BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT 4 CỔNG THÀNH- DI SẢN THẾ GIỚI THÀNH NHÀ HỒ NĂM 2022
Thành Nhà Hồ còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Thành An Tôn (động An Tôn), Thành Tây Đô (phân biệt với Đông Đô – thành Thăng Long), Tây Kinh (Đông Kinh), Tây Giai, Thạch Thành…
Thành có bình đồ gần hình vuông, khoảng cách cổng Nam và Bắc dài 886,5m, khoảng cách cổng Đông và Tây dài 883,5m (tường bắc-nam 878,5m, tường đông-tây 875,5m). Thành có chu vi 3.508m2 và diện tích 769.126m2. Tường thành được xây bằng đá, đục đẽo vuông vức và làm nhẵn bề mặt, độ cao trung bình hiện tại khoảng 5-
6m. Thành được mở 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây trong đó cổng Nam là cổng chính. Vị trí phía bắc thành có núi Thổ Tượng (Voi đất), phía nam có núi Đốn Sơn, phía đông có núi Hắc Khuyển (Chó đen) và sông Bưởi, phía tây và tây nam là dãy núi Ngưu Ngọa (Trâu nằm), núi An Tôn và sông Mã.
Thực hiện giấy phép khai quật số 2188/QĐ-BVHTTDL ngày 12/9/2022 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2022. Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành khai quật khảo cổ tại tại khu vực bên trong và bên ngoài của 04 cổng thành (phía Đông-phía Tây-phía Nam-phía Bắc) thuộc Di sản Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Diện tích khai quật: 5.000m2, trong đó: Vị trí cổng phía Bắc 2.000m2, phía Nam 2.000m2, phía Đông 500m2, phía Tây 500m2.
I. Kết quả khai quật
1. Dấu tích khảo cổ học khu vực cổng Nam:
a. Cổng Nam
+ Cổng Nam rộng 34,85m, cao còn lại 7,65m, sâu 15,20m, được xây nhô ra tường thành 4,1m với ba vòm cuốn theo kiểu tam quan. Cửa giữa rộng 5,85m, vòm trong cao 5,9m, hai cửa bên rộng 5,4m, vòm cao 5,4m. Trên nóc các vòm cuốn này được lát đá phẳng tạo thành một mặt bằng rộng 14m và dài 33m với những lỗ chân cột của một công trình kiến trúc khung gỗ có độ cao so với mặt nền khoảng 20cm.
+ Dấu tích cối cửa và hệ thống cửa thành xuất lộ trong ba vòm cổng, với vòm giữa có tâm cối cửa rộng 4,1m, vòm phía tây và đông rộng 3,75m. Ngoài phần cối cửa còn rõ kết cấu có dạng khung cửa gia cố từ trên xuống dưới.
+ Trên mặt thành có hệ thống rãnh thoát nước đục vào đá xung quanh nền và đổ ra bốn góc trong ngoài thành bằng bốn máng nước. Dấu tích rãnh thoát nước rộng 5-10cm và sâu trung bình 3cm.
+ Máng nước còn có lỗ mộng có thể là để lắp đầu máng nước, kích thước: dài 32cm, rộng 23cm, đục sâu vào đá 20cm; lỗ mộng dài 8cm, rộng 5cm và sâu 4cm. Xung quanh mặt thành có hệ thống lỗ cắm lan can gỗ (có 12 lỗ) ở ba phía (trừ mặt ngoài), kích thước lỗ: dài 10-20cm, rộng 7-13cm và sâu 4-8cm. Độ cao trung bình còn lại của tường thành phía Nam khoảng 3-4m
b. Dấu tích đường Hoàng Gia trong Nội thành
+ Con đường Hoàng Gia còn rõ dấu tích kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam Thành Nhà Hồ, hướng bắc-nam, nối thẳng về phía nam đến di tích Nam Giao nối về phía bắc con đường hướng vào Trung tâm Nội thành.
+ Khu vực nội thành phát hiện dấu tích con đường với 1 làn rộng 4,65m và còn lại khoảng 16m về phía trong Nội thành (khu vực ngoài cổng Nam có 3 làn: làn chính giữa cổng Nam rộng 4,8m và 2 làn đường phụ 2 bên rộng 3,1m.
Như vậy có thể nhận thấy con đường Hoàng Gia của thành Tây Đô thời Hồ chỉ còn tình trạng tốt nhất ở khu vực trước và trong cổng Nam. Đi vào khu vực Nội thành, dấu tích con đường lát đá mà sử gia Phan Huy Chú thế kỷ 19 còn nhìn thấy đã bị cuộc xây dựng con đường 217 và năm 1938 phá huỷ hầu hết.
2. Dấu tích khảo cổ học khu vực cổng Bắc:
Cổng Bắc có kích thước rộng 21,4m, cao còn lại đến chân móng là 8,42m, sâu 13,8m xây nhô ra tường thành 4m tạo một vòm cuốn cao 5,9m so với nền đá trong lòng cổng và lòng cổng rộng 5,85m.
+ Trên nóc vòm cuốn lát đá tạo một mặt bằng rộng 12,7m và dài 20,5m (Nhỏ hơn phần chân móng cổng) với 1 phần mặt bằng cao hơn khoảng 20-25cm có xuất lộ 22 lỗ chân cột tròn có đường kính trung bình 41-50cm và đục sâu xuống nền đá 60- 70cm, đó là chân cột của một công trình kiến trúc gỗ kiểu rường cột có 3 gian 2 trái. Giữa các lỗ cột có lỗ ngang (đặt các thanh xà liên kết) nối thông nhau nhằm liên kết các cột gỗ thêm chắc hơn, kích thước ngách nối khoảng 10-15cm x 10-15cm, ngay cả các cột ở rìa ngoài vẫn có ngách nối ra tường dài 50-60cm để gia cố độ vững chắc cho kết cấu gỗ vào nền đá.
+ Trên mặt thành cũng có hệ thống rãnh thoát nước, máng nước và hệ thống lan can gỗ phía mặt trong Nội thành giống cửa Nam, phía ngoài có thể xếp hệ thống
đá tạo thế phòng thủ và có thể đặt đặt hỏa lực. Độ cao trung bình còn lại của tường thành phía Bắc khoảng 7-8m.
+ Dấu tích nền đá trong vòm cổng còn khá rõ, cao hơn phần móng tường ngoài khoảng 17-21cm và hệ thống cối cửa (đường kính trung bình khoảng 25cm, sâu 15cm). Ngoài phần cối cửa còn rõ hệ thống khung cửa gia cố từ trên xuống dưới.
3. Dấu tích khảo cổ học khu vực cổng Đông:
a. Cổng Đông
+ Cổng Đông rộng 21,4m, cao còn lại 6,9m, cao vòm so với nền đá trong lòng là 5,9m, sâu 13,4m, được xây nhô ra tường thành 4m tạo thành một vòm cuốn rộng 5,8m. Tường thành phía đông được tạo tác bằng các khối đá kích thước lớn, vuông vức và bề mặt ngoài tường thành phẳng, các mạch đá nhỏ.
+ Một số đoạn tường đã bị sụt lún do nền đất yếu và một số đoạn tường được gia cố bằng hệ thống kè đá trên chân và móng tường. Độ cao trung bình còn lại của tường thành phía Đông khoảng 4-5m.
Đặc biệt so sánh nền đá tại khu vực cổng Đông với 3 cổng còn lại có độ thấp hơn khoảng 20cm. Điều này có giả thiết là một phần do quá trình sụt lùn tại nền đất yếu khu vực này và có thể do tính toán kỹ thuật để tạo phần khu vực thấp với mục đích thoát nước khu vực nội thành đến vị trí này.
b. Dấu tích nền móng đá cổng và tường thành
+ Phần móng đá được xuất lộ khi bóc hết lớp đất san lấp khoảng 0,8m. Dấu tích chân móng có xếp đá móng rộng trung bình 1,5-2m, phía dưới là đế móng (đang trong quá trình xử lý). Phần móng tường thành còn thấy rõ dấu tích đá xếp cạnh gia cố kết hợp với móng chắc chắn, rộng khoảng 2m (biện pháp kỹ thuật xử lý nền đất yếu).
+ Một điều khác so tại khu vực cổng Đông là phần đá chân móng còn có đoạn hở so với mép cổng khoảng 0,42m, phần sát chân móng lõm xuống 4,5-5cm so với bên ngoài. Đây có thể là yếu tố kỹ thuật để xử lý cho khu vực nền đất yếu phía đông.
+ Dựa trên nhiều yếu tố kỹ thuật tại khu vực cổng đông cho thấy phần đất khu vực này có kết cấu yếu hơn các khu vực còn lại trong Thành Nhà Hồ.
4. Dấu tích khảo cổ học khu vực cổng Tây:
Cổng Tây có chiều rộng 21,5m, cao còn lại từ chân móng lên vòm cuốn là 7,0m, vòm cuốn rộng 5,8m và cao vòm so với nền đá cổng là 5,9m, sâu 13,4m, được
xây nhô ra tường thành 4m. Độ cao trung bình còn lại của tường thành phía Tây còn lại khá thấp khoảng 3-4m.
+ Hai cổng Đông, Tây giống nhau đều không còn đá lát phía trên và hiện trạng chỉ còn nguyên vòm cuốn.
II. Di vật
+ Về vật liệu kiến trúc đã tìm thấy một số loại hình gạch chữ nhật, trang trí lá đề thời Trần-Hồ, ngói phẳng, ngói cong lòng máng màu xám thời Lê.
+ Về gốm sứ: Các hố khai quật tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần- Hồ và thời Lê Sơ.
+ Ngoài ra, còn tìm thấy một số cụm bi/đạn đá tại khu vực cổng Nam và cổng
Bắc.
III. Nhận xét bước đầu
- Cuộc khai quật đã làm rõ kích thước ban đầu của các cổng thành tại di sản thành Nhà Hồ.
+ Các cửa cuốn này được xây bằng cách đắp đất thành hình vòm cửa, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên, sau khi ghép xong các phiến đá thì mới xử lý đất ra ngoài.
+ Cấu tạo ba bức tường thành Đông, Nam, Tây tương tự nhau về kích thước và kỹ thuật ghép đá, tiêu biểu nhất là tường thành phía Đông: dưới đáy là đá lót móng kích thước lớn; trên còn lại 4 đến 5 hàng đá kích thước lớn được làm nhẵn, hàng dưới to nhất lên cao nhỏ dần; phía trong là hệ thống đá và đất sét sỏi gia cố (phần thành đất gia cố phía trong).
+ Trong khi đá xếp thành ở tường và cổng Bắc có kích thước nhỏ hơn, mạch ghép lớn hơn, nhiều hàng đá hơn, các lớp đá ngoài không được làm nhẵn, các lớp đá trong không được ghè đẽo vuông vức. Điều này một phần do quá trình xử lý vật liệu và một phần do quá trình tu sửa nhiều lần trong giai đoạn sau.
- Con đường Hoàng Gia được làm rõ phần bó đá còn lại tại khu vực phía nam và phần xuất lộ rõ trong nội thành.
- Qua đây có thể bước đầu nhận diện diện mạo đích thực của mặt bằng Thành Nhà Hồ ở khu vực CỔNG và TƯỜNG THÀNH, trong đó:
+ Trục trung tâm chính là dấu tích con đường Hoàng Gia nối từ cổng Nam lên khu vực CHÍNH ĐIỆN.
+ Tổng thể mặt bằng kiến trúc Thành Nhà Hồ được phân bố thành nhiều lớp ngang dọc. Tất cả đều được đối xứng qua trục đường Hoàng Gia ở trung tâm.
- Cuộc khai quật đã có nhiều phát hiện mới đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kỹ thuật xây dựng khu vực CỔNG Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời cũng minh chứng và làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản.
IV. Một vài kiến nghị:
Cùng với những giá trị to lớn của khu Di sản, kiến nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ căn cứ vào các khuyến nghị của UNESCO, căn cứ vào cam kết của UBND tỉnh Thanh Hoá, Luật Di sản Văn hoá xây dựng các kế hoạch nghiên cứu bảo tồn trong các năm tiếp theo trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Trước mắt cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích Khảo cổ nhằm phát huy một cách tốt nhất giá trị của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ.
Nguồn: - ThS. Nguyễn Thắng và Đoàn Khai quật Viện Khảo Cổ Học
- TTBTDS. Thành Nhà Hồ