Thành Nhà Hồ, 18/10/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 6

    Hôm nay: 105

    Đã truy cập: 1113329

Di sản Thành Nhà Hồ hướng tới xây dựng – điểm đến an toàn, thân thiện, môi trường du lịch văn hoá, văn minh, hấp dẫn

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định “Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”.

      

       Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai), nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.

       Cho đến nay, sau nhiều nỗ lực trong liên kết xúc tiến du lịch tại vùng miền trong cả nước, du lịch Thanh Hóa đang từng bước khẳng định được vị thế, vai trò để trở thành nghành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo kết quả thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa đạt gần 6,77 triệu lượt khách, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 142.500 lượt, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 11.889 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách quốc tế đạt 75,87 triệu USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ. Với sự tăng trưởng đó, mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32.387 tỷ đồng sẽ đạt được trong năm 2024.

       Trong những năm qua, hoạt động quản lý, khai thác phát triển du lịch tại di sản Thành Nhà Hồ đã từng bước phát triển, các sản phẩm du lịch được đa dạng và có nhiều đổi mới, các giá trị quảng bá theo sản phẩm và mang được những giá trị cốt lõi đặc trưng của di sản. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, những năm qua Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã nỗ lực phát triển thêm nhiều sản phẩm, không gian mới phục vụ khách du lịch tham quan. Trong đó phải kể đến “Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô”; “Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời”; khai thác không gian trưng bày đá xây thành làm điểm check-in tại cổng phía Nam; trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách triều Hồ; tổ chức các chương trình giáo dục di sản cho học sinh;... Đồng thời đưa vào chương trình tham quan khu vực phụ cận Thành Nhà Hồ.

       Để phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, văn minh du lịch an toàn, thân thiện. Sau những năm triển khai, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ VH-TT&DL ban hành, đồng thời xác định văn hóa ứng xử văn minh trong du lịch là yếu tố, chìa khóa vô cùng quan trọng cần thiết để phát triển du lịch bền vững, có chất lượng, có chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng điểm đến du lịch an toàn, thân thiện.

       Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi khái quát lại một số dấu ấn trong thực hiện Bộ quy tắc ứng xử, góp phần thành công trong công tác phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch thời gian qua tại di sản Thành Nhà Hồ.

       Thành Nhà Hồ được xem là điểm nghiên cứu, học tập, trải nghiệm của các bạn học sinh trên địa bàn tỉnh nhà, nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về một triều đại phong kiến tồn tại ngắn nhất trong lịch sử và nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa địa phương, quê hương, đất nước con người, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các lớp học ngoại khóa trên vùng đất Di sản.

       Sự chuyên nghiệp, tận tâm trong công tác hướng dẫn viên du lịch – kết nối những trái tim mang trong mình tình yêu di sản

       Để khai thác và phát huy giá trị độc đáo của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch là hình thành tổ hợp dịch vụ độc đáo, gắn với tài nguyên vốn có mang đặc trưng riêng biệt của vùng đất và con người Tây Đô. Du khách đến với Thành Nhà Hồ được đón tiếp, phục vụ tham quan, được hướng dẫn, hiểu và tiếp thu được lịch sử, kiến trúc của tòa thành và văn hóa lối sống của địa phương qua các giai đoạn lịch sử thông qua đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nhiệt tình và chu đáo. Sau chuyến tham quan, công chúng đều hài lòng, có nhận xét, đánh giá, phản hồi tích cực với phong cách phục vụ. Đây chính là nguồn động lực giúp đội ngũ hướng dẫn viên Di sản không quản khó khăn, nỗ lực phấn đấu để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thành xuất sắc trọng trách kết nối Di sản gần hơn với công chúng.

       Để không ngừng nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, thu hút khách du lịch tham quan, việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng cần thiết cho hướng dẫn viên là nhiệm vụ thường xuyên và luôn có tính mới. Tại các buổi sinh hoạt chuyên đề tháng, quý hướng dẫn viên du lịch sẽ thực hiện việc tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong tổ. Tại các đợt tập huấn do cấp ngành tổ chức, hướng dẫn viên được trau dồi thêm trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, rèn luyện phong cách phục vụ, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ xứng đáng là một trong những địa điểm trong toàn tỉnh luôn được đánh giá có đội ngũ thuyết minh chuyên nghiệp, để lại dấu ấn tốt đẹp cho du khách tham quan và trong thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao.

       Ứng xử đúng mực, thân thiện, tôn trọng khách hàng – dấu ấn trong kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch tại khu vực Di sản Thành Nhà Hồ

       Tại khu vực Cổng Nam di sản Thành Nhà Hồ, Trung tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ dân trong khu vực di sản xây dựng các cửa hàng kinh doanh dịch vụ (hàng ăn; nước uống, giải khát; bán hàng lưu niệm, ấn phẩm, sản vật địa phương, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng của địa phương) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân địa phương cũng như tăng cưởng sản phẩm phục vụ khách tham quan, du lịch.

       Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai bộ Quy tắc đến các tổ chức, hộ kinh doanh du lịch trong khu vực Di sản Thành Nhà Hồ. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch được ban hành nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen, thái độ, cách thức ứng xử văn minh, lịch sự của các tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng của dịch vụ du lịch. Buôn bán giữ uy tín, không nói thách, cư xử nhã nhặn với khách hàng, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, hàng hoá xuất xứ rõ ràng, niêm yết giá...Hàng năm các hộ kinh doanh du lịch được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp ứng xử, giao tiếp Tiếng Anh, trang bị những kiến thức cơ bản về Di sản, hướng tới mỗi hộ kinh doanh dịch vụ là một hướng dẫn viên du lịch.

       Di sản từ hiệu ứng truyền thông, lan tỏa giá trị, gắn kết cộng đồng

       Cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực di sản là một trong nhân tố đóng vai trò chủ thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa, đồng thời là những người bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản đó. Trong Công ước bảo vệ Di sản năm 2003, UNESCO đã khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa: "Không có văn hóa nếu không có nếu không có người dân và cộng đồng". Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội kiên trì tuyên truyền để nhân dân địa phương hiểu được giá trị di sản vô giá tại địa phương, có các hành động thiết thực để đóng góp và tham gia phát triển dịch vụ du lịch; khôi phục và phát huy giá trị các lễ hội, các di tích, làng nghề truyền thống trên địa bàn; nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại di sản. Hàng năm, mở các lớp tập huấn cho người dân địa phương trong vùng di sản về phương pháp và kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản về phát triển du lịch nói chung cho nhân dân trong các xã thuộc vùng di sản Thành Nhà Hồ. Đồng thời để bước đầu hình thành đội ngũ tuyên truyền viên cộng đồng cho Di sản, Từng bước thay đổi nhận thức của người dân và cộng đồng địa phương tại các điểm du lịch về ứng xử văn minh với khách du lịch nhằm cải thiện môi trường du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng điểm đến du lịch. Việc giúp người dân xây dựng nếp ứng xử văn minh với khách du lịch sẽ góp phần hiện thực hoá các mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng. Từ các lớp tập huấn giúp người dân có thể kiêm nhiệm tốt vai trò của người hướng dẫn, tham gia các dịch vụ du lịch.

       Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường Di sản Thành Nhà Hồ luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu song hành với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản. Trung tâm đã cùng với huyện Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Tiến triển khai nhiều chương trình phối hợp trồng cây xanh xung quanh khu vực di sản, cũng như hoạt động dọn vệ sinh môi trường. phong trào như “ Giữ cho di sản mãi xanh”, “Di sản Thành Nhà Hồ nói không với túi ni lông”; “ Chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp” ...

       Những nỗ lực và đổi mới sáng tạo, đa dạng hoá sản phẩm, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, nhiệt tình, chu đáo, một nụ cười thân thiện, mến khách của đội ngũ nhân lực du lịch của Di sản thời gian qua đã đem lại những hiệu quả vô cùng thiết thực. UNESCO, cộng đồng địa phương và du khách có đánh giá và phản hồi tích cực. Tin rằng, với phong cách ứng xử thân thiện, mến khách, sự thông thái, chuyên nghiệp của các hướng dẫn viên du lịch, cộng đồng địa phương sẽ là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng giúp cho Di sản, du lịch Vĩnh Lộc tiếp tục phát triển và khẳng định giá trị bền lâu, sức hấp dẫn của một miền quê di sản Cố đô triều Hồ./.

       Một số hình ảnh hoạt động tại Di sản Thành Nhà Hồ:

       ​Nguồn:https://giaoducmoi.vn/

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm