Thành Nhà Hồ, 28/03/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 10

    Hôm nay: 1009

    Đã truy cập: 986931

Không gian trưng bày

       I.  Trưng bày “Không gian văn hóa Nông nghiệp vùng Tây Đô”

       Nông cụ truyền thống và không gian bếp xưa từ bao đời đã gắn bó mật thiết với đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Hiện nay, trong xu hướng đô thị hóa nông thôn, cơ giới hóa nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, các loại máy móc hiện đại đang dần thay thế sức lao động của con người. Vì vậy, phương thức canh tác truyền thống và hệ thống nông cụ cũng dần vắng bóng theo thời gian.

       Với mục đích trưng bày và giới thiệu đến công chúng; nhất là, thế hệ trẻ nhằm giúp mọi người trân trọng, thấu hiểu hơn về nông cụ canh tác truyền thống, về đời sống mộc mạc chân chất, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân, chứa đựng những nét sinh hoạt văn hóa dung dị, thuần phát của con người, của làng quê Viêt Nam góp phần chung tay gìn giữ những giá trị di sản văn hóa vật chất, tinh thần và những tinh hoa của tiền nhân. Sau một thời gian nghiên cứu khảo sát, sưu tầm lựa chọn hiện vật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng và trang trí công phu phòng trưng bày với chủ đề: Không gian văn hóa nông nghiệp Tây Đô tại khuôn viên Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

       Không gian trưng bày tại Bảo tàng giới thiệu đến người xem với hơn 100 hiện vật với 3 nội dung: Không gian tiếp khách, Không gian bếp và không gian nông cụ.

       a. Không gian phòng khách

       Phòng khách trưng bày các hiện vật tái hiện một cách rõ nét không gian phòng khách của gia đình xưa như: Bộ bàn trà gồm 5 món: bàn, 4 ghế tựa; tủ, ti vi đen trắng, đài Catsette, đèn dầu.

       b. Không gian nông cụ

       Để phục vụ cho hoạt động canh tác nông nghiệp, người làm nông xưa đã chế tạo ra các nông cụ với những công năng khác nhau để khép kín một chu kỳ từ sản xuất đến sơ chế các sản phẩm nông nghiệp như: Cày, bừa, Các loại cào, vồ đập đất, Quạt lúa, chày giã dùng chân, các loại cối: cối xay lúa, cối giã gạo, cối xay gạo thành bột, cối xay ngô thành bột,...

       Vào những thời điểm nông nhàn, để cải thiện cuộc sống và kiếm thêm nguồn thu nhập, người làm nông đã biết sáng tạo ra các ngư cụ và các loại bẫy để đánh bắt nguồn lợi thuỷ sản (tôm, cua, cá) như: Lưới: Giậm, nơm: Các loại bẫy kẹp...

       c. Không gian bếp

       Gian bếp của một gia đình nông thôn Việt Nam không chỉ là nơi thực hiện chức năng chế biến thức ăn, nơi hong khô và bảo quản nguồn lương thực dự trữ, giống cây trồng, mà còn là nơi chia sẻ yêu thương, cộng cảm giữa các thành viên bên mâm cơm gia đình.

       Với Chuyên đề trưng bày này, đã phần nào gợi nhớ lại đời sống văn hóa của con người vùng đất Tây Đô, phản ánh đời sống văn hoá vật chất của vùng đất trong một thời kỳ lịch sử. Lớp bụi thời gian đang dần phủ lên những hiện vật quý giá. Những hiện vật lặng im sau lớp bụi thời gian kia sẽ còn nói lên nhiều tiếng nói về đời sống văn hóa của ông bà ta thuở xưa, là hơi thở của cội nguồn dân tộc mà lớp lớp thế hệ mai sau vẫn cần được biết và trân trọng.

       II.  Không gian trưng bày ngoài trời

       Cuộc khai quật, khảo cổ học trong khu vực nội thành Thành Nhà Hồ đã có được nhiều kết quả quan trọng, góp phần minh chứng giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Những hiện vật thu được từ cuộc khai quật, khảo cổ học đã tự mình nói lên câu chuyện văn hoá của nhiều triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Tây Đô. Để tiếp nối và phát huy những giá trị bất biến từ những hiện vật khai quật được, đồng thời đem những giá trị đó đến gần hơn với cộng đồng và công chúng, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng không gian trưng bày hiện vật ngoài trời với 2 phần chính.

       Phần 1: Trưng bày hệ thống các hiện vật bằng đá trong đó chủ yếu là đá chân tảng. Đá chân tảng gồm 2 loại: Một loại vận chuyển từ Thăng Long về, một loại sản xuất tại địa phương. Đáng chú ý là đá chân tảng có họa tiết là Hình tượng đài sen - Cánh sen - một trong các biểu tượng của nhà Phật. Hình tượng hoa sen của nhà Phật được xuất hiện rất nhiều trong các công trình xây dựng từ thời nhà Lý, thể hiện tính nối tiếp của truyền thống và lịch sử dân tộc. Đôi chỗ có hình uốn lượn, hình tượng rồng, là biểu tượng của vua, đại diện cho sức mạnh vương triều.

       Một số hiện vật khác là vật liệu trang trí các hành lang của cung điện. Việc sử dụng các vật liệu bằng đá rất phù hợp và đồng bộ với vật liệu xây dựng Thành Nhà Hồ đó là đá lớn. Điều đó chứng tỏ quy mô các công trình kiến trúc trong nội thành vô cùng hoành tráng, thể hiện sức mạnh của nhà nước phong kiến với rất nhiều về cách tân, đổi mới. Đồng thời thể hiện trí tuệ, kỹ thuật xây dựng vượt trội trong khu vực Đông Nam Á.

       Phần 2: Trưng bày các panô ảnh tấm lớn giới thiệu các hiện vật trang trí kiến trúc đẹp nhất, tiêu biểu nhất của di sản Thành Nhà Hồ. Ngoài các dấu vết kiến trúc trong thành Nội, có nhiều hiện vật như ngói đầu ống có lá đề khắc hình lưỡng long rất sinh động và sắc nét; đầu chim phượng, hình chim uyên ương.

       Các hiện vật được tìm thấy tại di sản Thành Nhà Hồ cũng có hình dáng, kích thước tương đồng với các hiện vật tại Hoàng Thành Thăng Long. Phù hợp với những tư liệu lịch sử đã ghi chép: các vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí tại Thành Nhà Hồ được lấy từ Hoàng Thành Thăng Long và vận chuyển vào Thanh Hóa. Qua đó càng khẳng định rõ nét hơn về tính xác thực và toàn vẹn của di sản Thành Nhà Hồ.

       Qua hoạt động trưng bày, triển lãm lần này sẽ giúp tất cả chúng ta có một cái nhìn sâu hơn về những nét đặc sắc của di sản mà cha ông đã để lại cho quê hương Vĩnh Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, bổ sung vào bức tranh toàn cảnh của một di sản độc đáo, nổi bật đã được thế giới công nhận. Qua đó, cũng thấy được vai trò trách nhiệm của đơn vị quản lý là Trung tâm tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã và đang làm hết sức mình trong công tác quản lý bảo vệ, phát huy để di sản đến gần hơn với đông đảo du khách và nhân dân địa phương.

       III. Trưng bày mô hình Súng thần công và những cải cách của Vương triều Hồ

        ​a. Súng thần công

       Thành Nhà Hồ những năm cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV với vai trò là kinh đô của đất nước, đã đưa ra hàng loạt cải cách nhằm chấn hưng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của quốc gia. Một trong những phát minh quan trọng vượt qua khỏi biên giới quốc gia và thời đại lúc bấy giờ là Súng Thần Công – một loại vũ khí quân sự có sức công phá vô cùng lớn thời bấy giờ. Người phát minh ra vũ khí này là Hồ Nguyên Trừng con trai cả của Hồ Quý Ly.

       Súng Thần Công của triều đại nhà Hồ có đầy đủ các bộ phận và công năng của súng “thần công” ở những thế kỷ sau này và chế tác thành 2 loại: Loại nhỏ là súng cầm tay dùng cho Bộ binh, loại lớn được đặt cố định để bảo vệ thành hoặc dùng xe kéo cơ động để phòng thủ hoặc tấn công thành trì. Việc phát minh ra súng thần công của triều đại nhà Hồ đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới đối với lịch sử quân sự Việt Nam và Thế giới đó là kỷ nguyên quân sự dùng súng và thuốc súng.

       b. Những cải cách của Vương triều Hồ

       Các chính sách cải cách của Hồ Quý Ly rất toàn diện, táo bạo trên khắp các lĩnh vực chính trị, hành chính, quốc phòng, tài chính, tư tưởng, văn hóa xã hội, giáo dục, trong đó, cải cách về tư tưởng, văn hóa, giáo dục được coi là tiến bộ nhất.

       Một trong những cải cách tiêu biểu và có ảnh hưởng đến lịch sử của nước ta không chỉ thời bấy giờ mà cả về sau và vươn tầm thế giới, như: súng thần công, cải cách tiền giấy, đóng thuyền cổ lâu, ban hành chữ Nôm, cải cách thi cử....

       IV. Trưng bày đá xây thành làm điểm check - in tại khuôn viên cổng Nam

       Trong quá trình chế tác và xây dựng, một số viên đá không đủ điều kiện về kích thước và hình thức đã được bỏ lại dọc chân tường thành. Trong đó nhiều nhất tại khu vực chân tường thành phía Bắc Thành Nhà Hồ. Những phiến đá này được Trung tâm vận chuyển về và sắp xếp thành mô hình kiến trúc tường thành phục vụ khách tham quan, check – in. Tại đây du khách không chỉ được quan sát các quy mô, tính bề thế của bức tường thành mà còn thấy được quá trình chế tác, đục đẽo đá trước khi lựa chọn để đưa lên ghép trên tường thành.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm