Thành Nhà Hồ, 20/04/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 3

    Hôm nay: 76

    Đã truy cập: 1008118

HỒ QUÝ LY - NHÌN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

Hồ Quý Ly trong tiến trình lịch sử dân tộc là một nhân vật đã và đang gây nhiều tranh cãi nhất. Cho đến nay, nhiều công trình, bài viết nói đến Hồ Quý Ly cùng những đóng góp của ông cho dân tộc và những tư tưởng đổi mới mà đến nay hậu thế còn đang nghiên cứu và học hỏi.

            Nhìn từ góc nhìn văn hóa, Hồ Quý Ly có nhiều đóng góp tích cực góp phần xây dựng nền văn hóa dân tộc và cải cách, canh tân đất nước. Di sản mà ông để lại cho hậu thế ngoài những công trình kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam là những tư tưởng văn hóa có tầm ảnh hưởng lớn vượt khỏi biên giới quốc gia và thời đại lúc bấy giờ.

       Mỗi triều đại tồn tại trong lịch sử đều để lại dấu ấn của mình trong tiến trình lịch sử đó. Dẫu tồn tại trong thời gian ngắn ngủi 7 năm (1400 - 1407) nhưng triều đại nhà Hồ đã để lại cho lịch sử dân tộc với nhiều dấu ấn đậm nét về tư tưởng đổi mới, canh tân đất nước và những công trình xây dựng đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật kiến trúc Việt Nam và khu vực thời bấy giờ. Gắn liền với những dấu ấn lịch sử, văn hóa đó là Hồ Quý Ly, một trong những nhân vật cho đến nay đang để lại cho hậu thế nhiều vấn đề để bàn luận. Nhìn từ góc nhìn văn hóa, có thể khẳng định một điều rằng Hồ Quý Ly có ảnh hưởng và đóng góp lớn về mặt tư tưởng và văn hóa lúc đương thời cũng như trong tiến trình lịch sử dân tộc, điều này được thể hiện rõ nét ở 5 khía cạnh sau đây.

       1. Hồ Quý Ly có tổ tiên ở Trung Quốc nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, ông chịu ảnh hưởng tư tưởng và văn hóa Việt Nam. Trong con người Hồ Quý Ly là những tư tưởng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Quý Ly tự là Lý Nguyên, có tổ xa là Hồ Hưng Dật, vốn người Triết Giang - Trung Quốc, đến đời thứ 12 có Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại (nay thuộc Hà Trung - Thanh Hóa), làm con nuôi quan tuyên úy Lê Huấn. Vì thế dưới triều đại nhà Trần ông còn có tên khác là Lê Quý Ly. Năm 1400 ông lên ngôi hoàng đế lấy lại họ Hồ, hiệu là Thánh Nguyên, đổi tên nước là “Đại Ngu” (theo nghĩa Hán “Niềm vui, niềm an vui lớn”). Việc Hồ Quý Ly mong muốn xây dựng một đất nước cường thịnh, thái bình như thời Nghiêu Thuấn thể hiện ý thức dân tộc mạnh mẽ của ông.

        Mặc dù tổ tiên của Hồ Quý Ly ở bên ngoài đất Việt, nhưng trong tư tưởng của ông vẫn là “giang sơn đã chia, phong tục cũng khác”. Và trong con người Hồ Quý Ly luôn thường trực ý thức dân tộc một cách mạnh mẽ, điều này thể hiện trong hàng loạt dẫn chứng lịch sử. “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi:“Năm 1403, nhà Minh sai sứ sang đòi cắt trả lại đất Mộc Châu ở Lạng Sơn... Quý Ly sai Hành khiển Hoàng Hối Khanh làm cát địa sứ. Hối Khanh đem các thôn như Cổ Lâu, gồm cả thảy 59 thôn trả lại cho nhà Minh. Quý Ly trách mắng Hối Khanh tàn tệ vì trả lại đất nhiều quá. Phàm những thổ quan do nhà Minh đặt, Quý Ly đều bí mật sai thổ nhân ở đó đánh thuốc độc giết đi”[210. 3]. Ý thức dân tộc của Hồ Quý Ly được biểu hiện rất rõ ràng trong tư tưởng và hành động của ông, điều này cũng được thể hiện trong các cuộc bình định vùng đất phía Nam lúc bấy giờ khi mà quân Chiêm Thành nhiều lần đem quân đánh phá sâu vào bờ cõi Đại Việt.

       Trên bình diện tư tưởng văn hóa, Hồ Quý Ly có một ý thức và trách nhiệm rất cao đối với sự tồn vong của dân tộc, chúng ta không thể nghi ngờ về ý chí chống giặc ngoại xâm của Hồ Quý Ly trước cuộc xâm lược của nhà Minh [234. 8]. Sử cũ còn ghi lại câu nói của tướng quốc Hồ Nguyên Trừng trước cuộc kháng chiến này: “Thần không sợ đánh mà chỉ sợ lòng dân không theo thôi” và được Quý Ly “ban cho cái hộp trầu bằng vàng” [112. 3] là bằng chứng sinh động về sự phân tích, đánh giá tình hình và thực trạng xã hội, cũng như nhận thức trách nhiệm của triều đại nhà Hồ đối với sự tồn vong của dân tộc.

       2. Quá trình tham gia nhiếp chính Hồ Quý Ly để lại nhiều dấu ấn văn hóa mang đậm sắc màu dân tộc. Ông đã tiến hành canh tân đất nước trong nhiều lĩnh vực trong đó ông coi trọng việc gìn giữ và phát triển nền văn hóa. Trong những năm nắm thực quyền dưới triều đại nhà Trần, Hồ Quý Ly đã thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc. Năm 1932, Hồ Quý Ly đã soạn sách “Minh đạo” gồm 14 thiên dâng lên vua Trần, trong đó ông nghiên cứu tiếp thu có phê phán những tinh tuý của văn minh Trung Hoa qua tác phẩm nhằm vận dụng vào điều kiện thực tiễn của nước ta lúc bấy giờ. Hồ Quý Ly một mặt thừa nhận đóng góp của các nhà Tư Tưởng, các nhà văn hoá tiền bối, bên cạnh đó ông nói thẳng vào cái sai từ sự quan liêu, xa rời thực tiễn “không sát với sự việc”, “chỉ thạo cóp nhặt” của họ. Nét độc đáo ở đây là Hồ Quý Ly không bị những tư tưởng chính thống chi phối mà tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Tác phẩm thể hiện Hồ Quý Ly không thuần tuý chỉ là nhà chính trị chỉ biết văn chương, chữ nghĩa mà ngược lại ông là một người am hiểu thời cuộc, một nhà tư tưởng có tầm nhìn vượt thời đại. Chính vì vậy, đương thời vua Trần Phế Đế khi cử ông làm Bình chương sự đã ban cho Hồ Quý Ly một thanh gươm, một lá cờ đề 8 chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức” [173. 3]. Sử cũ còn ghi lại sự việc: Mùa thu năm 1402, Khi Hán Thương đổi sổ An phủ sứ lộ Thanh Hoa. Cảnh Chân dâng thư nói xin theo việc cũ của nhà Hán, mộ người nộp thóc chứa vào kho để việc phòng bị biên cương được đầy đủ. Những người nộp thóc thì hoặc là được ban tước cho, hoặc được miễn tội tuỳ theo mức độ. Quý Ly phê: “Biết được mấy chữ mà giám nói việc Hán, Đường, thực là thằng ngọng hay nói, chỉ chuốc lấy tiếng cười mà thôi!” [203. 3]. Lời phê ấy chứng tỏ Hồ Quý Ly thấu hiểu tình hình thực tế của đất nước, mọi tư tưởng phải phù hợp với thực tế, không thể áp dụng một cách máy móc tiền lệ của lịch sử vào hiện tại được. Chính vì vậy, những cải cách của Hồ Quý Ly trong thi cử, tuyển chọn quan lại bao giờ cũng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Những định hướng của ông về một nền giáo dục của đất nước là: “Tỏ rõ giáo hoá, giữ phong tục”, với những quy định cụ thể nhằm nâng cao dân trí và đào tạo nhân tài cho đất nước rất đáng ghi nhận. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên cũng phải công nhận: “Bấy giờ có chiếu lệnh này, còn gì tốt đẹp hơn thế nữa” [193. 3]. Hồ Quý Ly cũng là vị vua đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm để chấn hưng nền văn hoá của dân tộc, đưa toán vào trong các kỳ thi, cho dịch các kinh thư, thi.

       Với ý thức bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc, xây dựng bản sắc văn hóa riêng cho triều đại của mình, Hồ Quý Ly coi trọng chữ Nôm. Ông thường sử dụng chữ Nôm trong các tác phẩm của mình, “Thi nghĩa” bằng quốc âm, viết bài tựa với nội dung chủ yếu là dịch và giải nghĩa Kinh Thi bằng chữ Nôm. Bài tựa của Hồ Quý Ly trong “Thi nghĩa”, theo “Đại Việt sử ký toàn thư” là không theo khuôn phép cũ mà “phần nhiều theo ý mình” [190. 3], ông còn dịch một số tác phẩm và sáng tác thơ bằng chữ Nôm. Rõ ràng việc coi trọng chữ Nôm là coi trọng sáng tạo văn hóa của ông cha ta, việc đưa chữ Nôm ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống đã khẳng định ý thức dân tộc và quyết tâm xây dựng nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của Hồ Quý Ly. Đây cũng là tiền đề cho những tác phẩm văn học sáng tác bằng chữ Nôm ra đời và phát triển rực rỡ gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v... sau này.

       3. Di sản văn hóa mà Hồ Quý Ly để lại cho hậu thế, cho đến nay đã được nhân loại công nhận giá trị trường tồn là những công trình kiến trúc độc đáo mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc. Hai công trình thể hiện rõ nét nhất tinh hoa văn hóa Việt Nam thời bấy giờ là kinh thành Tây Đô (Thành Nhà Hồ ngày nay) và đàn tế Nam Giao.

       Thành Tây Đô hay còn gọi là Thành Nhà Hồ là trung tâm kinh thành của Việt Nam những năm cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15 và từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, thành Tây Đô trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực Bắc trung bộ Việt Nam. Giá trị văn hóa nổi bật của kinh thành Tây Đô biểu hiện trên hai tiêu chí như sau:

       Tiêu chí (ii): Thành Nhà Hồ biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng nho giáo Trung Hoa đối với một biểu hiện vương quyền tập trung ở thời kỳ cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15. Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông Á và Đông Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và đưa thêm vào các công trình và cảnh quan đô thị của mình những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á.

       Tiêu chí (iv): Thành Nhà Hồ là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc giữa một cảnh quan thiên nhiên, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của Nho giáo thực hành cuối thế kỷ 14 của Việt Nam ở một thời kỳ mà tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lý có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực. Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một Nhà nước Tân Nho giáo, cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á, và sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của Thành Nhà Hồ so với chuẩn mực Trung Hoa [73. 6].

       Ngoài việc xây dựng thành Tây Đô, để khẳng định tính chính thống của vương triều và uy quyền của Hoàng Đế, đồng thời tỏ rõ ý thức tự cường, tự tôn văn hóa dân tộc, Hồ Quý Ly đã cho lập đàn tế Nam Giao và tổ chức lễ tế giao hàng năm. Đàn tế Nam Giao Tây Đô được vương triều Hồ xây dựng và hoàn thành năm 1402, nằm trong lòng tay ngai của dãy Đốn Sơn thuộc động An Tôn, phủ Thanh Hóa lúc bấy giờ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay), đàn tế Nam Giao Tây Đô có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, kiến trúc. Cấu trúc đàn tế Nam Giao Tây Đô vừa mang các đặc điểm chung của các đàn tế Nam Giao phương Đông, vừa mang các đặc điểm riêng của Việt Nam. Điểm khác biệt đó là phần trung tâm và cao nhất của đàn tế không phải ở chính tâm của đàn mà dựa vào sườn núi.

       Đặc biệt, riêng Đàn Nam Giao Tây Đô có trục linh đạo quay theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Nền đàn trung tâm dịch hẳn về phía Tây Bắc, lớp tường đàn trong cùng có góc chạy vát chéo. Vị trí xây dựng và cách thức quy hoạch các công trình theo lối cao dần lên và dựa vào núi cho thấy sự gần gũi với Trời - Đất.

       Trong bối cảnh đó cấu trúc đàn tế Nam Giao Tây Đô thực sự độc đáo, hiếm có trong lịch sử các đàn tế ở Việt Nam nói riêng cũng như ở các quốc gia phương Đông nói chung.

       Về khía cạnh văn hóa phi vật thể, để phục vụ cho lễ tế Nam Giao, nhà Hồ cho tập Nhã Nhạc, lấy con các quan văn làm Kinh Vĩ Lang, con các quan võ làm Chỉnh Đốn Lang, cho học các điệu múa văn và võ. Nhã Nhạc trở thành nghi thức văn hóa, văn nghệ cung đình và là một trong những nghi thức không thể thiếu trong các kỳ đại lễ, quốc lễ và được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian. Nhã nhạc vừa mang tính bình dân, đại chúng lại vừa hàm chứa tính bác học sâu sa. Sau này Nhã Nhạc được các vua triều Nguyễn rất ưa chuộng và được bổ sung, phát triển lên một tầm cao mới. Thông qua lễ tế Nam Giao, nhà Hồ cho đặt lại thể thức văn hóa tế lễ và phẩm phục quan lại và dân chúng, quan nhất phẩm mặc áo mầu tía; quan nhị phẩm mặc áo mầu hồng; quan tam phẩm mặc áo mầu hồng điều; quan tứ phẩm mặc áo mầu lục; quan ngũ phẩm, lục phẩm, thất phẩm mặc áo mầu biếc; quan bát phẩm và cửu phẩm mặc áo mầu xanh; dân thường và nô tỳ dùng màu trắng. Lệ cũ trước đây theo bên Tàu, đặt ra 2 bậc lễ nghi, nhà Hồ cho làm 3 bậc lễ nghi (tiểu, trung và đại). Cứ 3 năm tổ chức một đại lễ, hai năm tổ chức một trung lễ, tiểu lễ được tổ chức hằng năm. Trong đại lễ, nhà vua ngồi xe thái bình, phía trước là 40 hình người tiền bằng gỗ mặc áo vóc cầm cờ. Có năm nhà vua đi thuyền nhỏ ở hồ Chu Tước. Thuyền được kéo bởi dây thừng làm bằng gấm vóc. Trong dịp trung lễ nhà vua ngồi trên ngai trạm trổ bách cầm. Vào dịp tiểu lễ, thiên tử chỉ ngồi ngai nhỏ.

        Như vậy về khía cạnh văn hóa vật thể cũng như văn hóa phi vật thể, việc đàn tế Nam Giao Tây Đô có những điểm tương đồng và những nét khác biệt với các đàn tế khác ở Việt Nam và các quốc gia phương đông trong cùng thời đại và trong lịch sử chứng tỏ nhà Hồ đã sớm biết kế thừa, chọn lọc tinh hoa đồng thời xây dựng bản sắc văn hóa riêng cho đất nước mình.

       4. Hồ Quý Ly thường xuyên quan tâm đến việc bảo vệ độc lập chủ quyền và lãnh thổ của dân tộc, điều này thể hiện rõ trong thơ của Hồ Quý Ly ban cho Nguyễn Ngạn Quang khi ông làm Tuyên phủ xứ vùng cực Nam lúc bấy giờ: "Biện quận Thừa tuyên tráng chí thù” (Biên quận trao quyền nhờ chí lớn). Hồ Quý Ly cũng đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội về số lượng, tổ chức, trang bị. Ông từng mơ ước xây dựng một đội quân lớn trăm vạn người đủ sức chống lại mọi cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài.

       Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, Hồ Quý Ly đã lãnh đạo quân dân nhà Hồ lúc bấy giờ kiên cường chống trả. Thất bại của cuộc kháng chiến dường như là thất bại mang tính tất yếu của lịch sử, đó là thất bại bởi lòng dân không theo. Xét một cách sâu xa, sự suy tàn của chế độ phong kiến cuối triều đại nhà Trần đã để lại “vết thương lòng” khá sâu trong cuộc sống của nhân dân thời kỳ này, việc triều đại nhà Hồ thay thế triều đại nhà Trần và thực hiện hàng loạt cải cách nhằm cứu vãn lòng tin của dân chúng dẫu có cũng không thể ngay lập tức mà xoa dịu được vết thương lòng đó. Dân chúng mất lòng tin vào triều đại nhà Hồ xét ở khía cạnh sâu xa hơn là mất lòng tin vào chính quyền phong kiến giai đoạn trước đó và hiện tại. Mặc dù chịu nhiều bất lợi của lịch sử nhưng việc lãnh đạo nhân dân kiên cường chống trả cuộc xâm lược của nhà Minh lúc bấy giờ của Hồ Quý Ly chứng tỏ trong ông tràn đầy lòng tự tôn, ý chí quật cường và tinh thần dân tộc sâu sắc. Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thất bại, Hồ Quý Ly không tự sát theo lời thỉnh cầu của Ngụy Thức khi xin Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương tự thiêu mình: “Nước đã gần mất, vương giả không nên chết vì tay người khác” [81,82. 1], Hồ Quý Ly lúc này tuổi đã 70, ở vào độ tuổi xế tà của đời người và nỗi buồn của triều đại lúc bấy giờ, Hồ Quý Ly theo tiếng gọi của cội nguồn để quân Minh áp giải về cố quốc, tổ tiên Hồ Quý Ly ở Trung quốc, có lẽ chính vì vậy nên ông muốn được trở về ở đất tổ của mình chăng?   

       5. Những tư tưởng và cải cách của Hồ Quý Ly có tầm ảnh hưởng lớn đã vượt qua biên giới quốc gia và thời đại lúc bấy giờ. Các triều đại sau này trên cơ sở tư tưởng và những cách tân của ông đã ít nhiều học tập, áp dụng vào thực tiễn lịch sử và đã thu được những thành công lớn. Nguyễn Trãi Danh nhân văn hoá thế giới, người đã từng đỗ thái học sinh tại kinh thành Tây Đô khoa Nhâm Thìn (1400). Sau mười năm cùng Lê Lợi nếm mật, nằm gai, đã đánh bại nhà Minh, trong niềm tin chiến thắng ấy một lần đi qua của biển Thần Phù (Nga Sơn), ông nhớ đến bậc tiền nhân và đã có những vần thơ ca ngợi Hồ Quý Ly dưới góc độ là anh hùng văn hóa:

“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên”.
Dịch:
“Chuyện họa phúc có thời có vận
    Anh hùng để hận mãi ngàn năm”.

       Khát vọng lớn nhất của Hồ Quý Ly là canh tân để đất nước cường thịnh và có sức mạnh để chống quân xâm lược, tiếc thay đều không thành hiện thực. Điều đó đã được sử gia phong kiến cũng như giới sử học hiện đại đã và đang phân tích, đánh giá. Không phải ngẫu nhiên mà ông được Nguyễn Trãi một nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam gọi là anh hùng (anh hùng di hận kỷ thiên niên). Và cũng không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi của Hồ Quý Ly được ghi vào Bách khoa từ điển nước ngoài như một nhà cải cách lớn của Việt Nam. Kết quả của các chính sách cải cách của vương triều Hồ chưa đạt được trọn vẹn do cuộc xâm lược của nhà Minh. Tuy nhiên nhà Lê sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, từ những tiền đề cải cách của nhà Hồ, đã xây dựng một chính thể quân chủ tập quyền trọng Nho, tạo nên một giai đoạn phồn thịnh mới của Đại Việt ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

       Tóm lại, Hồ Quý Ly trong thời gian trị vì, ông đã để lại cho hậu thế nhiều bài học và tư tưởng có giá trị. Dẫu lịch sử dân tộc vẫn còn đang bàn luận và có nhiều ý kiến trái chiều về triều đại của Hồ Quý Ly nhưng xét một cách công bằng mà nói trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình triều đại nhà Hồ đã để lại nhiều thành tựu và bài học quan trọng cho các triều đại và thế hệ sau này. Nhìn từ góc nhìn văn hóa có thể khẳng định đây là lĩnh vực mà triều đại nhà Hồ để lại thành tựu huy hoàng nhất, thành tựu này gắn liền với tên tuổi Hồ Quý Ly, người xứng đáng được xem như một anh hùng trong lĩnh vực văn hóa./.

Tác giả: PGS. Hoàng Văn Ngọc
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
CN. Lê Văn Thiệu
Trưởng phòng TC - HC

Tài liệu tham khảo
1. Phạm Văn Chấy - Trịnh Thị Hạnh, Hồ Quý Ly Hoàng đế cách tân, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội 2014.
2. Phạm Cúc, Hồ Quý Ly - nhà cải cách giáo dục tiến bộ, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 - 1992, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, viện Sử học. Trang 36 - 37.
3. Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký Toàn thư, Nxb. KHXH, Hà Nội 1973.
4. Lâm Bá Nam, Hồ Quý Ly và ý thức dân tộc, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 - 1992, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, viện Sử học. Tr 54 - 55.
5. Văn Sơn, Nguyễn Duy Sĩ, Hồ Quý Ly và canh tân đất nước, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 - 1992, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, viện Sử học. Trang 43.
6. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ - Thành Nhà Hồ - Di sản thế giới, tập 1: Giá trị nổi bật toàn cầu, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội năm 2011.
7. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ - Thành Nhà Hồ Thanh Hóa (Hồ Citadel), NXB Khoa học Xã hội Hà Nội năm 2011.
8. Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập I. NXB KHXH, 1971.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm