BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT DI TÍCH THÀNH NHÀ HỒ NĂM 2020
Thực hiện giấy phép khai quật số 2327/QĐ-BVHTTDL ngày 29/8/2020 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2020 Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ thực hiện khai quật di tích Thành Nhà Hồ với 2 hố khai quật, ký hiệu 20.TNH.H1 (4.500m2); 20.TNH.H2 (3.500m2), tổng diện tích là 8.000m2. Mục đích tìm hiểu một phần kiến trúc trung tâm Chính Điện và kiến trúc phía Đông Thành Nhà Hồ.
I. Kết quả hố khai quật hố 20.TNH.H1.
1. Vị trí hố khai quật
Hố khai quật nằm ở vị trí trung tâm Thành Nhà Hồ, mặt bằng hố chạy dài theo chiều Bắc - Nam chia hố khai quật thành hai bậc cấp khác nhau ở giữa là khu vực cao nhất, dân gian gọi là Nền Vua, khu vực bậc nền cao trong hố khai quật có diện tích khoảng 20x5m. Bậc nền thứ hai nằm thấp hơn khu vực trên khoảng 1m, chạy dài về phía Nam và Tây.
2. Diễn biến địa tầng và tầng văn hóa
Hố khai quật chia làm hai cấp nền khác nhau, cao nhất là khu vực nền trung tâm, và thấp dần về phía cổng Nam, các cấp nền có cao độ khác nhau và các lớp đào được tính theo cao độ của từng khu vực. Các lớp đào dày trung bình 20cm, diễn biến khá thuần nhất với các dấu tích kiến trúc thời Lê thế kỷ 15-18 và thời Trần-Hồ.
2.1. Khu vực bậc nền thứ nhất (Nền Vua)
Đây là khu vực trung tâm, có cao độ lớn nhất so với hai cấp nền khác, hố khai quật được mở 1 phần phía Tây cấp nền trung tâm (Nền Vua).
+ Lớp mặt: Là lớp cỏ phủ kín hố và lớp đất sét xám nhạt, tơi, xốp, độ dày không đều nhau, trung bình từ 10-15cm.
+ Lớp văn hóa 1 (TV01) Là lớp văn hóa Lê Trung hưng thế kỷ 17-18, dày từ 40-60cm có nền sét màu vàng nhạt và vật liệu gia cố bằng gạch chữ nhật đỏ, xám, ngói cong lòng máng, xám. Đã phát hiện dấu tích móng cột kiến trúc gia cố bằng gạch, ngói đỏ, bó nền kiến trúc chạy dài theo chiều Đông-Tây ngăn gian kiến trúc (xuất lộ hai hàng móng cột phía Tây kiến trúc).
Lớp văn hóa Lê sơ thế kỷ 15-16, dày từ 30-40cm có một số dấu tích móng cột kiến trúc gia cố bằng ngói cong lòng máng, phía trên là hệ thống ngói phẳng.
Sự xuất hiện các dấu tích móng cột thời Lê hai giai đoạn tại khu vực này cho thấy mặt bằng kiến trúc tại khu vực trung tâm Thành Nhà Hồ vẫn được kế thừa và sử dụng. Mặt bằng kiến trúc xuất lộ hai lớp kiến trúc hình chữ Công (I) với kiến trúc móng đơn phía trước, xuất lộ hai hàng móng, vì 4 cột và kiến trúc móng kép phía sau, giữa là khoảng nối hai kiến trúc. Kiến trúc quay về hướng Nam, nằm ở vị trí trung tâm, kết cấu móng cột gia cố chắc chắn, từng lớp, độ dày móng dày đến 1m với nhiều lớp vật liệu gia cố.
+ Lớp văn hóa 2 (TV 02): Đây là lớp văn hóa thời Hồ thế kỷ 15, xuất lộ dấu tích móng cột gia cố sỏi (cuội), đá dăm và đá sét, dấu tích nền kiến trúc, bó nền kiến trúc.
Di vật trong lớp văn hóa này xuất lộ các mảnh gạch chữ nhật, gạch vuông thời Trần-Hồ.
Có thể thấy diễn biến địa tầng và niên đại khu vực bậc nền thứ nhất có sự thống nhất về từng thời kỳ từ thời hiện đại tới thời Lê-Hồ và phía dưới cùng là lớp sinh thổ.
2.2. Khu vực bậc nền thứ hai
Khu vực bậc nền thứ hai phân bố phía Bắc, Tây, Nam khu vực nền thứ nhất (tính trong phạm vi hố khai quật năm 2020).
+ Lớp mặt: Là lớp đất canh tác lúa màu, tính chất đất mềm, dạng bùn nhão màu nâu, nâu nhạt, khá thuần nhất, độ sâu 20cm.
+ Lớp đất san lấp: Là lớp đất màu nâu xám, chất đất tơi xốp, độ dày lớp thấp dần từ phía Bắc xuống phía Nam, độ dày từ 20-30cm tương ứng với lớp mặt và lớp đào L01.
+ Lớp văn hóa 1 (TV01) Đây là lớp văn hóa Lê thế kỷ 15-18, dày từ 30-40cm có nền sét màu vàng nhạt và vật liệu gia cố bằng gạch chữ nhật đỏ, xám, ngói phẳng với số lượng lớn, ngói cong lòng máng màu xám.
Đã phát hiện dấu tích móng cột kiến trúc gia cố bằng ngói cong lòng máng màu xám, bó nền kiến trúc, bó đá, ô bồn hoa, cống nước và đặc biệt là dấu tích các móng cột nằm phía sau kiến trúc chính (nền Vua), chạy dài theo chiều Đông-Tây và rộng theo chiều Bắc-Nam.
+ Lớp văn hóa 2 (TV 02), tương đương các lớp đào từ L03 đến L04 (dày 40cm). Có dấu tích nền sét vàng đắp nền. Đây là lớp văn hóa thời Hồ thế kỷ 14-15, xuất lộ dấu tích móng cột gia cố sỏi cuội, đá dăm và sét vàng lẫn nhiều cát vàng. Dấu tích kiến trúc chạy dài theo chiều Đông-Tây, rộng Bắc-Nam, nằm trong vị trí trung tâm chính điện. Dấu tích nền sân kiến trúc, dấu tích kiến trúc “Cổng”, “hành lang”. Di vật trong lớp văn hóa này xuất lộ các loại hình gạch chữ nhật đỏ thời Lý-Trần-Hồ, gạch vuông vỡ nhỏ thời Trần-Hồ.
+ Lớp sét màu vàng nhạt lẫn sét đỏ: Đây là lớp đất sét đồi, trong phạm vi đồi cổ, giống với lớp sinh thổ trong khu vực Đông Bắc- Thành Nhà Hồ, đất khá thuần, rắn liên kết chặt, được gia cố chắc chắn. Theo diễn biến địa tầng thì đây là lớp đất đắp nền, phủ đều kiến trúc cung điện thời Hồ sau khi hoàn thành việc xây thành.
Căn cứ rõ nhất là dấu tích móng cột gia cố sỏi cuội, đá dăm và sét vàng, nền sét đắp nền kiến trúc, di vật hầu như không xuất lộ trong tầng đất này.
3. Di tích
3.1. Di tích kiến trúc thời Hồ
Nhận diện trên mặt bằng kiến trúc đã bước đầu xác định được 02 kiến trúc có thể là “Cổng kết hợp hành lang” và 04 kiến trúc thời Hồ, vị trí kiến trúc từ Nam xuống Bắc với tuần tự từ dấu tích nền sân kiến trúc, dấu tích kiến trúc Cổng, hành lang, 03 kiến trúc trung tâm và 1 kiến trúc phía sau. Các di tích móng cột gia cố được xuất lộ theo bước gian và vị trí quy chuẩn, thẳng trục, móng được gia cố bằng sỏi cuội, đá dăm và đất sét. Hiện tại, đã bước đầu nhận biết được ở khu vực này có 1 kiến trúc có thể là kiến trúc chính, hai kiến trúc cổng, hệ thống kiến trúc hành lang, sân nền lát gạch.
3.1.1. Dấu tích nền kiến trúc thời Hồ (Nền kiến trúc lát gạch vuông)
Di tích xuất lộ trên mặt bằng lớp đào 02 của bậc nền hai, xuất lộ trong khu vực vách Nam hố khai quật và còn tiếp tục phát triển sang ba vách Nam, Đông và Tây. Di tích xuất lộ với hệ thống nền gạch vuông lát phía trên, phía dưới là lớp đất sét vàng lẫn sét đỏ gia cố, dày trung bình 5cm. Phía dưới là lớp sét vàng đắp nền, dày trung bình 40cm và lớp sinh thổ phía dưới.
Hiện tại di tích còn thấy được một phần nền gạch vuông lát, một số khu vực bị phá hủy bởi giai đoạn sau, gạch vuông đỏ, kích thước trung bình 44x45cm; 47x48cm, được lát thẳng hàng nhau, các mạch gạch đều theo hàng ngang dọc, có đoạn so le có đoạn không. Gạch hầu như bị bở và vỡ lát nhiều do tác động của thời tiết, thời gian. Phạm vi nền sân xuất lộ trong hố khai quật trên 600m2.
3.1.2. Dấu tích kiến trúc có thể là kiến trúc Chính (ký hiệu 20.TNH.H.H1.L2.KT.01)
Dấu tích kiến trúc này có thể gồm 3 đơn nguyên kết hợp với nhau, tính từ phía Nam lên gồm:
+ Dấu tích kiến trúc thứ nhất xuất lộ hệ thống móng cột gia cố, bó nền cho hàng móng phía Nam. Hiện trạng kiến trúc xuất lộ với 6 hàng cột, vì 5 cột với tổng số cột xuất lộ hiện tại là 25/30 móng, móng cột dạng móng đơn được gia cố bằng vật liệu đất sét, sỏi và chủ yếu là vật liệu đá dăm, kích thước móng trung bình 1,2m và 1,4m. Các móng cột được xây dựng trên nền đất sét đắp nền thời Hồ, sét vàng nhạt lẫn sét đỏ, gia cố chắc chắn, tỉ mỉ. Kiến trúc chạy dài theo chiều Đông-Tây, rộng chiều Bắc-Nam.
Kiến trúc nối gồm 2 hàng cột, khoảng nối này được thu lại 2 hàng cột phía Tây, tạo cho khu vực này khoảng trống đón ánh sáng. Kiến trúc thứ hai xuất lộ hiện tại dấu tích 6 hàng cột với 17/30 móng cột, kết cấu vì 4 cột, kích thước móng trung bình 1,2m.
+ Kiến trúc thứ hai và kiến trúc thứ ba được nối tiếp 2 hàng cột, phần khoảng nối này cũng được thu lại 2 hàng cột phía Tây, tạo cho khu vực này khoảng trống, hiện trạng trên mặt bằng khu vực này là dấu tích nền kiến trúc lát gạch chữ nhật.
+ Kiến trúc thứ ba xuất lộ hiện tại dấu tích 4 hàng cột với 12/16 móng cột, kết cấu vì 4 cột, kích thước móng trung bình 1,6m. Kiến trúc này thu lại 2 hàng cột và thu lại đều so với kiến trúc nối giữa các kiến trúc chính (Có thể kiến trúc này có 9 gian).
Phía sau ba kiến trúc chính đã xuất lộ thêm dấu tích móng gia cố của 1 kiến trúc tiếp theo thời Hồ, với kết cấu móng đơn, gia cố bằng sỏi cuội, đất sét lẫn cát vàng. Kích thước móng trung bình khoảng 1m x1,2m. Kiến trúc này đang được làm rõ (Có thể là kiến trúc hành lang và kiến trúc cổng phía sau hệ thống kiến trúc chính).
3.1.3. Dấu tích kiến trúc Cổng thứ nhất và hành lang (20.TNH.H.H1.L2.KT.02)
Phía Bắc nền sân xuất lộ dấu tích kiến trúc “Cổng và hành lang”, hai kiến trúc tiếp tục phát triển sang hai phía Đông và Tây.
+ Dấu tích kiến trúc xuất lộ 3 hàng cột với 06 móng cột dạng móng kép, dấu tích bó nền phía Bắc, Nam và Tây, nền kiến trúc vẫn còn nhận diện được trên mặt bằng phía Tây với nền gạch vuông cao độ cao hơn dấu tích nền sân phía Nam. Kích thước móng trung bình 3,2m x 1,5m, với kiểu vì 4 cột, kết cấu móng bao gồm hệ thống vật liệu sét, sỏi đầm lèn rất kỹ và công phu, lòng gian 4,5m. Kiến trúc chạy dài theo chiều Đông-Tây, rộng chiều Bắc-Nam.
+ Dấu tích kiến trúc hành lang kết nối với phần phía Tây kiến trúc Cổng và tiếp tục phát triển sang vách Tây hố khai quật. Hiện trạng xuất lộ 3 hàng cột, kết cấu vì 3 hàng cột với 09 móng cột dạng móng đơn, hàng móng cột phía Bắc còn thấy rõ dấu tích bó nền, nền gạch vuông. Kích thước móng cột trung bình 1-1,1m, hướng kiến trúc quay về phía Bắc.
3.1.4. Dấu tích kiến trúc Cổng thứ hai và hành lang (20.TNH.H.H1.L2.KT.03)
Phía Bắc dấu tích kiến trúc Cổng và hành lang là một dấu tích kiến trúc Cổng và hành lang thứ hai, tiếp tục phát triển sang hai phía Đông và Tây.
+ Dấu tích Cổng xuất lộ 2 hàng cột với 08 móng cột dạng móng đơn phía Bắc và Nam còn thấy dấu tích vật liệu mái đổ xuống. Móng cột được gia cố bằng vật liệu đất sét, sỏi, đá dăm, kích thước móng trung bình 1,2mx1,4m, vì 4 hàng cột. Kiến trúc chạy dài theo chiều Đông-Tây, rộng chiều Bắc-Nam.Nền và bó nền kiến trúc đã bị phá huỷ không còn nhận diện được. Kiến trúc cách kiến trúc cổng thứ nhất là 26m.
+ Dấu tích kiến trúc hành lang kết nối với phần phía Tây kiến trúc Cổng và tiếp tục phát triển sang vách Tây hố khai quật. Hiện trạng xuất lộ 4 hàng cột, kết cấu vì 2 hàng cột với 08 móng cột dạng móng đơn, hàng móng cột phía Nam còn thấy rõ dấu tích bó nền, nền sân lát gạch vuông. Kích thước móng cột trung bình 1,2-1,4m, bước gian 3,9m, lòng gian 4,5m.
+ Phía Bắc kiến trúc cổng thứ hai còn xuất lộ một số kiến trúc phụ trợ cho kiến trúc lớn như kiến trúc bó nền chạy dài Bắc-Nam; Dấu tích cống nước; Dấu tích bó ngăn gian sử dụng gạch chữ nhật; Dấu tích nền kiến trúc lát gạch vuông, gạch trang trí hoa chanh, hoa cúc, hoa đồng tiền…trước kiến trúc chính.
3.2. Di tích kiến trúc thời Lê
Đã bước đầu xác định được 02 lớp kiến trúc thời Lê thế kỷ 15-16 và thế kỷ 17-18 với các di tích móng cột gia cố bằng ngói lòng máng xám, gạch ngói đỏ, dấu tích chân tảng, bó nền kiến trúc, nền kiến trúc …
+ Dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng ký hiệu 20.TNH.LTH.H1.L2.KT.01
Kiến trúc thời Lê Trung hưng phân bố trên khu vực nền trung tâm (Nền Vua), trong khu vực Đông Bắc gần vách Đông hố khai quật gồm 3 đơn nguyên, trong đó có hai đơn nguyên kiến trúc đã nhận biết được tương đối rõ như sau:
+ Kiến trúc phía Nam xuất lộ hai hàng móng đầu hồi với kiểu vì 4 cột, móng có dạng hình gần vuông, kích thước móng trung bình 1,4mx1,4m với kết cấu móng bao gồm hệ thống vật liệu gạch, ngói đỏ với đất sét vàng, đỏ đầm lèn rất kỹ và công phu, các lớp dày trung bình 8-10cm.
+ Kiến trúc phía Bắc xuất lộ hai hàng móng đầu hồi với kiểu vì 4 cột, hàng móng cuối phía Tây bị phá huỷ còn lại 1 móng, hiện trạng xuất lộ 5/8 móng, hình dáng móng có dạng hình chữ nhật, kích thước móng trung bình chiều Bắc-Nam 1,2mx1,9m.
+ Dấu tích kiến trúc thời Lê sơ ký hiệu 20.TNH.LS.H1.L1.KT.02
Kiến trúc thời Lê sơ phân bố trên khu vực nền trung tâm (Nền Vua), trong khu vực Đông Bắc gần vách Đông hố khai quật gồm 3 đơn nguyên, trong đó có hai đơn nguyên kiến trúc đã nhận biết được tương đối rõ như sau:
+ Kiến trúc phía Nam xuất lộ hai hàng móng đầu hồi và với kiểu vì 4 cột, móng có dạng hình gần vuông, kích thước móng trung bình 1,3mx1,3m, với kết cấu móng bao gồm hệ thống vật liệu ngói xám với đất sét vàng, đỏ đầm lèn rất kỹ và công phu, các lớp dày trung bình 5-8cm.
Kiến trúc chạy dài theo chiều Đông-Tây, rộng Bắc-Nam, có hàng móng kết nối với kiến trúc Thượng điện phía Bắc.
+ Kiến trúc phía Bắc xuất lộ hai hàng móng đầu hồi với kiểu vì 4 cột, hàng móng cuối phía Tây đang tìm kiếm, hiện trạng xuất lộ 4/8 móng (hàng móng sát vách Đông), hình dáng móng có dạng hình chữ nhật, kích thước móng trung bình chiều Bắc-Nam 1,4mx1,9m.
Kiến trúc phân bố phía sau (20.TNH.Ls.KT.03) gần vách Bắc hố khai quật, với lớp vật liệu gia cố bằng ngói xám, ngói đỏ và gạch. Niên đại kiến trúc có thể thuộc thời Lê thế kỷ 15-16.
Dấu tích móng cột xuất lộ móng có dạng hình gần vuông, kích thước móng trung bình khoảng 1,2mx1,2m, với kết cấu móng bao gồm hệ thống vật liệu ngói cong lòng máng màu xám, ngói phẳng đỏ, gạch với đất sét vàng.
Phía dưới là lớp sét vàng lẫn sét đỏ, lớp đắp nền thời Hồ và dưới cùng là sinh thổ.
Ngoài ra, phía Bắc kiến trúc còn dấu tích cống thoát nước bằng gạch chữ nhật và đá bó thành cống.
Dấu tích của hệ thống bó nền trên cho thấy sự có mặt của hệ thống kiến trúc thời Lê Sơ ở khu vực này.
II. Kết quả khai quật hố 20.TNH.H2.
1. Vị trí hố khai quật
Hố khai quật nằm ở vị trí phía Đông thành Nhà Hồ, (cách tường thành phía Nam m, cách trục trung tâm 120m về phía Đông, mặt bằng khu vực này có hình gần vuông, chiều Bắc-Nam 135m, chiều Đông-Tây 120m), hố khai quật chạy dài theo chiều Bắc – Nam, rộng theo chiều Đông-Tây (70mx50m).
Hố khai quật có địa hình chia thành hai bậc cấp khác nhau ở giữa là khu vực trung tâm, là phần nền cao nhất, bậc nền thứ hai nằm thấp hơn khu vực cao khoảng 0,5m, nằm về 4 phía của nền thứ nhất.
2. Diễn biến địa tầng và tầng văn hóa
Hố khai quật gồm 08 lớp đào, từ lớp mặt (Lm) đến L8. Các lớp đào dày trung bình 20cm, diễn biến khá phức tạp và về cơ bản ít bị phá hủy do có sự xâm thực của giai đoạn sau xuống các tầng văn hóa giai đoạn trước.
Lớp mặt: là lớp cỏ phủ kín hố và lớp đất sét xám nhạt, tơi, xốp, độ dày không đều nhau, trung bình từ 5 – 10cm.
+ Lớp đất san lấp: là lớp đất màu nâu xám, chất đất tơi xốp, độ dày từ 20-30cm tương ứng với lớp mặt và lớp đào L01. Di vật trong lớp mặt xuất lộ không nhiều, chủ yếu là một số mảnh gạch, ngói phân bố không đều có niên đại từ Lý-Trần-Hồ đến Lê sơ. Đây là lớp xáo trộn thuộc giai đoạn muộn nhất.
+ Lớp văn hóa 1 (TV01) Là lớp văn hóa Lê Trung hưng thế kỷ 17-18 và Lê Sơ thế kỷ 15-16, dày từ 20-30cm có nền sét màu vàng nhạt và vật liệu gia cố bằng gạch chữ nhật đỏ, xám, ngói phẳng thời Lê, ngói cong lòng máng màu xám. Đã phát hiện dấu tích móng cột kiến trúc bằng ngói cong lòng máng.
+ Lớp văn hóa 2 (TV 02), Có dấu tích nền sét vàng đắp nền. Đây là lớp văn hóa thời Hồ thế kỷ 15. Di tích xuất lộ dấu tích móng cột gia cố sỏi cuội và đá sét. Di vật trong lớp văn hóa này xuất lộ các loại hình gạch chữ nhật, gạch vuông vỡ nhỏ thời Trần-Hồ.
+ Lớp sinh thổ: là đất sét vàng lẫn chấm sét đỏ, đất thuần màu,không có di vật.
Có thể thấy diễn biến địa tầng và niên đại khu vực bậc nền thứ nhất sự thống nhất tương đối về từng thời kỳ từ giai đoạn hiện đại tới thời Lê – thời Hồ và lớp sinh thổ.
3. Di tích
3.1. Di tích kiến trúc thời Hồ
Đã bước đầu xác định được dấu tích kiến trúc thời Hồ có thể nhận được mặt bằng tổng thể bao gồm 05 đơn nguyên kiến trúc với một kiến trúc chính bước đầu xác định được 9 gian, hai kiến trúc đối xứng hai bên kiến trúc chính qua sân gạch, 01 kiến trúc nhỏ hơn đối diện với kiến trúc chính về phía Nam, dấu tích của hệ thống hành lang xuất lộ ở phía Bắc, Đông và dấu tích bó móng bằng đá.
+ Dấu tích kiến trúc thời Hồ ký hiệu 20.TNH.H.H2.L4.KT.03
Kiến trúc Thượng điện phân bố khu vực trung tâm bậc nền thứ nhất, hiện trạng xuất lộ dấu tích hàng bó đá chạy dài Đông-Tây và bắt vuông Bắc-Nam tạo thành nền hiên kiến trúc, phía dưới là nền sân. Hiện trạng mặt bằng kiến trúc thượng điện xuất lộ 10 hàng móng kép, kết cấu vì 4 cột, kích thước móng trung bình 4,0mx2,0m, kết cấu móng bao gồm hệ thống vật liệu đá tảng, đá dăm, sét, sỏi đầm lèn rất kỹ và công phu, lòng gian rộng khoảng trên 6,0m, bước gian cột quân rộng 2,7m. Kiến trúc chạy dài theo chiều Đông-Tây, rộng Bắc-Nam, hướng kiến trúc quay về phía Nam, trên mặt bằng không tìm thấy dấu tích gạch lát trên Thượng điện.
+ Dấu tích kiến trúc thời Hồ ký hiệu 20.TNH.H.H2.L7.KT.01
Kiến trúc phân bố khu vực bậc nền thứ hai phía Nam hố khai quật, hiện trạng xuất lộ 6 hàng móng kép, kết cấu vì 4 móng, kích thước móng trung bình 4,0mx1,8m, kết cấu móng bao gồm hệ thống vật liệu đá tảng, đá dăm, sét, sỏi đầm lèn rất kỹ và công phu. Phần móng cột hai bên Đông-Tây còn rõ hàng gạch bó nền. Kiến trúc chạy dài theo chiều Đông-Tây, rộng Bắc-Nam. Phía trước là dấu tích nền sân gạch vuông, phía sau là hàng bó nền kiến trúc.
+ Dấu tích kiến trúc thời Hồ ký hiệu 20.TNH.H.H2.L4.KT.02a
Kiến trúc phân bố khu vực bậc nền thứ nhất, khu vực phía Tây Thượng điện.
Kiến trúc phía Tây hiện đang xuất lộ 6 hàng móng đá, với 7/12 móng, kết cấu vì 2 móng, kích thước móng trung bình 1,3mx1,3m, kết cấu móng bao gồm hệ thống vật liệu đá dăm, sét, sỏi đầm lèn rất kỹ và công phu. Kiến trúc hướng về phía Đông, chạy dài Bắc-Nam, rộng Đông-Tây, phần trước là nền kiến trúc lát gạch chữ nhật (nền sân) và sau là nền kiến trúc lát gạch vuông tiếp nối vào phần kiến trúc hành lang phía Tây.
+ Dấu tích kiến trúc thời Hồ ký hiệu 20.TNH.H.H2.L4.KT.02b
Kiến trúc phân bố khu vực bậc nền thứ nhất, khu vực phía Đông Thượng điện.
Kiến trúc phía Đông xuất lộ 6 hàng móng với 6/12 móng, kết cấu vì 2 móng, kích thước móng trung bình 1,4mx1,4m. Kiến trúc này cân đối với kiến trúc phía Tây.
+ Dấu tích kiến trúc thời Hồ ký hiệu 20.TNH.H.H2.L5.KT.04
Kiến trúc hành lang phân bố bao quanh khu vực trung tâm bậc nền thứ nhất, kiến trúc này đang tiếp tục được làm rõ.
3.2. Di tích kiến trúc thời Lê
Đã bước đầu xác định được 02 kiến trúc thời Lê sơ với các di tích móng cột gia cố bằng ngói xám, gạch ngói đỏ, dấu tích chân tảng, bó nền, nền kiến trúc …
+ Dấu tích kiến trúc thời Lê sơ ký hiệu 20.TNH.LS.H1.L1.KT.01
Kiến trúc phân bố trên khu vực nền trung tâm hố khai quật, có dạng hình chữ Công I, xuất lộ một phần phía Tây kiến trúc với 48 móng cột chia làm ba đơn nguyên kiến trúc.
+ Kiến trúc phía Nam xuất lộ 6 hàng móng cột và với hàng móng xuất lộ được là 2 cột, móng có dạng hình gần vuông, kích thước móng trung bình 0,8mx0,8m, với kết cấu móng bao gồm hệ thống vật liệu ngói cong lòng máng màu xám với đất sét vàng, đỏ đầm lèn rất kỹ và công phu, các lớp dày trung bình 6-8cm. Một phần móng cột còn rõ hàng gạch bó nền bên trong kiến trúc, bó ngăn gian, bó bao quanh kiến trúc và nền kiến trúc.
+ Kiến trúc nối xuất lộ 4 hàng móng cột và với kiểu vì 4 cột, móng có dạng hình gần vuông, kích thước móng trung bình 0,8mx0,8m.
+ Kiến trúc phía Bắc xuất lộ 6 hàng móng cột và với kiểu vì 4 cột, móng có dạng hình gần vuông, kích thước móng trung bình 0,8mx0,8m, với kết cấu móng bao gồm hệ thống vật liệu ngói cong lòng máng màu xám với đất sét vàng, đỏ đầm lèn rất kỹ và công phu, các lớp dày trung bình 6-8cm, bước gian cột cái rộng 4,2m, bước gian cột quân rộng 2,1m, lòng gian rộng 4,5m. Kiến trúc có 5 gian, hướng về phía Nam.
+ Ngoài ra, kiến trúc còn thấy dấu tích 4 hàng cột móng hành lang phía Tây và một kiến trúc 8 hàng cột, vì 4 cột phía Đông ( Những kiến trúc này đang được làm rõ).
Kiến trúc thời Lê tại khu vực này cũng xuất lộ hai giai đoạn khác nhau với sự có mặt của cả hệ thống móng cột gia cố bằng ngói phẳng, gạch đỏ, bước gian và kích thước, phạm vi kiến trúc khá tương đồng với kiến trúc Lê sơ.
III. Di vật:
Di vật thu được trong hai hố khai quật chủ yếu nằm trên lớp đất san lấp bao gồm các loại hình chính: Nhóm các loại hình vật liệu kiến trúc; Nhóm các loại hình đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.
+Vật liệu kiến trúc: Các loại hình vật liệu kiến trúc thu được ở hố khai quật khá phong phú, đa dạng về loại hình và chất liệu thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, gồm các loại hình gạch chữ nhật đỏ, gạch trang trí hoa chanh, hoa cúc dây, hoa đồng tiền, hoa dây hình Sin, gạch có in/khắc chữ hán, gạch vồ, ngói mũi sen, ngói phẳng và các mảnh lá đề rồng, mảnh trang trí rồng…
+ Đồ dùng sinh hoạt: Các loại hình đồ dùng sinh hoạt khá phong phú bao gồm các loại hình gốm sứ như bát gốm men trắng, hoa lam, men nâu, men ngọc. Đồ sành gồm các loại hình lon, vò, một số mảnh bao nung gốm, đinh sắt, tiền đồng...
IV. Nhận xét sơ bộ và kiến nghị:
1. Nhận xét sơ bộ
- Về địa tầng và tầng văn hóa:
Về cơ bản địa tầng và tầng văn hóa của hố khai quật năm 2020 là tương tự như các hố khai quật từ năm 2004 và 2010 với sự xuất hiện các dấu tích kiến trúc và các lớp đất đắp gia cố thời Hồ và Lê Sơ.
- Về di tích:
Hiện đã xác định được 04 dấu tích kiến trúc thời Hồ, 02 lớp kiến trúc thời Lê Sơ và Lê Trung hưng với các di tích móng cột gia cố, bó nền, nền kiến trúc…
- Về di vật:
+ Về vật liệu kiến trúc đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý-Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán được sản xuất tại Thành Nhà Hồ.
+ Về gốm sứ: Hố khai quật tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ.
2. Nhận xét tổng quan về giá trị
Cuộc khai quật năm 2020 đã đóng góp thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành. Kết quả góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành Nhà Hồ.
2.1. Cuộc khai quật khảo cổ học Thành Nhà Hồ năm 2020 có quy mô tương đối lớn, do vậy lần đầu tiên có thể nhận diện tương đối rõ nhiều di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau thuộc Vương triều Hồ tại Thành Nhà Hồ. Đồng thời, cuộc khai quật cũng phát hiện thêm một số dấu tích kiến trúc thuộc thời Lê sơ (Thế kỷ 15), thời Lê Trung hưng (Thế kỷ 16 - 17) minh chứng cho quá trình sử dụng lâu dài Thành Nhà Hồ trong lịch sử.
2.2. Căn cứ vào thư tịch cổ và vị trí của hố khai quật, có thể dự đoán hố khai quật ở khu vực Nền Vua đã làm xuất lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh gồm có kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có 02 kiến trúc cổng và dấu tích hệ thống hành lang bao quanh. Tên gọi Nền Vua, vị trí, quy mô và bố cục kiến trúc gợi ý có thể đây là một dấu tích kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu Trung tâm của Kinh đô nhà Hồ.
2.3. Ở hố khai quật phía Đông, dấu tích kiến trúc của Vương triều Hồ, được nối tiếp thêm vào thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Đã bước đầu nhận diện được 05 đơn nguyên kiến trúc thời Hồ được kết cấu khá chặt chẽ bao gồm 01 kiến trúc chính ở trung tâm có 9 gian, kết hợp với một số kiến trúc có quy mô nhỏ hơn và hệ thống dấu tích hành lang bao quanh được xây cất hết sức quy chuẩn và cẩn thận. Theo dân gian gợi ý có thể di tích ở khu vực này thuộc Đông Thái Miếu thờ tổ tiên Nhà Hồ. Tuy nhiên, để khẳng định được điều này, cần phải có nhiều nghiên cứu trong tương lai mới có thể kết luận được bởi trong Thành Nhà Hồ, ngoài Chính điện, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu, chính sử còn ghi có nhiều cung điện khác như cung Phù Cực, cung Nhân Thọ... Dẫu vậy, việc tìm thấy một cụm kiến trúc khá hoàn chỉnh ở phía Đông cũng là một phát hiện hoàn toàn mới ở trong thành Nhà Hồ góp phần nhìn nhận rõ thêm diện mạo tổng thể của khu di sản Thành Nhà Hồ.
2.4. Khu Di sản được ghi danh DSTG năm 2011 trên cơ sở 2 tiêu chí nổi bật toàn cầu, trong đó có tiêu chí về giá trị kiến trúc cảnh quan vĩ đại và độc đáo bậc nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.
Khi công nhận giá trị này, UNESCO cho rằng việc ghi nhận giá trị di sản thế giới của Thành Nhà Hồ lúc đó chủ yếu là công nhận tòa thành đá kỹ vĩ, do đó còn giá trị của di sản còn thiếu hoàn toàn các minh chứng về các di tích kiến trúc trong thành, do vậy UNESCO khuyến cáo đẩy mạnh công tác khai quật.
Việc khai quật lớn những năm qua đặc biệt là năm 2020 đã chứng minh việc thực hiện nghiêm túc cam kết của tỉnh với UNESCO đã đạt được kết quả bước đầu rất tốt, chứng minh tiềm năng to lớn của di sản dưới lòng đất của Thành Nhà Hồ và trong tương lai nếu từng bước nghiên cứu, có thể chúng ta sẽ dần dần khôi phục được hầu hết mặt bằng của Kinh đô như kiểu Di sản Thế giới Nara (Nhật Bản). Như vậy, các cuộc khai quật đã minh chứng và làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản và khu Di sản Thành Nhà Hồ sẽ dần dần trở thành một loại hình di tích có dấu tích mặt bằng tổng thể tương đối toàn diện, độc đáo có giá trị hàng đầu ở Việt Nam và khu vực.
3. Một vài kiến nghị:
Từ giá trị của cuộc khai quật, đoàn khai quật bước đầu kiến nghị với các cấp quản lý có thẩm quyền xem xét cho phép:
- Tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu theo các kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Rất nên có kế hoạch khẩn trương thu hồi các diện tích trong Nội thành trước mắt là con đường Hoàng gia và một số khu vực trung tâm để phục vụ công tác khai quật khảo cổ học sắp tới.
- Chuẩn bị xây dựng kế hoạch nghiên cứu giai đoạn tiếp theo như Quy hoạch Tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt.
- Có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị xây dựng kế hoạch bảo tồn và trưng bày tại chỗ để phát huy giá trị của khu di sản Thế giới Thành Nhà Hồ.
Nguồn: - PGS.TS.Tống Trung Tín và Đoàn Khai quật Viện Khảo Cổ Học
- TT.BT.DS. Thành Nhà Hồ