xét kế hoạch phòng chống của ông với một loạt phòng tuyến ở phía Bắc, phía Nam, dọc sông Hồng từ Mộc Hoàn - Đa Bang đến hạ lưu, chúng ta thấy trong nghiệp võ ông là một viên tướng chiến lược có tầm cỡ, mặc dù ông chỉ huy cuộc kháng chiến này không thắng lợi.
Về Văn, chúng ta nên hiểu theo quan niệm cũ, nghĩa là không chỉ có văn học, mà cả chính trị, kinh tế nữa. Theo dõi sự sắp đặt trong kinh, ngoài lộ, phủ vào những năm 1370 trở đi, bên cạnh vai trò quan trọng, quyết định của Nghệ Tông, chúng ta không thể phủ nhận sự đạo diễn của ông. Từ 1394, Nghệ Tông chết, sân khấu chính trị Đại Việt hoàn toàn diễn ra theo sự chỉ đạo của Hồ Quý Ly. Từ việc thay vua cũ (Thuận Tông), lập vua mới (Thiếu đế An), rồi phế vua, giành ngôi, lập nên vương triều Hồ; tất cả đếu do ông sắp đặt. Nếu không phải là một chính trị gia “có hạng”, chắc chắn không làm nổi những công việc này.
Cũng trong lĩnh vực văn, chúng ta còn biết ông từng biên soạn, dịch thuật, làm thơ, ông tôn sùng Nho giáo, mở mang việc học, lựa chọn nhân tài. Ở lĩnh vực này, ông chú trọng hai điểm rất cơ bản:
1/ Đề cao chữ Nôm.
2/ Học tập, tiếp thu phổ biến đạo khổng, có phê phán. Ông lên án lối học từ chương hư văn của Tống Nho - điều mà cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở nước ta mới có nhiều Nho sĩ lên án, ông chủ trương duy trì phát huy cái thực dụng, “sát với sự việc” vốn có của đạo Nho.
Qua những việc làm của Hồ Quý Ly, chúng ta thấy ông là con người có hành động, có khả năng và bản lĩnh hoạt động trên cả ba lĩnh vực: quân sự, chính trị, văn hoá. Và ở lĩnh vực nào ông cũng có những đặc điểm nổi bật khác thường.
- Về điểm thứ ba: Tính tình của Hồ Quý Ly.
Có thể nói rằng Hồ Quý Ly là tổng hợp của nhiều năng lực: quân sự, chính trị, văn hoá, nhưng lại có một biểu hiện thống nhất: ông là con người hành động - hành động khác người, kiên quyết đến tàn bạo.
Tìm hiểu Hồ Quý Ly ở mặt này, chúng tôi muốn xem xét đến cách ứng xử của ông trong các mối quan hệ xã hội.
Trước hết, giữa ông và nhà Trần có sự ràng buộc chặt chẽ bằng hai mối quan hệ: thân tộc và quân thần. Về quan hệ thân tộc có thể tóm lược như sau: Hồ Quý Ly có hai người cô là phi của vua Minh Tông (trị vì: 1314- 1329), trong đó có một người sinh ra Nghệ Tông và một người sinh ra Duệ Tông. Mối quan hệ thân tộc này từ nghệ Tông làm vua (1370) cũng là lúc Hồ Quý Ly tham chính, mới thực sự được vun đắp thêm sâu nặng. Theo sử sách, Hồ Quý Ly làm phò mã nhà Trần, lấy Huy Ninh công chúa - con gái của Minh Tông, vào năm 1371. Như vậy chúng ta biết không chỉ có Minh Tông (1300 - 1357) mà cả Hiến Tông (1319 - 1341), Dụ Tông (1336 - 1369) lúc còn sống các mối quan hệ bố vợ - con rể, anh em rể chưa xuất hiện, xuất hiện vào thời Nghệ Tông. Đến thời Duệ Tông - con của Minh Tông và cô của Hồ Quý Ly - lên làm vua từ 1372 đến 1377, mối quan hệ này lại thắt chặt hơn. Duệ Tông lấy em họ của Hồ Quý Ly, tức Gia Từ hoàng hậu, sinh ra Đế Hiện, làm vua từ 1377 đến 1378. Tiếp đến Thuận Tông, làm vua 1387 đến 1398 lại lấy con gái của Hồ Quý Ly là Thánh Ngâu sinh ra Thiếu đế An, làm vua từ 1398 đến 1400.
Như vậy hai ông vua cuối của triều Trần là con rể và cháu ngoại của Hồ Quý Ly. Mối quan hệ thân tộc khá chặt chẽ, lâu dài đến 4 thế hệ:
Thế hệ I: Minh Tông;
Thế hệ II: Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, Duệ Tông (đều là con của Minh Tông)
Thế hệ III: Thuận Tông (con út của Nghệ Tông)
Thế hệ IV: Thiếu đế An (con của Thuận Tông)
Quan hệ thân tộc chặt chẽ lâu dài như vậy mà Hồ Quý Ly, theo sử sách đang tâm đối sử một cách không thương xót, phế truất Đế Hiện, sai thắt cổ cho chết (1388); sau khi Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly nắm toàn quyền, ông bức Thuận Tông dời đô, xuất gia, rồi sai người thắt cổ cho chết (1398); phế truất Thiếu đế An (1400). Cho dù với bất kỳ động cơ nào, vì mục đích gì, đúng sai ra sao, thì cách ứng xử trên đối với các vua Trần, Hồ quý Ly cũng đã bộc lộ tính chất tàn bạo của mình.
Về quan hệ vua tôi, là một người am hiểu tôn sùng đạo Nho, chắn chắn Hồ Quý Ly hiểu rõ hơn ai hết quan hệ quân thần. Bởi vì dù là phò mã, là bố vợ, là ông ngoại của vua đi nữa thì Hồ Quý Ly vẫn chỉ là bề tôi, mà chữ trung là bất khả xâm phạm. Ấy thế mà, cũng theo sử sách, ông đã xem các vua Trần như những con rối dưới bàn tay điều khiển của mình, ông không ngần ngại khi cần phế lập, bức tử họ. Phải chăng ông quan niệm đã hết thời của “cặp Trần - Hồ” cùng nhau lo toan, chèo chống việc nước, sau khi Nghệ Tông qua đời (1394)? Phải chăng ông cho là “ngu trung” một khi phải trung với các vua Trần bất lực kèm theo đó là bọn quý tộc Trần ươn hèn; tất cả đã thành lực cản cho mục tiêu “tướng quốc” của ông; dầu sao đi nữa, chúng ta vẫn thấy trong quan hệ vua - tôi, ông đã ứng xử một cách khác thường, vượt ra ngoài thông lệ.
Trong quan hệ với đồng liêu, theo sử sách, ông cũng không ngần ngại trong việc thẳng tay diệt trừ bất kỳ ai dám cản trở, chống lại ông. Những việc giết đám đại thần Lê Á Phu.. vì bí mật tâu vua giết Quý Ly (1388); ngầm sai người giết Trang Định Vương Ngạc (1391); giết Phan Mảnh, Chu Bỉnh Khuê vì câu nói: “Trời không thể có hai mặt trời, dân không thể có hai vua” (1391); giết tông thất Trần Nhật Chương (1392) (thông qua Nghệ Tông), giết hai tông thất nhà Trần là Nguyên Ấn, Nguyên Dận và sĩ nhân Nguyễn Phù (1395); giết cung nhân Trần Ngọc Cơ và Trần Ngọc Kiểm, miếu lệnh Lê Hợp... (1397); và kinh khủng nhất là “Hội thề Đốn Sơn” (1399), một lúc 370 người bị giết vì mưu diệt trừ Hồ Quý Ly, do Thái bảo Trần Hãng và Thượng tướng quân Trần Khát Chân cầm đầu không thành, là chứng cứ cụ thể được sử sách ghi chép lại.
Đối với quân cướp nước, về phía Nam là giặc Chiêm Thành, chúng ta đã biết rõ thái độ của ông như thế nào khi ông còn là bầy tôi của nhà Trần và cả khi ông đã giành được ngôi vua. Còn đối với giặc phương Bắc, không ai có thể nghi ngờ tinh thần kiên quyết và ý chí mãnh liệt trong chống giặc của ông khi ông đã tổ chức lại quân đội, thành lập các đội hương binh, các xưởng sản xuất vũ khí, đóng chiến thuyền; xây dựng các tuyến phòng thủ. Cuối cùng khi các tuyến phòng thủ bị vỡ, cha con ông chạy về phía Nam, bị giặc bắt ở Kỳ La (cửa Nhượng Hà Tĩnh), đày sang Yên Kinh. Người ta có thể hỏi tại sao ông không “sát thân thành nhân” để đến nổi làm vua một nước mà chịu rơi vào tay giặc, ông chiến đấu đến cùng, không đầu hàng đã đành, mà cũng không tự sát, tìm đến cái chết như thông thường các bậc vua chúa, cả người thường, hay làm một khi bị dồn đến đường cùng. Lại một lần nữa chúng ta thấy ông hành động vượt ra ngoài thông lệ.
Cho đến nay chúng ta không biết rõ vào những năm cuối đời của ông ở đất giặc ra sao. Nhưng qua những câu thưo trong bài “Cảm hoài” của ông:
“Kim âu kiến khuyết vô do hợp,
Đãi giá tu tri ngọc phỉ khinh”
(Âu vàng bị mẻ, biết hàn gắn làm sao,
Nên biết ngọc còn đợi giá, chứ không phải bị xem rẻ đâu)
Chúng ta có cảm nghĩ rằng rằng tuy ông ở bước đưòng cùng nhưng không tuyệt vọng.
Tóm lại, tìm hiểu qua các mối quan hệ xã hội và cách ứng xử của Hồ Quý Ly, chúng tôi thấy nỗi lên ở ông nhiều nét khác thường, không khuôn mình bó theo thông lệ. Khi còn là bầy tôi của nhà Trần, rồi trở thành hoàng đế, thượng hoàng ông đã khước từ hành động, ứng xử theo lối mòn. Trái lại ông luôn kiên định, nhất quán trong tư duy, hành động cách tân - thậm chí đến tàn bạo - vì mục tiêu “tướng quốc”.
Như đã trình bày, với luận văn này chúng tôi không đặt cho mình nhiệm vụ đánh giá sự nghiệp của Hồ Quý Ly, mà chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu nhân cách của ông.
Từ các mặt đã giải trình, chúng tôi thấy nổi lên ở Hồ Quý Ly là một người hành động, một nhân cách anh hùng.
Nhất quán trong mục tiêu cứu nước; có năng lực và đủ bản lĩnh hoạt động trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, văn hoá, kiên quyết đến tàn bạo trong hành động, ứng xử. Ở lĩnh vực nào ông cũng có nét khác thường, đến nỗi đương thời và về sau, một khi soi nhìn bằng cặp mắt “chính thống”, ông không tránh khỏi bị lên án nặng nề. Về quân sự thì bất tài để mất nước; về chính trị là “loạn thần tặc tử”, “tội các chất đầy”; về văn hoá là “khinh suất”, “không tự lượng sức”... Đó là cách nhìn nhận của các sử gia ngày trước. Vì quan điểm “chính thống” họ không nhìn nhận, hoặc không giám nhìn nhận ở Hồ Quý Ly những nét đẹp của một nhân cách anh hùng.
Tất nhiên anh hùng không phải là thần thánh, họ cũng là con người như mọi người, cũng có khuyết tật. Chỉ có điều khác là họ có năng lực nhận biết và hành động hơn người, họ giám suy nghĩ đến những điều, dám làm những việc mà người bình thường không suy nghĩ được, không làm được. Dĩ nhiên là họ phải suy nghĩ và hành động vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích cá nhân mình. Ở Hồ Quý Ly đã có ảnh hưởng tác động đến tiến trình lịch sử và bộ mặt xã hội Đại Việt vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, là điều không thể phủ nhận được.
Việc thành bại cuối cùng của ông hẳn không chỉ do cá nhân ông, mà còn do thời thế, do điều kiện khách quan trong bối cảnh chính trị - xã hội lúc đó quy định, mà nhiều khi cá nhân - dù là anh hùng, cũng chịu bó tay, ôm hận để rồi gánh chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Đặng Dung, người tiếp theo Hồ Quý Ly chống quân Minh thời hậu Trần, chẳng đã từng than:
“Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”
Và Phan Bội Châu, đầu thế kỷ XX cũng từng viết:
“Bất tương thành bại luận anh hùng”
Cho dù Hồ Quý Ly bị thất bại lớn, nhưng gần 600 năm sau ông, ngày nay xét lại lịch sử từ nhiều chiều, thông thoáng và biện chứng hơn, nhìn về ông, chúng tôi càng khâm phục và kính trọng ở ông nhân cách đặc biệt, có nhiều nét đẹp - nhân cách của một người anh hùng./.
Chú thích:
(1) Các sự kiện, việc làm của Hồ Quý Ly dẫn trong bài, chúng tôi dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư và Cương mục.
(2), (3), (4) Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch của Hoàng Văn Lân – NXB KHXH - Hà Nội, 1985, tập II, tr.151, 180, 202.
(5), (6) Thơ của Hồ Quý Ly, Thơ văn Lý -Trần, tập III, NXB KHXH - Hà Nội, 1978, tr.249.
Nguồn: Nguyễn Danh Phiệt, Hồ Quý Ly - một nhân cách anh hùng, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5, năm 1992, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học. Trang 46 - 50.