Thành Nhà Hồ, 26/04/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 6

    Hôm nay: 964

    Đã truy cập: 1013381

TỪ KINH THÀNH TÂY ĐÔ ĐẾN LÀNG CỔ KHU VỰC DI SẢN THẾ GIỚI THÀNH NHÀ HỒ

Thành nhà Hồ (thành Tây Đô) là tòa thành cổ và là một trong số các di sản văn hóa tiêu biểu của nhà Hồ để lại. Thành nhà Hồ nằm trong không gian văn hóa Tây Đô. Năm 2011, tòa thành này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

        Môi trường văn hóa vừa là nền cảnh, vừa là điểm tựa làm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của vùng văn hóa Tây Đô. Cùng với di sản Thành nhà Hồ, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng cổ khu vực thành đã tạo nên một quần thể di sản văn hóa đặc sắc. Không thể hiểu hết những giá trị của không gian di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ nếu không đi sâu tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô. Trong đó, di sản các làng cổ là một trong những thành tố quyết định tạo nên giá trị truyền thống và đặc trưng văn hóa Tây Đô.

       Điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử và môi trường xã hội của Tây Đô là những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sáng tạo văn hóa trên vùng đất này. Trong khu vực của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ còn hiện hữu nhiều làng cổ có lịch sử đồng đại hoặc lịch đại so với sự ra đời và tồn tại của vương triều Hồ, kinh thành Tây Đô. Mặc dù đã trải qua những biến đổi, nhưng cấu trúc và đặc điểm của các làng cổ trên vùng đất cố đô cho đến nay vẫn còn những dấu ấn của một thời kỳ là Tây Đô. Kinh đô của vương triều Hồ có nhiều đặc điểm và giá trị văn hóa độc đáo không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Một công trình đặc biệt như vậy lại được hoàn thành trong thời gian rất ngắn (3 tháng) là một hiện tượng độc đáo. Do đó, xung quanh việc xây dựng kinh đô và bản thân tòa thành có rất nhiều bí ẩn mà đến nay những kiến giải vẫn còn đang để ngỏ(1).

       Năm nay (2021), Thành nhà Hồ tròn 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Việc khảo cứu sâu các làng cổ khu vực quanh thành sẽ bổ sung những nhận thức khoa học mới về kinh thành Tây Đô, đồng thời góp phần làm sáng tỏ các giá trị lịch sử - văn hóa và giải mã những ẩn số của tòa thành.

1. Vài nét về vùng đất Tây Đô trước khi trở thành kinh đô

Thành Nhà Hồ nhìn từ trên cao

        Nằm ở trung lưu châu thổ sông Mã, khu vực khá thuận lợi cho con người tụ cư nên ngay từ thời dựng nước trên vùng đất Tây Đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã có con người đến khai phá, lập làng. Đến trước khi trở thành kinh đô đất nước (Tây Đô), nơi đây cũng là làng quê nông nghiệp truyền thống của xứ Thanh. Từ khi được chọn dựng kinh đô mới, vùng đất này “đã trở nên trù mật một cách đột biến mà nguyên nhân chủ yếu là quá trình di cư, lập làng mới”(2).

       Tây Đô là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử là yếu tố cơ bản tạo nên cho Tây Đô trở thành nơi hội tụ của nhiều luồng cư dân và diễn ra quá trình giao thoa văn hóa khác nhau(3). Nằm ở vùng chuyển tiếp từ miền núi xuống đồng bằng nên Tây Đô không chỉ là địa bàn cư trú của người Kinh (người Việt) mà vùng đất này còn là nơi sinh sống của người Mường.

       Di chỉ Đa Bút (cách ngày nay hơn 7.000 năm) và trống Đông Sơn phát hiện trên vùng đất này là chứng cứ hoạt động của người nguyên thủy và là địa bàn của người Việt thời kỳ dựng nước. Đặc biệt, việc xây thành, dời đô về An Tôn (cuối thế kỷ XIV) đã tạo ra bước ngoặt về sự biến đổi đối với vùng đất Tây Đô. Từ một miền quê, vùng đất này đã trở thành kinh đô đất nước.

        Tây Đô là vùng đất trước thuộc huyện Vĩnh Ninh, phủ Thanh Hóa - nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa nói chung và Tây Đô nói riêng là vùng đất từng có con người cổ sinh sống.

       Từ thời đại đá mới, vùng đất Vĩnh Lộc đã là nơi sinh sống của chủ nhân văn hóa Đa Bút, cách ngày nay 9.000 đến 5.000 năm. Đa Bút là tên một làng cổ nằm dưới chân núi Mông Cù, bên bờ sông Mã thuộc xã Minh Tân(4). Tại nơi đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một dạng thức văn hóa thuộc thời đại đồ đá mới, sau này được khái quát là Văn hóa Đa Bút. Cư dân Đa Bút là người đầu tiên chiếm lĩnh khai phá và định cư sản xuất nông nghiệp vùng châu thổ sông Mã. Sự tồn tại của văn hóa Đa Bút trên đất Vĩnh Lộc đã khẳng định đây là vùng đất cổ, thuận lợi cho việc cư trú lâu dài của con người(5).

       Thời kỳ dựng nước, Tây Đô là vùng đất thuộc Bộ Cửu Chân - một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Dấu tích cư dân cổ đã được phát hiện tại Phà Công (Vĩnh Khang), Vĩnh Ninh, núi Sen (Vĩnh An) với nhiều hiện vật có liên quan đến thời kỳ các vua Hùng dựng nước. Đặc biệt, Vĩnh Lộc là nơi phát hiện được nhiều trống Đông Sơn tiêu biểu như trống Vĩnh Ninh, trống Đa Bút.

       Thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất Ngã Ba Bông là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng, nối Giao Chỉ phía Bắc với Cửu Chân ở phương Nam. Những ngôi mộ thuộc Hán - Đường được phát hiện trên đôi bờ sông Mã từ Vĩnh Thành (nay thuộc thị trấn Vĩnh Lộc) cho đến Vĩnh An đã khẳng định vị thế của vùng đất này trong thời kỳ Bắc thuộc.

       Thời kỳ độc lập tự chủ, Tây Đô cùng các vùng đất thuộc hạ lưu sông Mã là một trong địa bàn quan trọng của cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu lãnh đạo (năm 248). Đồng thời, cư dân vùng đất này cũng đã theo Dương Đình Nghệ làm nên sự nghiệp vẻ vang vào thế kỷ X- thế kỷ bản lề của dân tộc.

        Trong giai đoạn đầu của thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ, các triều đại Đinh và Tiền Lê đã thi hành một số biện pháp khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện mở mang ruộng đất vùng ven bờ sông Mã nói chung và Tây Đô nói riêng.

       Thời Lý, phủ Thanh Hóa được triều đình đặc biệt quan tâm. Ruộng đất ở Tây Đô và một số nơi khác được triều đình phân phong cho một số quan lại có công lớn. Lý Thường Kiệt là người có công “đánh Tống, bình Chiêm” nên không những được trực tiếp cai quản phủ Thanh Hóa (1081-1101) mà còn được ban thêm một quận làm thực ấp. Dưới triều Lý Thần Tông, Thái uý Đỗ Anh Vũ cũng được vua ban đất phủ Thanh Hóa làm thực ấp.

       Dưới thời Lý, Phật giáo phát triển mạnh. Trên đất Tây Đô có rất nhiều ngôi chùa lớn được tạo dựng trong đó tiêu biểu nhất là chùa Trang Cát trên Ốc Sơn và chùa Linh Xứng (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung ngày nay). Sự hiện diện của các ngôi chùa lớn ở một số làng cổ khu vực bờ bắc sông Lèn chứng tỏ vùng đất này đã trở thành một trung tâm Phật giáo của đất Cửu Chân. Sự phát triển của Phật giáo kéo theo sự phát triển và mở rộng của loại hình ruộng chùa.

       Thời Trần, bên cạnh chính sách lấy một phần ruộng đất công làng xã ban cấp cho công thần như triều Lý, vào năm 1266 triều đình đã ban hành chính sách cho phép vương hầu quý tộc, công chúa chiêu mộ dân phiêu tán đi khai khẩn đất hoang ven sông, ven biển lập nên các điền trang tư nhân.

       Nhà Trần còn có chính sách ban cấp thái ấp cho các vương hầu quý tộc nên vùng đất ven sông Mã thuộc xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc) là thái ấp của Lê Phụ Trần. Do có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên nên Lê Phụ Trần đã được phong thái ấp trên vùng đất này. Sự phát triển của thái ấp Lê Phụ Trần đã góp phần mở mang vùng đất Tây Đô nằm giữa sông Mã và sông Bưởi.

        Cùng với quá trình di dân và định cư dọc theo đôi bờ sông Mã thì sự giao lưu văn hóa khu vực ngày càng mở rộng. Các ngôi chùa xây dựng thời Trần- Hồ như chùa Du Anh (chùa Thông) mang tên công chúa Du Anh thuộc địa phận xã Vĩnh Ninh; chùa Hoa Long (Vĩnh Thành nay thuộc thị trấn Vĩnh Lộc) và chùa Linh Giang thuộc thôn Phú Lĩnh (xã Vĩnh Tiến) đã cho thấy phần nào sự phát triển của cư dân nơi.

       Từ rất sớm cư dân vùng đất Tây Đô đã khai phá đất đai men theo các dãy núi đá vôi và chân đồi thấp. Việc khai phá đất đai ven núi, dần dần hình thành các cánh đồng (Đồng Mo, vườn Thung, Đồng Thung, Đa Tán, Cáo Con, Cồn Dưới, Dọc Dài, Dọc Quán Tượng, Đồng Bún, Đồng Chân...) và biến vực sâu do núi chắn ngang dòng sông Mã thành những cánh đồng màu. Từ các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung, Yên Định, Nga Sơn... và một số tỉnh phía Bắc, các dòng họ như họ Vũ, Trịnh Lưu, Phạm, Lê... ở các thời điểm khác nhau đã đến khai phá vùng đất thuộc tả ngạn sông Mã và men theo các dãy núi lớn như Mông Cù, Kim Sơn... Các dòng họ đến sinh sống lập nghiệp, dân cư dần dần đông đúc và hình thành các làng xã.

       Như vậy, cùng với quá trình khai phá đất đai ven sông Mã và sông Bưởi, hình thành nên các cánh đồng bãi được bồi đắp phù sa với diện tích khá lớn là sự hình thành các làng xã. Do đó, trước khi trở thành trung tâm chính trị của cả nước, các làng xã vùng đất Tây Đô đã có lịch sử phát triển lâu đời.

2. Việc xây thành, dời đô và sự biến đổi làng xã

        Cuộc dời đô từ Thăng Long về Tây Đô cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV đã tác động mạnh mẽ đến vùng đất được chọn làm kinh đô - Tây Đô. Quá trình xây dựng Kinh thành Tây Đô cùng những cải cách của Hồ Quý Ly đã biến vùng đất An Tôn từ một miền quê nghèo “cuối nước đầu non” trở thành trung tâm chính trị cả nước và đồng thời đã hình thành nên nơi đây một khu hành chính kinh đô.

       Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết “Đinh Sửu (Quang Thái) năm thứ 10 (1397)- Minh Hồng Vũ năm thứ 30), mùa xuân, tháng Giêng sai Lại bộ Thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất”(6). Hơn một năm sau (15/3/1398), việc dời đô từ Thăng Long về An Tôn đ¬ược thực hiện. Vùng đất An Tôn chính thức là kinh đô (Tây Đô), trung tâm chính trị của Đại Việt và Đại Ngu qua hai vương triều; Trần (1398 - 1400) và Hồ (1400 - 1007). Tây Đô “là kinh thành của vương triều mới, thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất nước. Vì vậy, thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành nhà Hồ”(7). Từ năm 1408 cho đến năm 1593, tòa thành luôn chiếm giữ vị trí trọng điểm chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa của Đại Việt ở khu vực miền Trung.

       Hồ Quý Ly là người thiết kế, thi công và trực tiếp chỉ đạo xây dựng thành An Tôn. Ông còn đóng vai trò quyết định trong việc thiên đô (từ Thăng Long vào An Tôn), thay đổi triều đại (từ vương triều Trần sang vương triều Hồ), mở ra triều đại mới với những toan tính kỹ lưỡng. Việt sử thông giám cương mục, chính sử Việt Nam thời Nguyễn (thế kỷ XIX) chép: “Trước đây, Quý Ly kiến nghị muốn dời kinh đô đến An Tôn, Hành khiển Phạm Cự Luận can ngăn Quý Ly nói “Chí ta đã quyết định từ trước, nhà ngươi còn nói làm gì nữa?”(8). Bởi vậy, năm 1397 đất An Tôn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã được Hồ Quý Ly (người khai sinh ra vương triều Hồ) chọn là nơi dựng đô.

        Hồ Quý Ly chọn và xây dựng kinh đô đất nước tại vùng đất An Tôn thì mọi hoạt động không chỉ có tác động làm biến chuyển vùng đất này trong thời gian là trung tâm của cả nước, mà còn có ảnh hưởng sâu sắc trong các giai đoạn lịch sử sau này.

       Trước khi thành Tây Đô được xây dựng, dân cư vùng này rất thưa thớt. Để xây dựng và phục vụ nhu cầu kinh đô mới, Hồ Quý Ly đã cho di dời dân trong khu vực đi nơi khác. Làng Tây Giai và làng Đông Môn đã phải di dời cho việc xây dựng kinh thành, còn làng Thắng Hào bị xoá tên(9). Cùng với hiện tượng dân địa phương bị di dời và một số làng bị xoá tên thì một số làng mới lại được hình thành và phát triển. Đây là các làng được hình thành từ ba nguồn: di dân trong vùng, dân từ nơi khác đến định cư và lực lượng vốn là binh lính thường trực của triều đình.

       Kinh thành Tây Đô với hệ thống thành cao, hào sâu, cung điện và những công trình phục vụ Hoàng thành đã tạo cho Vĩnh Lộc một diện mạo mới, một trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước. Việc xây dựng kinh thành đã dẫn đến việc di dân hình thành làng mới và các thị tứ trên đôi bờ sông Mã. Những biến chuyển này đã tác động đến vùng đất Tây - Bắc của Thanh Hóa.

        Khi An Tôn trở thành kinh đô, tại khu vực quanh thành đã xuất hiện các công xưởng của triều đình, các cơ sở phục vụ đời sống văn hóa cung đình và hệ thống giao thông, đường phố kinh đô.

       Sự kiện dời đô là bước ngoặt quan trọng, tạo điều kiện cho các nghề thủ công và thương nghiệp ở Tây Đô có điều kiện phát triển, đáp ứng yêu cầu của triều đình và đời sống của cư dân.

       Vùng đất An Tôn là nơi có địa hình đa dạng nên từ rất sớm đã hình thành các nghề thủ công truyền thống. Nguồn đá vôi dồi dào là tiền đề cho sự ra đời của nghề khai thác đá. Khi Hồ Quý Ly cho xây dựng toà thành đá trên vùng đất này, nghề khai thác tại địa phương đã có bước phát triển vượt bậc, không chỉ phục vụ nhu cầu tự cấp tự túc mà còn đáp ứng nhu cầu đá nung vôi và đá xây dựng (đá làm móng, đá làm thềm bó nền, đá làm chân tảng, đá ốp tường, vật liệu trang trí…).

       Thành Tây Đô là một công trình kiến trúc đồ sộ, tinh tế với sự tham gia của các nghệ nhân nổi tiếng trong cả nước. Nhiều địa danh khắc trên các loại gạch được phát hiện khi khai quật khảo cổ học ở thành Tây Đô không chỉ cho thấy nghề làm gạch ở vùng đất Vĩnh Lộc phát triển mà còn nói lên sự đóng góp của nhiều địa phương vào công cuộc kiến thiết kinh đô.

       Để đáp ứng yêu cầu phòng thủ của một kinh đô trong giai đoạn chuẩn bị chống xâm lược, các xưởng rèn đúc vũ khí, đóng thuyền chiến của triều đình nhanh chóng được hình thành, tạo điều kiện cho các nghề đúc, rèn, đóng thuyền trên vùng đất kinh kỳ phát triển. Việc Hồ Nguyên Trừng chế tạo thành công súng thần công là một thành tựu khoa học mà đóng góp cơ bản vẫn là vùng đất trung tâm của đất nước - Tây Đô.

       Vị thế kinh đô trên vùng đất Vĩnh Lộc đã tác động tích cực đến hệ thống giao thông thủy - bộ và làm thay đổi diện mạo vùng đất này. Một con đường có tên gọi Cống Đá (nay thuộc làng Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên) được xây dựng để chuyển vật liệu từ sông Mã vào công trường xây thành. Dấu vết của con đường này hiện vẫn còn lại nền đá cứng. Năm 1402, nhà Hồ cho “đắp đường đặt phố xá từ thành Tây Đô đến Hóa Châu… gọi là đường Thiên lý”. Dọc theo con đường này được đặt các trạm và các phố buôn bán… Sử sách không cho biết cụ thể nhà Hồ đã xây dựng bao nhiêu dinh thự trong thành, nhưng đầu thế kỷ XIX theo mô tả của Phan Huy Chú trong Hoàng Việt dư địa chí: “Các đường đi trong thành đều lát gạch hoa, nền móng đều bằng đá, bốn mặt thành đều dùng đá thanh làm móng vừa vuông vức vừa dày dặn thật là kiên cố. Hai bên thành thì có các dãy núi đá, sông Mã, sông Lương hợp làm thành một dòng ngay trước mặt”(10). Đường phố ở ngoài thành nội hiện còn lưu lại các địa danh như Tây Giai/ Nhai, Hoè Nhai, phố Giáng… Việc mở mang đường phố trong và ngoại thành kéo theo sự phát triển thương mại và thủ công nghiệp.

       Gắn liền với các cơ sở sản xuất và làng nghề thủ công, hệ thống chợ lần lượt được hình thành. Trong kinh thành có chợ Tây Giai, chợ Khả Lãng (phía Tây thành). Ở những vùng phụ cận cũng xuất hiện nhiều chợ quê có quy mô và có vai trò vị thế quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong vùng, góp phần lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế thương mại. Một số thị tứ, thị trấn cũng đã ra đời trong thời kỳ này.
Thị tứ đầu tiên được hình thành ở vùng đất ngã ba sông (Ngã Ba Bông và ngã ba cầu Công), là trung tâm kinh tế gắn liền với hệ thống giao thông đường thủy và có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của vùng đất Tây Đô.

       Từ một làng quê bên bờ sông Mã, với sự phát triển nổi trội về kinh tế nông nghiệp và buôn bán, làng Bồng hình thành thị trấn phố Bồng. Đồng thời với sự phát triển của loại hình kinh tế buôn bán đã hình thành những bến sông, chợ huyện và sự ra đời của thị trấn phố Giáng. Một kinh thành với hướng phát triển về phương Nam, nên vùng đất Tây Đô ngoài khu trung tâm kinh tế của huyện lỵ còn hình thành khu kinh tế phía Nam.

       Năm 1407, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh của nhà Hồ bị thất bại, triều Hồ kết thúc. Sự kiện lịch sử này đã chấm dứt luôn vai trò là kinh đô đất nước ở vùng đất Tây Đô. Từ một trung tâm của đất nước, Tây Đô trở thành thành luỹ của quân Minh, dân cư vùng đất này lại phiêu dạt nơi khác. Sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh thắng lợi, Lê Lợi đã hạ chiếu khuyến nông, kêu gọi dân phiêu tán trở về vỡ hóa, lập làng. Dân cũ từ các làng và dân từ nơi khác lưu tán thời chiến tranh, trở về làm ăn sinh sống tái lập làng xưa. Khi Thăng Long (Đông Đô) trở lại vị trí kinh đô thì mọi hoạt động của kinh thành Tây Đô đã thay bằng vùng đất cố đô với những làng quê nông nghiệp. Bằng chứng của một kinh đô xưa, trên vùng đất này giờ đây còn lưu lại là toà thành đá Tây Đô và di sản các làng cổ cùng tên gọi của các địa danh.

        Một số địa danh thuộc vùng đất Tây Đô đã có sự thay đổi cùng với diễn trình lịch sử địa phương và dân tộc. Theo đó, thành Tây Đô cũng mang nhiều tên gọi mới(11). Tên khai sinh là thành An Tôn (gắn với động An Tôn), thành Tây Đô (kinh đô nằm ở phía tây để phân biệt với kinh thành Thăng Long lúc này gọi là Đông Đô ở phía đông), thành Tây Nhai - Tây Giai (mang tên một làng ở phía tây thành là Tây Nhai/ Giai), Thành nhà Hồ (tên gọi sau Cách mạng tháng Tám 1945, xem triều Hồ là triều đại chính thống trong lịch sử).

       Một số khu đất trong thành còn lưu lại tên các kiến trúc xưa: Thành Nội, góc Ngục, đội Đèn, ao Vôi, ao Tắm voi, ao Vàng, ao Gạo... Hoặc nơi đây còn lưu lại địa danh là Bến Ngự, bởi vì vào những năm Tây Đô còn là quốc đô, chính trên đoạn sông Mã thuộc vùng đất này cũng đã xuất hiện hai địa danh cùng gọi là “Bến Ngự” (Bến thuyền dành riêng cho vua).

       Đáng chú ý là việc tái lập lại các làng cũ trên cố đô xưa. Các làng mới này tên gọi gắn với kinh thành như làng Tây Giai//Nhai (phố Tây), làng Đông Môn (cửa Đông), làng Xuân Giai (cửa Nam) đã được tạo lập.

Cổng Nam di sản

       Xét ở góc độ địa chính trị thì sự kiện xây thành Tây Đô chính là bước ngoặt làm thay đổi diện mạo vùng đất này. Sự biến chuyển vùng đất Tây Đô không chỉ diễn ra trong thời điểm là kinh đô của đất nước cuối Trần và Hồ, mà còn là bước khởi đầu cho những chuyển biến sau đó. Tuy nhiên, do thời gian ngắn nên chưa đủ để tạo dựng và giữ lại những dấu vết của một đô thị cổ nhưng dấu ấn của một kinh đô và ảnh hưởng của nó trong cả quá trình lịch sử lâu dài. Tên gọi một số làng cổ và các địa danh còn lưu lại trên vùng đất cố đô liên quan đến vương triều Hồ và kinh thành Tây Đô là cơ sở để khẳng định các giá trị của toà thành và nét đặc sắc của không gian văn hóa Tây Đô.

3. Di sản làng cổ khu vực Thành nhà Hồ

       Quá trình xây dựng kinh thành Tây Đô cùng những cải cách của Hồ Quý Ly đã làm thay đổi kết cấu hạ tầng, cấu trúc hành chính và tạo ra những nhu cầu mới kích thích sự phát triển mọi mặt của vùng đất kinh kỳ. Có thể ban đầu việc chọn An Tôn để xây thành và dựng đô, Hồ Quý Ly đặc biệt coi trọng mục đích quân sự, nhưng khi đã trở thành kinh đô, vùng đất này không chỉ là một tòa thành quân sự mà từ một làng quê đã dần dần trở thành đô thị, một trung tâm của trấn Thanh Đô(12).

       Vây bọc bốn cửa của tòa thành là các làng cổ có lịch sử hàng trăm năm. Theo kết quả công bố của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ thì khu vực tòa thành hiện có 17 làng cổ và được phân bố ở 7 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Lộc. Trong đó, 14 làng cổ thuộc vùng đệm và 3 làng cổ vùng phụ cận di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ(13). Các làng thuộc vùng đệm như làng Tây Giai, Xuân Giai và Thổ Phụ (xã Vĩnh Tiến); Đông Môn và làng Trác (xã Vĩnh Long); Cao Mật, Nhân Lộ và Hà Lương (thị trấn Vĩnh Lộc); Cổ Điệp, làng Xoài và Bái Xuân (xã Vĩnh Phúc); Cẩm Hoàng (xã Vĩnh Quang); Yên Tôn Thượng và Thọ Đồn (xã Vĩnh Yên) và 3 làng phụ cận là Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng) và làng Bồng Hạ, Bồng Trung (xã Minh Tân).

       Từ khi xây dựng thành An Tôn, nhà Hồ cho xây dựng các đường phố, chợ và đặt phố phường. Các làng cổ sát các cổng Thành nhà Hồ như Tây Giai, Xuân Giai và Đông Môn vốn là các phố phường của kinh đô: Phố Tây Nhai/ Giai- phường Lan Nhai (tức phố Tây/ cửa Tây); Đông Môn (phố Đông/ cửa Đông) và phố Hoa Nhai (tức Xuân Giai/ cửa Nam). Đất của làng Tây Giai, Đông Môn và Xuân Giai, trước kia là đất của động An Tôn, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc).

       Các làng Xuân Giai, Tây Giai và Đông Môn đều có thời là phường. Cụm dân cư Cồn Xấm được gọi là Vạn Ninh Phường, dân phường chuyển từ nghề nông sang nghề buôn bán và thợ thủ công. Các làng này không chỉ là những chứng nhân sinh động cho lịch sử hình thành, tồn tại của Thành nhà Hồ mà còn là quần thể di sản vệ tinh, góp phần tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc và đa dạng của không gian văn hóa thế giới.

        Tây Giai (xã Vĩnh Tiến) là ngôi làng cổ nằm ở phía Tây (cửa Tây) gắn liền với sự ra đời của Thành nhà Hồ. Cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly đã cho xây thành, dời đô đến “địa phận thôn An Tôn, làng Tây Giai, phủ Quảng Hóa”(14) nên tên gọi của tòa thành cũng gắn với thôn An Tôn (thành An Tôn) và làng Tây Giai (thành Tây Giai).

        Phường Lan Giai/ phố Tây Giai có chợ kinh đô (chợ Tây Giai). Nhiều dòng họ, thợ thủ công và dân buôn bán đã tụ tập về sinh sống. Thời kỳ thuộc Minh, thành Tây Đô trở thành nơi chiếm đóng của quân Minh, phố Tây Nhai dân buôn bán và thợ thủ công đã lánh nạn đi nơi khác. Số còn lại chủ yếu là dân làm ruộng, làng Tây Nhai ra đời. Sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, đất nước thái bình, các dòng họ nhiều nơi lần lượt đến sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất làng Tây Giai.

       Đông Môn là một làng cổ nằm sát tường thành phía đông (cửa Đông) Thành nhà Hồ. Cũng như Tây Giai, đây là ngôi làng cổ gắn liền với sự ra đời của toà thành năm 1397. Làng được hình thành do quá trình Hồ Quý Ly xây thành, dời đô. Khi thành lập làng, Đông Môn là nơi cư trú của thợ xây thành thuộc khu đất ngoại thành phía đông. Từ “cụm dân cư gồm những người đi phu làm thợ đào hào, xây thành, đắp lũy, làm gạch đã trở thành phường nghề” (sau là làng Đồng Môn)(15).

        Thời kỳ Minh thuộc (1407- 1427), dân làng Đông Môn phiêu tán và nơi đây đã trở thành trại lính của quân Minh. Thời kỳ Nam - Bắc triều, khu vực thành Tây Đô là chiến trường của cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc. Thời kỳ Lê Trung Hưng, Vĩnh Lộc trở thành đất “phát tích” của chúa Trịnh, nên triều đình đã cho khẩn hoang, phục hồi kinh tế. Làng Đông Môn đã trở thành trang ấp của họ Trịnh nhưng lại giao cho quan đại thần họ Vũ tên là Vũ Khắc Minh cai quản, nên ông đã chiêu nạp dân chúng khai phá đất đai và lập xóm làng.

        Cũng như làng Tây Giai và Đông Môn, Xuân Giai là làng cổ nằm ở phía nam Thành nhà Hồ, có lịch sử lâu đời và gắn liền với sự ra đời của Kinh thành Tây Đô. Khẳng định điều này hiện làng Xuân Giai còn lưu truyền câu hát cổ: (“Xuân Giai ở đất vua Hồ/ Trai thanh, gái lịch Kinh đô rõ ràng”)
Vốn là đất kinh đô cũ, nên Hoa Nhai/ Xuân Giai hiện vẫn còn lưu giữ một số di sản văn hóa liên quan đến việc xây thành, dời đô và Kinh thành Tây Đô.

        Lịch sử Thành nhà Hồ gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Tây Đô. Hơn 6 thế kỷ đã trôi qua, mặc dù Kinh thành Tây Đô chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn (1398-1407), nhưng việc xây thành, dời đô đã tác động không nhỏ đến sự hình thành các làng cổ trên vùng đất này. Sự ra đời và tái lập làng trên vùng đất kinh đô xưa là cả một quá trình lâu dài và mang nhưng đặc trưng riêng biệt. Các làng cổ nơi đây được hình thành vốn không chỉ có nguồn gốc từ các phường nghề thủ công và trung tâm buôn bán mà còn là các làng quê nông nghiệp.

        Ngoài các làng cổ được tái lập từ các phố phường như làng Tây Giai, Đông Môn và Xuân Giai thì trong khu vực đệm của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ còn có các làng cổ như làng Trác, Cổ Điệp, Bái Xuân, Cao Mật, Cầm Hoàng, Yên Tôn Thượng, Thọ Đồn, Thổ Phụ, Nhân Lộ, Hà Lương và làng Sòi.
 Bái Xuân là làng cổ (thuộc xã Vĩnh Phúc ngày nay) cách Thành nhà Hồ khoảng 2km về phía đông nam. Tương truyền được biết, làng vốn là nơi trồng hoa phục vụ triều đình nên có tên gọi là làng Bái Xuân Hoa.

        Làng Cẩm Hoàng (trước thuộc tổng Quan Hoàng huyện Cẩm Thủy, nay thuộc xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc) có nguồn gốc từ hai làng Giáp Hạ và Thái Thôn. Sau đó, hai làng này được sáp nhập lại thành làng Cẩm Hoàng ở phía bắc kinh thành. Đây là một trong số các làng cổ thuộc vùng đệm của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

        Làng Thọ Đồn (xã Vĩnh Yên) thời kỳ kinh đô được gọi là Thọ Sơn trang. Đây là nơi tập luyện và doanh trại của quân lính. Thọ Sơn trang ở phía tây kinh thành, bên cạnh sông Mã, cách Thành nhà Hồ khoảng 2km về phía tây nam. Sau khi nhà Hồ bị thất bại trước cuộc xâm lược của nhà Minh, binh lính giải ngũ đã ở lại làm ăn sinh sống và lập làng. Làng Thọ Đồn hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích có liên quan đến kinh thành Tây Đô và trung tâm quân sự thời Hồ.
 Làng Hà Lương (trước thuộc xã Vĩnh Thành, nay là thị trấn Vĩnh Lộc), cách Thành nhà Hồ khoảng 3,5km về phía tây nam(16). Đây là quê hương của danh tướng Trần Khát Chân. Quá trình hình thành và phát triển làng Hà Lương gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử như khởi nghĩa của Trịnh Khả và công cuộc xây thành, dời đô.

       Làng Cao Mật (thị trấn Vĩnh Lộc) cách Thành nhà Hồ 2,5km về hướng nam(17). Thời nhà Hồ, vùng đất này thuộc khu vực hành chính kinh đô nên được gọi là phường Cao Mật. Đến thời Nguyễn, làng Cao Mật thuộc tổng Cao Mật, phủ Quảng Hóa.

        Làng Nhân Lộ (thị trấn Vĩnh Lộc), có tên khai sinh là làng Giò(18). Làng Nhân Lộ cách Thành nhà Hồ khoảng 2,5km về phía tây nam và hiện còn lưu giữ nhiều địa danh đến vương triều Hồ và Kinh thành Tây Đô. Thế kỷ XIX, khi phủ lỵ chuyển về Nhân Lộ, vùng đất này đã trở thành trung tâm của phủ lỵ Quảng Hóa và thu hút nhiều cư dân đến làm ăn sinh sống.

        Làng Thổ Phụ (xã Vĩnh Tiến), nằm bên bờ sông Mã và cách Thành nhà Hồ khoảng 2km về phía tây nam. Làng còn có tên gọi là Thổ Sơn trang hay thôn Thổ Sơn. Đầu thế kỷ XX đổi tên là Thổ Phụ. Thời điểm lập làng vào khoảng thế kỷ XII và họ Bùi là dòng họ đến vùng đất này đầu tiên.

        Làng Trác (xã Vĩnh Long) còn có tên gọi là Bèo Thôn. Ngôi làng nằm ở hữu sông Bưởi, cách Thành nhà Hồ khoảng 2,5km về phía đông nam. Từ tây bắc đến đông nam của làng Trác được bao bọc bởi sông Bưởi. Căn cứ vào các di vật khảo cổ học được phát hiện ở núi Trác, núi Bèo và theo truyền thuyết dân gian thì làng Trác là một địa hạt quần cư từ thời văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay hơn 2000 năm.

        Làng Cổ Điệp (xã Vĩnh Phúc) còn có tên là Cổ Đới, cách Thành nhà Hồ khoảng 2km về phía đông nam. Làng Cổ Điệp nằm trên một quả đồi thấp, bên bờ hữu sông Bưởi. Làng có có lịch sử lâu đời gắn liền với sự ra đời của Thành nhà Hồ.

        Làng Xoài (xã Vĩnh Phúc), dân địa phương gọi là làng Sòi, cách Thành nhà Hồ khoảng 1,8km về phía đông nam. Đây là làng cổ, có lịch sử lâu đời, gắn liền với sự ra đời của Thành nhà Hồ. Làng Xoài nằm ở khu vực La Thành. Đoạn thành Đại La (thành đắp bằng đất) ở Vĩnh Phúc có chiều dài 1km được đắp từ khu vực Ba Gò (giáp ranh thị trấn Vĩnh Lộc) chạy qua các cánh đồng của làng Bái Xuân, làng Đồng Minh đến Cống Điên làng Xoài. Và từ phía trên làng Xoài, thành Đại La được đắp nối với núi làng Bèo (Vĩnh Long).

       Hai bên bờ sông Bưởi thuộc làng Xoài hiện còn nhiều dấu tích là nơi đậu thuyền, bãi đóng thuyền thời Hồ. Những bãi đóng thuyền này rộng khoảng 500m2 nằm sát bờ sông, có chỗ đào sâu xuống làm nơi hạ thủy nối liền với sông. Dấu tích của bãi đóng thuyền thấp hơn mặt đá xung quanh khoảng 2m, hiện tại là những ruộng trồng lúa. Sách Vĩnh Lộc huyện chí đã ghi: “Xét sông Bưởi hai bên bờ xưa kia triều Hồ cho người đào nhiều âu thuyền để thuyền dừng đậu nghỉ ngơi, nay di chỉ vẫn còn thuộc hai bên bờ, không thể tính bao nhiều cái”(19).

        Làng Yên Tôn Thượng (xã Vĩnh Yên), cách Thành nhà Hồ 2,5km về phía tây bắc. Trước đây, Yên Tôn Thượng thuộc đất Kẻ Don. Kẻ Don hiện là đất 3 làng: Yên Tôn Thượng, Phù Lưu và Yên Tôn Hạ nên còn gọi là đất Ba Don. Làng Yên Tôn dựa lưng vào núi An Tôn và mặt hướng ra sông Mã. An Tôn được gọi theo tên động/ núi An Tôn. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đổi là làng Yên Tôn Thượng.

        Không chỉ là kinh đô đất nước, Tây Đô còn là đất “phát tích” của chúa Trịnh. Sự hiện diện của thành Tây Đô cùng các di sản kiến trúc thời Lê - Trịnh đã tác động làm biến đổi, tạo nên nét đặc sắc của các làng cổ trên vùng đất này. Một trong số đó, các làng Bồng không chỉ là ngôi làng cổ gắn liền với sự ra đời của Thành nhà Hồ mà còn là đất “quý hương” của chúa Trịnh nên còn hiện hữu nơi đây rất nhiều di sản liên quan đến thời kỳ Lê - Trịnh.

       Để xây dựng một toà thành lớn, Hồ Quý Ly đã huy động nhân công ở nhiều nơi, song lực lượng chính vẫn là dân địa phương và các vùng phụ cận. Do nhu cầu xây thành, dân cư đã tụ họp về đây đông đúc. Nhiều người trong số này đã ở lại vùng kinh đô để sinh cơ lập nghiệp. Tiêu biểu cho các làng mới được thành lập theo phương thức này là các làng ở vùng đất Ngã Ba Bông.

        Đồng thời với việc tái lập làng thì để phục vụ nhu cầu xây dựng kinh đô mới, cùng với hiện tượng dân địa phương bị di dời và một số làng bị xoá tên thì một số làng mới lại được hình thành và phát triển. Đây là các làng được hình thành từ hai nguồn; di dân trong vùng và dân từ nơi khác đến định cư. Việc thành lập các làng vùng đất ngã ba sông (Ngã Ba Bông), nơi sông Mã phân nhánh sông Lèn là những bằng chứng khẳng định điều này. Điển hình cho số các làng mới này là các làng Bồng (Bồng Thượng, Bồng Hạ và Bồng Trung).

       Theo gia phả họ Mai thì nhiều người của huyện Nga Sơn đã tham gia xây thành An Tôn. Sau khi xong việc, họ không về quê mà đến vùng đất Ngã Ba Bông lập nghiệp hình thành làng cùng với việc xây thành. Theo điều tra của tác giả Nguyễn Văn Thành thì việc lập làng Bồng Trung gắn liền với vai trò của các cụ già ở huyện Nga Sơn, khi đi tiếp tế cho con cháu xây dựng kinh đô mới ở An Tôn đã nhận thấy mảnh đất giữa hai làng Biện Thượng và Biện Hạ thuộc tả ngạn sông Mã còn hoang vắng nhưng màu mỡ đã tự động khai hoang, làm lán trại rồi làm nhà, lúc đầu để làm chỗ gần tiếp tế sau là lấy chỗ làm ăn(20). Nơi “đất lành chim đậu”, dần dần làng Bồng có nhiều người đến sinh sống, hình thành một xóm nhỏ. Ban đầu, xóm nhỏ được gọi là phường Biện Đà thuộc xóm Đông xã Biện Thượng (Biện Đà là đất gắn với bến và sông). Cùng với thời gian, làng Bồng trở nên đông vui no đủ, đời sống văn hóa phát triển. Thế lực của các họ trong làng ngày một lớn, nhiều người trở thành văn quan, võ tướng triều đình. Sau này, làng Bồng còn là đất quý hương của chúa Trịnh. Xứ Thanh có câu ca dao: “Voi ngựa về Bồng Báo” phản ánh phần nào cảnh phú quý, thịnh vượng của mảnh đất này.

        Gia phả các dòng họ định cư sớm ở vùng đất Bồng cho biết: Các làng Bồng được tạo dựng vào khoảng thế kỉ XIV và được tái lập vào đầu triều Lê. Ba làng Bồng (Bồng Thượng, Bồng Hạ và Bồng Trung) trước đây gọi là làng Đông Biện. Đến thời vua Tự Đức nhà Nguyễn đổi tên gộp thành tổng (tổng Biện Thượng). Tổng Biện Thượng có 9 xã, thôn, vạn gồm: Biện Thượng, Đông Biện, Biện Hạ, Mai Vực, Đa Bút, Bản Thủy, Thọ Lộc, Kim Sơn và Vạn Biện Thượng) và đổi tên Biện Thượng thành Bồng Thượng. Năm 1885, vua Hàm Nghi cho đổi Biện Hạ thành Bồng Hạ, Đông Biện thành Bồng Trung và tổng Biện Thượng đổi thành tổng Bồng Thượng.

       Vùng đất Bồng/ Đông Biện xưa nay là 3 làng; Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng), Bồng Hạ và Bồng Trung (xã Minh Tân).

        Làng Bồng Thượng xưa có tên là Biện Thượng hay còn gọi là làng Báo. Đây là một làng cổ có lịch sử phát triển lâu đời, dân cư đông đúc và nằm sát bên bờ sông Mã dưới chân núi Hùng Lĩnh.

        Làng Bồng Trung trước thuộc đất Đông Biện nay thuộc xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Làng Bồng Trung nằm trên thềm phù sa cổ và bên bờ bắc của sông Mã. Gia phả các dòng họ làng Bồng Trung cho biết buổi mới lập làng ngoài số dân từ Bồng Thượng tách ra và cư dân vùng ven biển Nga Sơn còn có sự tham góp của cư dân các huyện khác như Hà Trung (trước đó là Tống Sơn) và Thọ Xuân, thậm chí cả dân ở vùng xa đến như tỉnh Hải Dương.

        Làng Bồng Hạ trước thuộc vùng đất Đông Biện. Vùng đất này nằm trên thềm phù sa cổ của sông Mã; phía đông, tây và bắc là đồi núi bao bọc, phía nam là sông Mã. Hằng năm, sông Mã bồi đắp nên đồng ruộng ở đây một lượng phù sa tương đối lớn, nhất là hoạt động giao lưu buôn bán ở đây có từ rất sớm.

       Như vậy, trong không gian di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, di tích Thành Nội có vị trí trung tâm và các làng cổ quanh thành đóng vai trò là di sản văn hóa vệ tinh. Đây là nơi hội tụ đủ các loại hình di sản văn hóa có liên quan đến Kinh thành Tây Đô và vương triều Hồ. Cùng với biến động thăng trầm của lịch sử Thành nhà Hồ là những tác động đối với vùng đất Tây Đô. Nếu như việc xây thành An Tôn và dời đô (năm 1397) đã làm biến đổi vùng đất Vĩnh Ninh với những làng quê thuần nông trở thành kinh đô và xuất hiện các phố phường thì sự kiện nhà Hồ bị thất bại trước cuộc xâm lược của nhà Minh (năm 1407) đã làm mất vai trò kinh đô. Và, từ các phố phường kinh đô là các làng quê nông nghiệp lại được tái lập. Thành nhà Hồ trở thành di sản văn hóa nhân loại, chắc chắn cũng sẽ làm thay đổi diện mạo của vùng quê thuần nông, đặc biệt là các làng cổ nơi đây.

 Kết luận

       Có thể khẳng định sự kiện xây thành và dời đô cuối thế kỷ XIV là bước ngoặt làm biến đổi diện mạo các làng xã trên vùng đất cố đô - Tây Đô. Sự biến chuyển làng xã Tây Đô không chỉ diễn ra trong thời điểm là kinh đô của đất nước cuối Trần và Hồ, mà còn là bước khởi đầu cho những chuyển biến sau đó. Thời gian tồn tại với tư cách là kinh đô chưa đầy 10 năm (1398 - 1407) nhưng với các vùng đất khác của của xứ Thanh, Tây Đô hiện là một trong những không gian văn hóa có những đặc trưng riêng biệt.

       Mặc dù đã trải qua những biến đổi, nhưng cấu trúc và đặc điểm của các làng xã quanh thành Tây Đô cho đến nay vẫn còn những dấu ấn của một thời là kinh đô. Do tính chất đa dạng của điều kiện tự nhiên; vị trí trung tâm giao tiếp của thời kỳ là kinh đô và đất “phát tích”chúa Trịnh nên các làng cổ nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét chung của làng quê truyền thống Việt Nam. Sự hiện hữu của các làng cổ ở Tây Đô là những minh chứng cho sự phát triển và vị thế của vùng đất đã từng là kinh đô - cố đô phong kiến trong dòng chảy lịch sử - văn hóa khu vực.

       Di sản làng cổ không những trở thành địa điểm kết nối của các tour du lịch Thành nhà Hồ và quần thể di tích vệ tinh mà còn là sự liên kết các loại hình di sản văn hóa tương đồng. Do đó, để lưu giữ “hình bóng nguyên sơ” của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và phục dựng lại bức tranh về kinh thành Tây Đô thì cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản còn tồn tại, đồng thời cũng cần phải phục dựng và tái tạo được các di sản đã bị phá hủy, mai một của các làng cổ nơi đây. Đặc biệt là các làng sát cổng Đông, Tây và Nam thành như Đông Môn, Tây Giai và Xuân Giai. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ gắn với quảng bá và phát triển du lịch di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ hiện là một vấn đề khoa học có vai trò quan trọng trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Chú thích:

(1). Xem thêm Nguyễn Thị Thúy (2007), “Thành Tây Đô - Những ẩn số cần giải mã”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 10 (91), Hà Nội, tr.68-71.
(2) Nguyễn Thị Thúy (2020), Không gian di sản văn hóa thế giới thành Tây Đô từ cuối thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XIX, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.61.
(3). Nguyễn Thị Thúy (2019), “The world culture heritage space of Họ dynasty citadel in Vietnam (a case study of three Bong Villages)”, Sylwan journal (Poland),163(10), pp.5.
(4). Trước đó, làng Đa Bút thuộc xã Vĩnh Tân. Cuối năm 2019, xã Vĩnh Tân và xã Vĩnh Minh sáp nhập thành xã Minh Tân.
(5).Phạm Văn Đấu (2004), Phác thảo lịch sử kinh tế Thanh Hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.47.
(6). Đại Việt Sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.190.
(7) Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2011), Thành nhà Hồ - Thanh Hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.11.
(8). Việt sử thông giám cương mục (1960), tập 7, Nxb Văn - Sử - Địa, Hà Nội, tr.26.
(9).Theo tư liệu truyền miệng ở Vĩnh Lộc cho biết: Hồ Quý Ly nuôi rất nhiều voi để chuyên chở vật liệu xây dựng thành và dùng vào việc quân sự. Có một lần vì trông giữ không cẩn thận, quản tượng đã để một số voi ra phá phách ruộng màu của làng Thắng Hào, dân làng đánh què một con voi. Quản tượng cùng tuần phái nhà Hồ thấy voi bị què đã kiếm cớ sách nhiễu và bị dân làng đánh chết một tuần phái. Hồ Quý Ly tức giận đã ra lệnh đốt phá làng. Dân làng Thắng Hào phiêu bạt. Bây giờ chỉ còn lại làng An Tôn.
(10). Phan Huy Chú (1990), Hoàng Việt dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.148.
(11). Nguyễn Thị Thúy (2014), Thành Tây Đô - Di sản văn hóa thế giới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.205- 212.
(12). Nguyễn Thị Thúy (2007), “Thành Tây Đô và những biến đổi của vùng đất Vĩnh Lộc xưa”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 (377), Hà Nội, tr.64-65.
(13). Nguyễn Thị Thúy (2014), “Thực trạng và giải pháp bảo tồn làng cổ khu vực Thành nhà Hồ”, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, Thanh Hóa, tr.15.
(14). Loui Bezacier (1954), L’art Viet Namien (Nghệ thuật Việt Nam), E’ditions de L’union francaise 3, Rue Blaise- Desgoffe, Pariis- vi, Bản dịch, Lưu tại Viện Bảo tàng Việt Nam, tr.83.
(15). Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ xã Vĩnh Phúc (2011), Lịch sử xã Vĩnh Phúc, Nxb Thanh Hóa, tr.35- 37.
(16), (17), (18). Đây là các làng thuộc xã Vĩnh Thành. Từ năm 2019 xã Vĩnh Thành sáp nhập vào thị trấn Vĩnh Lộc.
(19). Lưu Công Đạo (2012), Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí, bản dịch, Nxb Thanh Hóa, tr.49-50.
(20). Nguyễn Văn Thành (1997), “Làng Bồng Trung”. Trong Cội nguồn. In tại Bộ Lao động và Thương binh - Xã hội, Hà Nội, tr.217.

Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Thị Thúy - Trường Đại học Hồng Đức

Trích từ tạp chí Thanh Hóa Xưa & Nay

Tập 22 (5/2022)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm