Thành Nhà Hồ, 12/09/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 364

    Đã truy cập: 1102827

BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT TẠI KHU VỰC HÀO THÀNH THUỘC DI TÍCH THÀNH NHÀ HỒ, HUYỆN VĨNH LỘC, TỈNH THANH HÓA

Thực hiện Quyết định số 1472/QĐ – BVHTTDL, ngày 7 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Thanh Hóa khai quật tại khu vực Hào thành thuộc di tích Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

       1. Vị trí cảnh quan

       Khu vực khai quật nằm ở phía Nam của Thành Nhà Hồ. Hố khai quật nằm ở phía Tây Nam, cách đường Hòe Nhai 80m. Hố được mở theo chiều Bắc – Nam, diện tích 2.040m2 (chiều Bắc – Nam 170m, chiều Đông – Tây 12m). Phía Bắc cách tường thành Nam của Thành Nhà Hồ là 1,3m, phía Nam cách đường bê tông khoảng 1m. Phía Đông và Tây là ruộng trũng hiện tại người dân đang trồng lúa. Với vị trí hố như vậy sẽ thực hiện được một lát cắt từ chân tường thành đến hết khu vực ruộng trũng – nơi vẫn được coi là Hào thành nhà Hồ. Vị trí của hố cũng như một lát cắt ngang Hào thành theo chiều Bắc – Nam.

       Địa hình của khu vực Tây Nam Thành Nhà Hồ hiện tại có nhiều ruộng thấp và cao. Chúng tôi tính được 6 bậc thềm cao thấp khác nhau.

       Bậc 1 (cao nhất): Là mặt đường dưới chân tường thành phía Nam, độ cao – 0,93m.

       Bậc 2 (mặt nền ruộng – nơi hoạch định hố khai quật nửa hố phía Bắc), độ cao – 1,74m, thấp hơn mặt đường là 0,8m.

       Bậc 3 (Mặt ruộng nửa phía Bắc, giáp với mương nước), độ cao – 2,95m (thấp hơn so với bậc 2 là 1,21m)

       Bậc 4 (Bờ mương nước), độ cao – 3,52m (thấp hơn so với bậc 2 là 1,88m)

       Bậc 5 (Mặt ruộng nửa hố phía Nam), độ cao – 3,40m (thấp hơn bậc 2 là 1,66m)

       Bậc 6 (Đường liên thôn phía Nam) độ cao – 2,26m (cao hơn bậc 2 là 0,52m)

       Hiện trạng khu vực hố khai quật vẫn còn lộ rõ một số bờ đất cao, mà người dân vẫn gọi là bờ hào thành, đó là bậc 3 và 4. Hướng còn rõ nhất là nửa hố phía Bắc. Nửa hố phía Nam hoàn toàn là ruộng trũng.

       2. Địa tầng

       Trước khi khai quật người dân vừa kết thúc vụ gặt nên bề mặt còn lưu lại các gốc rạ. Mặt hố là nền đất yếu nước xâm xấp, màu nâu xám. Hố khai quật bị ngăn cách bởi dòng mương nước chảy qua rộng 7,7m vì thế hố khai quật chia thành 2 nửa phía Bắc và phía Nam.

       2.1. Nửa hố phía Bắc

       Phần hố này diện tích: 816m2, (chiều Bắc – Nam 68m, chiều Đông – Tây 12m)

       2.1.1. Các lớp đất

       Nửa hố phía Bắc gồm có các lớp đất sau:

       - Lớp đất canh tác: màu nâu xám, xốp, nhiều gốc rạ, dày trung bình 5cm. Trong lớp này chúng tôi gặp một số mảnh sành thời Trần, răm đá.

       Tại nửa hố này chúng tôi thực hiện 1 lớp đào. Do ở lớp này đã bắt đầu gặp khá nhiều hiện vật như các cụm vật liệu kiến trúc, cụm đá nguyên khối được ghè đẽo, cụm răm đá có kích thước khác nhau nên độ sâu của các hiện vật này không đồng đều tạo ra mặt bằng hố có độ cao thấp khác nhau nên độ sâu của lớp này là 0,15 – 0,5m, đất sét màu vàng, mịn, dẻo, nhiều chỗ lẫn các mảng đá răm và bắt đầu xuất lộ các tảng đá có dấu vết chế tác. 

       2.1.2. Di tích

       a. Di tích hộ thành hào

       Từ chân tường thành phía Nam đến bờ hào của phía này là hộ thành hào, được đắp bằng sét vàng, mịn, dẻo, chiều rộng Bắc – Nam là 61m. Tại khu vực này chúng tôi phát hiện được các tảng đá khối có dấu vết chế tác và đá nguyên liệu như đã trình bày ở trên. Như vậy hộ thành hào ngoài công việc phòng thủ còn là nơi tập kết và tu chỉnh lại trước khi xây tường thành.

       b. Bờ hào

       Di tích bờ hào trên (cấp 1)

       Từ hộ thành hào đến bờ hào được hạ thấp và dốc theo chiều từ Bắc xuống Nam, được ngăn cách bởi một nền thấp hơn được đắp đất sét màu vàng, chiều Bắc – Nam khoảng 7m, cũng được làm theo chiều dốc từ Bắc xuống Nam, độ sâu – 3,05m đến – 3,22m. Tại đây còn dấu vết của viên đá kè bờ hào.

       Di tích bờ hào giữa (cấp 2)

       Khu vực nền sét vàng ở phía Nam giáp bờ mương

       Di tích bờ hào trong (cấp 3)

       Hố ga phía Bắc

       2.2. Nửa hố phía Nam

       2.2.1. Địa tầng

       Địa tầng khu vực này tương đối phức tạp, với nhiều lớp đất màu sắc khác nhau (theo thứ tự từ trên xuống dưới):

       - Lớp đất 1 – lớp đất canh tác: màu nâu nhạt, xốp, nhiều gốc rạ, dày trung bình 15cm. Nửa hố phía Nam cũng chính là lòng hào, độ sâu - 3,56m.

       - Lớp đất 2: Đất màu nâu xám, độ sâu từ - 3,56m đến – 4,22m, (dày 0,66m), đây là lớp sét bùn, mịn, dẻo. Trong lớp này xuất hiện hàng đá kè bờ hào phía Nam, một số mảnh gốm men, sành, gạch vỡ thời Trần – Hồ và thời Lê.

       - Lớp đất 3: Đất sét xám - nâu đỏ, độ sâu từ - 4,22m đến – 4,60m, (dày 0,38m)

       - Lớp đất 4: Đất sét bùn màu xám mịn lẫn nâu đỏ và có các vệt màu đỏ vàng mà người dân gọi là lớp đất màu gạch cua. Đây là lớp đất dày nhất, từ độ sâu – 4,60m đến - 6,30m trở xuống. 

       - Phần đáy hố ga chúng tôi phát hiện được lớp sét vàng, nhưng chưa kịp xử lý thì hố ga bị sập.

       2.2.2. Di tích

       Tại nửa hố phía Nam chúng tôi phát hiện được hàng đá kè của bờ phía Nam. Bờ này nằm cách mép hố khai quật 9,5m. Ở độ sâu – 3,89m bắt đầu xuất lộ những viên đá cuối cùng của bờ hào được kè bằng đá, bờ này rộng 7m. Những viên đá ở đáy của bờ kè này được phát hiện chủ yếu trong lớp đất sét màu xám lẫn sét đỏ vàng (lớp đất thứ 3 độ sâu từ - 3,89m – 4,60m). Bên trong của hàng đá kè (phía Nam) là đất sét vàng được đầm lẫn với răm đá, mảnh vật liệu kiến trúc, mảnh sành thời Trần – Hồ. Bên ngoài của bờ kè đá (phía Bắc – lòng hào) không thấy xuất hiện hiện tượng này mà chỉ có đất sét xám lẫn sét vàng và sét đỏ.

       - Như vậy với việc phát hiện ra 2 bờ hào, chúng ta có thể xác định được lòng hào rộng khoảng 52m.

       - Từ bờ hào phía Nam, chúng tôi tạm giả thiết các lớp đất phủ trong lòng hào như sau: (theo thứ tự từ trên xuống).

       - Lớp đất 1 và 2 có khả năng được hình thành thời hiện đại do quá trình bỗi lắng và cải tạo hào thành rộng trồng lúa.

       - Lớp đất thứ 3 ít nhất có thể được hình thành sau thời Lê Sơ bởi có một số hiện vật thời Lê Sơ nằm trong lớp này.

       - Từ lớp đất thứ 4 trở xuống chính là lòng hào thời Trần – Hồ. Trong lớp này chỉ có hiện vật thời Trần Hồ. Nếu nhận định này là đúng thì mặt lòng hào thời Trần – Hồ sẽ thấp hơn bề mặt của hộ thành hào là 2,9m, thấp hơn bờ hào phía Bắc là 2,73m.

       3. Hiện vật

       3.1. Hiện vật ở nửa hố phía Bắc

       - Hiện vật đá:

       Đá vôi nguyên khối và đá phiến: 89 viên, trong đó có những viên đá kích thước khá lớn, hình khối hộp chữ nhật, như viên số 39 (1,35 x 1,1m), viên số 40 (1,05 x 0,7 x 0,28m), viên 41 (0,7 x 0,75), viên số 86 là loại đá xanh, mặt trên, cạnh phía Đông và phía Nam tương đối phẳng, có nhiều vết chế tác, dạng đá nguyên liệu, kích thước 1,60 x 1,30m, viên số 87 ( 0,7 x 0,55 x 0,5m), viên số 88 (1,70 x 1,1m).

       Răm đá: Những mảnh răm đá được đục đẽo từ những viên đá khối, có chỗ tạo thành mảng lớn. Căn cứ vào mật độ tập trung, chúng tôi tạm tính có 9 mảng.

       - Vật liệu kiến trúc: Loại hình hiện vật này chủ yếu là gạch hình chữ nhật và mảnh ngói sen thời Trần – Hồ.

       - Đồ sành: Gồm có đồ sành thời Trần – Hồ và thời Lê Sơ.

       - Đồ gốm men: Gồm có đồ gốm men thời Trần – Hồ và thời Lê Sơ.

       3.2. Hiện vật ở nửa hố phía Nam

       Trền bề mặt của lớp đất thứ 4 phát hiện được đồ gốm men thời Trần – Hồ, dao sắt, chì lưới gốm, mảnh gỗ, mảnh đá phiến, đạn đá, mũi tên sắt. Đặc biệt là trong hố ga ở các độ sâu từ - 6,09 đến – 6,30 phát hiện một số lon sành thời Trần – Hồ còn nguyên vẹn và một số mảnh xương động vật, mảnh gỗ, …

Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm