Thành Nhà Hồ, 29/03/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 5

    Hôm nay: 147

    Đã truy cập: 987126

BÁO CÁO KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU KHAI QUẬT CẮT TƯỜNG THÀNH ĐÔNG BẮC-THÀNH NHÀ HỒ NĂM 2018

Thực hiện Quyết định số 2118/QĐ-BVHTTDL, ngày 6 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ thực hiện khai quật cắt tường thành phía Đông Bắc-thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Các hố khai quật được ký hiệu 18.TNH-TTĐB.H1; 18.TNH-TTĐB.H2; 18.TNH-TTĐB.TS1 với tổng diện tích 400m2 nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật gia cố lớp đất đắp trên tường thành, lớp móng gia cố và nền gia cố chân thành khu vực tường thành phía Đông Bắc thành Nhà Hồ. Cuộc khai quật đã thu được một số kết quả bước đầu.

        I.Diễn biến địa tầng
 
       I.1. Diễn biến địa tầng hố khai quật 18.TNH-TTĐB.H1
 
       Nhìn chung các lớp đất đắp diễn biến khá thuần nhất từ muộn xuống sớm với các tầng đất đắp đảo ngược từ dưới lên trên. Mặt bằng hố cắt chạy dài theo chiều Bắc - Nam cắt phần đất đắp phía trong thành đá và một phần tường đá bị sát lở xuống phía dưới chân thành.
 
       - Lớp mặt: Là lớp màu xám đen, kết cấu không chặt, lớp đất màu có lẫn cỏ và cây bụi, ngoài ra còn lẫn một phần nhỏ các mảnh vật liệu gạch, ngói nằm xáo trộn vào lớp đất, độ dày lớp trung bình từ 15-25cm.
 
       - Lớp san lấp: Là lớp vật liệu gạch, ngói phủ kín gần như toàn bộ bề mặt hố từ khu vực mặt tường thành tới khu vực nền chân thành, độ dày lớp trung bình 20cm. Di vật đặc trưng là các loại hình vật liệu gạch vồ đỏ, xám thời Lê, gạch chữ nhật đỏ thời Lý-Trần-Hồ, ngói phẳng thời Trần, ngói cong lòng máng thời Lê và một số mảnh sành, sứ thời Trần-Lê.
 
       - Lớp đất đắp tường thành chia thành khu vực mặt thành và phần chân thành: + Khu vực bề mặt tường thành:
Lớp 1 là lớp vật liệu sỏi cuội và đất sét đầm, đây là lớp gia cố phía trên mặt tường thành (độ rộng tường từ 8,5-9m), với kỹ thuật đầm lèn sỏi cuội và đất sét thành từng lớp kiên cố, tổng số có 29 lớp gia cố, dày 1,5m. Đặc trưng sỏi cuội trong các lớp là sỏi cuội song kết hợp với đất sét vàng nhạt, xám đen, các lớp sỏi có kích thước nhỏ nằm ở các lớp trên và kích thước sỏi lớn dần khi xuống các lớp gia cố dưới. Kích thước các lớp sỏi cuội gia cố trung bình từ 4-6cm, lớp đất sét vàng nhạt lẫn sét đỏ, xám xanh trung bình từ 9-12cm. Kỹ thuật đầm từng lớp chắc chắn và công phu, tỉ mỉ.
 
       Tiếp phía dưới lớp sỏi cuội là lớp dăm đá kích thước nhỏ, dày trung bình 0,2m và lớp đá khối màu trắng xám, kích thước đá nhỏ trung bình dài từ 15-20cm, rộng từ 13-18cm, dày 7-15cm, độ dày lớp là 0,5m.
 
       Lớp 2 là lớp sét đỏ, vàng, xanh, lẫn các vệt sét xám đen và cát chạy dài trên bề mặt tường đất và xuôi dần xuống phía dưới nền chân thành phía trong, phía dưới lẫn nhiều hạt sạn sỏi laterit. Kỹ thuật đầm từng lớp và phân tách khá rõ trong quá trình bóc tách các lớp đào. Đặc trưng lớp đầm theo triền dốc của phần tường đất, có phần dày từ mặt tường đất xuống (0,50-0,55m) và phần thoải khu vực chân tường phía trong. Phía dưới lớp sỏi trên bề mặt tường thành là lớp vật liệu đá khối kích thước nhỏ lẫn sét gia cố tạo theo địa hình dốc tường thành.
 
       + Lớp 3 là lớp đất sét vàng nhạt, đỏ, lẫn nhiều sạn cát, độ dày lớp cao trung bình 1m, đây là lớp đầm chặt và khá tách biệt so với lớp đầm phía dưới.
 
       + Lớp 4 là lớp đất sét đỏ, lẫn nhiều cụm sét xám, lớp này khá đều mặt bằng và chạy dài đều trên vách cắt tường thành, được chia tách thành ba phần nhỏ:
 
       • Lớp đất đỏ nhạt lẫn ít vệt sét xám đen dày trung bình 0,25-0,3m
 
       • Lớp đất cát mỏng, cát vàng hạt thô tô, chạy khá đều lớp trong khu vực mặt tường thành, độ dày lớp trung bình 0,05-0,1m.
 
       • Lớp đất sét xám đen, lẫn ít sét đỏ, đầm chặt, chạy đều lớp, bao phủ tới khu vực nền chân thành phía trên, dày trung bình 0,1-0,15m.
 
       + Lớp 5 là lớp đất sét vàng nhạt lẫn nhiều sạn cát nhỏ, sỏi laterit và sét xám xanh, lớp này tiếp tục chạy dài đều theo bề mặt tường thành và nằm song song với lớp đất sét 04, độ dày trung bình 0,8m. Hai lớp này tạo thành mặt bằng cho khu vực tường thành và tương đương với lớp gia cố bằng vật liệu đá và sỏi cuội khu vực chân thành phía trong.
       
       + Lớp 6 là lớp sét xám đen, chạy đều lớp, song song với lớp sét vàng nhạt phía trên và được đầm lèn chặt, độ dày 0,18-0,2m.
 
       + Lớp 7 là lớp sét vàng lẫn cát vàng đầm lèn chặt, ngăn cách với hai lớp đất xám đen phía trên và dưới, độ dày 0,06-0,08m.
 
       + Lớp 8 là lớp đất xám đen, đầm chặt chạy từ bề mặt tường thành xuống nền chân thành, đều lớp, độ dày lớp trung bình 0,18-0,2m.
 
       + Lớp 9 là lớp sét vàng lẫn ít cát vàng đầm lèn chặt, ngăn cách với hai lớp đất xám đen phía trên và dưới, độ dày 0,08-0,1m.
       
       + Lớp 10 là lớp đất xám đen thuần nhất, đầm chặt chạy từ bề mặt tường thành xuống nền chân thành, đều lớp, độ dày lớp trung bình 0,5-0,6m. Đây là lớp đất xám đen phía trên tầng đất khu vực này, và được lộn ngược đầm lèn thành từng lớp khi tầng đất phía trên được đầm xuống phía dưới.
 
       + Lớp 11 là lớp đất sét đỏ sẫm lẫn nhiều sạn cát laterit, đất được đầm lèn chặt, thành từng lớp chắc chắn và ngăn cách khá rõ với lớp đất xám đen phía trên và phía dưới là lớp sét vàng dạng gan gà phía dưới, độ dày lớp trung bình 1,7-1,8m. Đây có thể lớp sinh thổ của tầng đất đối khu vực này với kết cấu chặt, cứng đanh và không có dấu tích hoạt động của con người.
       -  Lớp nền gia cố chân thành
 
       + Ngoài các lớp đất L01-05 phía trên, khu vực nền chân thành phía trong được thấy rõ lớp sét xám xanh, mỏng và khá đều lớp, nằm trên lớp sỏi cuội, đá dăm và sét vàng đầm chặt, độ dày lớp trung bình 0,03-0,05cm. Tiếp đến là lớp sét vàng phủ kín bề mặt gia cố nền chân thành, chạy đều lớp, độ dày trung bình 0,07-0,09m. Đây là lớp phân tách với lớp vật liệu đá, sét và cát gia cố khu vực chân thành phía trong.
 
       + Lớp gia cố dăm đá kích thước nhỏ (1,2x5cm), chủ yếu là đá dăm màu xanh nhạt và sỏi cuội được đầm chặt tạo đường đi phía trong chân thành. Đây là phần gia cố chắc chắn cho khu vực tường đất và thành đá phía trên. Tổng số có 7 lớp gia cố sỏi cuội kích thước nhỏ và sét vàng nhạt, xám đỏ đầm lèn thành từng lớp, độ dày lớp sỏi 3-5cm, lớp sét là 6-7cm. Lớp gia cố này có kích thước xuất lộ chiều Bắc-Nam là 5,2m, dày 0,4 m.
 
       + Phía dưới lớp gia cố chân thành là lớp đất sét đỏ phủ kín toàn bộ khu vực tường thành, đều lớp, độ dày trung bình 1,7-1,8m, phía dưới là lớp sét vàng. Lớp đất này có cao độ -1,6m so với Cos 0 tại khu vực Cổng Nam.
 
       Có thể thấy, đặc trưng đầm tường thành thể hiện với kết cấu sỏi cuội, sét vàng, đỏ, xám xanh và sạn cát hạt thô, kỹ thuật đầm tạo lớp rõ, kết cấu các lớp chắc chắn, chặt. Các màu đất từ trên xuống dưới lộn ngược so với tầng đất tự nhiên khu vực này. Sự tách biệt loại hình đất sét có sự tương đối, xen lẫn các lớp cát vàng mỏng. Yếu tố thành tạo của nguồn nguyên liệu mang rõ yếu tố môi trường tự nhiên. Trong các lớp đất đắp nền nằm trong lớp đất sét và sinh thổ phía dưới, đây có thể là lớp đất được lấy khi mở rộng lớp lòng hào phía ngoài.
 
       I.2. Diễn biến địa tầng hố khai quật 18.TNH-TTĐB.H2
 
       Lớp đất san lấp: Lớp đất san lấp trong giai đoạn muộn chỉ nằm ở khu vực vách Tây Nam hố khai quật gần phạm vi đường bê tông mới khu vực Đông Bắc thành Nhà Hồ. Đây là lớp đất màu nâu xám, chất đất tơi xốp, lẫn nhiều vật liệu gạch, ngói thời Trần-Hồ và Lê, đồng thời thấy rõ phần vôi trắng giai đoạn muộn nằm lẫn trong tầng đất, độ dày từ 0,35-0,4m tương ứng với lớp mặt. Đây là phần đất san lấp khi hoàn thành việc dựng lại phần tường đá đổ vào giai đoạn muộn.
 
       Lớp đất canh tác: Bề mặt hố khai quật là lớp cỏ phủ kín hố và lớp đất sét xám nhạt, tơi, xốp, độ dày không đều nhau, trung bình từ 0,1-0,2m. Di vật trong lớp mặt xuất lộ không nhiều, chủ yếu là các mảnh dăm đá giai đoạn muộn nằm lẫn trong đất, sỏi cuội kích thước nhỏ, một số khối đá với nhiều kích thước khác nhau nằm ngổn ngang trong phạm vi hố khai quật, mảnh gạch, ngói phân bố không đều. Đây là lớp đất canh tác thuộc giai đoạn muộn.
 
       Phía dưới lớp đất canh tác là phần xuất lộ hệ thống đá dăm, đá khối kích thước nhỏ và gạch chữ nhật thời Trần-Hồ nằm ngay trên bề mặt. Ngoài ra, sự xuất hiện của các hố đào giai đoạn thời Lê và giai đoạn muộn sau này. Các hố đen này nằm rải rác trong hố khai quật với đặc trưng đất xám đen, đất mềm, tơi và lẫn ít hiện vật gốm men, sành thời Trần-Hồ-Lê. Các hố đào này ăn khá sâu xuống tầng sét đỏ phía dưới, trung bình độ sâu từ 0,4-0,5m. Hố đen nằm chạy dài theo chiều Đông-Tây và tiếp tục ăn sâu vào hai vách hố còn thấy rõ phần đá dăm trắng xám, thô, kích thước đá nhỏ, đất sét màu đen, tơi, đây là hố san lấp hai giai đoạn sớm và phía trên mặt là lớp lấp giai đoạn muộn. Di vật phía dưới có xuất lộ có hiện vật gạch, ngói, sành sứ thời Trần-Hồ-Lê.
 
       Đồng thời mặt trên các hố đen thời Lê còn thấy rõ các lớp đất sét đỏ lẫn ít sét vàng nhạt và sỏi cuội đầm chặt, đây là lớp vật liệu gia cố phần tường thành phía bên trong thành đá thời Hồ. Tuy nhiên, có thể do quá trình tu sửa lại khu vực thành đá giai đoạn sau vì thế sự có mặt của lớp vật liệu này nằm trên các hố đen thời Lê là có thể giải thích được.
 
       Lớp sét màu đỏ lẫn sét vàng nhạt: Đây là lớp đất sét giống với lớp đất phía trong khu vực tường thành, Lớp đất đỏ và lớp đất vàng có thể là lớp sinh thổ trong toàn bộ khu vực, đất khá thuần, rắn liên kết chặt, được gia cố chắc chắn, độ dày lớp khá đều từ 2,2-2,3m. Di vật không xuất lộ trong tầng đất này.
 
       I.3. Diễn biến địa tầng hố thám sát 18.TNH-TTĐB.TS1 - Khu vưc gia cố móng tường thành phía Bắc
 
       + Phía trên lớp đất xám đen và lớp đá dăm lẫn cát đen giai đoạn muộn nằm trên bề mặt, độ dày lớp 0,1-0,2m. Đây là lớp vật liệu còn lại khi hoàn thành đoạn đường bê tông chạy quanh tường thành.
 
       + Lớp vật liệu san lấp gạch, ngói sành sứ lẫn đá khối kích thước nhỏ có lẫn các vệt vôi trắng, đây là lớp vật liệu san lấp khi hoàn thành tu sửa đoạn tường đổ vào giai đoạn muộn, độ dày lớp trung bình 0,3-0,4m
 
       + Lớp dăm đá phủ phía trên lớp đất sét đỏ gia cố phần chân tường thành, độ dày lớp 0,05-0,1m.
 
       + Lớp đất sét đỏ phủ phía trên lớp nền đá gia cố chân tường, dày trung bình 0,3-0,4m. Lớp đất này phủ kín bề mặt rộng của nền đá gia cố chân thành với hệ thống đá khối kích thước nhỏ gia cố thành từng lớp tạo độ chắc chắn, độ rộng nền gia cố phía ngoài rộng 2,5m, sâu 1,15-1,2m.
 
       + Lớp đất sét đỏ phủ kín toàn bộ hố khai quật và đều toàn bộ khu vực này.
 
       II. Di tích:
 
       II.1.Di tích hố khai quật 18.TNH-TTĐB.H1
 
         Dấu tích kiến trúc thời Lê sơ
 
       + Trong mặt bằng hố khai quật xuất lộ kiến trúc thời Lê sơ với vật liệu gạch vồ xếp thành hành chạy dài theo chiều Đông-Tây, vị trí nằm trong khu vực góc Đông Bắc hố khai quật, hiện trạng thấy rõ hàng gạch vồ chạy dài theo chiều Bắc-Nam còn lại 1 hàng, dài 1,9m, nền gạch chữ nhật xếp tạo nền bên trong (phía Đông) và phần gạch xếp tạo bậc lên xuống phía Tây, hiện trạng còn lại hai lớp gạch chồng xếp lên nhau (rộng 1,2m). Phần gia cố bờ kè bó phía sườn tường thành tạo mặt phẳng cho kiến trúc phía trên. Loại hình vật liệu gạch chữ nhật có niên đại thời Lý-Trần-Hồ và Lê sơ.
 
       Ngoài ra, khu vực phía trên kiến trúc Lê sơ là lớp sét xám xanh đầm lèn tạo phần đất gia cố bên trong tường thành khu vực phía Bắc và Đông-Tây và các loại hình gạch chữ nhật thời Lý-Trần-Hồ, ngói phẳng thời Trần-Hồ, ngói cong lòng máng thời Lê sơ và loại hình sành sứ có niên đại Trần-Lê. Phía dưới là lớp đất sét đỏ, vàng sỏi cuội đầm lèn thành tạo toàn bộ khu vực tường thành phía Đông Bắc, lớp gia cố này có niên đại thời Hồ và kéo dài xuống lớp sinh thổ.
 
       II.2.Di tích hố khai quật 18.TNH-TTĐB.TS1 Dấu tích kiến trúc nền gia cố chân tường thành
 
       Ngoài dấu tích các lớp đất giai đoạn muộn nằm phủ lên dấu tích móng tường phía Đông Bắc. Địa tầng di tích bắt đầu bằng lớp dăm đá kết hợp với lớp sét xám xanh mỏng đầm chắc, phủ đều lớp và nằm trên lớp đất sét đỏ, độ dày lớp trung bình từ 0,06-0,08m.
 
       Phía dưới lớp đất sét đỏ đầm chặt kết hợp với đá khối kích thước nhỏ và trung bình tạo thành lớp gia cố chắc chắn cho khu vực tường thành. Phía dưới lớp đất sét đầm là lớp dăm đá kích thước nhỏ, trung bình từ 1cm đến 1,5cm, màu xanh thẫm, cạnh sắc, lớp dăm phủ kín toàn bộ bề mặt nền đá tạo độ kết dính chắc chắn, độ dày trung bình 0,07-0,01m và hệ thống đá tảng và đá khối kích thước lớn xếp tạo nền gia cố, kích thước móng tường thành rộng 2,5m, dày 1,15-1,2m với 5 lớp đá khối kích thước nhỏ và trung bình gia cố chắc chắn.
 
       Phía dưới đáy móng là lớp cát vàng lẫn sét vàng nhạt tạo thành lớp lót đáy, chống nước, chống ẩm. Đây là lớp cuối cùng của phần móng gia cố tường đá phía Đông Bắc, độ dày lớp trung bình 0,15m. Với tính chất giữ nước tốt của đất sét kết hợp với đá gia cố tạo cho móng tường thành chịu được những khối đá tảng lớn phía trên tường thành.
 
       III. Di vật:
 
       Di vật thu được trong hố khai quật chủ yếu nằm trên bề mặt trên khu vực đất đầm tường thành, lớp đất san lấp bao gồm các loại hình chính: Nhóm các loại hình vật liệu kiến trúc; Nhóm các loại hình đồ dùng sinh hoạt hàng ngày; Nhóm công cụ sản xuất.
 
       Vật liệu kiến trúc: Các loại hình vật liệu kiến trúc thu được ở hố khai quật khá phong phú, đa dạng về loại hình và chất liệu thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, gồm các loại hình gạch chữ nhật đỏ, gạch in/khắc chữ hán thời Lý-Trần-Hồ, gạch vuông trang trí thời Lý-Trần, gạch trang trí hoa cúc dây thời Lê sơ, gạch vồ xám thời Lê sơ, ngói mũi sen, ngói phẳng và các mảnh lá đề rồng, mảnh trang trí rồng thời Trần.
 
       Đồ dùng sinh hoạt: Các loại hình đồ dùng sinh hoạt khá phong phú bao gồm các loại hình gốm sứ như bát gốm men trắng, hoa lam, men nâu, men ngọc. Đồ sành gồm các loại hình lon, vò, một số mảnh nồi gốm. Các di vật này có niên đại di vật kéo dài từ thời tiền Lý-Trần-Hồ-Lê sơ.
 
       IV. Nhận xét sơ bộ:
 
       Về di tích: Hố khai quật cung cấp nguồn tư liệu về cấu trúc tường thành thành Nhà Hồ bao gồm móng tường gia cố, đất đầm lèn phía trong thành, và hệ thống nền gia cố bên ngoài thành. Kiến trúc tường thành phía Đông Bắc với dấu tích móng gia cố bằng sỏi cuội, đất sét lẫn nhiều sạn sỏi đầu ruồi (laterite) đầm gia cố. Kiến trúc tường thành phía trong bao gồm các lớp đất gia cố phía trên, kết cấu chặt. Móng tường gia cố công phủ, chắc chắn, tỉ mỉ với nhiều lớp đầm chặt, vật liệu kích thước lớp được sắp đặt công phu.
 
       Về di vật: Có thể nói di vật trong hố có số lượng không nhiều về loại hình, chất liệu, hoa văn và được chia làm các nhóm di vật chủ yếu thu được trong cuộc khai quật. Đó là nhóm các vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đá khối, trang trí kiến trúc và nhóm các loại hình đồ dùng trong sinh hoạt như sành, sứ, tiền kim loại. Niên đại hiện vật chủ yếu thuộc niên đại Lý-Trần-Hồ-Lê. Các nhóm hiện vật tập trung trong các lớp từ lớp L01 đến lớp L02. Trong lớp đất sét xám lẫn ít sét vàng nhạt. Phía dưới tầng đất đầm lèn phân bố trên toàn bộ mặt bằng lớp đào của hố khai quật, đất thuần và hầu như không xuất lộ hiện vật. Có thể thấy niên đại di vật kéo dài từ giai đoạn tiền Thăng Long tới thời Lê.
 
       Kiến nghị: Qua kết quả khai quật khu vực tường thành phía Đông Bắc cho thấy quy mô kết cấu tường thành vô cùng phức tạp, kiên cố ở khu vực thành Nhà Hồ. Khu vực đất trong tường thành được gia cố chắc chắn bằng đá khối và nền sét đầm lèn. Khu vực nền gia cố chân thành phía trong đã làm rõ lớp đất đắp nền tạo nên gia cố. Móng tường thành được tạo dựng một cách công phu, tỉ mỉ với độ chịu lực cao.
 
       Với những kết quả bước đầu về khu vực tường thành phía Đông Bắc thành Nhà Hồ tạo căn cứ khoa học cho việc trùng tu lại khu vực tường thành phía Bắc và làm rõ được cấu trúc gia cố thành đất bên trong thân tường đá. Điều này khẳng định công cuộc xây dựng thành đá quy mô và đồ sộ của một vương triều xưa. Như Đỗ Văn Ninh đã khẳng định trong cuốn Thành cổ Việt Nam “Những khối đá xanh khổng lồ đẽo vuông thành sắc cạnh xây khắp bốn mặt tường thành-một hiện tượng chưa hề gặp ở bất cứ một công trình quân sự cổ nào trên đất nước ta”.
 
Nguồn: - Viện Khảo Cổ Học

              - TT.BT.DS. Thành Nhà Hồ

 
 
 
 
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm