Thành Nhà Hồ, 04/01/2025

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 206

    Đã truy cập: 1170466

Thành Nhà Hồ - bản thông điệp vật chất vô giá

Ngót 3 tháng cho sự ra đời tòa thành đá và hơn 6 thế kỷ cho sự tồn tại một di sản, Thành Nhà Hồ không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, mà còn là một trong những “gương mặt” đại diện tiêu biểu nhất cho bản sắc văn hóa và tinh hoa trí tuệ người Việt trên “bản đồ văn hóa” nhân loại.


 Khai quật khảo cổ công trường tinh chế đá dưới chân tường thành phía Nam Thành Nhà Hồ. Ảnh: Lê Dung

       Sự kiện Thành Nhà Hồ được UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự, tự hào lớn lao không chỉ của xứ Thanh, mà còn của đất nước. Bởi lẽ, được xướng tên trên Danh sách di sản thế giới là cách để di sản này góp tiếng nói khẳng định bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

       Tròn 10 năm Thành Nhà Hồ được vinh danh (2011-2021), tỉnh Thanh Hóa đã và đang cho thấy trách nhiệm cùng sự nỗ lực trong thực hiện các cam kết với UNESCO, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho hôm nay và mai sau. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

       Phóng viên: Kính thưa đồng chí, tròn 10 năm Thành Nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới, xin đồng chí cho biết, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện những cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này ra sao?

       Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới ngày 27-6-2011, khẳng định tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản độc đáo này. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt và là niềm vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, là niềm tự hào của người dân cả nước, bởi di sản được vinh danh càng góp phần khẳng định sự đa dạng, phong phú và giàu giá trị của nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

       Ngay sau khi gửi cam kết đến UNESCO (gồm 10 nội dung cam kết thực hiện tại Văn bản số 3584/UBND-VX ngày 13-6-2011), UBND tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện và đến nay, chúng ta đã hoàn thành các cam kết số 7, 8, 10. Cụ thể: đã làm rõ thành phần kế hoạch quản lý, đặc biệt là cho Vùng 2; nghiên cứu và khoanh vùng đề cử mở rộng; sửa đổi bổ sung Quy chế khống chế chiều cao xây dựng cho các vùng tài sản đề cử, đặc biệt là vùng tài sản đề cử mở rộng và cho vùng đệm; bổ sung và hoàn thiện chiến lược phòng ngừa và quản lý thảm họa; cải thiện và tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý rác thải tại khu di sản; khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương vào việc bảo vệ và quản lý tài sản dưới nhiều hình thức đa dạng hơn. Cùng với đó, tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 các cam kết số 4, 5 và 9. Cụ thể là cam kết lập kế hoạch điều tra tổng thể nhằm đưa ra ranh giới khoanh vùng bảo vệ mới cho các hang động và thắng cảnh liên quan đến tổng thể cảnh quan, thiên nhiên Di sản Thành Nhà Hồ; tiếp tục kiểm kê để bổ sung tư liệu một cách có hệ thống toàn bộ các di tích liên quan đến di sản, sau khi Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ hoàn thành dự án cắm mốc khoanh vùng bảo vệ các di tích, hang động, thắng cảnh (thuộc khu vực di sản đã được UBND tỉnh phê duyệt).

       Hiện, kế hoạch quản lý Di sản Thành Nhà Hồ giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã và đang chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện kế hoạch để phê duyệt. Do vậy, cam kết xem xét, bổ sung Kế hoạch quản lý cho phù hợp với những kết quả bổ sung mới sẽ hoàn thành sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kế hoạch quản lý trên. Bên cạnh đó, chương trình khảo cổ học tổng thể khu Di sản Thành Nhà Hồ cũng đang được khẩn trương thực hiện, đạt 90% khối lượng được duyệt và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, 4 cam kết còn lại liên quan đến việc xây dựng hồ sơ di tích quốc gia La thành và mở rộng vùng đề cử thuộc cam kết số 1, 2, 3 và 6 đòi hỏi chiến lược dài hơi, theo đúng tinh thần hướng dẫn của Công ước bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 về mở rộng vùng đề cử di sản. Do vậy UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục thực hiện theo đúng lộ trình và củng cố hồ sơ theo yêu cầu của UNESO về đề cử di sản, cũng như mở rộng khu vực đề cử đối với di sản đã được công nhận.

       Phóng viên: Trong việc thực hiện các cam kết với UNESCO, những khó khăn, thách thức nào đã và đang đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa, thưa đồng chí?

       Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Có thể nói rằng, những cam kết mà UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện theo khuyến nghị của UNESCO về quản lý, bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đều là những cam kết mang tính chất chiến lược, có ảnh hưởng sâu rộng và tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do vậy, việc thực hiện các điều khoản đã cam kết không thể thực hiện trong một sớm một chiều; đồng thời, nó đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương, cũng như tạo được sự đồng thuận cao của xã hội.

       Bên cạnh những quy định vô cùng khắt khe của UNESCO, cùng những quy định, chế tài của công ước quốc tế, việc thực hiện và hoàn thành cam kết đòi hỏi tính thời điểm rất cao cũng như nguồn lực rất lớn. Điển hình như trong thực hiện cam kết số 1 là đưa con đường Hoàng Gia vào vùng đề cử. Theo sử sách và qua nghiên cứu khảo cổ, con đường Hoàng Gia bắt đầu từ cửa Nam đến đàn tế Nam Giao, với chiều dài khoảng 2,5 km. Con đường đá cổ này hiện đang nằm phía dưới trục Quốc lộ 45 đoạn qua thị trấn Vĩnh Lộc. Để có thể đưa đường Hoàng Gia vào vùng đề cử cần phải tiến hành khai quật để làm xuất lộ toàn bộ tuyến đường cổ. Muốn vậy, phải thực hiện di dân, tái định cư và bảo đảm an sinh cho người dân, trong khi điều này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, lộ trình lâu dài, phù hợp.

       Phóng viên: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015, với 7 nhóm dự án trọng tâm. Tuy nhiên, đến nay kết quả triển khai thực hiện các nhóm dự án vẫn còn khá khiêm tốn.

       Vậy xin đồng chí cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ có sự quan tâm đầu tư về nguồn lực và cơ chế chính sách ra sao nhằm triển khai hiệu quả quy hoạch, cũng đồng thời là góp phần thực hiện các cam kết với UNESCO trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ?

       Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015 sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015-2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Do vậy, trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa không thể tranh thủ được nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho các nhóm dự án trong quy hoạch. Mặc dù vậy, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư ngân sách tỉnh cho nhóm án khai quật, khảo cổ học tổng thể Di sản Thành Nhà Hồ, để có cơ sở khoa học và pháp lý cho việc thực hiện các nhóm dự án khác. Đến nay, với việc triển khai một cách nghiêm túc, khoa học và thận trọng nhằm bảo tồn tối đa yếu tố gốc cấu thành của di sản, công tác khai quật khảo cổ đã đạt được những kết quả vô cùng khả quan.

       Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai các nhóm dự án khác một cách đồng bộ. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, sẽ tiến hành nhóm dự án di dời, đền bù trong khu vực lõi Thành Nhà Hồ; triển khai nhóm dự án số 3 - giai đoạn I (tu bổ, bảo tồn, tôn tạo di tích vùng lõi; trưng bày khảo cổ trong thành, phục hồi Đông Thái miếu, Tây Thái miếu); đồng thời xây dựng, củng cố hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch... Đặc biệt, để tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai các dự án, ngày 11-10-2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 158/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (nhóm dự án số 3 - giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư trên 745 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự quan tâm và trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa trong việc đề xuất cơ chế chính sách và đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ cho hôm nay và mai sau.

       Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

https://baothanhhoa.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm