CHÙA DU ANH - THẮNG TÍCH ĐẸP TRÊN ĐẤT CỐ ĐÔ
Vĩnh Lộc không chỉ được biết đến là một vùng đất giàu thắng tích mà còn là điểm đến của du lịch tâm linh bởi nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi chùa nổi tiếng có lịch sử lâu đời như: Chùa Báo Ân, chùa Giáng, chùa Nhân Lộ, chùa Linh Giang… trong những chuyến hành hương của các phật tử xa gần di tích chùa Du Anh là một trong ngôi chùa thiêng và từ lâu đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn.
Chùa Du Anh cách thành nhà Hồ 3,5km về phía Nam thuộc địa phận xã Thọ Vực (Thiên Vực) nay là xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc. Nếu theo tuyến đường bộ từ thành phố Thanh Hoá qua cầu Kiểu chừng 500m là du khách đã đến với di tích. Chùa Du Anh còn có tên gọi khác là chùa Thông. Theo tư liệu dân gian, tên gọi Du Anh gắn liền với truyền thuyết về công chúa Du Anh (thời Trần) đi du ngoạn trong nước, khi đến vùng đất này thấy cảnh quan sông núi hữu tình, hoa cỏ tươi xanh, thú chim bay nhảy đã cho xây dựng chùa vào năm 1270 và lấy tên mình để đặt tên cho ngôi chùa? Còn tên gọi chùa Thông lại gắn liền với cảnh quan nơi đây, dân gian xưa thấy chùa được xây dưới chân núi Xuân Đài tựa như thông lên trời xanh nên lấy tên gọi là chùa Thông.
Chùa Du Anh nằm trong quần thể di tích và danh thắng núi Xuân Đài, động Hồ Công. Vì vậy nói tới chùa Du Anh là người ta thường nhắc tới động Hồ Công và ngược lại. Chính khung cảnh đó đã tạo nên cho ngôi chùa một vẻ đẹp linh thiêng mà tin tưởng không phải nơi nào cũng có được.
Chùa Du Anh là một trong những ngôi chùa thời Trần hiếm hoi còn sót lại với những hiện vật quý. Theo các nguồn sử cũ: Chùa có từ trước thế kỷ XVII nhưng lâu ngày đổ nát. Đầu niên hiệu Hoằng Định (1601-1619), Quảng Quận Công Trịnh Vĩnh Lộc xuất tiền cất dựng lại từ 1601 đến 1605 thì xây dựng xong. Phía trước chùa là núi Trác Phong, phía Đông Nam là động Hồ Công, bên hữu có am Công Chúa ở lưng chừng lèn đá, bên tả có gác Ngọc Hoàng, cạnh chùa có vài gian tăng phòng. Trong chùa có bi ký và bài minh do Thượng thư Phùng Khắc Khoan soạn năm Hoằng Định thứ 6 (1605) tóm tắt lịch sử về ngôi chùa và ca ngợi công đức của Quảng Quận Công Trịnh Vĩnh Lộc. Đây là một trong những ngôi chùa cổ, là nơi tu hành chính ở miền Tây Thanh Hoá. Qua các nguồn tư liệu có thể thấy chùa Du Anh xưa có kiến trúc đẹp và bề thế.
Trải qua hơn 700 năm, trước sự tàn phá của thiên nhiên, con người, ngôi chùa cổ đã bị phá huỷ nhiều. Nay, trên nền đất cũ nhà Chùa và chính quyền địa phương đã cho tôn tạo lại, được xây dựng theo kiểu chuôi vồ với 2 gian Tiền đường và hậu cung. Mặc dù kiến trúc hiện nay có nhiều đổi khác nhưng cách bài trí trong chùa tất cả đều toát lên vẻ đẹp hoàn chỉnh và có giá trị nghệ thuật.
Hiện nay, trong chùa vẫn còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: Sư tử đá thời Trần một trong những linh vật được các nghệ nhân thể hiện rất tinh tế và sinh động; bia đá 4 mặt do Thượng thư Phùng Khắc Khoan soạn (thế kỷ 17), bia đá thời Nguyễn, một số bát hương đá thời Trần… Trong số những hiện vật này, bia đá 4 mặt có giá trị hơn cả bởi nó không chỉ là bằng chứng về lịch sử xây dựng và trùng tu chùa Du Anh mà còn cho thấy sự sáng tạo và kỳ công của các nghệ nhân xưa. Bia được tạc vuông từ một mỏm đá nguyên khối nằm dưới chân núi và cùng mạch đá với núi Trác Phong. Bia vuông 4 mặt, hai mặt rộng 1,68m và 1,58m; cao 2,30m, chân bia cao 0,70m chạm nổi hoa sen ôm lấy mặt bia. Mặt 1 và mặt 3 khắc nội dung văn bia và lạc khoản, mặt 2 và mặt 4 khắc tên tuổi các tín thí từ vua, chúa, hoàng hậu, cung phi, quận công, hoàng thân, quốc tích và người dân thường. Riêng mặt 1 và mặt 4 trên trán bia được khắc đôi rồng chầu mặt trời rất cầu kỳ và tinh xảo.
Chùa Du Anh (Chùa Thông) không chỉ là di tích lịch sử văn hoá còn lưu giữ những tinh hoa của mỹ thuật Việt Nam mà cùng với núi Xuân Đài, động Hồ Công chùa lại trở thành một quần thể thắng tích đẹp của đất cố đô xưa đã bao lần làm say đắm các bậc quân vương, các tao nhân mặc khách. Với những giá trị quý giá đó, quần thể di tích – danh thắng chùa Du Anh, động Hồ Công đã được Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 2009.