Thành Nhà Hồ, 28/12/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 6

    Hôm nay: 500

    Đã truy cập: 1165642

THÀNH NHÀ HỒ - LỊCH SỬ VÀ HUYỀN THOẠI

Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành An Tôn, thành Tây Đô, thành phủ Thanh Hóa, Tây Kinh, thành Tây Giai) nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

         Tuy tồn tại với tư cách là một kinh thành không lâu (9 năm) nhưng Thành nhà Hồ lại chứa đựng giá trị lịch sử tiêu biểu của thời đại và kiến trúc nghệ thuật độc đáo, không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 27 tháng 6 năm 2011, Ủy ban Di sản Thế giới, UNESCO đã chính thức quyết định đưa Thành nhà Hồ vào danh mục Di sản thế giới.

       Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, việc xây thành hay dời đô đều hết sức hệ trọng, gắn liền với vận mệnh quốc gia (để phát triển đất nước hay đối phó với họa ngoại xâm). Sự ra đời Thành Cổ Loa, Hoa Lư hay kinh thành Thăng Long đều gắn với vai trò quyết định của các vị vua, chỉ riêng Thành nhà Hồ lại gắn với Hồ Quý Ly lúc chưa lên ngôi. Dời đô có thể coi là một trong những cải cách táo bạo và quyết liệt nhất của Hồ Quý Ly.

       Chọn đất Thanh Hóa để dựng kinh đô mới có lẽ gắn với nhiều suy tính, nhưng chắc chắn nằm trong tầm nhìn chiến lược phòng thủ đất nước của Hồ Quý Ly trước ý đồ xâm lược của quân Minh lúc bấy giờ đã lộ rõ. Bởi “nói về mặt đô hội thì Thanh Hóa không rộng rãi bằng Thăng Long, mà nói về mặt hình thể thì Thăng Long không hiểm cố bằng Thanh Hóa. Cho nên lập đô dựng nước ngoài Thăng Long ra có lẽ không đâu hợp hơn Thanh Hóa”(1).

       Thành nhà Hồ tọa lạc ở một khu đất bằng phẳng, được che chắn kỹ càng một cách tự nhiên bởi dãy núi trùng điệp ở phía bắc, hai dòng sông Mã và sông Bưởi bao bọc hai mặt đông, tây. Thành lại nằm bên cạnh đường thượng đạo ở miền Tây Thanh Hóa. Địa thế này tránh được thế trống trải khó phòng thủ, lại thuận tiện giao thông thủy bộ ngược - xuôi và ra Bắc, vào Nam. Vì vậy, vùng đất An Tôn vừa hiểm yếu, vừa có điều kiện phát triển và mở rộng kinh thành. Về phong thủy, có núi Tượng Sơn ở phía bắc làm hậu chẩm, núi Đốn Sơn ở phía nam làm tiền án, hai ngọn Hắc Khuyển ở phía đông và An Tôn ở phía tây tạo thành thế tay ngai, sông Mã và sông Bưởi vây quanh, hợp lưu ở ngã ba Cầu Công tạo nên thế thủy tụ thành minh đường(2).

       Ý đồ chuyển đô về Thanh Hóa chắc chắn đã được Hồ Quý Ly tính toán từ sớm và hết sức chu đáo. Câu nói của Hồ Quý Ly về việc xây dựng kinh đô mới “Chí ta đã quyết từ trước”(3) đã chứng minh cho điều đó, đồng thời cũng thể hiện sự quyết tâm dời đô, bất chấp sự ngăn cản của nhiều triều thần.

       Việc xây dựng thành được tiến hành một cách gấp rút. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Đinh Sửu (Quang Thái) năm thứ mười (1397)… Mùa xuân, tháng Giêng sai Lại bộ thượng thư kiêm thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn Xã Tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, ba tháng thì công việc hoàn tất”(4). Theo tư liệu này, Thành nhà Hồ được xây dựng chỉ trong 3 tháng. Có nhà nghiên cứu khi phân tích sự đồ sộ của tòa thành với kỹ thuật của thế kỷ XIV, cùng việc tìm hiểu thêm sử liệu, cho rằng công trình ít nhất được triển khai từ cuối năm 1396, đến 15 tháng 3 năm 1398 tổ chức lễ khánh thành. Như vậy, tòa thành được xây dựng ít nhất trong một năm rưỡi. Thời gian sau đó còn tiến hành một số công việc như: xây dựng La thành (1399), gia cố mặt thành xây gạch lên trên (1401), xây đàn Nam Giao (1402)…(5) Dù 3 tháng hay một năm rưỡi đều là khoảng thời gian kỳ tích để xây dựng một tòa thành đá kiên cố, to lớn như Thành nhà Hồ.

       Chính bởi sự quyết tâm, gấp gáp nên Hồ Quý Ly đích thân là vị tổng chỉ huy, trực tiếp giám sát mọi công việc đến khi hoàn thiện công trình.

       Sự khẩn trương trong việc xây dựng thành còn lưu lại trong nhiều truyền thuyết dân gian. Có truyện kể rằng, cứ sau một ngày, người ta nhặt được hàng rổ ngón chân, ngón tay người xây thành do mệt mỏi, gấp gáp mà gặp tai nạn. Đoạn hào thành thông ra sông Mã được Hồ Quý Ly ra lệnh buộc phải hoàn tất trong một đêm. Do làm trong đêm, lại vội vàng nên đoạn này đã bị đào lệch về phía bắc khoảng 800m (đoạn đào nhầm gọi là Mau Rẹ). Hồ Quý Ly rất tức giận đã ra lệnh chém tất cả những người đào nhầm đoạn hào đó.

       Việc xây thành còn gắn với câu chuyện bi thương: nàng Bình Khương là vợ của Cống Sinh (Trần Công Sỹ), quan đốc công trông coi việc xây đoạn tường thành phía đông. Do nền móng yếu, đoạn thành gần cửa Đông cứ xây xong được vài đêm lại sụp đổ. Biết chuyện, Hồ Quý Ly rất tức giận và cho rằng Cống Sinh có ý làm phản nên ra lệnh chôn sống Cống Sinh dưới chân thành để thị uy quân sĩ. Trước cái chết oan khuất của chồng, nàng Bình Khương tìm đến công trường xây thành kêu oan, rồi nàng đập đầu vào tảng đá xây thành cho đến chết. Tảng đá nàng Bình Khương đập đầu in rõ hình vầng trán và hai bàn tay của nàng hiện được đưa vào thờ tại ngôi đền phía đông thành.

       Dân làng Đông Môn cũng bị phạt bằng cách tịch thu hết lương thực, trâu bò, lợn, gà trong làng làm thức ăn cho quân lính xây thành. Sắp Tết, không còn gì ăn, dân làng đành ra đồng đào chuột về giết thịt để ăn Tết. Về sau thành lệ, đến giáp Tết, người dân Đông Môn lại ra đồng đào chuột về ăn để tưởng nhớ về sự gian khổ khi xưa.

       Có lẽ Hồ Quý Ly đã dùng mọi biện pháp, kể cả cưỡng chế để có đủ nhân tài, vật lực cho việc xây thành trong một thời gian ngắn ngủi. Nhiều dòng họ ở khu vực An Tôn cho biết tổ tiên họ ở nơi khác đến xây dựng Thành nhà Hồ rồi ở lại lập nghiệp nơi đây. Rất có thể tù binh Chăm đã được sử dụng một cách triệt để. Thợ thủ công khắp nơi được trưng tập. Vùng An Hoạch (TP. Thanh Hóa) - nơi có nhiều thợ đá tài hoa được trưng dụng để xây Thành nhà Hồ, hiện vẫn còn lưu truyền câu ca dao:

Mồng một anh hát với cồ,
Mồng hai anh lại thành Hồ anh xây,
Mồng ba anh hát ở đây,
Mồng bốn anh lại đi xây thành Hồ...

       Sự vĩ đại và thời gian xây dựng nhanh chóng của tòa thành khiến người ta không lý giải được, có khi viện đến những thế lực siêu nhiên. Một câu chuyện dân gian địa phương còn lưu truyền: thủa đó Hồ Quý Ly đã bắt dân nộp giấy bản để xây thành. Ban ngày thấy có đoạn thành dán bằng giấy, qua đêm, giấy đã biến thành đá, như thể họ Hồ đã dùng phép thuật để xây thành.

       Để có nguyên vật liệu xây thành, Hồ Quý Ly đã cho “dỡ gạch ngói, gỗ lớn ở các cung điện Thụy Chương, Đại An, giao hết cho các châu Từ Liêm và Nam Sách chở tới kinh đô mới (6)”. Đến năm 1401, Hồ Hán Thương đã “hạ lệnh cho các lò nung gạch để dùng vào việc xây thành”(7). Đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã phát hiện có 294 địa danh hành chính trong cả nước đóng góp xây dựng Thành nhà Hồ(8).

       Để xây dựng tường thành cần một khối lượng đất, đá khổng lồ, nhiều khối đá nặng trên 20 tấn. Việc đào, đắp, xây dựng một khối lượng lớn đất đá trong một thời gian ngắn đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu kinh ngạc. Học giả L.Bezacier khi nghiên cứu về thành Tây Đô đã từng mệnh danh người An Nam là những người “đào đất khổng lồ”. Theo truyền thuyết dân gian, Hồ Quý Ly còn cho xây dựng con đường Cống Đá để vận chuyển vật liệu từ sông Mã vào xây dựng thành. Dấu tích của con đường này được nhận thấy bằng việc phát hiện các khối đá lớn dùng để lát đường trên con đường từ cuối thôn Tây Giai tới thôn Thọ Đồn ở phía tây thành. Các vật liệu được chở từ Thăng Long về chắc hẳn cũng được vận chuyển trên con đường này.

       Về nguồn gốc các khối đá lớn và kỹ thuật xây thành, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thuyết chưa thống nhất, nhưng những bức tường thành kiên cố, đặc biệt là vòm cuốn ở cổng vẫn vừng chãi dù đã trải qua hơn 600 năm đầy biến động. Chính vì vậy, L.Bezacier đã phải thán phục: “Ngôi thành này là một mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn được đẽo gọt và lắp ghép một cách tài tình, bởi vì nhìn chung, trong các công trình xây dựng nhà cửa, người Việt Nam chỉ dùng đá làm bệ chân cột, làm bậc thềm, làm tháp, đôi khi làm lan can, nhưng trường hợp này rất hiếm có”(9).

       Tuy nhiên, công việc đẽo gọt và lắp hơn 20.000m3 đá thành những bức tường thành thời đó, với kỹ thuật hoàn toàn bằng thủ công, lại trong thời gian gấp gáp là một thách thức lớn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “trước đây xây thành Tây Đô, tải nhiều đá tới xây, ít lâu sau lại bị sụp đổ”(10). Các truyền thuyết về việc xây dựng thành đề cập đến ở trên đã phản ánh nội dung này.

       Tư liệu lịch sử cho biết tường thành Tây Đô được xây dựng “trên bằng gạch, dưới bằng đá”(11). Nhiều nhà dân trong vùng hiện vẫn còn nhiều viên gạch hình khối chữ nhật to lớn lấy từ Thành nhà Hồ.

       Theo các tài liệu sử học, các đường phố đã được bố trí quy củ cho việc đi lại trong thành. Lịch triều hiến chương loại chí (thế kỷ XIX) miêu tả: “đường đi lối ngang lối dọc đều được lát đá hoa(12).

       Bao quanh các bức tường thành đồ sộ là hệ thống hào thành, như thường thấy ở các tòa thành Đông Á. Lưu Công Đạo (thế kỉ XIX) mô tả hào thành của Thành nhà Hồ như sau: “Hệ thống hào còn được gọi là trì, trì rộng 36 tầm, bốn cửa đều có cầu đá vào thành”(13). Ngoài chức năng phòng vệ, đất đào hào được dùng để đắp tường thành, hào có tác dụng giao thông đường thủy và tiêu thoát nước cho kinh thành. Ở phía bắc, hào thành được thông ra sông Mã, nơi đây vẫn còn địa danh Bến Ngự. Ngày nay, nhiều phần của hào thành đã bị lấp cạn. Tuy nhiên, vẫn có thể nhận thấy rất rõ dấu tích của hào thành ở phía bắc, phía đông và một nửa phía nam (đầu phía đông) của thành.

       Theo các tài liệu sử học, các đường phố đã được bố trí quy cũ cho việc đi lại trong thành. Lịch triều hiến chương loại chí (thế kỷ XIX) miêu tả: “đường đi lối ngang lối dọc đều được lát đá hoa(14).

       Trục đường chính, phần ở khu vực cửa Nam của thành, được thư tịch cổ gọi là đường Cái Hoa, Hoa Nhai hay Hòe Nhai, nay được UNESCO gọi là đường Hoàng Gia. Phần đường bên trong thành được lát toàn bằng đá xanh nguyên khối. Phần đường bên ngoài thành được lát bằng đá phiến nhiều cỡ và bó vỉa bằng đá xanh nguyên khối. Những cuộc khai quật khảo cổ học gần đây cho biết, lòng đường trong nội thành rộng 4,85m, bên ngoài thành rộng 4,35m. Ở cổng thành phía nam, dấu tích của các khoảng sân lát đá đã được phát hiện cả ở bên trong và bên ngoài thành. Theo sử sách đây là nơi đã từng được triều Hồ mở hội cho Nhân dân khu vực kinh thành tham dự(15). Đây có lẽ là con đường chính của kinh thành, nối liền Hoàng thành với Đàn tế Nam Giao.

       Ngày nay, các kiến trúc xưa trong thành không còn, nhưng theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời đó trong thành có điện Hoàng Nguyên (nơi nhà vua ngự triều); cung Nhân Thọ (nơi ở của Thượng Hoàng), Đông Cung (nơi ở của Thái Tử), cung Phù Cực (nơi ở của Hoàng Hậu), Đông Thái miếu (nơi thờ tổ họ Hồ), Tây Thái miếu (nơi thờ họ ngoại là Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông), đàn Xã Tắc… Nối giữa các công trình này là những con đường lát đá(16). Các câu chuyện dân gian và các địa danh cũng gợi nhắc đến một số kiến trúc và các khu vực có các chức năng khác nhau, phục vụ cho đời sống sinh hoạt trong thành như Ao Vàng, Ao Gạo, Đội Đèn, Nhà Ngục… Có lẽ đó là các kho tàng, chòi thắp đèn, nơi canh giữ tù nhân(17)...

       Ở khoảng trung tâm tòa thành, hiện còn lại đôi rồng đá, có thể là đôi rồng thành bậc của một kiến trúc quan trọng trong thành, nay đã bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu. Rồng được tạc khối tròn, dáng lượn hình sin 7 khúc, dài 3,8m, cao đến đầu 0,95m, thân dày 0,35m, phong cách tạo khối căng đầy, khỏe mập. Đây là sản phẩm mỹ thuật đặc trưng thời Trần rất quý hiếm còn lại ở Thanh Hóa. Đây cũng là cặp rồng kiến trúc Hoàng cung sớm nhất của Việt Nam được phát hiện cho đến nay. Điểm đặc biệt là đôi rồng bị mất đầu. Chưa có cách giải thích thỏa đáng hiện tượng này, nhưng trong dân gian vẫn lưu truyền chuyện kể, sau khi Thành nhà Hồ thất thủ, năm nào làng Tây Giai (phía cổng Tây Thành nhà Hồ) cũng xảy ra hỏa hoạn. Có ông thầy giỏi địa lý đi qua nói rằng làng bị cháy là do đôi rồng đá trong Hoàng thành quay đầu vào làng gây họa. Vì vậy, dân làng Tây Giai đã chặt đầu đôi rồng rồi chôn lấp trong thành. Mãi đến năm 1938, khi người Pháp cho làm con đường chạy qua thành, mới làm phát lộ đôi rồng đá này.

       Ngoài các kiến trúc được sử liệu thời Nguyễn nhắc tới, trong thành có núi Thọ Kỳ và Hồ Dục Tượng(18). Núi nay không còn thấy dấu vết. Bên cạnh đó vẫn còn dấu tích các hồ Dục Thúy, hồ Bơi Chải, hồ Bán Nguyệt, hồ Dục Tượng.

       Đã hơn 600 năm, Thành nhà Hồ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Đây là di tích kinh đô lớn, điển hình trong di tích kinh thành Việt Nam. Nét nổi bật của di tích là các vòng thành còn tương đối nguyên vẹn, cảnh quan môi trường chưa bị tác động nhiều bởi quá trình đô thị hóa. Lòng đất của toàn bộ thành nội về cơ bản vẫn giữ gìn được mặt bằng chi tiết và quy hoạch kiến trúc tổng thể của một kinh đô cổ Việt Nam. Theo các tư liệu hiện có, mặc dù đá là nguyên liệu khá phổ biến trong lịch sử kiến trúc thế giới, nhưng chưa có kinh đô nào ở Đông Á và Đông Nam Á có vòng Hoàng thành được xây dựng bằng các khối đá lớn như Thành nhà Hồ. Vì vậy có thể coi Thành nhà Hồ là một hiện tượng đột khởi, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kiến trúc xây dựng thành lũy, kinh đô ở Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Tuy nhiên, nhà Hồ đã không xây được tòa thành vững chắc nhất là “lòng dân”. Thiếu sự ủng hộ của Nhân dân nên triều đại này đã nhanh chóng thất thủ trước sự xâm lược của quân Minh. Đây là một bài học lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc./.

Chú thích:

(1). Đặng Xuân Bảng (1997), Sử học bị khảo, Nxb Văn hóa - Thông tin, tr.287.

(2). Theo truyền thuyết, về phong thủy, Hồ Quý Ly cho là đất “thạch bàn long xà, lục thập niên ký” (đất thế rồng chầu rắn cuốn, vững như bàn thạch, có thể ở được 60 năm). Thế nhưng Hồ Hán Thương (con trai thứ 2), lại tâu với Hồ Quý Ly rằng: “Thưa cha con đã xem kỹ đất này, đúng là đất rồng chầu, rắn cuốn nhưng hãy còn non, nên mới chỉ là “long xà ẩm thủy, lục niên ký chủ”, chỉ ở được trên dưới 6 năm thôi”. Triều thần khi ấy là Nguyễn Nhữ Thuyết cho rằng: An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: “Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”.

(3). Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Bản dịch của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tr.191.

(4). Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 190.

(5). Nguyễn Thị Thúy (2014), Thành Tây Đô - Di sản văn hóa thế giới, Nxb Khoa học xã hội, tr.86-87.

(6). Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 193

(7). Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 202.

(8). Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (2011), Thành nhà Hồ - Di sản thế giới, Tập 1: Giá trị nổi bật toàn cầu, Nxb Khoa học xã hội, tr.31.

(9). Loui Bezacier, Nghệ thuật Việt Nam, bản dịch, tr.86.

(10). Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 202.

(1 ). Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 202.

(12). Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo Dục, tập I, Dư địa chí, q.II, tr.43

(13). Lưu Công Đạo 1816. Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí, Bản dịch, Tư liệu Ban Quản lý Di tích Thành nhà Hồ, tr. 75.

(14). Phan Huy Chú, sđd, tr.43

(15). Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 194-195.

(16). Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 197, 200, 201, 205.

(17). Nguyễn Thị Thúy, sđd, tr.161-162

(18) Lưu Công Đạo 1816, đd, tr. 75.

Tác giả: TS. Lê Thị Thảo
Trường Đại học VH - TT &DL Thanh Hóa

Trích từ tạp chí Thanh Hóa Xưa & Nay

Tập 22 (5/2021)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm