Thành Nhà Hồ, 20/04/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 5

    Hôm nay: 182

    Đã truy cập: 1008224

THÀNH NHÀ HỒ - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA VÀ TẦM NHÌN TƯƠNG LAI

Khu di sản Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2011.

       

Khách tham quan và chụp hình lưu niệm tại cổng Nam Di sản

       Để thực hiện tốt công tác quản lý khu di sản, ngoài các quy định của Công ước bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972, Luật Di sản văn hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành những văn bản dưới luật mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã áp dụng vào thực tiễn quản lý di sản một cách hiệu quả. Theo đó, các quy chế quản lý cụ thể được ban hành như: Quy chế bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành nhà Hồ; Quy chế quản lý hoạt động xây dựng trong khu vực lõi cũng như khu vực đệm di sản; Quy chế quản lý hoạt động tham quan du lịch... những quy chế này là căn cứ hỗ trợ đắc lực để UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý tốt khu di sản này trong thời gian qua. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chú trọng quan tâm đến việc xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý lành nghề, thạo việc đặc biệt đội ngũ hướng dẫn viên được quan tâm đào tạo bồi dưỡng, qua đó thực hiện tốt các chiến lược quản lý khu di sản. Các cán bộ được cử đi đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và trong các hội thảo, tập huấn họ đều được cử đi tham dự qua đó từng bước nâng tầm quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý khu di sản Thành nhà Hồ. Việc học hỏi kinh nghiệm quản lý của các khu di sản trong nước cũng như quốc tế, qua đó học hỏi được những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để chọn lọc và áp dụng vào điều kiện thực tiễn trong quản lý khu di sản Thành nhà Hồ.

       Công tác khai quật khảo cổ học tại khu di sản Thành nhà Hồ được chính quyền UBND tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Qua kết quả các đợt khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học, nhà quản lý đã góp phần khẳng định tính toàn vẹn, tính xác thực của di sản này qua hàng loạt kiến trúc, di tích được xuất lộ như: Hào thành Thành nhà Hồ, công trường khai thác đá cổ xây dựng Thành nhà Hồ, đàn tế Nam Giao Tây Đô…Từ kết quả của những đợt khai quật khảo cổ học UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành bảo tồn, khôi phục lại các công trình kiến trúc của di sản này.

       Xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành nhà Hồ là công tác mang tầm chiến lược, lâu dài và bền vững, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng những dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản mang tính chiến lược, lâu dài. UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Quy hoạch tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ để triển khai các dự án bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản này. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ từ các cơ quan trung ương và địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015, tạo cơ sở quan trọng cho các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể tại khu di sản thời gian tới.

       Trong khu vực lõi cũng như khu vực đệm của khu di sản có điểm đặc thù là người dân sinh sống trong khu vực di sản và phần lớn di tích trong khu di sản thuộc sở hữu của người dân. Xác định tầm quan trọng của cộng đồng địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng hàng đầu công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu mà thế hệ trước để lại. Theo đó các hình thức tuyên truyền được thực hiện khá đa dạng về hình thức như: Trao đổi mạn đàm, tọa đàm với Nhân dân, in ấn tài liệu tuyên truyền, tuyên truyền trên sóng truyền hình địa phương, thành lập đội ngũ cộng tác viên bảo tồn… việc tuyên truyền được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ và chính quyền địa phương huyện Vĩnh Lộc thực hiện thường xuyên, liên tục, qua đó đã tranh thủ được thuận lợi từ sự đồng thuận của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản thời gian qua. Để giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ luôn xác định người dân là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản. Theo đó việc phát huy giá trị khu di sản, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ luôn tạo mọi điều kiện cho người dân được hưởng lợi từ việc khai thác giá trị khu di sản, tạo cơ chế đặc thù để các hộ kinh doanh được hưởng phần trăm từ nguồn thu phí tham quan khu di sản. Nhờ vậy, Thành nhà Hồ đã huy động được sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản thời gian qua.

       Để công tác quản lý khu di sản ngày càng khoa học và đạt hiệu quả cao nhằm đáp ứng được sự thay đổi trong quá trình vận động không ngừng của xã hội cũng như con người, Thanh Hóa rất quan tâm đên công tác trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và các tri thức khoa học mới nhất. Trong những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế trên cơ sở liên kết với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu quốc gia và quốc tế như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành… đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và bảo tồn bảo tàng với nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Pháp, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ... Trên cơ sở đó đúc rút được những kinh nghiệm quý giá áp dụng vào thực tiễn quản lý khu Di sản Thành nhà Hồ.

       Bên cạnh việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm đầu tư. Theo đó, hàng loạt các hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế với các chủ đề nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của khu di sản Thành nhà Hồ đã được tổ chức. Trên cơ sở đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã xuất bản hàng loạt công trình nghiên cứu, các ấn phẩm giới thiệu và quảng bá giá trị di sản phi vật thể của vùng đất Tây Đô. Các kết quả nghiên cứu, hội thảo đã tạo cơ sở khoa học để phục dựng các di sản văn hóa phi vật thể đã bị mai một như: Các vở tuồng cổ, chèo cổ; các trích đoạn tuồng phục vụ cho lễ hội và giao lưu vặn hóa nghệ thuật; lễ tế Nam Giao... Với nỗ lực và quyết tâm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, câu lạc bộ nghệ thuật vùng di sản được thành lập cùng nhiều câu lạc bộ tuồng, chèo thuộc các thôn, xã vùng di sản ra đời, đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo tồn, phục dựng các giá trị DSVH phi vật thể tại khu di sản này; đồng thời đánh dấu bước chuyển mình quan trọng thể hiện sự phong phú và giá trị các loại hình DSVH của kinh thành Tây Đô trong chiều dài lịch sử.

       Để bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên vốn có của khu di sản, công tác bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường được quan tâm thực hiện. Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư nguồn lực con người cũng như kinh phí thực hiện nhiệm vụ này. Với nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa của di tích với cảnh quan tự nhiên vốn có của kinh thành, hệ thống núi non, sông hồ, cảnh quan thiên nhiên thuộc khu vực lõi cũng như khu vực đệm di sản được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Trên cơ sở đó, Di sản Thành nhà Hồ được bảo tồn một cách toàn vẹn từ các loại hình di sản đến cảnh quan môi trường bao quanh kinh đô này.

        Đứng vững trên quan điểm không có một sự mâu thuẫn cố hữu giữa bảo tồn và phát triển, các cấp quản lý di sản xác định việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thuộc khu di sản là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di sản, làm cho di sản sống với cộng đồng hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, góp phần giáo dục và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của Nhân dân; đồng thời quay trở lại đóng góp nguồn lực vào quá trình bảo tồn di sản. Thực tế cho thấy, ngành Du lịch Thanh Hóa trong những năm qua đã có những bước phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

       Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi Thành nhà Hồ được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới có thể khẳng định: UBND tỉnh Thanh Hóa và các cấp quản lý khu di sản này đã nỗ lực hết mình trong thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản này, trên cơ sở đó đã đóng góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, một thực tế có thể nhận thấy rõ ràng đó là việc khai thác giá trị di sản này chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, cơ sở hạ tầng trong phát triển du lịch chưa được đầu tư nhiều, những nhiệm vụ mang tính chiến lược tại di sản chưa được triển khai một cách đồng bộ, vị thế của khu di sản so với các di sản thế giới khác của Việt Nam và khu vực đang còn thấp, lượng khách đến tham quan khu di sản chưa nhiều… những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, đòi hỏi UBND tỉnh Thanh Hóa và các cấp quản lý khu di sản này phải có những giải pháp nhất định nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản này.

       Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý khu di sản Thành nhà Hồ thời gian qua, trong thời gian tới để nâng cao chất lượng công tác quản lý khu di sản, UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị quản lý cần tập trung vào các giải pháp trọng điểm như sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 cam kết chiến lược của UBND tỉnh Thanh Hóa với UNESCO

       Sau khi có những khuyến nghị từ cơ quan tư vấn về di tích (ICOMOS) của UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 3584/UBND-VX, ngày 13/6/2011 về cam kết thực hiện chiến lược bảo tồn và quản lý di sản Thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa. Nội dung cam kết tập trung thực hiện 10 nội dung cơ bản theo các khuyến nghị của ICOMOS. Có thể nói, 10 cam kết chiến lược trong công tác quản lý và bảo tồn khu di sản chính là định hướng tương lai và hoạch định lộ trình những công việc cần phải làm ngay nhằm từng bước bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản, do vậy việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện triệt để những cam kết này chính là một trong những giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tại khu di sản này. Theo đó, để thực hiện tốt 10 cam kết chiến lược với UNESCO, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cấp quản lý khu di sản này cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong quyết tâm thực hiện từng cam kết của chiến lược tổng thể.

Thứ hai, tập trung đầu tư khai quật khảo cổ học tổng thể tại khu di sản

        Ngày 29/11/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4220/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tổng thể khu di tích Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Việc phê duyệt khai quật khảo cổ học tổng thể khu di sản Thành nhà Hồ thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện việc khai quật khảo cổ học tổng thể khu di sản theo quyết định phê duyệt triển khai tương đối chậm. Hiện công tác khai quật mới chỉ thực hiện được ở khu vực Hào Thành phía nam và phía bắc khu di sản Thành nhà Hồ, khu vực Hào Thành phía đông, phía tây và phần lớn diện tích các khu vực khai quật khảo cổ học theo nội dung quyết định phê duyệt khai quật khảo cổ học tổng thể đến nay chưa được triển khai, trong khi thời gian hoàn thành khai quật tổng thể chỉ còn đến năm 2020. Do vậy trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa phải tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư để hoàn thành mục tiêu khai quật theo kế hoạch đề ra. Trong đó cần đặc biệt chú ý đến 06 bước của quy trình khai quật (Chuẩn bị mặt bằng, phương tiện vật tư khai quật; khai quật bằng phương pháp thủ công; hoàn trả mặt bằng khai quật; chỉnh lý kết quả khai quật và lập hồ sơ hiện vật; hội thảo khoa học; hệ thống kết quả khai quật và xây dựng báo cáo khoa học để phân kỳ đầu tư đảm bảo lộ trình theo kế hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến quy hoạch tổng thể khu di sản để thực hiện các hạng mục khai quật đảm bảo theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

       Đối với khu di sản Thành nhà Hồ, trong thời gian tới, để có cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì các kết quả khai quật khảo cổ học là căn cứ quan trọng để triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo. Do vậy, các kiến trúc trong khu vực di sản, đặc biệt là các kiến trúc trong khu Thành nội Thành nhà Hồ cần được chú trọng khai quật. Việc khai quật cần được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn khai quật với các dự án bảo tồn, phục dựng kiến trúc để phục vụ khai thác, phát huy giá trị khu di sản. Để thực hiện được mục tiêu, giải pháp nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa cần tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư cho khai quật khảo cổ học tổng thể khu di sản, trong đó cần chú ý các dự án dự phòng, phát sinh trong quá trình khai quật để làm sáng rõ các kiến trúc khai quật. Việc đầu tư cần tập trung, có trọng điểm, không dàn trải nhằm thực hiện dứt điểm dự án theo đúng tiến độ được phê duyệt.

Thứ ba, đầu tư thực hiện các dự án trong quy hoạch tổng thể được phê duyệt theo phân kỳ đầu tư

       Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trong quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Ngày 12/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Đây là một quyết định quan trọng tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành nhà Hồ trong thời gian tới.

       Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án, đề án bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản. Do vậy, việc triển khai thực hiện quy hoạch phải được ưu tiên hàng đầu. UBND tỉnh Thanh Hóa phải chú trọng đầu tư, coi đây là một chiến lược đầu tư lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc quyết tâm thực hiện quy hoạch phải được cụ thể hóa trong các nghị quyết tại các kỳ họp quan trọng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa. Việc phân kỳ đầu tư cũng cần phải được thực hiện một cách khoa học, việc cấp vốn đầu tư cho các dự án trong quy hoạch phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để đáp ứng tiến độ theo quy hoạch được phê duyệt. Và điều quan trọng nhất là quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc ưu tiên triển khai thực hiện quy hoạch nhằm phát triển bền vững khu di sản, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải được cụ thể hóa ở sự tăng cường đầu tư triển khai thực hiện quy hoạch trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.

Thứ tư, tăng cường đầu tư thực hiện đề án “Khai thác, phát triển du lịch DSVHTG Thành nhà Hồ” theo phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hóa

       Đề án “Khai thác, phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ” được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1967/QĐ-UBND, ngày 08/6/2016 là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện công tác khai thác, phát huy giá trị tại khu di sản Thành nhà Hồ. Về cơ bản các hạng mục dự án và nội dung nhiệm vụ tại đề án này cơ bản nằm trong danh mục các nhóm dự án đã được phê duyệt tại quy hoạch tổng thể khu di sản. Do vậy, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án này cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

       Để khai thác và phát huy giá trị khu di sản Thành nhà Hồ trong thời gian tới, việc tăng cường đầu tư cho hạ tầng du lịch đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là với một khu di tích phần nhiều còn “hoang sơ” thì sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tuyên truyền quảng bá... trong giai đoạn bước đầu lại càng đóng vai trò quan trọng. Việc triển khai thực hiện đề án “Khai thác, phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ” sẽ góp phần hiện thực hóa mục đích nêu trên. Tuy nhiên để triển khai thực hiện được đề án thì sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như sự năng động của chính quyền địa phương và các cấp quản lý khu di sản nhằm xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cho phát triển du lịch tại khu di sản đóng vai trò quan trọng. Một giải pháp quan trọng trong thực hiện đề án này là sự tập trung đầu tư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng du lịch nhằm tạo cơ sở bước đầu phát triển du lịch khu di sản. Từ năm 2016 đến nay, để triển khai thực hiện đề án, hằng năm UBND tỉnh Thanh Hóa cấp nguồn kinh phí 850 triệu đồng cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ triển khai thực hiện. Với nguồn kinh phí nêu trên, việc triển khai thực hiện đề án mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền quảng bá di sản, con số nêu trên là quá ít so với các hạng mục đề án được duyệt. Do vậy, để triển khai thực hiện đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường tập trung đầu tư kinh phí cho thực hiện đề án, đầu tư có điểm nhấn, tránh dàn trải, trong đó ưu tiên hàng đầu cho các nhóm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bến bãi phục vụ du lịch và triển khai du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa các làng cổ làm cơ sở để kết nối các dự án trong quy hoạch cũng như trong các cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi UNESCO nhằm phát huy giá trị khu di sản phục vụ đời sống xã hội đương đại.

Thứ năm, tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản

        Cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong công tác quản lý các khu di sản thế giới. Mọi hoạt động của công tác bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản thế giới phải đặt cộng đồng trong mối quan hệ hài hòa với di sản, cộng đồng phải được coi là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ việc khai thác và phát huy giá trị di sản. Để huy động được nguồn lực của cộng đồng tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới, Nhà nước phải giữ vai trò định hướng cho cộng đồng thông qua việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình, qua đó cộng đồng sẽ đóng góp sự hiểu biết của mình vào công cuộc bảo tồn và trực tiếp đóng góp công sức và tham gia giám sát chất lượng công tác bảo tồn di sản. Quá trình tương tác này sẽ tạo cơ hội để cộng đồng trực tiếp tham gia việc khai thác, phát huy giá trị các di sản để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch.

        Khu di sản Thành nhà Hồ có những đặc điểm riêng biệt những cũng có nét tương đồng với một số di sản khác trong khu vực cũng như trên thế giới đó là: có dân cư sinh sống trong các khu vực đề cử của di sản, là kinh đô của đất nước, các di tích trong khu vực di sản tồn tại đan xen cùng cộng đồng, di tích tồn tại trong sự hài hòa với cảnh quan tự nhiên… Trong công tác quản lý di sản cộng đồng đóng vai trò quan trọng và phải được coi là một thành tố quan trọng cấu thành nên hình hài di sản. Quá trình quản lý di sản phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và cộng đồng, lợi ích và sự tham gia tích cực của cộng đồng phải được coi là mục tiêu quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thứ sáu, phát huy giá trị khu di sản trên cơ sở phát triển du lịch cộng đồng gắn di sản với không gian văn hóa các làng cổ thuộc khu di sản

       Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã tích cực xây dựng các tuyến tham quan khu di sản để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Một thực tế mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được rằng khách tham quan đến với khu di sản trong một thời gian rất ngắn, chủ yếu tập trung tham quan tại khu vực phía nam di tích Thành nhà Hồ gắn với cổng Nam di sản Thành nhà Hồ và phòng trưng bày bổ sung. Các tuyến tham quan tại khu di sản được đưa ra nhưng không có tính khả thi do khoảng cách tại các điểm tham quan nằm cách xa nhau, các di tích nằm độc lập và tương đối đơn điệu về sản phẩm du lịch cũng như không có sự phong phú từ đời sống văn hóa cộng đồng tại các điểm thuộc các tuyến du lịch do Trung tâm triển khai thực hiện. Xuất phát từ thực tiễn công tác tại khu di sản này cũng như xu thế hướng về cội nguồn dân tộc trong tham quan du lịch hiện nay, tác giả bài viết nhận thấy trong thời gian trước mắt cần phát huy giá trị khu di sản Thành nhà Hồ trên cơ sở khai thác những thế mạnh từ tài nguyên văn hóa cộng đồng từ các làng cổ ở ngay cạnh di sản Thành nhà Hồ, đó chính là làng cổ Đông Môn xã Vĩnh Long và làng cổ Tây Giai xã Vĩnh Tiến huyện Vĩnh Lộc.

       Việc khai thác, phát huy giá trị khu di sản trên cơ sở những thế mạnh từ tài nguyên văn hóa cộng đồng từ các làng cổ thuộc khu phía đông và phía tây di sản sẽ khắc phục được những hạn chế do không phát huy được lợi thế từ việc khai thác thế mạnh của du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng trên cơ sở bản sắc khu vực và địa phương ở khu vực cửa Nam và cửa Bắc Thành nhà Hồ do không có cộng đồng sinh sống trong khu vực di sản. Do vậy, việc khai thác tài nguyên du lịch cộng đồng làng cổ phía đông và tây của khu di sản sẽ khắc phục được bất lợi đó, đồng thời phát huy tối đa được việc khai thác giá trị khu vực di sản Thành nhà Hồ dựa vào việc khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa của các làng cổ Đông Môn, Tây Giai khu di sản Thành nhà Hồ. Việc tổ chức khai thác, phát huy giá trị khu di sản trên cơ sở kết hợp khai thác giá trị văn hóa các làng cổ phía đông và tây khu di sản sẽ phát huy được những thế mạnh từ sự tham gia tích cực của cộng đồng là 292 hộ dân sinh sống trong khu vực lõi và những hộ dân sinh sống trên các trục đường dẫn vào di sản. Khi cộng đồng được hưởng lợi từ quá trình khai thác phát huy giá trị khu di sản, tự bản thân cộng đồng sẽ làm phong phú, đa dạng các loại hình dịch vụ để phục vụ phát huy giá trị khu di sản. Bên cạnh đó, việc khai thác, phát huy giá trị khu di sản từ cộng đồng các làng cổ thuộc khu di sản sẽ tận dụng được lợi thế sẵn có từ những tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật gắn với cộng đồng, đó là hệ thống di tích gần nhau (cửa Đông, nhà cổ làng Đông Môn, đình Đông Môn, đền bà Bình Khương và thuận lợi trong trục đường vành đai dẫn đến phòng Trưng bày bổ sung và cửa Nam khu di sản Thành nhà Hồ). Đây là tuyến thăm quan thuận lợi nhất trong việc dẫn du khách thăm quan di sản gắn với cộng đồng và các làng cổ với di sản. Ở phía tây là nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng, cửa Tây Thành nhà Hồ và đình Tây Giai cũng là tuyến tham quan du lịch trải nghiệm thuận lợi để phát huy giá trị di sản. Sức mạnh từ tài nguyên văn hóa của cư dân sống trong các làng cổ Đông Môn, Tây Giai từ những nét văn hóa truyền thống lâu đời, tính cô kết cộng đồng làng xã cao cùng những sản vật địa phương phong phú, độc đáo cũng chính là những thế mạnh sẵn có để phục vụ việc khai thác và phát huy giá trị khu di sản trong thời gian tới.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác, tranh thủ tài trợ quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị tại khu di sản

       Việc tăng cường hợp tác, tranh thủ tài trợ quốc tế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đang trở thành một trong những giải pháp quan trọng được thực hiện tại nhiều khu di sản trên thế giới cũng như trong nước. Tăng cường hợp tác, tranh thủ tài trợ quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị tại khu di sản sẽ tạo được lợi thế to lớn trong việc tận dụng được các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Kinh nghiệm tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam như Huế, Hội An cho thấy vai trò không nhỏ từ sự hợp tác và tài trợ của quốc tế cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản. Tại khu di sản Thành nhà Hồ, vấn đề hợp tác quốc tế trong những năm qua mới chỉ dừng lại ở vấn đề tham quan, nghiên cứu khoa học và trao đổi một số kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý khu di sản. Và hiện tại vẫn chưa có một dự án đầu tư từ tài trợ của các cá nhân, tổ chức quốc tế cho khu di sản này. Do vậy trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cấp quản lý khu di sản cần có những cơ chế, chính sách thích hợp nhằm tăng cường phối hợp và tranh thủ tài trợ từ các cá nhân, tổ chức quốc tế trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản này.

       UBND tỉnh Thanh Hóa cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng trong thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản. Cơ chế phải tạo được điều kiện trước mắt cũng như lâu dài cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… đầu tư trong công tác này. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá và kêu gọi sự tài trợ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động quản lý khu di sản nhằm nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản dưới nhiều hình thức khác nhau. Nghiên cứu các khả năng và giải pháp tuyên truyền, vận động quốc tế, đặc biệt là các tổ chức chuyên môn quốc tế có liên quan đến di sản như: UNESCO, ICOMOS, ICROM, IUCN… nhằm tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ của quốc tế trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản.

       Nhìn chung, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành nhà Hồ trong những năm qua đã thu được những kết quả tích cực. Điều này tạo sự thuận lợi khi triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ của công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản. Trên thực tế, hoạt động quản lý tại khu di sản Thành nhà Hồ bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý khu di sản của UNESCO cũng như các cấp quản lý ở Việt Nam, trên cơ sở đó những kinh nghiệm từ thực tiễn quản lý khu di sản này sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng giúp cho các cấp quản lý khu di sản này thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời gian tới.

Tác giả: TS. Nguyễn Bá Linh
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ
 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm