Nhà nước thời Hồ (1400 - 1407)
Nhà Hồ tồn tại rất ngắn, có 7 năm, kể từ khi Hồ Quý Ly lên ngôi (3-1400), đến lúc ông bị quân Minh bắt đưa về Kim Lăng (6-1407).
Bảy năm trời không thấm gì so với lịch sử hàng nghìn năm của nhà nước quân chủ Việt Nam (thế kỷ X - XIX) thời Trung đại nhưng nhà Hồ đã đánh dấu như một nét vạch về sự chuyển biến của chế độ chính trị Việt Nam từ thế kỷ XIV sang thế kỷ XV.
Về sự chuyển biến này, chúng ta đã đề cập ít nhiều trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6 - 1990(1), vì vậy ở đây chúng tôi chỉ bàn riêng về vấn đề nhà nước quân chủ Việt Nam đầu thế kỷ XV - tức nhà nước quân chủ thời Hồ (1400-1407).
Tuy nhà Hồ tồn tại chỉ có vài năm, thời gian để kiện toàn bộ máy nhà nước chưa được bao nhiêu, nhưng nhà Hồ lại có thế mạnh thừa hưởng một phần cơ ngơi của triều đại cũ. Hay nói khác đi, nhà Hồ được thiết lập trên một cái nền sẵn có mà Hồ Quý Ly là người có công gây dựng từ mấy chục năm trước đó.
Vấn đề đặt ra ở đây là: Nhà nước mà Hồ Quý Ly có công gây dựng từ cuối thế kỷ XIV và lập nên ở đầu thế kỷ XV là nhà nước gì? Và nhà nước đó đã thực hiện được chức năng của nó đối với xã hội ra sao?
Đứng về mặt nhà nước mà nói, nhà nước thời Hồ thực chất là một nhà nước quân chủ tập trung quan liêu. Nhà nước này còn rất sơ khai và đang trên con đường kiện toàn về mặt thiết chế, lại ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang đứng trước nguy cơ đe dọa của một thế lực hùng mạnh từ bên ngoài nên nó chưa có được một cơ sở xã hội vững vàng cho sự tồn tại.
Cơ sở của chính quyền quân chủ thời Hồ là chế độ sở hữu lớn của nhà nước và cơ sở giai cấp của nhà nước thời Hồ là cộng đồng địa chủ quan liêu.
Chế độ sở hữu nhà nước đang được phục hồi ở đầu thế kỷ XV với hàng loạt cải cách kinh tế - xã hội của Hồ Quý Ly.
Chính sách “hạn điền”, “hạn nô” của Hồ Quý Ly đưa ra, trong chừng mực nào đó, có góp phần tước bỏ thế lực kinh tế của tầng lớp quý tộc địa chủ nhà Trần cũng như tước bỏ phần nào chế độ nô tỳ của quý tộc, nhưng ở góc độ khác, nó lại làm phục hồi và phát triển chế độ sở hữu của nhà nước - cơ sở của chế độ quân chủ chuyên chế và quan liêu.
Những công việc này tiến hành chưa được bao nhiêu thì bị gián đoạn bởi sự xâm lược của quân Minh. Chế độ quân chủ chuyên chế và quan liêu chưa định hình đã bị nhà Minh đặt ách thống trị.
Nhà Hồ mới lên tuy có rất nhiều cố gắng trong việc đào tạo, tuyển chọn và tăng cường đội ngũ quan lại trong triều đình mới nhưng sự nghiệp này cũng bị dở dang bởi sự xâm lược của nhà Minh.
Sau khi lên ngôi được 5 tháng (8-1400) Hồ Quý Ly đã cho tổ chức kỳ thi Thái học sinh(2), chọn được 20 người đỗ, trong đó có những nhân sĩ nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, v.v... đây là lớp sĩ phu đầu tiên bổ sung cho triều đình mới.
Sau 3 năm nắm chính quyền (1404), nhà Hồ bắt đầu cho định cách thức thi cử nhân(3) để tiếp tục lựa chọn nhân tài và giúp việc triều đình. Lệ thi tiến hành liền trong 3 năm, vào tháng 8 hàng năm. Năm đầu thi hương thi ở bộ lễ, ai đỗ được sung thái học sinh. Chỉ trừ những quân nhân, phường chèo, người có tội là không được thi(4).
Nhưng thực tế nhà Hồ chỉ tổ chức được một kỳ thi ở bộ Lễ vào tháng 8 - 1405(5), lấy đỗ 170 người. Trong số sĩ phu đỗ đạt, nhà Hồ đã bổ sung hàng loạt vào làm quan cho triều đình mới, như Hồ Ngạn Thần, Lê Củng Thần, Cồ Xương Triều v.v... Sau đó vì tình hình chính sự với nhà Minh, Nhà Hồ không thể tổ chức thi Hội tiếp tục được, đành cho gọi các quan cũ vào triều để bổ dụng(6). Ngay cả những nho sĩ có tài đã từng thi đỗ dưới triều Trần, chưa được nhà Trần bổ dụng như Nguyễn Phi Khanh, được nhà Hồ cho làm Hàn lâm học sĩ.
Như vậy, tuy nhà Hồ có rất nhiều cố gắng trong việc đào tạo đội ngũ quan liêu theo hướng khoa cử, nhưng vì tình hình khách quan của xã hội Việt Nam khi đó, nhà Hồ không thực hiện được triệt để. Dù muốn hay không thì đến đây nhà Hồ cũng chưa có được một cơ sở giai cấp vững mạnh làm nền tảng cho sự tồn tại của mình.
Những việc nhà Hồ làm được không nhiều so với những việc nhà Hồ đề ra, nhưng nhà Hồ đã phần nào thực hiện được vai trò của mình đối với xã hội lúc bấy giờ.
Về mặt Kinh tế, nhà Hồ có hạn chế thế lực của tầng lớp địa chủ quý tộc nhà Trần bằng cách rút bớt số lượng ruộng đất chiếm hữu xuống dưới 10 mẫu và tăng thuế ruộng tư từ 3 thăng lên 5 thăng một mẫu. Đối với nông dân các làng xã thì nhà Hồ cho giảm nhẹ phần nào thuế nhân đinh và miễn thuế thân cho những đinh nam không ruộng, trẻ em mồ côi và đàn bà goá có ruộng(7) v.v...
Tại những vùng đất mới chiếm như Thăng Hoa và Tư Nghĩa, nhà Hồ cho dời dân đến để lập nghiệp và mộ dân nộp trâu cấp cho những hộ đó để cày cấy.
Những việc sửa sang đường xá(8), đào kênh mương(9), lập kho thường bình chứa thóc(10)v.v... nhà Hồ lần lượt cho làm.
Về Văn hoá, Giáo dục nhà Hồ đã cho chấn chỉnh lại chế độ thi cử, mở rộng học ở lộ, phủ châu tại các tỉnh đồng bằng. Nhà Hồ rất coi trọng chữ Nôm, cho làm sách Quốc ngữ thi nghĩa (dịch kinh thi ra chữ Nôm) để giảng dạy cho các hậu phi và cung phi v.v...
Đặc biệt về lĩnh vực Quân sự, củng cố lực lượng quốc phòng, nhà Hồ có rất nhiều đóng góp.
Phải nói rằng trong lịch sử Việt Nam cho đến lúc bấy giờ, chưa ở thời nào lực lượng quân sự được tăng cường như ở thời Hồ.
Sau đợt kiểm biên dân số trong toàn quốc (4-1401), nhà Hồ đã xây dựng được lực lượng quân đội thường trực tương đối lớn. Nhiều xưởng chế tạo vũ khí và kho quân khí được xây dựng. Những chiến thuyền lớn được đóng và những thành luỹ kiên cố cũng được xây dựng như thành Tây Đô, thành Đa Bang v.v...
Vì ra đời trong hoàn cảnh đất nước có nạn ngoại xâm đe doạ nên chức năng quân sự của nhà Hồ rất nổi bật. Hồ Quý Ly lên làm vua đã 65 tuổi, nhưng vẫn cùng Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng, và các tướng lĩnh tự cầm quân nhiều lần xông pha trận tiền cho tới khi bại trận.
Tuy nhà Hồ chưa đủ thời gian và điều kiện để xây dựng bộ máy nhà nước theo ý nguyện của dòng họ Hồ, nhưng nhà Hồ đã làm được một số việc trong kiện toàn bộ máy nhà nước, như cho định quan chế và hình luật của đất nước vào năm 1401(11). Nhưng quan chế nhà Hồ vẫn theo chế độ nhà Trần, chỉ thêm có các chức Đăng văn triều chính, Phong quốc giám, Đại lý tự, Quang tế tự và Hương đình quan (sau chức quan này bị bãi bỏ).
Tất cả các chức quan thêm vào trên đây là chỉ tạo chức làm việc. Còn các chức quan chính vẫn dữ nguyên như nhà Trần tức vẫn có ba chức Thái, ba chức Thiếu, Tư đồ, Tư mã, Tư không làm trọng chức của các đại thần văn võ.
Để điều hành công việc trong triều có các cơ quan như: quan, các, sảnh, cục, đài, viện. Ngay năm đầu tiên, những người thi đỗ tại khoa thi thai học sinh như: Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Thành đã được bổ làm Quốc tử giám tế tử và Hoàng Kiến làm đến Quốc tử giam giáo thụ(13). Hai cha con Nguyễn Trãi , cha làm Hàn lâm học sĩ kiêm lĩnh chức Tư nghiệp Quốc tử giám(14), con thì làm ở Ngự sử đài.
Đó là các chức quan trong triều. Ở ngoài có các chức an phủ sứ, Tuyên phủ sứ, Thông phán, Thiêm phán v.v... Dưới thời Hồ, người giữ những chức vụ này rất nhiều như Trần Cung Túc làm An phủ sứ lộ Tam Giang, Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thuận Hoá và Thăng Long, Trần Quốc Kiệt làm An phủ sứ Đông Lộ, Phan Hà Phủ làm Trấn phủ sứ lộ Kiến Hưng, Nguyễn Ngạn Quang làm Tuyên phủ sứ lộ Tân Ninh, Lê Quang Tổ làm Tuyên phủ sứ lộ Thăng Hoa, Mai Túc Phu làm làm Thông phán Châu Ái, Lưu Quang Đình làm Thông phán, Tưởng Tư làm Thiêm Phán v.v...
Về khu vực Hành chính, nhà Hồ cho lấy lộ phủ Thanh Hoá (Cửu chân và Ái châu) làm đất Tam phụ của kinh kỳ. Chọn Tây Đô làm kinh đô. Đất nước được chia ra làm các lộ, phủ châu, huyện. Thấp nhất là xã. Lộ ở An phủ sứ, ở châu có Thông phán, Thiêm phán, ở huyện có Lệnh uỷ, Chủ bạ trông coi.
Những chức quan tham gia trong bộ máy chính quyền kể trên trước hết là tầng lớp nho sĩ quan liêu, thứ hai là số quan lại của triều đại cũ và cuối cùng là tầng lớp quý tộc thuộc dòng dõi nhà Hồ. Tất cả lực lượng này đều ủng hộ chế độ quân chủ nhà Hồ, trong đó nho sĩ quan liêu là thành phần đông đảo nhất, và đóng vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền nhà nước thời Hồ.
Dù mọi việc làm còn dở dang do sự xâm lược của nhà Minh, nhưng về mặt thiết chế nhà nước, thì thời Hồ đã đánh dấu sự mở đầu chế độ chính trị mới - chế độ quân chủ quan liêu và chuyên chế. Nhưng chế độ quân chủ chuyên chế và quan liêu thời Hồ vừa xác lập chưa kịp kiện toàn thì bị ngắt quãng bởi cuộc xâm lược của nhà Minh. Phải đợi đến sau kháng chiến chống Minh, bắt đầu từ Lê Thái Tổ cùng với công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, thể chế chính trị mới được kiện toàn và chế độ quân chủ tập trung quan liêu và chuyên chế mới có điều kiện tốt để phát triển. Đây là công việc của nhà Lê sơ từ những năm 30 của thế kỷ XV cho đến hết thế kỷ XV./.
Chú thích:
(1) Xem Trần Thị Vinh, “Thiết chế chính trị ở Việt Nam cuối thế kỷ XIV và những hoạt động chính trị của Hồ Quý Ly”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử ,số 6 - 1990.
(2) Đại việt sử ký toàn thư, tập II. Bản dịch 1791, tr. 229.
(3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11) như trên, tr. 239, 242, 246, 234, 227, 232.
(12) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Bản dịch, 1961, tập II, trang.9.
(13), (14) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd,tr. 229
Nguồn: Trần Thị Vinh, Nhà nước thời Hồ (1400-1407), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5, năm 1992, Viện Khoa học Xã hội Việt nam, Viện Sử học, trang 29 - 30.