Thành Nhà Hồ, 27/04/2024

  • GIỜ THAM QUAN
    • Thời gian đóng/mở cửa
      • Mùa hè: từ 7h00 đến 17h30
      • Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00
    • Mức thu phí
      • Người lớn: 40.000đ/lượt
      • Trẻ em (từ 7-12 tuổi): 20.000đ/lượt
    • Địa chỉ liên hệ
      • Văn phòng chính của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ
      • Địa chỉ: Thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
      • Điện thoại: 02378.929.181 - 0984.766.852
      • Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 105

    Đã truy cập: 1013592

BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT ĐƯỜNG HOÀNG GIA- THÀNH NHÀ HỒ (NĂM 2021-2022)

Thực hiện Quyết định khai quật số 2924/QĐ-BVHTTDL ngày 12/11/2021 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch từ 25/11/2021 đến 30/07/2022, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành khai quật khảo cổ đường Hoàng Gia với tổng diện tích 14.000m2.

       Con đường Hoàng Gia (hay Ngự đạo) là con đường Hoàng đế đi nằm ở chính giữa Kinh đô theo trục Bắc – Nam trong quy hoạch tổng thể của các Kinh đô cổ Phương Đông. 
 
       Trong kế hoạch quản lý bảo tồn Thành Nhà Hồ. UNESCO đặc biệt chú ý việc quản lý, bảo vệ và nghiên cứu đường Hoàng Gia về các lý do sau:
       
       - Năm 2011, Thành Nhà Hồ chưa nghiên cứu xong đường Hoàng Gia
 
       - Đó là trục chính của quy hoạch tổng thể một Kinh đô
 
       - Trên trục đường Hoàng Gia này đều được xây dựng các kiến trúc trung tâm nhất, quan trọng nhất của kinh đô và đất nước.
 
       - Bởi vậy trong mục tiêu nghiên cứu năm 2021-2022, căn cứ vào kiến nghị của UNESCO và cam kết của UBND tỉnh Thanh Hoá, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ và việc khảo cổ học tập trung nghiên cứu  tiếp con đường Hoàng Gia nhằm làm rõ hiện trạng và dấu tích các cung điện được dự đoán sẽ nằm dọc theo đường Hoàng Gia.
 
       Cuộc khai quật năm nay tập trung vào khu vực trung tâm nội thành và được phân làm 2 khu: Khu A là khu vực các hố đào ở phía Bắc trục đường Đông – Tây với tổng diện tích 3.500m2, khu B là khu vực các hố đào ở phía Nam dọc đường Đông – Tây với tổng diện tích 9.500m2. Kết quả cụ thể như sau:
 
       1.  Dấu tích đường Hoàng Gia:
 
       Dấu tích đường Hoàng Gia còn lại rất rõ được kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam thành nhà Hồ, hướng Bắc - Nam (Bắc lệch Tây 400), nối thẳng về phía Nam đến di tích Nam Giao nối về phía Bắc con đường hướng vào trung tâm nội thành.
 
       Năm 2008, đã phát hiện dấu tich con đường phía ngoài cửa Nam được chia thành 3 làn: làn chính giữa cổng Nam rộng 4,8m nằm sâu hơn so với code 0 giả định  từ -1,05m đến -1,45m và hơi dốc từ Bắc xuống Nam và 2 làn đường phụ 2 bên rộng 3,1m nằm thấp hơn và song song so với làn đường giữa 13-20cm, sâu hơn so với code 0 giả định từ - 1,4m đến -1,57m, hơi dốc từ Bắc xuống Nam. Ở phía Bắc cổng Nam, con đường Hoàng Gia cũng đã xuất hiện một đoạn còn tương đối tốt, cấu trúc khác với đoạn phía Nam: Chỉ có một làn ở chính giữa.
 
       Cuộc khai quật năm nay cách cổng Nam 50m đã làm rõ địa tầng từ con đường hiện đại đến dấu tích móng, nền của con đường thời Hồ gồm ba lớp chính tương ứng với ba giai đoạn của con đường như sau:
 
       - Lớp trên cùng là dấu tích đường quốc lộ 217 hiện tại (có chiều dài 196km điểm phía Nam từ huyện Hà Trung tới cửa khẩu Na Mèo huyện Quan Sơn) chạy qua trục Chính tâm thành Nhà Hồ. Đây là phần đường được mở rộng và nằm trên dấu tích đường nhựa được xây dựng trước đó. Kết cấu đường gồm lớp đá dăm san lấp dày trung bình 30cm, và mở rộng phần đường sang 2 bên Đông Tây 1m, rộng khoảng 8m.
 
       - Lớp thứ hai (lớp giữa) là dấu tích con đường thời Pháp thuộc xây dựng năm 1937. Lớp đường này được chia thành 3 lớp nhỏ hơn theo thứ tự từ trên xuống dưới gồm:
 
       + Lớp đá dăm và bề mặt đường nhựa dày trung bình 30cm với lớp gia cố bằng đất đỏ, đá dăm vụn dày trung bình 5-10cm.
 
       + Lớp đất xám đen được đầm lèn kết hợp gạch ngói đỏ, đá phiến và các vật liệu sành sứ nhiều thời kỳ số lượng ít được san lấp từ xung quanh vun vào phía trong lòng đường.
 
       + Phía dưới cùng là các mảnh đá phiến, gạch ngói vụn được san lấp và khu vực trung tâm đường tạo gia cố, kích thước đường rộng khoảng 6m.
 
       Do nằm trực tiếp nên khu vực đường Hoàng Gia thời Hồ và khu vực nền sân kiến trúc cổ nên lớp này ở khu B xuất lộ khá nhiều mảnh gạch chữ nhật, ngói, đá phiến thời Hồ. Còn tại khu B lớp vật liệu đá phiến được thay bằng lớp gạch ngói vụn (Đa phần là gạch chữ nhật đỏ thời Trần-Hồ).
 
       - Lớp gia cố móng nền đường Hoàng Gia: tại các hố ở khu B đều cho thấy đường đã bị phá huỷ bởi các đợt đào đất làm đường năm 1937. Không thấy lớp đá xanh kè đường như ở cổng Nam. Tất cả chỉ còn lớp móng gia cố nền đường Hoàng Gia thời Hồ là lớp đất sét vàng lẫn sét đỏ đầm tạo mặt phẳng cho con đường và sân nền giữa các kiến trúc. Dày… rộng..
 
       Quá trình khai quật có thể thấy có sự khác biệt rõ rệt về vật liệu xây dựng con đường ở hai khu A, B. Tại khu A vật liệu xây dựng con đường Hoàng Gia chủ yếu là đá phiến kết hợp với gạch xây. Khu B không có vật liệu đá phiến mà chủ yếu là gạch ngói vụn trong đó  chủ yếu là gạch hình chữ nhật màu đỏ thời Hồ.
 
       Như vậy có thể nhận thấy con đường Hoàng Gia của thành Tây Đô thời Hồ chỉ còn tình trạng tốt nhất ở khu vực trước và sau cổng Nam. Đi qua cổng Nam một chút, dấu tích con đường lát đá mà sử gia Phan Huy Chú thế kỷ 19 còn nhìn thấy đã bị cuộc xây dựng con đường 217 năm 1937 phá huỷ hầu hết. Dấu tích con đường may mắn chỉ còn phần nền móng ở lớp dưới cùng. Tuy vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới nhưng vẫn có thể khẳng định điều ghi chép của Phan Huy Chú về con đường lát đá qua hiện tượng ở khu B, con đường Hoàng Gia về cơ bản được lát bằng đá phiến, còn sang khu A con đường có thể được xây xếp chủ yếu bằng gạch. 
Điều quan trọng nhất là dọc theo con đường Hoàng Gia, đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô.
       
       Trên trục đường Hoàng Gia tại các khu A, B đến năm 2022 đã xuất lộ hàng chục dấu tích kiến trúc lớn của kinh đô. Tại khu A, các kiến trúc đã xuất lộ trong các năm 2020 và 2021 với cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực Nền Vua. Các di tích kiến trúc này xuất lộ khá nhiều, phức tạp, nhiều vị trí đã bị phá huỷ. Do vậy các nhà nghiên cứu vẫn đang tập trung chỉnh lý và nghiên cứu tiếp về hình thái và chức năng. 
Tại khu B, từ cuối năm 2021 đến tháng 7/2022, cuộc khai quật cũng đã tiếp tục làm xuất lộ hai kiến trúc cổng và một cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực đang có hai thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ. 
       
       2.1. Dấu tích kiến trúc Cổng thứ nhất:
 
       Cổng thứ nhất cách cổng Nam khoảng gần 300m về phía Bắc.  
 
       Trên hiện trường, dấu tích móng kiến trúc đã xuất lộ 3 hàng cột với 6 móng cột dạng móng kép. Móng cột được gia cố bằng hệ thống vật liệu sét, sỏi đầm lèn rất kỹ và công phu. Kiến trúc chạy dài theo chiều Đông - Tây, rộng chiều Bắc - Nam, hai phía nếu khai quật mở rộng có thể có dấu tích hành lang.
Kích thước móng cột kép trung bình 3,2m x 1,5m. Kiến trúc chạy dài theo chiều Đông - Tây, rộng chiều Bắc - Nam. 
 
       Có thể kiến trúc cổng này có kết nối với kiến trúc hành lang.
 
       2.2. Dấu tích kiến trúc Cổng thứ hai:
 
       Kiến trúc Cổng thứ hai cách Cổng thứ nhất khoảng 60m về phía Bắc
 
        Trên dấu tích móng nền của kiến trúc này đang xuất lộ 05 hàng cột với 10 móng cột dạng móng kép. Kích thước móng cột trung bình 3,2m x 1,6m.
 
       2.3. Dấu tích cụm kiến trúc Con Rồng
 
       Đây là kiến trúc quan trọng xét về mặt vị trí và thực trạng quy mô khá to lớn của kiến trúc và nằm gần ở vị trí có thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ được GS.TS. Lưu Trần Tiêu dự đoán có thể nơi đây sẽ tìm thấy dấu tích Chính điện của Thành Nhà Hồ. Do nằm dưới 2 thành bậc này, nên chúng tôi tạm gọi là cụm kiến trúc Con Rồng. Cụm kiến trúc này mới chỉ khai quật được nửa phía Đông. Hiện đã xác định cụm kiến trúc này có 5 kiến trúc liên kết nối với nhau thành một cụm kiến trúc liên hoàn được bố cục như sau:
 
       - Dấu tích cụm kiến trúc trung tâm:
 
       Cụm kiến trúc trung tâm có ba  đơn nguyên kiến trúc tạm gọi là kiến trúc Nam, kiến trúc giữa và kiến trúc Bắc kết nối với nhau theo xu hướng tạo thành một mặt bằng tổng thể hình chữ Công 
 
       + Đơn nguyên kiến trúc Nam là một kiến trúc lớn nhất với các móng cột lớn dạng móng kép, được xuất lộ với bước gian và vị trí quy chuẩn, thẳng trục Chính tâm, dài trung bình 5,2m-5,4m, rộng 1,8m, bước gian 5,4m, lòng gian khoảng 7,5m là lòng gian có kích thước lớn nhất so với các kiến trúc đã xuất lộ. Kiến trúc này chạy dài theo chiều Đông - Tây, rộng Bắc – Nam. Hiện nay, hố khai quật đã xuát hiện 8 hàng móng cột, mỗi hàng có hai móng cột kép. Tuy chưa khai quật hết nhưng có thể tính toán đối xứng từ tâm kiến trúc tương ứng với tâm của con đường Hoàng gia thì có thể đoán kiến trúc này có nếu xuất hiện đầy đủ có thể có 9 gian.
 
       + Đơn nguyên kiến trúc Giữa:
 
       Phía sau của đơn nguyên kiến trúc lớn trên đây là dấu tích của một kiến trúc nhỏ hơn ở chính giữa làm nhiệm vụ kết nối kiến trúc lớn phía Nam với một kiến trúc nhỏ khác ở phía Bắc. Dấu tích kiến trúc này đã xuất lộ gồm có 3 gian, 4 vì, mỗi vì có 4 móng cột hình vuông kích thước móng cột trung bình khoảng 1,3-1,4m, bước gian cột cái là 5,4m, cột quân khoảng 2,9m.
 
       + Đơn nguyên kiến trúc Bắc: 
 
       Nối tiếp với kiến trúc giữa là dấu tích đơn nguyên kiến trúc phía Bắc. Dấu tích kiến trúc này, căn cứ vào các dấu tích đã xuất lộ và dùng phép đối xứng có thể đoán có kết cấu 9 gian như kiến trúc Nam, kích thước móng cột trung bình khoảng 1,3-1,4m, bước gian cột cái là 5,4m, cột quân khoảng 3,6m, lòng gian 4,2m.
Tổng thể cụm kiến trúc này nếu khai quật xuất lộ đầy đủ có thể có kết cấu hình chữ Công.
 
       - Dấu tích kiến trúc phía Đông
 
       Tại phía Đông của kiến trúc Nam của cụm kiến trúc trung tâm xuất hiện dấu tích kiến trúc nhỏ hơn có xu hướng nối liền kiến trúc Nam với một kiến trúc phía ngoài có thể là kiến trúc hành lang. Dấu tích kiến trúc này có kết cấu 3 gian, móng cột kép, kích thước móng cột trung bình 4,5m x 1,9m, bước gian cột cái 5,4m, cột quân 2,1m, lòng gian khoảng 7,5m.
 
       - Dấu tích kiến trúc hành lang phía Đông
 
       Đi liền với dấu tích kiến trúc phía Đông đã xuất lộ dấu tích kiến trúc có 2 hàng móng cột có thể là dấu tích hành lang đang chạy dài theo hướng Bắc - Nam
 
       Căn cứ vào tâm đường Hoàng Gia và hiện trạng cụm kiến trúc này ở phía Đông có thể đoán ở phía Tây cũng có các dấu tích kiến trúc tương tự. Nếu đúng như vậy thì cụm kiến trúc này sẽ có 3 kiến trúc trung tâm trên hình chữ Công được vây quanh bởi các kiến trúc hành lang.
 
       3. Di vật
 
       + Về vật liệu kiến trúc đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý-Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất tại Thành Nhà Hồ tương tự như các cuộc khai quật trước đây.
 
       Ngoài ra, còn phát hiện được các mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng thời Trần Hồ.
 
       + Về gốm sứ: Các hố khai quật tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ. 
 
       4. Nhận xét bước đầu 
 
       4.1. Cuộc khai quật đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng Gia trong nội thành. Trong nội thành, con đường này có lẽ chỉ có một làn đường rộng khoảng gần 5m như đã thấy xuất lộ ở gần cửa Nam. Về vật liệu xây dựng, phần nửa phía Nam sẽ được lát đá phiến, phần nửa phía Bắc sẽ được xây bằng gạch.
 
       4.2. Điều quan trọng hơn và là mục tiêu lớn nhất trong công cuộc khai quật nghiên cứu Thành Nhà Hồ là nghiên cứu con đường Hoàng Gia nhằm tìm hiểu cấu trúc tổng thể của kinh đô. Về mặt này, cuộc khai quật đã có nhiều phát hiện mới đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử. Cho đến năm 2022, các cuộc khai quật trong khu vực nội thành đã liên tiếp làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô: Dấu tích con đường Hoàng Gia, cụm kiến trúc Nền Vua, cụm kiến trúc Con Rồng, dấu tích được tương truyền là Đông Thái miếu và Tây Thái miếu.
 
       Qua đây có thể bước đầu nhận diện diện mạo đích thực của mặt bằng Thành Nhà Hồ ở khu vực trục trung tâm nội thành, trong đó:
 
       - Trục trung tâm chính là dấu tích con đường Hoàng Gia nối từ cổng Nam lên cổng Bắc.
 
       - Đi qua cổng Nam nhìn về phía bên phải có thể dấu tích đã xuất lộ là Đông Thái miếu thờ tổ tiên của nhà Hồ, Tây Thái miếu thờ tổ tiên bên ngoại của Hoàng đế Hồ Quý Ly.
 
       - Đi qua của Nam tiến vào phía trung tâm đi thẳng qua hai lớp cổng sẽ tới cụm kiến trúc Con Rồng. Đi qua cụm kiến trúc Con Rồng tiếp tục theo con đường Hoàng Gia vượt qua hai lớp cổng nữa sẽ tiếp cận với cụm kiến trúc Nền Vua. Phía sau cụm kiến trúc Nền Vua có thể còn xuất hiện nhiều kiến trúc khác mà hiện nay chưa khai quật.
 
       - Hai bên các cụm kiến trúc Trung tâm chưa có điều kiện khai quật lớn để tìm hiểu, nhưng những vị trí đã khai quật thăm dò bước đầu có thể cho phép hình dung tổng thể mặt bằng kiến trúc Thành nhà Hồ được phân bố thành nhiều lớp ngang dọc. Tất cả đều được đối xứng qua trục đường Hoàng Gia ở trung tâm.
 
       4.3. Đối với các kiến trúc đã xuất lộ trên trục đường Hoàng Gia, một yêu cầu lớn đặt ra là cần nghiên cứu vị trí và chức năng của các kiến trúc đã xuất lộ. Đây là một nhiệm vụ khó khăn khi tư liệu để lại hầu như không còn gì ngoài một vài công trình được ghi chép chung chung là Chính điện, điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực…
       
       Muốn tìm hiểu điều này đòi hỏi phải mở rộng công tác nghiên cứu tổng thể, khai quật khảo cổ học, nghiên cứu đối sánh cấu trúc của các kinh đô cổ ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đó là một nhiệm vụ lâu dài và khó khăn. Trong báo cáo tóm tắt này chúng tôi thử đưa ra một vài ví dụ so sánh:
 
       - So với kinh đô Huế: trên trục chính tâm từ cửa Ngọ Môn lên phía Bắc gồm: Cổng – điện Thái Hoà – điện Cần Chánh – điện Càn Thành – điện Khôn Thái – lầu Minh Viễn.
 
       - So với tử cấm thành thời Minh – Thanh (Trung Quốc) gồm: Cổng – Thái Hoà điện – Trung Hoà điện – Bảo Hoà điện – Càn Thanh điện – Giao Thái điện – Khôn Ninh cung – Khâm An điện. Có thể thấy, so với Huế các cung điện ở Bắc Kinh được tổ chức nhiều hơn, phức tạp hơn và có nhiều sự thay đổi về chức năng hơn theo thời gian.
 
       Tuy nhiên giữa 2 kinh đô có một vài cung điện chính không thay đổi mấy về chức năng đó là Chính điện thiết triều, nơi ở của Hoàng đế, Hoàng Hậu và nếu rút gọn lại thì tổ chức cung điện Huế khá gần tổ chức cung điện Bắc Kinh.
 
       Nếu so sánh Huế với Thăng Long thì dường như Huế có sự gần gũi nhiều hơn với Thăng Long vì cùng có cấu trúc Chính điện thiết triều, cùng có nơi vua làm việc là điện Cần Chánh. Về mặt thời gian Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ là tiếp nối sau kinh đô nhà Hồ. Kết hợp sự so sánh này với toạ độ trung tâm ở Tây Đô, các hiện tượng khảo cổ (thành bậc chạm rồng đá, ngói tráng men vàng có đầu ngói chạm rồng, kích thước móng cột lớn nhất…) có thể suy đoán có thể cụm kiến trúc Con Rồng là kiến trúc quan trọng nhất của Thành Nhà Hồ hiện nay và đó cũng là Chính điện của Tây Đô. Nếu đúng vậy, cụm kiến trúc Nền Vua có thể là nơi làm việc hằng ngày của Hoàng đế, rồi phía sau nữa mới là nơi ăn ở của Hoàng đế, Hoàng hậu.…Đó là những suy luận ban đầu. Tất cả cần chờ kết quả các cuộc khai quật tiếp theo và nghiên cứu tổng hợp.
 
       4.4. Khu Di sản được ghi danh DSTG năm 2011 trên cơ sở 2 tiêu chí nổi bật toàn cầu, trong đó có tiêu chí về giá trị kiến trúc cảnh quan vĩ đại và độc đáo bậc nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.
 
       Các cuộc khai quật trên đây đã minh chứng và làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản.
 
       5. Một vài kiến nghị: 
 
       Do giá trị to lớn của khu Di sản, kiến nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ căn cứ vào các khuyến nghị của UNESCO, căn cứ vào cam kết của UBND tỉnh Thanh Hoá, Luật Di sản Văn hoá xây dựng các kế hoạch nghiên cứu bảo tồn trong các năm tiếp theo trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Trước mắt cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích khảo cổ nhằm phát huy một cách tốt nhất giá trị của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ.
Nguồn: - ThS. Nguyễn Thắng và Đoàn Khai quật Viện Khảo Cổ Học
              - TTBTDS Thành Nhà Hồ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH NHÀ HÔ

Địa chỉ: Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Điện thoại: 02378.929.181 - Email: thanhnhahovietnam@gmail.com

Website hiện đang trong quá trình thử nghiệm