Nghè Cẩm Hoàng
Nằm yên bình bên dòng sông Mã thơ mộng, nghè Cẩm Hoàng thuộc xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính, mà còn là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, ghi dấu đậm nét truyền thống văn hoá tín ngưỡng của dân vùng Quan Hoàng xưa.
Theo truyền thuyết và các dấu tích lưu giữ tại địa phương, Nghè Cẩm Hoàng được xây dựng để thờ Thành Hoàng Làng – Thái tử Long Tinh và vị tướng trung liệt Trịnh La - người có công bảo vệ làng thời loạn lạc. Ngồi nghè nguyên sơ xuất hiện từ thế kỷ XVII, được xây dựng lại khang trang vào thế kỷ XX bằng chất liệu gỗ quý, đá xanh và ngói mũi hài truyền thống.
Bước qua cổng nghè là không gian kiến trúc đậm phong cách cổ, với hệ vì kèo chồng rường, chạm khắc tinh xảo các hoạ tiết tứ linh – tứ quý. Mỗi nét đục đẽo đều thể hiện trình độ nghệ thuật tinh tế của người xưa, đồng thời gợi nên trang nghiêm, linh thiêng cho chốn thờ tự.
Năm 1998, nghè Cẩm Hoàng được UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, một lần nữa khảng định vị thế của công trình trong dòng chảy văn hoá dân gian.
Đặc biệt, nghè Cẩm Hoàng không đơn thuần là công trình thờ tự. Nơi đây từng là điểm tụ họp của cộng đồng, là “trung tâm văn hoá làng” gắn bó mật thiết với đời sống đời sống tinh thần của nhân dân.
Mỗi năm vào 6 tháng 2 âm lịch, người dân Vĩnh Quang lại náo nức tổ chức lễ hội Kỳ Phúc tại Nghè Cẩm Hoàng. Lễ rước kiệu, tế lễ cổ truyền diễn ra trang nghiêm, theo đúng nghi thức xưa để tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Phần hội sôi nổi với các tròn chơi dân gian như chọi gà, kéo co, hát chèo,... tạo nên không khí tươi vui, đầm ấm và gắn kết tình làng nghĩa xóm. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn là dịp nhắc nhở con cháu về cội nguồn quê hương.
Một số hình ảnh Nghè Cẩm Hoàng:




.jpg)
Tin bài: Vũ Yến - Trung tâm BTDS Thành Nhà Hồ
Ảnh: Sưu tầm