Thành Nhà Hồ, 27/04/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 5

    Hôm nay: 82

    Đã truy cập: 1013569

THÀNH NHÀ HỒ TRONG TIẾN TRÌNH VĂN MINH ĐẠI VIỆT

Thành Nhà Hồ là tên thường gọi của tòa thành bằng đá còn khá nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Thăng Long xưa 150 km về phía Nam.

      Người ta còn gọi đây là thành An Tôn, theo tên động An Tôn vào cuối thời Trần, “thành Tây Đô” khi đây là kinh đô của nước Đại Việt (1397-1400) và Đại Ngu (1400-1407); “thành Phủ Thanh Hoá” do nhà Minh đặt sau khi chiếm Đại Việt, “Tây kinh” khi nhà Lê trả lại vị trí kinh thành cho Thăng Long và đổi tên là Đông Kinh. Thành cũng được gọi là Thạch Thành vì được xây toàn bằng đá, “thành Tây Giai” vì thành thuộc thôn Tây Giai (Phạm Xuân Huyên 1992). Ngày nay, người ta có thể theo quốc lộ 1A từ Hà Nội tới thành phố Thanh Hóa, rồi theo tỉnh lộ số 45 để tới thành nhà Hồ. Xưa kia, bằng đường thủy, có thể từ biển theo sông Lèn hay sông Mã vào hoặc từ các huyện miền núi Quan Hóa, Bá Thước cũng theo sông này xuôi xuống.

       Lịch sử ra đời của thành nhà Hồ gắn chặt với những biến cố trọng đại của lịch sử Việt Nam vào cuối thế kỷ XIV. Lúc này mô hình nhà nước quân chủ quý tộc Phật giáo thời Trần đang ngày càng lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, sản xuất bị đình đốn, nông dân lệ thuộc bị bần cùng hóa, khởi nghĩa nông dân nổ ra, nguy cơ ngoại xâm rình rập cả từ phía nam lẫn phía bắc. Để cứu nguy đất nước và tiến hành triệt để các cải cách đổi mới đất nước, đại thần của nhà Trần là Hồ Quý Ly, với trọng trách là Phụ chính Thái sư nhiếp chính, đã quyết định xây dựng kinh đô mới ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).

       Đại Việt sử ký toàn thư(thế kỷ XV-XVIII) chép:

       “Đinh Sửu, [Quang Thái] năm thứ 10 [1397], (Minh Hồng Vũ năm thứ 30). Mùa xuân, tháng giêng sai Lại bộ Thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn Xã Tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất” (ĐVSKTT 1998: 190).

       Các bộ sử thời sau như “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thì Sĩ thời Tây Sơn (ĐVSKTB 1997: 502), “Việt sử thông giám cương mục”, thời Nguyễn (VSTGCM 1960: 26) đều chép về sự kiện này.

       Tháng 3 năm 1398, Hồ Quý Ly đã cho chuyển đô từ Thăng Long vào kinh đô mới, trấn Thanh Hóa được đổi tên là trấn Thanh Đô. Năm 1400, Hồ Quý Ly đăng quang, lập nên triều đại Hồ, thành nhà Hồ trở thành quốc đô, nước Đại Việt được đổi tên thành Đại Ngu. Cũng trong năm này, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, tự xưng là thượng hoàng. Hồ Hán Thươngtiếp tục các chính sách cải cách đất nước về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng củng cố kinh thành, mở mang đường sá… Đến năm 1407, cùng với sự thất bại trong việc chống lại cuộc xâm lược của nhà Minh, thành nhà Hồ thất thủ, cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cùng triều đình Đại Ngu bị quân nhà Minh bắt. Kể từ đó, thành Nhà Hồ không còn vai trò là kinh đô nữa.

       Ngày nay, sau hơn 600 năm thăng trầm của lịch sử, tòa thành vẫn hiện diện uy nghi với các tường thành và cửa thành bằng đá sừng sững. Hồ Quý Ly đã chọn được một kiến trúc sư thiên tài là Đỗ Tĩnh, để tính toán xây dựng nên một công trình vĩ đại, trong một cảnh quan đẹp đẽ, được lựa chọn hết sức tài tình, đảm bảo thể hiện đầy đủ nhất những yếu tố phong thủy cho một kinh thành của bậc đế vương.

       Tòa thành được xây dựng giữa một vùng đồng bằng trung du rộng lớn và bằng phẳng, có diện tích khoảng 10.000 ha, được sông Mã (Lỗi Giang) bao bọc ở phía Tây-Nam và sông Bưởi uốn quanh ở phía Đông-Bắc. Xung quanh thành là các cánh đồng trồng lúa và hoa màu, điểm xuyết các làng xóm trù phú còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa tinh thần và vật chất. Dân cư tập trung nhất ở gần các cửa thành, trong các thôn làng mà tên gọi còn gợi nhắc đến các kiến trúc liên hệ với kinh thành khi xưa, như làng Đông Môn, làng Tây Giai và thôn Xuân Giai, cũng gọi là Hòe Nhai hay Hoa Nhai. Phía ngoài những cánh đồng này là các quả núi đứng riêng lẻ hoặc thành dãy có nhiều ngọn, được thành tạo từ hàng triệu năm trước, được chọn làm những yếu tố phong thủy của tòa thành. Phía bắc có những dãy núi đá trùng điệp, ngọn cao nhất là núi Voi (Tượng sơn); phía nam có núi Đốn Sơn (còn gọi là núi Đún), phía Đông có núi Chó Đen (Hắc Khuyển) và sông Bưởi bao bọc bên ngoài, phía Tây được che chở bởi dãy núi An Tôn và sông Mã. Sông Bưởi hợp dòng với sông Mã ở phía nam núi Đốn Sơn. Xa hơn ở vòng ngoài, có nhiều dãy núi đá vôi tạo thành vòng cung bao bọc. Vị thế như vậy, đã được một sử gia ở thế kỷ XIX là Đặng Xuân Bảng so sánh với Thăng Long:

...Bình thời thì đóng đô ở Thăng Long, lúc có biến loạn thì đi vào Thanh Hóa, phủ Yên Trường thành ra nơi căn bản trọng địa 300 năm. Bởi vì đất Thanh Hóa có núi ngăn, có biển cản, đồng cao, đồng trũng liên tiếp với nhau, mà huyện Thụy Nguyên lại là chỗ xung yếu có cả núi lẫn bể... Hơn nữa, nơi ấy hình thế vững vàng, lắm của nhiều người, lấp đường Tam Điệp, núi Thiết Giáp thì chẹn được đường quân ngoài đi vào, thu thóc Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Đô thì đủ lương được vài ba năm. Đời Tiền Lê giữ nơi ấy để chống quân Minh thì quân Minh phải thua, đánh nhà Mạc thì nhà Mạc bị bắt. Không phải chỉ vì các vị có nhiều tài lược mà cũng là nhờ địa hiểm vậy. Cho nên nói về mặt đô hội thì Thanh Hóa không rộng rãi bằng Thăng Long, mà nói về mặt hình thế thì Thăng Long không hiểm cố bằng Thanh Hóa. Cho nên lập đô dựng nước, ngoài Thăng Long ra có lẽ không đâu hợp hơn Thanh Hóa” (1997: 286-7).

Một kinh thành được quy hoạch và thiết kế độc đáo

Cổng Nam di sản

       Thành Nhà Hồ hiện còn nguyên vẹn cấu trúc của một kinh thành kiểu phương đông điển hình, lại thể hiện những nét độc đáo của kiến trúc đô thành Việt Nam vào cuối thế kỷ 14. Thành Nội hình vuông với bốn bức tường xây bằng những khối đá khổng lồ phía ngoài và một lũy đất kiên cố bên trong. Một hào nước rộng bao quanh bốn mặt thành, nay đã bị điền đầy, chỉ còn sót lại vài đoạn có nước và những cánh ruộng trũng xung quanh. Bốn cửa thành hình vòm cuốn đồ sộ, được mở ra ở chính giữa bốn tường thành, với cửa thành phía nam có ba lối vào. Một đường trục chính chạy từ cửa bắc xuống cửa nam và tiếp tục kéo dài bằng con đường Hoa Nhai, dài tới 3 km, để nối với Núi Đún, nơi có đàn Nam Giao (đàn tế Trời). Điểm lý thú là đường trục này nằm theo một hướng lệch về phía Tây gần 45º. Theo đó, tòa thành cũng có các góc vuông quay theo các hướng chính Bắc - Nam - Đông - Tây, chứ không phải là các mặt thành như thường thấy trong truyền thống kinh thành Đông phương. Người kiến trúc sư đã có một sáng tạo tuyệt vời như vậy, để chọn được núi Thổ Tượng phía bắc làm hậu chẩm, núi Đún phía nam làm Tiền án. Núi An Tôn phía tây, núi Hắc Khuyển phía đông cùng với sông Mã và sông Bưởi, tạo nên một hình thế che đỡ, vây bọc cho tòa thành ở vị trí trung tâm.

       Sử sách còn ghi lại, trong nội thành có nhiều công trình kiến trúc quan trọng như điện Hoàng Nguyên (nơi nhà vua ngự triều); cung Nhân Thọ (nơi ở của Thượng Hoàng), Đông Cung (nơi ở của Thái Tử), cung Phù Cực (nơi ở của Hoàng Hậu), Đông Thái miếu (nơi thờ tổ họ Hồ), Tây Thái miếu (nơi thờ họ ngoại là Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông), đàn Xã Tắc… Nối giữa các công trình này là những con đường lát đá (ĐVSKTT 1998: 197, 200, 201, 205; Phan Huy Chú 2006: 43). Núi Thọ Kỳ, hồ Dục Tượng, hồ Dục Thúy, hồ Bán Nguyệt, hồ Bơi Chải được đào trong khuôn viên các cung điện, góp phần tô điểm cho các kiến trúc, nay vẫn để lại nhiều dấu vết (Lưu Công Đạo 1816: 76; Nguyễn Thị Thúy 2009: 111).

       Theo năm tháng, cung điện, lầu gác không còn nữa. Sau khí khảo sát hiện trạng các di tích ở thành nhà Hồ, L. Bezacier đã ghi lại:

       “Những công trình xây dựng, cung điện, dinh thự khác nhau bằng gỗ bên trong thành trước đây đã hoàn toàn biến mất trên mặt đất. Tuy nhiên, có điều rất thú vị lưu ý rằng các khoảnh ruộng lúa đã trồng lên các nền móng cũ của các bức tường. Khi quan sát trên máy bay còn thấy rõ sự nhô lên trên nền đất các cửa, hình dáng chung của các dinh thự, nền và lối đi rất rõ nét…” (1954: 84).

       Các kết quả khai quật khảo cổ học đã bước đầu làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc, đặc biệt là dấu vết con đường hoàng gia, nối thành nội với đàn tế Nam Giao (Tống Trung Tín 2008). Nơi xưa kia là nền điện chính, ngày nay còn tìm thấy dấu tích các nền gạch lát, móng trụ đất trộn gạch và ngói vỡ đầm nát, móng trụ đất sét nện sỏi, lớp gạch ngói vỡ, nền lát gạch vuông, đường cống thoát nước, chân tảng hoa sen… cùng với vô số mảnh vỡ và hiện vật thuộc các loại vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ sành gia dụng và đồ kim loại (Hán Văn Khẩn/Đặng Hồng Sơn 2005). Cách đó không xa, một đôi rồng đá vẫn còn hiện diện. Chắc chắn xưa kia chúng phải được đặt hai bên bậc thềm bước lên một tòa kiến trúc quan trọng.

Giếng vua trong khuôn viên đàn tế Nam Giao

       Về phía nam thành, một đàn tế Nam Giao uy nghi, rộng lớn được xây dựng trên sườn núi Đún phía nam. Đây là nơi tế trời, một trong những nghi lễ quan trọng của một kinh thành Phương đông, nhằm cầu mong cho đất nước thịnh vượng, vương triều bền lâu. Kết quả của các cuộc khai quật từ năm 2004 đến nay đã bộc lộ hầu như toàn bộ một đàn tế có nền móng còn tương đối nguyên vẹn nhất trong số các đàn Nam Giao được biết đến ở Việt Nam. Những công trình kiến trúc được xây dựng trên bốn bậc nền đàn, đăng đối ở hai bên một trục thần đạo. Thần đạo dẫn lên cao dần qua các cấp nền tới lưng chừng núi, nơi có viên đàn, được xác định là trung tâm đàn tế. Hình dáng của ba vòng tường vây quanh toàn bộ khu đàn và sự có mặt của Giếng Vua ở góc đông nam cho thấy đàn tế Nam Giao Thành Nhà Hồ chia xẻ những nét chung với đàn Nam Giao Nam Kinh (Trung Quốc). Nhưng thiết kế kiểu bậc cấp cao dần và đường thần đạo theo hướng Tây Bắc - Đông Nam là những yếu tố khác biệt và độc đáo của đàn Nam Giao Thanh Hóa.

       Trong lòng đàn tế còn tìm thấy dấu tích của hàng chục nền móng của các kiến trúc, 8 cửa, dấu tích đường đi và dấu tích của hơn 21 cống nước được xây dựng và bố trí hết sức khoa học nhằm đảm bảo cho việc tiêu thoát nước cho một công trình kiến trúc có diện tích rộng hàng chục nghìn mét vuông. Góc đông nam phát hiện một giếng nước lớn sâu 4,90 m, có phần trên hình vuông (13 x 13 m), xây thành các bậc dật cấp thu nhỏ dần xuống đáy. Các bậc được kè bằng đá khối không định hình. Phần dưới (lòng giếng) hình phễu, đường kính rộng nhất khoảng 6,50m.

       Bao bọc và bảo vệ cho toàn bộ kinh thành là một vòng thành, gọi là La Thành. Người Việt Nam tích lũy nhiều kinh nghiệm đắp thành lũy. Từ Cổ Loa kinh đô đầu tiên, đắp lũy đất nối các gò đồi thành nhiều vòng thành xoáy trôn ốc, đến kinh thành Hoa Lư, nối các núi đá với nhau bằng các đoạn thành đất; và kinh đô Thăng Long với Đại La thành, đắp lũy đất dựa theo hình thế tự nhiên, vừa là công trình quân sự, lại là những đoạn đê ngăn dòng lũ sông Hồng. Kế thừa tất cả những kinh nghiệm đó, La Thành của Tây Đô được tạo nên bằng những lũy đất nối các đồi núi làm thành, mượn sông làm hào, lại cho trồng thêm tre gai để tăng cường khả năng phòng thủ (ĐVSKTT 1998). Một vòng La thành hùng vĩ dài tới gần 30 km đã được xây dựng theo cách đó để ôm trọn cả kinh thành rộng lớn.
Tư tưởng của bậc quân vương và tài năng của nhà thiết kế đã tạo nên một bức tranh phong thủy tuyệt đẹp, kết hợp các yếu tố thiên nhiên của sông và núi với trí tuệ và bàn tay khéo léo của con người, sáng tạo nên một tòa thành độc đáo có một không hai trong khu vực.

Kĩ thuật xây dựng

       Kĩ thuật xây dựng các công trình kiến trúc và hào lũy của thành nhà Hồ kế thừa tinh hoa truyền thống của cha ông, đặc biệt là việc xây dựng các kiến trúc khung gỗ, lợp ngói của thời kì Lý - Trần. Vì vậy, người ta có thể nhận thấy rất nhiều nét gần gũi với các kiến trúc ở Thăng Long. Tuy nhiên, các công trình kiến trúc của thành nhà Hồ cho thấy một bước đột phá trong việc sử dụng các khối đá lớn vào việc xây dựng tường thành nội và việc sử dụng các loại vật liệu rất đa dạng và linh hoạt cho các công trình kiến trúc khác như Nam Giao và La Thành.

       Tường Thành Nội cho thấy một sự kết hợp rất tài tình các kiến thức xây dựng của cả Đông Á và Đông Nam Á lẫn các kinh nghiệm của người Việt. Từ bên ngoài, có thể thấy toàn bộ các bức tường của tòa thành được xây bằng các khối đá khổng lồ, có hình khối chữ nhật hoặc gần vuông, xếp không trùng mạch theo hình chữ “I”. Trên thực tế, tường thành được cấu tạo bởi ba lớp gắn kết chặt chẽ với nhau bằng một kỹ thuật xây dựng đặc biệt:

       Lớp ngoài được xây dựng bằng “những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách tài tình” (Bezacier 1954: 86). Tất cả các khối đá xây được đẽo gọt công phu thành các khối vuông thành sắc cạnh, với kích thước trung bình 2,2 x 1,5 x 1,2 m, cá biệt có khối có kích thước tới 4,2 x 1,7 x 1,5 m và 5,1 x 1 x 1,2 m. Những khối đá lớn nhất nặng tới khoảng 26,7 tấn (Kikuchi Seiichi 2005: 17). Nhìn từ mặt ngoài từng khối đá này được lắp ghép chồng khít lên nhau theo phương thẳng đứng, hơi thu nhỏ phía trên, kiểu “thượng thu, hạ thách”, rõ nhất là ở các điểm bắt góc của thành. Chân móng tường được kè bằng các khối đá tảng lớn, chìa rộng hơn tường thành. Bên dưới lại được đầm nện chặt bằng các lớp đất sét trộn sỏi và đá dăm, dày ít nhất là 70 cm, như có thể quan sát trong một hố khai quật năm 2008 ở Cửa Nam (Tống Trung Tín 2008: 19). Ở bên trong, các khối đá này được chèn nối tiếp kiểu “nanh sấu”, liên kết chặt chẽ với nhau bằng các khớp, ăn sâu vào trong lõi tường tới khoảng 4 m. Đá dăm trộn chất kết dính được đổ đầy vào các khoảng trống của những khối đá này. Như vậy, các khối đá liên kết với nhau rất chắc chắn theo chiều ngang và chiều dọc, giữa lớp trong và lớp ngoài bằng khớp; giữa lớp trên với lớp dưới bằng sức nặng. Lớp giữa (lõi tường) được đắp bằng các khối đá rời tự nhiên, chèn ốp bên trong theo từng lớp đá bên ngoài. Lớp trong là lũy đất đắp bằng đất sét trộn cát sỏi, nện kỹ từng lớp, có độ dốc thoải dần vào phía trong thành. Cứ dày khoảng 60-70 cm lại có một lớp cát mỏng trộn với sỏi. Phía trên mặt thành được xây thêm bằng gạch và có thể có những ụ bắn (ĐVSKTT 1998: 205; Nguyễn Thị Thúy 2009: 86-7).

       Ngày nay, có thể thấy được mặt thành còn rộng chừng 4-5 m, thoải dần vào phía trong. Tại một điểm ở thành phía Đông, độ dày đo được dưới chân tường thành là 21,36 m. Các kết quả nghiên cứu cho thấy để xây dựng tòa thành đá khổng lồ, người xưa đã sáng tạo một loạt biện pháp liên hoàn, vận trù vô cùng khoa học: Từ việc khai thác đến việc gia công các khối đá lớn; xây dựng đường vận chuyển đá, sáng tạo hệ thống băng truyền gồm các viên bi đá và các con lăn; kỹ thuật nâng các khối đá khổng lồ từ mặt đất xây cao dần lên tới độ cao trên 10 m, căn chỉnh ngay ngắn sao cho đảm bảo cả yêu cầu kỹ thuật quân sự lẫn yêu cầu thẩm mỹ, đảm bảo độ chuẩn xác cao.

       Đá được khai thác từ các mỏ núi đá vôi vô tận ở quanh thành như Đốn Sơn (Vĩnh Thành), núi Hắc Khuyển (Vĩnh Long), núi Song Tượng (Vĩnh Yên) và đặc biệt là núi An Tôn, nơi khảo cổ học đã phát hiện một công trình khai thác đá rộng lớn (Nguyễn Xuân Toán/Nguyễn Văn Long 2012: 296-7). Các khối đá được gia công, chế tác tại chỗ rồi vận chuyển theo cả đường sông và đường bộ, được chứng thực bằng dấu tích con đường Cống Đá có nền đường được đầm nện phẳng ở phía tây thành, nối với Bến Đá bên bờ sông Mã. Trên các con đường bộ, người thợ đã tạo ra hệ thống ‘băng chuyền thủ công’ là các bi đá và các con lăn bằng gỗ, kết hợp với sức kéo, sức đẩy, sức tì ép của người, kết hợp với sức kéo trâu, voi… Hàng ngàn viên bi đá các cỡ (kích thước 10-30cm) thu được ở quanh thành là chứng tích xác thực của ‘dây chuyền công nghệ’ đó. Trên các ‘băng chuyền’ này, đá được nhích chuyển từng bước, từng bước một cách kiên trì, bền bỉ về nơi xây dựng. Tại vị trí xây dựng, để nâng các khối đá chồng xếp theo phương thẳng đứng, người ta tiếp tục sử dụng kỹ thuật ‘băng chuyền’ như trên và các lớp lũy đất có chiều thoai thoải ở phía trong để nâng dần các khối đá lên cao. Để tiện việc xây xếp, người ta đã tính toán để các viên lớn xếp ở dưới, các viên nhỏ xếp ở trên. Có thể việc đào hào đã được tiến hành đồng thời với việc xây dựng lũy đất và tường đá ở đây. Các ‘kỹ sư’ xây dựng thời Trần-Hồ có thể đã tính toán và cho tiến hành đào hào thành lấy đất, kết hợp với các loại cát sỏi, đá dăm để đắp lũy đất. Khi lũy đất đã dần dần hình thành thì việc xây dựng lớp tường đá cũng bắt đầu. Chính lớp lũy đất ở mặt trong sẽ là các “bậc thang” kết hợp với các ‘băng chuyền’ chuyển đá nói trên nâng dần các khối đá lớn lên cao. Để hoàn chỉnh công trình này, con số ước tính hơn 100,000 m3 đất đã được đào đắp, hơn 20,000m3 đá, trong đó có nhiều khối đá nặng trên 20 tấn đã được khai thác, vận chuyển và lắp đặt (Nguyễn Thị Thúy 2009: 70).

       Các cửa thành là những tác phẩm đặc sắc của kĩ thuật xếp đá, có độ chính xác cao, tạo nên nét đặc sắc của tòa thành. Các cửa đều được xây theo kiểu vòm cuốn. Bên dưới đặt những khối đá lớn làm nền, các khối đá hình chữ nhật xếp bên trên tạo thành thân cửa. Phần vòm cửa được xây bằng các viên đá được chế tác hình múi bưởi (hay hình nêm), tạo nên phần vòm cuốn hình bán viên. Trong khi ba cửa khác chỉ có một vòm, Cửa Nam được xây dựng lớn nhất, mở ba vòm cửa.

       Vòm giữa cao 8,5m, rộng 5,85m hai vòm bên cao 7,8m, rộng 5,45 và 5,47m. Dấu vết hèm cửa, cối cửa cho thấy có thể các cánh cửa gỗ lớn đã được sử dụng.

       Trên nóc các vòm cuốn, còn dấu tích một mặt nền rộng 14m, dài 33m. Dấu vết hệ thống lỗ chốt cắm lan can và 5 lỗ chân cột được đục sâu xuống mặt nền, cùng với nhiều di vật kiến trúc như gạch, ngói, các trang trí bằng đất nung và đá phát hiện trong các hố khai quật cho thấy bên trên cửa đá có một kiến trúc kiểu “vọng lâu” có kết cấu khung gỗ lợp ngói. Dấu vết vọng lâu cũng còn được nhận thấy trên nóc Cửa Bắc (Đỗ Văn Ninh 1983: 84; Kikuchi Seiichi 2005; Tống Trung Tín 2011: 44).

       Các kĩ thuật xây dựng độc đáo còn được nhận thấy ở khu phức hợp di tích Đàn Nam Giao, được Hồ Hán Thương cho xây dựng vào tháng 8 năm 1402. Trong khu vực có diện tích khoảng 1,5ha, chiều Đông-Tây khoảng 120m, Bắc-Nam khoảng 130m, 5 lớp nền của đàn tế được xây dựng. Nền cao nhất (nền Thượng) cao 21,70m; nền thứ 2: 20,10m; nền thứ 3: 17,30m và khu vực phụ cận cao 15,40m so với mực nước biển. Tiếp giáp khu vực này ở phía Nam là các thửa ruộng lúa thuộc cánh đồng Nam Giao có độ cao 10,5 m so với mực nước biển (Nguyễn Đăng Cường và nnk 2005). Khác với kinh đô Thăng Long - nơi nền móng chủ yếu được xây dựng bằng vật liệu đất nung, sỏi và sét - đặc điểm nổi bật của di tích đàn tế Nam Giao trong kỹ thuật xây dựng là việc sử dụng vật liệu đá, gồm hai loại đá vôi và đá phiến cho nhiều mục đích khác nhau: kè móng, xây tường, làm cống, lát nền... Đáng chú ý nhất là kỹ thuật xây tường. Các bức tường cao khoảng hơn 2m, có phần chân móng bè rộng tới 2-2,50m, với hai hàng đá phiến mỏng kè đứng (hay gọi là kè chặn) hai bên để tránh trôi trượt. Tiếp theo là lớp đá phiến kích cỡ không đều, kè vát xiên bên ngoài chân tường. Tường được cấu tạo có dạng hình thang. Phần dưới chân tường rộng 1,50m, được ghép bằng những khối đá to, mặt phẳng quay ra ngoài, các khoảng trống được nhồi thêm đất sét. Phần trên thu hẹp dần, được ghép bằng các khối đá nhỏ hơn. Phần đỉnh tường xây thêm các hàng gạch chữ nhật và có thể đã được lợp bằng ngói âm dương, ngói mũi sen và ngói mũi lá. Kĩ thuật xây dựng sử dụng các khối đá rời ở đây có nhiều nét tương đồng với kĩ thuật xây dựng của kinh thành Gyeoungju, Hàn Quốc (GNBCHS 2002).

Nghệ thuật trang trí kiến trúc ở Tây Đô

       Cùng với những sáng tạo mới trong quy hoạch đô thị và kĩ thuật xây dựng, nghệ thuật trang trí kiến trúc ở Tây Đô phát triển những yếu tố mới, trên cơ sở kế thừa truyền thống nghệ thuật ở Thăng Long thời Lý - Trần. Lối trang trí diềm mái kiến trúc với các đầu ngói ống trang trí hình rồng cuộn, gắn thêm các lá đề cân xứng in hình đôi rồng chầu; các khối tượng rồng, phượng và các hình lá đề lệch trên bờ nóc kiến trúc, tượng uyên ương trang trí trên bờ dải… vẫn tiếp tục truyền thống Thăng Long. Tuy nhiên, có thể thấy kĩ thuật in khuôn chiếm đa số, các chi tiết chạm tỉa thêm bằng tay giảm tới mức tối thiểu. Đặc biệt, có sự nở rộ của hình thức trang trí trên gạch ốp, với mô típ chủ đạo là hình rồng vờn cầu lửa trong khung, có diềm trang trí băng hoa sen, hoa cúc uốn lượn hình sin. Các mô típ hoa mai, hoa mẫu đơn hay hoa dây, đôi khi được tráng men xanh, cũng rất được ưa chuộng. Đây là bước khởi đầu cho sự phát triển của phong cách nghệ thuật trang trí thời Lê ở Thăng Long.

Giá trị lịch sử và văn hóa

       Với những dấu tích còn lại, Thành Nhà Hồ là biểu hiện vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ, phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa phương Đông. Đó là việc lấy kiến trúc để thể hiện tư tưởng vương quyền theo kiểu Đông Á và ý chí cải cách theo xu thế thời đại, khai thác các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, kết hợp và sáng tạo một cách tài tình tri thức xây dựng truyền thống Đông Á, Đông Nam Á và của dân tộc Việt Nam trong việc quy hoạch không gian và thiết kế các yếu tố kiến trúc của một kinh thành quân chủ tập quyền kiểu Đông phương vào cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15.

       Thành nhà Hồ ra đời vào thời khắc hệ thống đế chế được xây dựng bởi các triều đại Lý-Trần đang đi đến chỗ suy vong, không chống đỡ nổi với các nguy cơ đe dọa từ bên trong và bên ngoài. Là một người từng bước dành được quyền lực dưới triều Trần Nghệ Tông và tin tưởng vào các nguyên tắc Tân Nho giáo (hay Nho giáo thực hành), Hồ Quý Ly với tư tưởng cải cách mạnh mẽ, đã đưa ra quyết định dời đô táo bạo. Vị trí của kinh đô mới không chỉ thể hiện sự lớn mạnh về quyền lực của các dòng họ ở Thanh Hóa, mà còn là một biểu tượng của những cải cách mà Hồ Quý Ly và triều đại do ông sáng lập thực hiện trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội.

       Vị trí của tòa thành được đặt trong bối cảnh tự nhiên được lựa chọn phù hợp với các yếu tố phong thủy chính là một biểu tượng nhằm đề cao vị trí duy nhất độc tôn của nhà vua. Quy hoạch của Thành Nhà Hồ được thiết kế theo mô hình xây dựng kinh đô mang tính chất kinh điển của Trung Hoa từng được ghi trong “Khảo công ký” được cho là soạn vào thời nhà Chu (Steinhart 1990: 11, 33). Tuy nhiên, có thể thấy các nguyên tắc xây dựng kinh thành truyền thống được  kết hợp với các điều kiện thực tế, như yếu tố phòng thủ rất được quan tâm. Một yếu tố khác là việc tận dụng nguồn đá vô tận của vùng Vĩnh Lộc để xây dựng tường thành nội to lớn, có thể đã khiến cho các nhà thiết kế thấy một vòng cấm thành thường thấy là không cần thiết. Cũng như vậy, mô hình Nam Giao của Thành Nhà Hồ khá gần gũi với Nam Giao (Nam Kinh - Trung Quốc) nhưng kiểu thiết kế lại phản ánh một đặc điểm chung của nhiều ngôi đền núi thờ thần ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ví dụ rõ nhất là di sản thế giới Vạt Phu (Lào). Như vậy thành nhà Hồ rõ ràng là một sản phẩm văn hóa của thời đại, phản ánh sự kết tinh các tinh hoa văn hóa và sự giao lưu các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và nhiều quốc gia phương Đông khác.

Tường thành phía Bắc Di sản

       Trong lịch sử Việt Nam, trước và sau Thành Nhà Hồ có các kinh đô Cổ Loa (thế kỷ 3 trước CN), Hoa Lư (thế kỷ X), Thăng Long (thế kỷ XI-XIV), Thăng Long (thế kỷ XV-XVIII), Thành Hoàng Đế (cuối thế kỷ XVIII), Kinh Thành Huế (thế kỷ XIX-XX). Tất cả các tòa thành này đều chủ yếu là được xây dựng bằng đất và gạch. Không có tòa đô thành nào được xây dựng bằng vật liệu đá. Nếu có thì đá chỉ được sử dụng ở một số vị trí xung yếu nhất như chân tường thành và mép cửa thành ở Đoan Môn (Thăng Long thời Lê), thành Hà Nội (Cửa Bắc thời Nguyễn).

       Cũng theo các tư liệu hiện biết, mặc dù đá là nguyên liệu khá phổ biến trong lịch sử kiến trúc thế giới, nhưng chưa có kinh đô nào ở Đông Nam Á và Đông Á có vòng Hoàng thành được xây dựng bằng các khối đá lớn như Thành Nhà Hồ.

       Trong khi đó, Thành Nhà Hồ nổi bật lên với toà thành nội bằng đá lớn chắc chắn, uy nghiêm, cho thấy sức mạnh tổ chức, huy động nhân lực và khả năng sáng tạo đáng khâm phục trong quy trình khai thác, chế tác, vận chuyển, nâng và xếp các khối đá nặng từ 10 tấn đến 26 tấn từ mặt đất lên tới độ cao hàng chục mét. Ngoài ra, những công trình kiến trúc khác trong thành cũng đều được huy động đá vào các vị trí quan trọng nhất của kiến trúc kinh đô: đá xây bó nền, đá xây lan can thành bậc, đá chân tảng. Đồng thời, nhiều loại đá khác được sử dụng để xây dựng Nam Giao. Điều đó cho thấy nhiều kĩ thuật và kinh nghiệm xây dựng đa dạng đã được phát huy ở thời kỳ này.

       Các chuyên gia trong và ngoài nước khi nghiên cứu các bức tường đá Thành Nhà Hồ đều thống nhất việc đánh giá rất cao giá trị kiến trúc của thành nhà Hồ, xem đây là một kiến trúc đá hùng vĩ, một hiện tượng đột khởi ‘vô tiền khoáng hậu’ trong lịch sử kiến trúc xây dựng thành lũy kinh đô ở Việt Nam và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV. Quyền lực của một nhà nước Nho giáo mới còn được chứng thực qua việc huy động nhân dân khắp nơi trong cả nước tham gia xây dựng kinh thành, như tên hàng trăm làng xã ghi trên gạch cho biết (Đặng Hồng Sơn và nnk 2012).

       Dựa vào điều kiện thực tế để lựa chọn nguồn nguyên liệu xây thành, vào điều kiện tự nhiên để thiết kế hướng thành, vừa tránh gió tây nam nóng bức, vừa hài hòa với các yếu tố phong thủy, Hồ Quý Ly thể hiện rõ ràng là một người đi theo các nguyên tắc của Tân Nho giáo, cũng như ý chí cải cách và chấn hưng đất nước mà cha con ông đã thực hiện trong 7 năm cầm quyền ngắn ngủi. Sự nghiệp của nhà Hồ tuy chưa kịp hoàn thành do cuộc xâm lược của nhà Minh. Nhưng tư tưởng và các chính sách của nhà Hồ đã được tiếp tục thực hiện vào thời Lê Sơ, tạo nên một giai đoạn phát triển thịnh vượng của đất nước.

       Nhờ các giá trị văn hóa và lịch sử nêu trên, ngày 27/6/2011 Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí ii và tiêu chí iv:

       “Khu di sản thể hiện những sự trao đổi quan trọng các giá trị chịu ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa cho biểu tượng quyền lực trung ương tập quyền ở giai đoạn cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15. Đó là sự thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc, với sự lưu tâm tới kỹ thuật và tiếp nhận các nguyên tắc phong thủy trong quy hoạch đô thị trong bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á, khai thác tối đa môi trường xung quanh và kết hợp một cách rõ rệt các yếu tố Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á trong các công trình và cảnh quan đô thị của tài sản” (tiêu chí ii).

       “Thành nhà Hồ thể hiện nổi bật kiểu xây dựng kiến trúc theo phong cách một kinh thành Đông Nam Á mới, với các thành tựu vĩ đại về kỹ thuật công trình và việc sử dụng vật liệu đá, chế tác bằng các điều kiện khoa học và kỹ thuật có được của Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 – đầu thế kỷ 15. Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước Tân Nho giáo, cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á, sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của thành nhà Hồ so với chuẩn mực Trung Hoa” (tiêu chí iv)./.

Tham khảo:

- Bezacier, L: 1954 L’ Art Vietnamien. Paris [Vietnamese translation stored in the Vietnam National Museum of History/Bản dịch bằng tiếng Việt lưu tại tại Viện Bảo tàng Việt Nam].
- Đặng Hồng Sơn/Lê Thị Thu Trang/Nguyễn Văn Long: 2012 Về các địa danh trên gạch xây Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) [About local names on bulding bricks from Thành Nhà Hồ, Thanh Hóa]. KCH 2012 (2): 63-86.
- Đặng Xuân Bảng: 1997 Sử học bị khảo [A Historical Survey]. Hà Nội.
- Đỗ Văn Ninh: 1983 Thành cổ Việt Nam [Ancient citadels in Vietnam]. Hà Nội.
- ĐVSKTB: 1997 Đại Việt sử ký tiền biên [Preliminary History of Great Việt]. Hà Nội.
- ĐVSKTT: 1998 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II [Complete Annals of Đại Việt, vol. II]. Hà Nội.
- GNBCHS: 2002 Shilla Imperial Palace. Published by the Gyeoungju National Bureau for Cultural Heritage Studies, vol. 2 [in Korean].
- Hán Văn Khẩn/Đặng Hồng Sơn: 2005 Báo cáo khai quật lần thứ nhất di tích Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc - Thanh Hoá) [First report on the excavation at Thành Nhà Hồ site]. Tư liệu Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội [Documentation of the Department of History. Vietnam National University].
- Kikuchi Seiichi (ed.): 2005 Betonamu Kochojyo no KenKyu I - 15 seiki oujyo ato no Shisekiseibini tomonau Koukogakutekikenkyu I [Nghiên cứu thành nhà Hồ - Việt Nam - Nghiên cứu khảo cổ học và tu bổ phục hồi các di tích lịch sử Thành Nhà Hồ, Việt Nam, thế kỷ XV, tập I - Archeological research and restoration of the 15th century Citadel of the Hồ dynasty, Vietnam, vol. I]. Tokyo.
- Lưu Công Đạo: 1816 Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí [The territory of Vĩnh Lộc district in Thanh Hóa province]. Tư liệu Ban Quản lý Di tích thành nhà Hồ [Documentation of the Administration Department of thành nhà Hồ site].
- Nguyễn Đăng Cường/Nguyễn Hồng Kiên/Đỗ Quang Trọng: 2005 Khai quật khu vực di tích Đàn Nam Giao (Thanh Hóa) [Excavation of Nam Giao altar area]. NPHM 2004: 314-6.
- Nguyễn Thị Thúy: 2009    Thành Tây Đô và vùng đất Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) từ cuối thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XIX [Tây Đô citadel and the Vĩnh Lộc area, Thanh Hóa province, from the late 14th to the middle of the 19th century].Luận án Tiến sỹ Lịch sử [PhD thesis, National Library, Hanoi].
- Nguyễn Xuân Toán/Nguyễn Văn Long: 2012 Phát hiện công trường khai thác đá xây dựng thành An Tôn [The discovery of a rock exploitation site for the construction of An Ton citadel]. NPHM 2011: 296-7.
- Phạm Xuân Huyên: 1992 Những tên gọi của Thành Nhà Hồ [Names of the Hồ citadel]. Nghiên cứu lịch sử [Historical Studies] 5 (264): 71-5.
- Phan Huy Chú: 2006 Lịch triều Hiến chương loại chí, tập I [Annals of Authoritative Orders through Successive Dynasties, vol I]. Hà Nội.
- Steinhart, N. S: 1990 Chinese Imperial City Planning. Honolulu.
- Tống Trung Tín (ed.): 2008 Báo cáo khai quật khu vực Cửa Nam Thành Nhà Hồ năm 2008 [Report on the excavation in the Southern Gate area of thành nhà Hồ in 2008]. Tư liệu Viện Khảo cổ học [Documentation of the Institute of Archaeology of Vietnam, Hanoi].

Tác giả: TS. Đỗ Quang Trọng
Nguyên Giám đốc Trung tâm BTDS Thành Nhà Hồ

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm