Thành Nhà Hồ, 12/09/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 152

    Hôm nay: 352

    Đã truy cập: 1102815

KẾT QUẢ KHAI QUẬT DI TÍCH HÀO THÀNH PHÍA BẮC THÀNH NHÀ HỒ

Năm 2016 viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ thực hiện khai quật di tích Hào thành phía Bắc với diện tích 3.000m2 nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về kiến trúc Hào thành khu vực này. Đánh giá vị trí khu vực hào thành Bắc với mối tương quan giữa kiến trúc hào thành và hệ thống tường thành Bắc phía trên. Cuộc khai quật đã thu được một số kết quả bước đầu.

       I. Diễn biến địa tầng:
 
       Hố khai quật bắt đầu từ cao độ -70cm; -90cm so với cos.0, với các lớp đào trung bình 30cm. Các lớp văn hóa diễn biến khá thuần nhất từ muộn xuống sớm và ít có sự cắt phá của giai đoạn sau.
 
       Mặt bằng hố chạy dài theo chiều Bắc - Nam chia hố khai quật thành hai bậc cấp khác nhau, phía trên là khu vực gia cố nền chân thành với lớp đá khối xuất lộ ngay trên mặt bằng hố, phía dưới là phần hào thành phía Bắc với hệ thống bờ kè hai bên và các lớp đất sét gia cố cho toàn bộ thành hào. 
 
       I.1. Khu vực nền gia cố chân thành
 
       Lớp mặt: Bề mặt hố khai quật là lớp cỏ phủ kín hố và lớp đất sét xám nhạt, tơi, xốp, độ dày không đều nhau, trung bình từ 5 – 15cm, tương ứng với độ sâu   -78cm so với cos0, một số khối đá có cao độ +100cm so với cos.0. Di vật trong lớp mặt xuất lộ không nhiều, chủ yếu là các mảnh dăm đá giai đoạn muộn nằm lẫn trong đất, sỏi cuội kích thước nhỏ, một số khối đá với nhiều kích thước khác nhau nằm ngổn ngang trong phạm vi hố khai quật, mảnh gạch, ngói phân bố không đều. Đây là lớp mặt thuộc giai đoạn muộn nhất. 
 
        Lớp đất san lấp: Lớp đất san lấp trong giai đoạn muộn, đất màu nâu xám, chất đất tơi xốp, độ dày lớp thấp dần theo hướng từ chân thành ra phía ngoài, độ dày từ 40 – 70cm tương ứng với lớp mặt và lớp đào L01 -02. Ngay bề mặt lớp đất san lấp xuất lộ hệ thống hàng đá xếp thẳng hàng, cách chân tường thành 3,7m, Căn cứ vào địa tầng nằm trên lớp đá dăm và lớp vật liệu san lấp giai đoạn sau, chúng tôi cho rằng đây là hàng đá bó gia cố thuộc giai đoạn muộn và không có mối liên hệ với tường thành phía trong.
 
       Di vật xuất lộ với số lượng lớn bao gồm nhiều loại hình vật liệu như gạch chữ nhật màu đỏ, gạch vồ xám, mảnh ngói đỏ, trang trí kiến trúc, đặc biệt là hệ thống đá khối kích thước lớn, nhỏ (bảng thống kê kích thước) phân bố hầu khắp khu vực hố khai quật. So sánh kích thước đá trên bề mặt và kích thước đá còn tồn tại trên bề mặt tường thành chúng tôi thấy có một sự tương đồng về kích thước, chất liệu, tuy nhiên số đá trên bề mặt hố hầu như bị chế tác lỗi, rất ít viên đủ tiêu chuẩn cho việc lắp ráp tường thành, có chăng cũng cần sự gia công lại một cách kỳ công hơn.
 
       Lớp sét màu vàng nhạt lẫn sét đỏ: Đây là lớp đất sét giống với lớp sinh thổ thường thấy trong toàn bộ khu vực, đất khá thuần, rắn liên kết chặt, được gia cố chắc chắn, độ dày lớp khá đều từ 8 – 10cm, lớp đất này tương ứng với lớp đào L03. Theo diễn biến địa tầng thì đây là lớp đất phủ của giai đoạn nhà Hồ sau khi hoàn thành việc xây thành, căn cứ rõ nhất vào lớp dăm đá phía dưới của lớp sét, đây là lớp dăm đá phát sinh từ quá trình chế tác các khối đá trước khi được đưa lên dựng thành. Di vật hầu như không xuất lộ trong tầng đất này.
 
       Lớp dăm đá: Đây là lớp đá dăm phủ gần như toàn bộ bề mặt hố khai quật, cao độ -167cm đến – 218cm so với cos 0. Đá dăm có kích thước khá nhỏ trung bình từ 1cm đến 1,5cm, màu xanh thẫm, cạnh sắc, lớp dăm phủ kín toàn bộ bề mặt hố khai quật, cho thấy quá trình chế tác ở công đoạn cuối cùng trước khi các khối đá được dựng lên tường thành. Độ dày lớp khá đều trung bình từ 20 – 25cm, tương úng với lớp đào L03. 
 
       Lớp sét xanh: Đây là lớp đất khá thuần nhất, màu xanh nhạt lẫn ít sạn sỏi laterite, phủ kín toàn bộ khu vực hố khai quật từ chân thành xuống khu vực hào thành, độ dày trung bình 80cm đến 100cm, cao độ từ -210cm đến – 330cm, tương ứng với lớp đào L04 –L07. 
 
       Lớp sét vàng nhạt: Đây là lớp đất sinh thổ cho khu vực này, đất khá thuần màu, rắn, liên kết chặt, lẫn ít sạn sỏi laterite, đều lớp, tiếp tục ăn sâu xuống. Lớp đất này không xuất lộ hiện vật.
 
       I.2. Khu vực hào thành
 
       Lớp mặt: Khu vực phía dưới hào thành, là lớp đất canh tác lúa màu, tính chất đất mềm, dạng bùn nhão màu nâu, nâu nhạt, khá thuần nhất, độ sâu 20 – 30cm, tương ứng với lớp mặt và lớp L01. 
 
        Di vật xuất lộ không nhiều, chỉ lác đác một vài mảnh đá dăm, đá trắng kích thước nhỏ và một số mảnh gạch, ngói vụn, hiện vật phân bố không đều lớp. 
 
       Lớp đất sét xanh: Đây là lớp sét phủ kín toàn bộ bề mặt phía trên lòng hào, đất màu xanh nhạt, đất mền, dẻo, xuống sâu có màu xám xanh, đất mền, dạng bùn nhão, độ sâu từ 30cm đến 300cm, cao độ từ -360cm đến gần -700cm so với cos 0, tương ứng với lớp đào L01 – L10. Bề mặt lớp đất này xuất lộ hệ thống đá kè thành hào.
 
       Di vật xuất lộ rất ít trong tầng đất này, chủ yếu là các viên đá khối kích thước nhỏ, một số mảnh gạch, ngói, sành sứ thuộc giai đoạn từ sớm đến muộn.
 
       Lớp lắng đọng: Đây là lớp lắng đọng trong khu vực lòng hào, đất sét xám, nâu xẫm, có lẫn nhiều sạn cát, các hạt latetite, nhiều vỏ nhuyễn thể mục nát nằm lẫn trong đất, độ dày lớp trung bình từ 15cm đến 25cm và phân bố không đều. 
 
       Di vật xuất lộ nhiều mảnh đá khối kích thước nhỏ, một số mảnh vật liệu kiến trúc như gạch chữ nhật, ngói đỏ và hiện vật sành, sứ thuộc giai đoạn sớm, muộn khác nhau.
              
       II. Di tích:
 
        Trong mặt bằng hố khai quật xuất lộ kiến trúc hào thành phía Bắc với hai bờ kè Bắc và phía Nam. Bên cạnh đó còn có di tích gia cố phía ngoài cửa nước chảy từ trong thành ra.
 
       II.1. Kiến trúc hào thành phía Bắc
       
       Di tích Hào thành là kiến trúc hào nước chạy xung quanh 4 tường thành thành nhà Hồ, quy mô hào thành khá rộng lớn, một bộ phận dựa trên địa hình tự nhiên và được mở rộng tạo thành kiến trúc hào bao bọc cho toàn bộ kinh thành Tây Đô phía trong. Dựa trên mặt bằng khai quật và xem xét chi tiết các dấu tích văn hóa xuất lộ, chúng tôi xác định có một nền kiến trúc gia cố chân thành phía Bắc rộng 40m và hệ thống hào thành phía Bắc được gia cố bằng đá khối kích thước nhỏ và đất sét đầm lẫn nhiều sạn sỏi, phần lòng hào rộng 50m, khu vực lòng hào sâu nhất tới gần 7m so với cos 0. Năm 2015 kết quả khai quật cho thấy nền gia cố chân thành phía Nam rộng 75,6m.Tại khu vực hào thành Nam đáy lòng hào sâu từ 6,3m - 6,5m, kết cấu bờ kè Bắc rộng 11m và hàng đá kè dưới cùng sâu 4,8m so với cos 0, kết cấu bờ kè Bắc rộng 7,5m và hàng đá kè sâu từ 3,85m - 6,3m so với cos 0, lòng hào phía Nam rộng 55,2m.
 
       Kết cấu bờ kè Bắc: Xuất lộ với hình dáng dốc dần từ phần bề mặt xuống phần thành bờ và vát chéo dần xuống đáy hào, cao độ chênh lệch giữa bề mặt và hàng đá cuối bờ kè là từ -360cm; -380cm đến - 414cm. Hiện trạng xuất lộ trên bề mặt lớp đất sét xanh phủ kín toàn bộ hố khai quật. Bờ kè Bắc xuất lộ trong lớp đào L01, cao độ -360cm so với cos 0. Bề mặt là dải đá khối kích thước nhỏ được xếp thành hàng kết hợp gia cố lớp sét vàng nhạt lẫn nhiều sạn cát (sỏi laterite). Chân bờ kè được gia cố bằng hàng đá khối chống sạt/nước xói chân. Bờ kè chạy dọc theo chiều Đông – Tây, độ rộng thành hào khoảng 15m. 
 
       Kết cấu Bờ kè Nam: Xuất lộ với độ dốc thoai thoải so với chân thành, cách khu vực chân thành 40m. Bề mặt bờ kè phủ kín tới khu vực gia cố của nền chân thành. Hiện trạng xuất lộ trên bề mặt lớp đất sét xanh. Bờ kè Nam xuất lộ trong lớp đào L01, cao độ từ -350cm; - 405cm đến - 464cm so với cos 0 và tiếp tục ăn sâu xuống, độ rộng khoảng 20m. 
 
       Hiện trạng nền sét tại khu vực bờ kè Nam được gia cố chủ yếu trong khi các khối đá gia cố khá ít có thể đã tạo thành các khu vực không liền khoảnh và có độ dốc tương đối nhỏ so với chân thành tạo điều kiện cho quá trình vận chuyển đá lên khu vực chân thành (?).
 
       Có thể thấy bờ kè hào thành phía Bắc phân bố dài theo chiều Đông Tây và rộng theo chiều Bắc - Nam, phần lớn bờ kè được gia cố bằng đất sét vàng nhạt lẫn nhiều sạn sỏi đầu ruồi (laterite) và một số chỗ được gia cố bằng đá khối với kích thước nhỏ và vừa. Với tính chất giữ nước tốt của đất sét kết hợp với đá gia cố và độ dốc hợp lý tạo cho hào thành chịu được những tác động lớn của quá trình nước dâng và vận chuyển các khối đá lớn về tập kết xây dựng thành.
       
       II.2. Di tích gia cố ngoài cửa nước tường thành phía Bắc
 
       Theo các câu chuyện trong nhân dân thì trước đây ở vị trí cống nước hiện tại chính là cống lớn hình vuông bằng đá để thoát nước từ trong thành ra ngoài. Khi đó cống nước phía trong thành chỉ có hàng đá tường thành mà không có lớp đất phủ phía trên. Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, Hợp tác xã cho lắp đặt cống bê tông hiện tại vào trong cửa cống cũ rồi đổ đất gia cố phía trong như hiện tại. 
 
       Hố khai quật đã xuất lộ gia cố phía ngoài cửa cống hiện tại. Lớp gia cố này xuất lộ từ chân tường thành, rộng khoảng 9m, nằm phía dưới lớp dăm đá cắt chéo xuống phía cửa cống hiện tại. Đất trong lớp gia cố là sét màu vàng nhạt lẫn sét đỏ cùng với nhiều mảnh đá vôi nhỏ (kích thước 15 – 30cm). Mối liên hệ giữa hàng đá kè ngoài chân thành và lớp gia cố này với cửa nước ra của thành nhà Hồ cần được nghiên cứu kỹ hơn.
 
       III. Di vật: 
 
       Di vật thu được trong hố khai quật chủ yếu nằm trên khu vực nền gia cố chân thành, lớp đất san lấp bao gồm các loại hình chính: Nhóm các loại hình vật liệu kiến trúc; Nhóm các loại hình đồ dùng sinh hoạt hàng ngày; Nhóm công cụ sản xuất; Nhóm vũ khí.
 
       Vật liệu kiến trúc: Các loại hình vật liệu kiến trúc thu được ở hố khai quật khá phong phú, đa dạng về loại hình và chất liệu thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, gồm các loại hình gạch chữ nhật đỏ, gạch trang trí hoa chanh, gạch trang trí hoa cúc dây, gạch trang trí hoa dây hình Sin, gạch có in/khắc chữ hán, gạch vồ xám, ngói mũi sen, ngói phẳng và các mảnh lá đề rồng, mảnh trang trí rồng…
 
       Đồ dùng sinh hoạt: Các loại hình đồ dùng sinh hoạt khá phong phú bao gồm các loại hình gốm sứ như bát gốm men trắng, hoa lam, men nâu, men ngọc.  Đồ sành gồm các loại hình lon, vò, một số mảnh bao nung gốm. Một số mảnh gốm ghè tròn, tiền xu...
 
       Công cụ sản xuất: Xuất lộ chì lưới bằng đất nung, một đục sắt còn khá nguyên xuất lộ ngay trên bề mặt lớp dăm.
 
       Nhóm vũ khí: Xuất lộ hai hiện vật lao sắt nằm trên bề mặt lớp dăm đá, không còn nguyên, một cạnh mũi bị gãy.
       
       IV. Nhận xét sơ bộ:
 
       Về di tích: Hố khai quật cung cấp nguồn tư liệu về mặt bằng tổng thể nền gia cố chân thành với hệ thống đá dăm bao phủ toàn bộ mặt bằng hố khai quật cho thấy một công trường tinh chế đá tại chỗ trước khi đưa lên dựng thành. Kiến trúc hào thành phía Bắc với dấu tích bờ kè gia cố hai bên thành hào bằng đá khối kích thước nhỏ và lớp đất sét lẫn nhiều sạn sỏi đầu ruồi (laterite) đầm gia cố mặt bờ kè. Kiến trúc hào thành có quy mô rộng, tính chất quan trọng, nằm bao quanh khu vực tường thành. Kết quả khai quật khu vực hào thành phía Bắc đã làm sáng rõ thêm hệ thống bờ kè gia cố hai bên khu vực hào, độ rộng của lòng hào cũng như độ sâu của đáy hào được xác định rõ hơn. 
 
       Gia cố phía ngoài cửa nước ra cho thấy những người quy hoạch và xây dựng đã chú trọng tới việc cấp thoát nước cho khu vực trong thành cũng như sự vững chắc phía ngoài khu vực nước đổ ra.
 
       Về di vật: Có thể nói di vật trong hố có số lượng lớn về loại hình, chất liệu, hoa văn. Được chia làm 4 nhóm di vật chủ yếu thu được trong cuộc khai quật. Đó là nhóm các vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đá khối, trang trí kiến trúc và nhóm các loại hình đồ dùng trong sinh hoạt như sành, sứ, tiền kim loại. Các lớp trên, hiện vật chủ yếu thuộc niên đại Lê – Nguyễn xuống lớp dưới chủ yếu thuộc niên đại Trần – Hồ. Các nhóm hiện vật tập trung trong các lớp từ lớp L01 đến lớp L02. Trong lớp đất sét xanh và sét vàng thuộc tầng đất gốc phân bố trên toàn bộ mặt bằng lớp đào của hố khai quật, đất thuần và hầu như không xuất  lộ hiện vật. Có thể thấy niên đại di vật kéo dài từ giai đoạn tiền Thăng Long tới thời Lê -Nguyễn.
 
       Kiến nghị: Qua kết quả khai quật khu vực hào thành phía Bắc cho thấy quy mô kiến trúc hào thành rộng lớn và vô cùng phức tạp ở khu vực thành nhà Hồ. Khu vực hào thành với hai bờ kè có sự gia cố chắc chắn bằng đá khối và nền sét đầm. Khu vực nền gia cố chân thành đã làm rõ được công cuộc tinh chế đá lần cuối trước khi đá được đưa lên dựng tường thành.
       Với những kết quả bước đầu về khu vực hào thành phía Nam và phía Bắc, kiến nghị mở rộng khu vực hố khai quật về phía Đông và phía Tây để tìm hiểu một cách tổng thể kiến trúc hào thành và nền gia cố quanh chân thành thành nhà Hồ - công trình kiến trúc thành đá quy mô và đồ sộ của một vương triều xưa.
 
Nguồn: - Viện Khảo Cổ Học
              - TT.BT.DS. Thành Nhà Hồ
.
 
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm